[15 Ngày Với Thánh Đa Minh] Ngày 3 : Con người đứng đầu

26-03-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1390 lượt xem

Tôi không thuộc vào số những anh em tiên khởi, nhưng tôi được sống với họ ; tôi đã gặp và biết thánh Đa Minh cách thân tình, không chỉ lúc tôi còn ở ngoài Dòng, nhưng cả sau khi nhập Dòng. Tôi mặc áo Dòng bốn năm sau khi Dòng được thành lập. Thiết nghĩ thật ích lợi khi viết lại những biến cố trong Dòng : những gì chính tôi đã chứng kiến và đã nghe, hay biết được nhờ tương giao với các anh em tiên khởi, về thời khai nguyên của Dòng, về đời sống và những phép lạ của cha thánh Đa Minh diễm phúc của chúng ta. Như thế, con cháu của chúng ta –sinh ra và lớn lên, sẽ biết được thuở ban đầu của Dòng, chứ không chỉ là khao khát, một khi thời gian trôi qua mau và không tìm được ai có khả năng thuật lại cách bảo đảm về nguồn gốc của Dòng (LIB s. 3).

Các anh chị em trong Dòng rất biết ơn chân phước Giođanô Saxonia vì đã khôn ngoan ghi lại thời khai nguyên của Dòng Đa Minh. Bởi vì đây là việc thiết lập một thực thể hoàn toàn mới trong Giáo hội.

Thật vậy, thánh Đa Minh khơi mào một hình thái mới trong bối cảnh đời tu lúc bấy giờ. Ngài thiết lập nếp sống tông đồ, tức là một lối sống theo mẫu gương các Tông đồ. Thánh nhân không chỉ đón nhận từ Thiên Chúa ơn gọi tu trì cho cá nhân, ngài còn lãnh nhận ơn gọi làm tổ phụ, là ơn gọi dành riêng cho một số ít người. Khởi đầu, cha Đa Minh đón nhận ơn gọi là “kinh sĩ” thông thường, nhờ đó ngài thuộc về một giáo phận, là thành phần của linh mục đoàn do Giám mục địa phương cai quản. Và cha được mời gọi đứng đầu một thực thể hoàn toàn mới mà cha có bổn phận khám phá những định chế. Đúng hơn, ý tưởng được hình thành trong thời gian. Nhiều người đã cố gắng thử hình thức tu trì mới. Cần có một người định hình và tổ chức cách vững bền.

Cha Đa Minh đã nhận được đặc ân ấy. Ngài sẽ cung cấp cho Giáo hội một đội ngũ các anh em được tổ chức như đời sống các Tông đồ. Lúc ấy, Giáo hội tổ chức đời sống tu trì thành các Dòng, và sau này thành các Hội. Hồi ấy có Dòng Đền Thờ, Dòng Tiếp Khách, Dòng Cứu Chuộc (với ơn gọi là giải thoát những người bị nhóm Sarrasins cầm tù), và còn nhiều Dòng khác.

Thánh Phanxicô thiết lập một Dòng những người nghèo với ơn gọi là rao giảng Đức Kitô khó nghèo. Thánh Đa Minh lập Dòng những người giảng thuyết để noi theo Đức Kitô, nhà giảng thuyết Tin Mừng.

Để minh hoạ đề tài này, có một giai thoại được lưu truyền trong Dòng Đa Minh. Giai thoại này được truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ kia và mỗi người đều tìm thấy trong đó một hình ảnh mình muốn sống. Giai thoại đó như sau :

Khi vị Tông đồ (tức là Đức Giáo hoàng) phải phê chuẩn Dòng, ngài yêu cầu vị thư ký đặt tựa đề là Các anh em đang giảng thuyết. Khi viết thư phê chuẩn, vị thư ký viết ngay : các anh em giảng thuyết. Đọc thư, vị Tông đồ nói với thư ký : sao anh không viết các anh em đang giảng thuyết (frères prêchants) như Ta đã nói với anh, mà lại viết các anh em giảng thuyết chuyên nghiệp (frères prêcheurs)[1]. Không chút bối rối, vị thư ký trả lời : đang giảng thuyết (prêchant) là một tính từ, một động tính từ (adjectif, participe), và người ta có thể coi động tính từ này như một danh từ chung chỉ một hoạt động ; tuy nhiên, giảng thuyết (prêcheur) là một thể từ (substantif), một danh từ vừa chỉ hành động vừa chỉ người, diễn tả tên gọi của nhiệm vụ. Các độc giả thân mến, vị thư ký đã lý luận thật xác đáng, đánh tan mọi ý kiến phản đối. Đang giảng thuyết không bao giờ diễn tả nội dung, vì chỉ là hoạt động thoáng qua ; còn giảng thuyết (prêcheur) diễn tả ý nghĩa vì là cách thức chiếm hữu, mặc dù không phải lúc nào cũng hoạt động. Như vậy, từ ngữ giảng thuyết thật phù hợp. Vị Tông đồ hiểu được những lý luận rõ ràng đó, Dòng được nhìn nhận với tước hiệu giảng thuyết và được các Hồng y long trọng đón nhận (EVA tr. 87).

