Mục Lục
Giuse Đậu Văn Quang
TẢN MẠN
Mỗi năm cứ độ này về, các bậc phụ huynh cùng các em học sinh lại tất bật rộn ràng tri ân tới những “người lái đò”. Dường như đã thành thông lệ, yêu tố kinh tế thị trường dần đã ăn sâu vào trong học đường để biến những dịp như thế này thành “sàn diễn” của các bậc phụ huynh, những người so đọ nhau về “món quà” mà họ dành tặng cho thầy cô của con mình. Dù vậy, điều đó cũng không làm lu mờ đi ý nghĩa của nó là ghi nhận đóng góp của những người làm giáo dục, và cái chính yếu hơn, là nhắc nhớ người dạy về trách nhiệm của mình với việc “làm thầy thiên hạ”. Ngày Nhà Giáo được Liên Hợp Quốc ấn định vào 5 tháng 10 hàng năm, nhưng một số nước đều có một ngày tri ân các nhà giáo riêng cho mình. Mục đích chính là bày tỏ mối quan tâm tới cương vị của các giáo viên, vốn thiết lập quyền và nghĩa vụ của họ, đồng thời đề cao vai trò của giáo viên đối với sự phát triển của xã hội về mọi mặt.
Nói là vậy, nhưng nghề giáo viên vốn cũng không dễ dàng gì bởi dựa vào lương “chính” thì không đủ sống mà nhận lương “lậu” lại áy náy lương tâm. Lại thêm áp lực, kỳ vọng của xã hội đổ dồn vào những người không chỉ cho đi con chữ mà còn sắm vai những kẻ đi “trồng người” – tức giáo dục nhân bản, dạy cách sống cho những công dân tương lai. Cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm” ấy một phần cũng hệ tại ở cách học của nền giáo dục hiện nay khi người học không được dạy cho một phương pháp học chủ động mà hoàn toàn lệ thuộc vào giáo viên. Trong bối cảnh như vậy, một câu hỏi lớn dấy trên trong suy nghĩ của mỗi người tha thiết với việc học là: Ta phải học như thế nào và với một tâm thế ra sao? Hay nói khác đi: Ai là Thầy ta?
BA NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI
Người thầy thứ nhất là Khiêm Tốn
Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta không còn xa lạ với “người thầy” này nữa bởi đơn giản đã được nghe không dưới một lần. Khiêm tốn là một phẩm chất tốt đẹp của con người. Trong tôn giáo, khiêm tốn hay khiêm nhường là sự thừa nhận bản thân đầy bất xứng, với những sự bất toàn và yếu đuối. Khiêm nhường cũng đồng nghĩa với sự hạ thấp cái tôi để sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ. Einstein – đại diện của vật lý lý thuyết hiện đại – đã phát biểu về cái tôi và sự hiểu biết như sau: “cái tôi tỉ lệ nghịch với sự hiểu biết, hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé, hiểu biết càng bé, cái tôi càng cao.” Quả thực, lực cản lớn nhất để một người tìm kiếm tri thức đích thực vươn tới đỉnh cao của sự uyên bác chính là cái tôi kiêu ngạo của bản thân. Ở đây, khái niệm khiêm nhường học hỏi cần được hiểu là sự hạ mình để tiếp thu những gì xung quanh đem lại, bất kể hoàn cảnh hay con người. Nghĩa là, nơi người học cần có sự đổi mới về tư duy trong khi khám ra cái hay hiện diện nơi mỗi cá thể. Người thầy Khiêm tốn dạy ta tạo ra một điểm xuất phát thấp, mà ở đó, ta có thể dễ dàng quan sát mọi thứ và để tâm đến những thứ dù chỉ là nhỏ nhất – những điều mà ta dễ dàng bỏ qua nhất nhưng thường đem đến nhiều bài học quý báu nhất.
Đối với người ưa khám phá, tạo vị thế thấp cho mình đồng nghĩa với việc nhìn nhận đúng bản thân mình như mình có, nghĩa là biết mình: “Biết thì biết là mình biết, không biết tức là biết mình không biết, ấy là biết vậy.”[1]. Người biết mình thì nhìn bản chất mọi sự theo đúng hiện tượng của nó, không thiên tư, không áp đặt ý kiến chủ quan của mình vào đối tượng quan sát. Nhờ đó, người ấy có thể dễ dàng phản ánh đúng bản chất hiện tượng mang lại. Ta có thể quy chiếu điều này vào học thuyết “giảm trừ hiện tượng” của Husserl, được chấp nhận rộng rãi như sau:
[ý thức là ý thức về một cái-gì-đó-khác-với-ý-thức. Nói cách khác, bản tính của ý thức là nhắm đến (‘có ý hướng’) một cái khác. Ngay cả khi nó hướng đến chính nó trong sự phản tư, ý thức được hướng đến như là hướng đến một ‘cái khác’. Điều này được gọi là nguyên tắc của tính ý hướng. Trong ngữ cảnh này, ‘tính ý hướng’ không liên quan gì đến ‘sự chủ định, hay chủ ý’. Nó là từ ngữ kĩ thuật dùng để chỉ những hành vi tinh thần của ta: vượt ra khỏi chính mình để hướng đến cái khác.][2]
Như vậy, khiêm tốn không chỉ đơn thuần thuộc về mặt tâm linh như là cung cách thể hiện giá trị đạo đức, yếu tố này còn là khả năng vượt thoát ra khỏi cái tôi, cái bản ngã của bản thân để phản ánh sự vật mà ta hướng đến, cụ thể ở đây là lãnh vực học tập.
