Alain Quilici, O.P., 15 Ngày Với Thánh Đa Minh (Học Viện Đa Minh, 2016).
Nguyên tác : Prier 15 jours avec Saint Dominique (Nouvelle Cité, 1999).
Dẫn nhập
Thánh Đa Minh sống vào đầu thế kỷ XIII. Khởi đầu 15 ngày sống hành trình thiêng liêng với thánh nhân, thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng một người sống trong Giáo hội vào thời Trung Cổ hẳn không có cung cách sống và suy nghĩ như chúng ta ngày nay. Bối cảnh chính trị và tôn giáo lúc bấy giờ chắc chắn khác với tình hình hiện nay, và ngay cả tâm thức con người cũng khác. Tuy vậy, vẫn có một số nét tương đồng : đó là sự nở rộ các cộng đoàn tu trì mới, sự lan rộng của Hồi giáo, sự khai sinh nhiều phong trào sử dụng Thánh kinh và đạo lý Kitô giáo nhưng không chấp nhận những đòi hỏi của Kitô giáo. Và trên tất cả, trong tâm hồn con người vẫn có những vấn đề : vấn đề đau khổ và sự chết, lòng khát khao cầu nguyện và làm thế nào để cầu nguyện cách đúng đắn, một số người khát khao tìm Thiên Chúa, trong khi một số người lại dửng dưng…
Mặc dù thánh Đa Minh cách xa chúng ta tám thế kỷ, nhưng nhân cách, cảm thức và tính năng động của ngài có liên hệ đến chúng ta. Càng biết nhiều về ngài, ta càng yêu mến ngài hơn, và cũng yêu mến các anh chị em trong Dòng của ngài. Với các anh chị em, thánh Đa Minh quả là bậc xuất chúng, anh hùng trong cầu nguyện, kiên trì trong giảng thuyết, nhiều yêu cầu với các anh em, kỹ lưỡng trong công việc, luôn luôn trên đường, không bao giờ ngơi nghỉ. Thánh Đa Minh là một vị thầy, ngài có những trực cảm sâu xa, biết kiện toàn và làm cho trực cảm ấy thành hình. Ngài luôn ân cần với những người thân cận, hướng dẫn và đồng hành với họ trong đời sống Kitô giáo. Ngài chính là vị thầy tâm linh chúng ta chạy đến xin ngài hướng dẫn trong suốt 15 ngày tĩnh tâm này.
Đa Minh chào đời khoảng năm 1170 tại Castille. Ngay từ thời niên thiếu, cậu đã có khát vọng tu trì, và được huấn luyện vững chắc về tri thức, rồi ngài gia nhập cộng đoàn giáo sĩ của Giám mục giáo phận Osma ở miền Bắc Tây Ban Nha. Lẽ ra Đa Minh sẽ mãi là thành viên và lưu lại suốt đời trong “Kinh sĩ hội” này với tư cách là phó Bề trên. Nhưng ngài đã phải cùng với vị Giám mục của mình thực hiện sứ vụ ngoại giao tại Scandinavie. Khi đi qua miền Nam nước Pháp, các ngài gặp các vị đặc sứ của Đức Giáo hoàng, từ nhiều năm nay đang cố gắng khuất phục một phong trào của những kẻ tự cho mình là Kitô hữu đích thực : những người theo phái Cathare hay Albi. Đó là một cú sốc lớn trong cuộc đời Đa Minh. Ngài sững sờ khi khám phá ra rằng có những kẻ tự xưng mình là Kitô hữu mà không nhìn nhận Thiên tính của Đức Kitô, không tôn kính thánh giá, không yêu mến Giáo hội Đức Kitô,… Cú sốc quá mạnh ấy đã khiến ngài rũ bỏ tất cả, và quyết định lưu lại vùng đất này. Ngài trú ngụ tại Fanjeaux, gần Carcassone. Ngài lưu lại đây 9 năm, giảng thuyết, cầu nguyện, tranh luận, mời gọi gặp gỡ và bàn luận, rảo khắp vùng, ban ngày rao giảng Tin Mừng và ban đêm cầu nguyện cho những người anh em của Đức Kitô đã lạc xa đức tin chân thực và đã để mình bị mê hoặc bởi lời lẽ dối trá.
Đối với Đa Minh, ơn cứu độ vĩnh cửu không phải là lời lẽ suông. Ngài thấy rằng những linh hồn này bị đày xuống địa ngục và không thể tự cứu mình. Ngài huy động mọi sức lực để cứu các linh hồn ấy. Và như thế, ơn cứu độ các linh hồn là mối bận tâm chính của ngài. Khi dẫn dắt được một số tâm hồn trở về, cha Đa Minh đã quy tụ họ lại tại một đan viện ở Prouilhe dưới chân đồi Fanjeaux. Ngài xem địa điểm này là nơi dành riêng để cầu nguyện và từ đó phát triển thành nhiều đan viện Đa Minh, với ơn gọi là cầu nguyện liên lỉ, cả ngày lẫn đêm để cầu xin ơn cứu độ cho các linh hồn và xin cho việc giảng dạy Tin Mừng tác động đến các tâm hồn.