Bản văn hiện được lưu trữ trong công hàm Carcassone, phần châu phê có dấu vết sửa chữa tên gọi. Và sự sửa chữa này thật có ý nghĩa. Quả thật, thánh Đa Minh không xin phép để các anh em cũng như chính ngài, chỉ giảng thuyết tạm thời ở Toulouse hay một vùng nào đó ; trái lại ngài có một tầm nhìn rất táo bạo, là muốn thiết lập một lối sống dựa trên lối sống các Tông đồ đã sống xưa tại Giêrusalem, sau lễ Hiện Xuống.

Nếp sống tông đồ này gồm có hai yếu tố không thể tách rời : đời sống chung và việc loan báo Tin Mừng. Hôm nay chúng ta suy niệm về đời sống chung mà thánh Đa Minh cho là rất quan trọng.

Đời sống chung không phải là một sự xếp đặt các cá nhân gần nhau để thành một nhóm. Đó là nếp sống với toàn bộ con người, xác lẫn hồn. Về phương diện vật chất, nếp sống này tất yếu phải để mọi tài sản làm của chung. Thật vậy, khi các thành viên trong cộng đoàn không sở hữu gì làm của riêng, họ thật sự tuỳ thuộc lẫn nhau. Điều này tạo nên một tâm thức chỉ có thể là huynh đệ, nếu không là chết, như câu chuyện trong sách Công vụ Tông đồ về Khanania và Xaphira : họ đã chết vì không để của cải làm của chung (Cv 5,1tt).

Đời sống chung cũng bao hàm việc cầu nguyện chung. Lời cầu nguyện của các Tông đồ là lời cầu nguyện của Giáo hội : Phụng vụ thánh là liên lỉ cử hành cuộc phục sinh của Chúa. Chúng ta sẽ trở lại đề tài này sau.

Để đời sống chung được hài hoà và đem lại bình an, mọi người phải thật sự sống chung trong một nhà và đồng tâm nhất trí. Sự đồng tâm nhất trí được diễn tả là họ chỉ có một lòng một ý (Cv 4,32). Thánh Đa Minh đã lưu tâm đặc biệt về sự đồng tâm nhất trí này. Ngài biết rằng các anh em chỉ có thể sống chung một khi họ quan tâm đến sự đồng tâm nhất trí. Với thánh Biển Đức, câu châm ngôn là habitare secum –sống với chính mình, còn với thánh Đa Minh, châm ngôn sẽ là convivere conventualiter –sống chung trong tu viện.

Khó nghèo là yếu tố của đời sống chung. Khi chọn lựa nếp sống này, thánh Đa Minh yêu cầu các anh em phải từ bỏ các bổng lộc mà hàng giáo sĩ thời ấy thường hưởng. Ban đầu, thánh Đa Minh đón nhận một số tài sản, đó là lúc mà Dòng Anh Em Giảng Thuyết chưa được thành lập. Người ta đã thảo luận về quy định của ngài, mặc dù cha Đa Minh đã đem hết sức lực để thi hành sứ vụ giảng thuyết (LIB s. 37). Nhưng thánh Đa Minh đã nhanh chóng ý thức rằng cần một danh hiệu hơn là bổng lộc. Sự tự do trong giảng thuyết, sự sẵn sàng của các anh em, sự noi gương bắt chước Đức Giêsu…, chính là lý do thúc đẩy ngài kiên vững trong lãnh vực này.

Đa Minh không chỉ quý chuộng cách riêng nếp sống thanh bần và khuyến khích anh em thực hành (VIE tr. 58), ngài còn quyết liệt từ chối mọi tài sản có thể đem lại bổng lộc. Anh Rodolpho, người có trách nhiệm lo lắng các nhu cầu vật chất trong tu viện, đã kể lại :

Khi cha Đa Minh đến Bologna, lãnh chúa Hodoric Galiciani muốn tặng cho các anh em một số tài sản trị giá khoảng 500 đồng tiền bologna, và đã ký văn bản. Nhưng cha Đa Minh đã huỷ bỏ hợp đồng, vì không muốn anh em trở thành những người giàu có, và yêu cầu anh em sống nhờ của bố thí. Ngài muốn những ngôi nhà chật hẹp, quần áo đơn sơ… Ngài cấm anh em pha mình vào những của cải, nhà cửa, vào những quyết định liên quan đến vấn đề này, ngoại trừ những người có trách nhiệm. Về các anh em khác, ngài muốn họ chăm chú vào việc học hỏi, cầu nguyện và giảng thuyết (VIE tr. 59).

Chứng từ này – không phải là duy nhất, rất hùng hồn, đầy thuyết phục. Trong vấn đề này, người ta thấy rõ ý hướng của thánh Đa Minh. Ngài muốn các anh em hoàn toàn chú tâm vào việc giảng thuyết và những điều liên hệ, tức là học hành và cầu nguyện. Các anh em giảng thuyết trở thành những người hành khất, là tên gọi nhờ đó người khác biết đến anh em. Việc hành khất này có nhiều hình thức khác nhau, tuỳ theo thời đại, nhưng luôn có nghĩa là không có bổng lộc và sống nhờ sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Tất cả những gì anh em nhận được đều đặt làm của chung.

Thánh Đa Minh, người đứng đầu, không chần chừ trong lãnh vực này, ngài biết rằng sức sống của đời sống tông đồ tuỳ thuộc vào đó. Khi lâm chung, ngài vẫn khuyến khích anh em hãy tự nguyện sống khó nghèo.

Ai muốn học ở ngôi trường của thánh Đa Minh, hãy suy gẫm đòi hỏi này.

[1] x. Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2013), tr.25-26.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com