Người thầy thứ hai là Lắng Nghe
Sau khi đã học hỏi sự khiêm nhường từ người thầy thứ nhất, ta đến với người thầy thứ hai. Người thầy này dẫn dắt con người đến với đỉnh cao tri thức thông qua việc lắng nghe để thấu hiểu. Con người được Tạo Hóa phú bẩm cho đôi tai để lắng nghe và chỉ có một cái miệng để nói ra những suy nghĩ của mình. Ta cũng có thể làm một liên tưởng rằng, việc lắng nghe thì quan trọng hơn là phát biểu. Tại sao vậy? Đơn giản bởi vì ý thức về thế giới cần được tiếp thu trước tiên như là một chất liệu cho những phản tư của bản thân, từ đó, lời nói sẽ chỉ như một trong những đại diện cuối cùng kết thúc quá trình học hỏi ấy. Sự tiếp thu ấy quan yếu ở quan sát cũng như lắng nghe để phân tích các thông tin đầu vào trong sự so sánh với kinh nghiệm sẵn có.
Xem thêm: Bỏ cày mà đi
Trong mối tương quan với người khác, lắng nghe là bước đệm quan trọng trong việc thấu hiểu đối tượng giao tiếp. Bằng cách ấy, ta có thể thu thập nhiều thông tin liên quan đến hoàn cảnh, tâm tư tình cảm mà đối tượng muốn bày tỏ. Thông qua việc thấu hiểu, ta có sự đồng cảm nhất định trong mối tương giao với họ, đồng thời có thể giải quyết được phần nào những khó khăn của họ.
Thêm vào đó, học cách lắng nghe cũng là phương pháp để ta rèn luyện sự kiên nhẫn, thứ mà xem ra đang dần biến mất trong một thế giới vốn ưa chuộng tốc độ và lối sống nhanh. Kiên nhẫn đưa đến thái độ điềm tĩnh, thận trọng trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Đó là yếu tố then chốt khi phải đối mặt với những tình huống cấp bách, khi mà nhận thức sự thật dễ dàng bị đánh lừa bởi trực giác ban đầu. Điều đó xảy ra do trí óc có xu hướng bám víu vào những thứ mà ta thấy đầu tiên, giống như phản xạ vô thức để đưa ra một nhận định nhanh nhất có thể. Nói tóm lại, lắng nghe giúp cho con người bình tĩnh để nhìn nhận, tránh sự quy kết thiển cận có thể gây ra những hậu quả khôn lường do việc đánh giá sai lầm.
Người thầy thứ ba là Chân Thành
Nếu xem điều kiện tiếp nhận kiến thức như một phương trình cần giải thì hai yếu tố khiêm tốn và lắng nghe cộng lại sẽ tương đương với vế còn lại là sự chân thành. Về mặt ngữ nghĩa, chân thành được định nghĩa trong bộ Bát Điều Mục là “chân tâm thành ý”, một lòng chuyên nhất không thay đổi. Trong đó, ý này đứng trước “cách vật trí tri” trong hệ thống 8 điều mà Khổng Tử nêu ra (Sđd, Đại Học, tr. 8). Như vậy, muốn tu thân tề gia, an dân trị nước được thì trước hết phải làm cho mình có được cái ý thành thật; mà muốn như vậy thì cần hiểu biết thấu đáo sự vật bằng cách nghiên cứu sự vật. Nếu hiểu theo hướng ngược lại, ta cũng có thể rút ra rằng, hiểu biết sẽ dẫn đến sự chân thành trong tâm và chân thành cũng cần kíp không kém cho việc tìm hiểu thế giới xung quanh.
Có thể nói, “người thầy chân thành” dạy ta biết cách thành thật với chính mình, biết tôn trọng con người và tự nhiên đã mang đến cho ta kiến thức. Cũng từ đó, ta nhận chân được sự thật và biết đem cái đã thẩm thấu được mà đem ra giúp ích cho đời sống thực tế.