Ít lâu sau, một số người đến sống với Đa Minh. Ngài đã quy tụ họ lại trong một căn nhà tại Toulouse của một thành viên trong nhóm và giới thiệu với Giám mục địa phương một cộng đoàn những người giảng thuyết Tin Mừng. Nhóm người này không phải là đan sĩ như các đan sĩ Xitô, vốn sống trong các đan viện để chiêm niệm và làm việc tay chân để sinh sống; họ cũng không phải là các linh mục quản xứ, vốn là những người gắn bó với một địa phương mà vào thời ấy, việc coi sóc tài sản đôi khi quan trọng hơn; họ cũng không phải là các “kinh sĩ triều” thuộc về linh mục đoàn của Giám mục (presbyterium: từ ngữ này chỉ toàn bộ các linh mục của một giáo phận quy tụ quanh Giám mục). Nhóm người của Đa Minh là những “tông đồ” hoàn toàn hiến thân cho việc giảng thuyết và sống cộng đoàn.
Sau đó, Đa Minh cùng với Giám mục Toulouse đi Rôma tham dự Công đồng Laterano IV được triệu tập tại đây. Thánh nhân cũng trình lên Đức Giáo hoàng, và Giáo hội phổ quát điều ngài đã trình cho Giám mục Toulouse. Tuy nhiên, Công đồng nhận định rằng đã có quá nhiều thể chế tu trì và cần hạn chế lại. Do đó, Đa Minh được yêu cầu về tham khảo các anh em ở Toulouse để chọn một quy luật tu trì sẵn có làm nền tảng, rồi sau đó trở lại Rôma để xin phê chuẩn.
Đa Minh và các anh em đã nhân cơ hội này chọn một Tu luật phù hợp với hứng khởi của mình, đó là Tu luật đã được thánh Âu Tinh soạn thảo thời xa xưa. Tu luật này nhằm hiện tại hóa nếp sống của các Tông đồ thời sau lễ Hiện Xuống như sách Công vụ Tông đồ thuật lại. Do đó hình thành nếp sống tông đồ –Vita apostolica– một lối sống noi theo nếp sống của cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem : “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng… Các tín hữu chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 2,42 và 4,32).
Như thế, Dòng Anh Em Giảng Thuyết được khai sinh vào khoảng cuối năm 1216, đầu năm 1217. Thánh Đa Minh dùng 4 năm tại thế còn lại (ngài qua đời vào năm 1221) để tổ chức Dòng. Dầu vậy, ngài không sao nhãng việc giảng thuyết cũng như việc cầu nguyện.
Dấu ấn thánh Đa Minh để lại cho các anh em là một con người say mê. Ngài yêu mến Chúa Kitô, sống với Chúa Kitô hằng ngày khi rong ruổi trên các nẻo đường để giảng thuyết như xưa Đức Kitô đã thực hiện, và lúc tại nhà trong cầu nguyện ban đêm như Đức Giêsu đã làm. Đó là những đêm dài trôi qua trong cầu nguyện và thánh Đa Minh không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để rao giảng Tin Mừng.
Nếu như cá nhân thánh Đa Minh không lưu lại bản văn nào, thì những người đồng thời với thánh nhân đã khôn ngoan ghi lại nhiều kỷ niệm. Chúng ta phải đọc lại các tác phẩm này.
- Khoảng năm 1233-1234, chân phước Giođanô Saxonia, người kế vị thánh Đa Minh trong vai trò lãnh đạo Dòng Giảng thuyết, đã soạn thảo một Tập sách nhỏ (Libellus), trong đó ghi lại những chi tiết quý giá về việc thành lập Dòng.
- Để tiến hành việc phong thánh cho Đa Minh vào ngày 3.7.1234, một cuộc điều tra được tổ chức, đây là cơ hội thuận tiện để nhiều anh em thuật lại những kỷ niệm của mình.
- Vào cuối thế kỷ, khoảng năm 1288, một tập sách nhỏ rất quý giá được soạn thảo: Chín cách cầu nguyện của thánh Đa Minh. Có lẽ tập sách này do các anh em tại tu viện Bologna soạn thảo dựa theo lời kể của chị Cecilia, một nữ đan sĩ Đa Minh, người đã biết nhiều về thánh Đa Minh, và qua đời lúc tuổi già.
Mục lục
- Cầu nguyện với thánh Đa Minh
- Ngày 1 : Người có tấm lòng
- Ngày 2 : Con người quyết định
- Ngày 3 : Con người đứng đầu
- Ngày 4 : Con người của Thiên Chúa
- Ngày 5 : Con người cầu nguyện
- Ngày 6 : Con người của Lời
- Ngày 7 : Con người phụng vụ
- Ngày 8 : Con người quản trị
- Ngày 9 : Con người trí tuệ
- Ngày 10 : Con người từng trải
- Ngày 11 : Con người thập giá
- Ngày 12 : Con người của Đức Mẹ
- Ngày 13 : Con người lữ hành
- Ngày 14 : Con người Giáo hội
- Ngày 15 : Một con người, một anh em, một người cha