AI CŨNG LÀ THẦY TA
Trải nghiệm thực tế
Điều gì khiến những gì ta hấp thu trở nên sáo rỗng? Chính là việc thiếu đi loại phụ gia làm nên thương hiệu cuộc sống riêng của mỗi người: trải nghiệm thực tế. Thiếu đi trải nghiệm, con người thiếu đi một người thầy dạy cho họ cách trưởng thành, cách chuyển đổi những gì gọi là lý thuyết trở thành thực tiễn. Thế giới quan của thuyết duy lý vốn coi trọng việc truy tầm chân lý bằng trí tuệ và diễn dịch. Nghĩa là kiến thức chủ yếu đạt được là nhờ bẩm sinh và trí tuệ, cũng từ đó mà chân lý có thể được suy ra. Trái ngược, thuyết duy nghiệm lại đề cao việc quan sát thế giới bên ngoài như một lẽ tất yếu để đạt được chân lý[3].
Mặc dù hai học thuyết này đều có những lý lẽ của riêng mình, ta vẫn không thể phủ nhận việc quan sát và thực nghiệm sẽ dẫn đến những biến đổi căn cơ nơi quá trình nhận thức của ta, thay vì duy lý. Tất nhiên, chúng ta không thể hoàn toàn khẳng định rằng kiến thức đạt được thì không cần đến ý niệm hàn lâm, vì chính nhờ những ý niệm đã được khái quát ấy mà thực nghiệm trở nên có hệ thống và tạo thành một chân lý khách quan. Tóm lại, kiến thức hàn lâm không thể thiếu đi những trải nghiệm thực tế, thứ vốn củng cố kiến thức và làm cho kiến thức trở nên sinh động, dễ hiểu. Điều này phần nào được khẳng định nơi nguyên lý kết hợp của E. Kant: [Thoughts without [intensional] content (Inhalt) are empty (leer), intuitions without concepts are blind (blind).)] (Tạm dịch: Ý niệm không có nội dung là rỗng tuếch, trực quan không có khái niệm là mù quáng)[4].
Người mắng ta mà mắng phải là thầy ta
Ở đời không phải ai cũng lấy làm vui khi bị chê bai. Phàm là những người có học thức cao thì lại càng không thích người khác đánh giá nhận xét năng lực của mình, huống hồ là người bình thường. Ai ở trong hoàn cảnh ấy hầu như đều cảm nhận được rằng có một thứ năng lượng lớn lao như đang trỗi dậy bên trong bản thân để tìm cách phản bác lại những lời chê bai. Theo tâm lý học, điều ấy có thể được giải thích bằng một thuật ngữ gọi là cơ chế tự vệ tâm lý (Defense Mechanisms). Cơ chế đó được nhà Phân tâm học Sigmund Freud đề xướng vào thế kỷ XIX và được con gái Anna Freud của ông tiếp nối, với định nghĩa: “nguồn lực vô thức mà bản ngã sử dụng để cuối cùng giảm thiểu sự căng thẳng nội tại” (“unconscious resources used by the ego” to decrease internal stress ultimately).[5]
Có thể thấy rằng, cơ chế tự vệ là một hành động vô thức xảy ra nơi tâm lý con người. Nếu xét theo nghĩa tự nhiên, đó là phản xạ vô điều kiện tốt nhằm tránh khỏi sự xung đột tâm lý. Nhưng xét theo hành vi, đó chưa chắc là một phản xạ tốt bởi điều đó đang vô tình ngăn trở ta tiến đến sự nhận thức đúng đắn. Sở dĩ nói như vậy là vì cơ chế ấy hoạt động bất kể cái đầu vào được tiếp nhận là gì. Nghĩa là không cần biết tốt xấu, mọi thứ đến thì nó tự động được kích hoạt. Như vậy, ngăn trở lớn nhất của việc tiếp nhận những ý kiến trái chiều chính là cái cơ chế phòng vệ xảy ra trong vô thức của ta. Nói cách khác, đó là rào cản mang tên bản ngã, cái tôi mà ta cần vượt qua để có thể học cách tiếp thu từ những ý kiến bất đồng với ta.
Vì vậy, điều hệ trọng ở đây cần phải được bàn tính kỹ lưỡng là liệu ta có dám mở lòng ra cho những người chỉ trích ta? Nhiều người có thể biện luận rằng đó chưa chắc là những ý kiến tốt, mà chỉ là những sự “ghen ăn tức ở” của “thế lực thù địch”. Nhưng ta cần nhìn nhận theo mặt tích cực rằng, điều quan yếu trước hết nằm ở chính bản thân mình khi dám thay đổi, dám “coi thù là bạn”. Đó hẳn phải là một tâm hồn khát khao với chân lý để đạp lên mọi “nguyên tắc tự nhiên” thông thường nơi bản ngã. Hãy hiểu rằng, chân lý tồn tại ngay cả trong những điều mà con người vẫn thường xem là xấu. Vạn vật tốt xấu hay không phần nhiều bị chi phối bởi thế giới quan của mỗi người. Vậy nên, cần cẩn thận xem xét để không “vơ đũa cả nắm” hay “đồng với ta, ta cho là phải, không đồng với ta, ta cho là trái”.
Học thầy không tày học…chính mình
Như ta có thể dễ dàng nhận thấy, hai yếu tố về sự trải nghiệm và lắng nghe góp ý đều là những ý tưởng thuộc ngoại quan. Vậy đâu là yếu tố thuộc nội quan – cái tinh thần bên trong – mà ta cần học hỏi? Có lẽ, cái lớn nhất mà ta cần tiếp thu và quy hướng về không gì khác hơn ngoài chính mình. Học hỏi chính mình có nghĩa là học lấy cái phiên bản của bản thân qua từng giai đoạn. Trải qua quá trình tiếp thu thế giới bên ngoài, phản tư và đúc rút, con người mình dần được “cập nhật” và phát triển lên một tầm mới. Nhưng quá trình ấy không thể thiếu chất liệu là trải nghiệm thực tế, dù là của mình hay của người khác; và thông qua việc biến đổi chất liệu đó, trải nghiệm sẽ trở thành kinh nghiệm – là cái đã thấm nhập vào trong tinh thần của ta.
Như vậy, người thầy lớn nhất của đời người cũng là chính bản thân mình. Đây cũng chính là vị sư phụ khó nắm bắt nhất. Tầm nhìn con người dù xa cách mấy cũng không thể xa hơn bản thân. Vì rằng, để có một tầm nhìn xa đòi buộc trí tưởng tượng lớn lao, hiểu rõ mọi thứ có trong tay và phóng chiếu nó tới độ chi tiết nhất có thể. Thế nhưng, giới hạn của con người thì nằm ở bản thân, vì không ai có thể chắc chắn rằng mình hiểu rõ hết thảy mọi ngõ ngách trong tâm hồn bản thân. Thế nên, dân gian mới có câu: “Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”.
Để hiểu được chính mình, thiết nghĩ ta nên làm một cuộc trường chinh học cách phân định, nghĩa là hiểu những gì đang xảy ra bên trong, biết rõ những điểm mạnh yếu và tạo cho mình một tâm thế của người đang quan sát chính tâm hồn của mình. Qua đó, ta có thể phân tích và nắm bắt được những diễn tiến thuộc phạm trù lý trí lẫn tinh thần bên trong. Việc nhận thức được “con người như chính mình là” sẽ dẫn tới hiểu biết, mà hiểu biết sẽ thuần hóa được bản ngã con người bên trong.
Ai là thầy ta? Câu hỏi này quả là một phương trình nan giải không dễ gì có thể trả lời trong một sớm một chiều. Có người thích học từ những vị sư phụ theo kiểu truyền thống đúng nghĩa; lại có người thích tìm hiểu vạn vật và xem đó như người thầy của chính mình; cũng có người thích nhìn vào nội tâm để kiếm tìm cho mình những bài học. Dù nhận ai là thầy đi chăng nữa, ta vẫn có thể phần nào khẳng định rằng, việc đó chẳng hệ trọng cho bằng khát khao tìm kiếm và truy tầm chân lý vốn đặt sự tham chiếu, phản biện lên hết thảy, nhằm nỗ lực khai quang con đường đến với sự thật cuối cùng. Như vậy, tất cả xem ra cũng chỉ là một chất liệu, một nguồn trong vô số những nguồn tri thức bất tận. Nếu làm phép quy đồng để tìm cái mẫu số chung tối giản của tất cả những đẳng thức trên, ta sẽ được một kết luận tạm gọi là cuối cùng: “Ai hoặc cái gì cho ta điều hay, thì đó chính là Thầy ta!”
[1] Tứ Thư, Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn dịch, Nxb. Thuận Hóa, 2017, tr. 23.
[2] Thomas Flynn, Chủ nghĩa hiện sinh: dẫn luận ngắn, Đinh Hồng Phúc dịch, Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2018, tr. 43
[3] Western philosophy, The rise of empiricism and rationalism. https://www.britannica.com/topic/Western-philosophy/Philosophy-of-nature#ref260414. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2024.
[4] Hanna, R. (2011). The Togetherness Principle, Kant’s Conceptualism, and Kant’s Non-Conceptualism.https://plato.stanford.edu/entries/kant-judgment/supplement1.html. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2024.
[5] Bailey, R., & Pico, J. (2023). Defense Mechanisms. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559106/. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2024 trong Parekh MA, Majeed H, Khan TR, Khan AB, Khalid S, Khwaja NM, Khalid R, Khan MA, Rizqui IM, Jehan I. Ego defense mechanisms in Pakistani medical students: a cross sectional analysis. BMC Psychiatry. 2010 Jan 29; 10:12.