[15 Ngày Với Thánh Đa Minh] Ngày 15 : Một Con Người, Một Anh Em, Một Người Cha

13-06-2020
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 3337 lượt xem

Anh em thân mến, tùy theo khả năng của mình, chúng ta hãy bước theo dấu chân người cha của chúng ta, đồng thời dâng lời tạ ơn Đấng Cứu Độ đã ban cho các tôi tớ của Người, trên đường họ đi, có một vị thủ lãnh, và đã sinh ra chúng ta một lần nữa theo ánh sáng đời sống thánh thiện của ngài. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót, để dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Người, chúng ta đáng đạt tới đích điểm là niềm vui đời đời, là hạnh phúc vững bền mà người cha của chúng ta đã hân hoan và vĩnh viễn bước vào. Amen. (LIB s. 109)

Chân phước Giođanô Saxonia, người kế vị thánh Đa Minh trong vai trò lãnh đạo Dòng, đã diễn tả như thế trong phần cuối về chân dung Người Cha của Anh Em Giảng Thuyết. Lời cầu nguyện này nói lên lòng yêu quý của tất cả anh chị em đối với thánh Đa Minh. Chính đặc sủng của những vị sáng lập chân thực đã lôi kéo nhiều tâm hồn đang tràn đầy khao khát dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa và phục vụ Người theo đường hướng do các vị vạch ra. Đó là một sự lôi cuốn rất đặc biệt, và nếu chỉ ở mức độ loài người, thì sẽ không tồn tại, nhưng nếu phát xuất từ Thiên Chúa, thì sẽ tồn tại đời này qua đời kia.

Chắc chắn rằng thánh Đa Minh là một người có sức chiếu toả. Chúng ta đã đọc thấy nhiều chứng từ về điểm này, và vẫn còn có thể thêm nhiều chứng từ khác nữa, chẳng hạn như tâm tình của anh Guillaume de Montferrat :

Cha Đa Minh nhiều lần đến thăm Đức Giám mục Ostia và vì thế tôi được biết cha. Cách cư xử của cha làm tôi vui lòng và quý mến cha (VIE tr. 43).

Sự toả rạng của cha Đa Minh phát xuất trước tiên từ sự hiện diện. Có thể nói rằng, cha chinh phục, hay đúng hơn, cha buộc người khác phải kính nể do thái độ khiêm nhường của mình. Đức khiêm nhường nơi các vị thánh lớn, cũng giống kiến thức nơi các nhà thông thái, là biết làm cho những người khác, ngay cả các trẻ em, có thể hiểu được.

Ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, người ta đã cảm nhận được ngay cha Đa Minh tràn đầy sự hiện diện của Thiên Chúa, một sự hiện diện đã thấm vào cha qua những đêm dài cầu nguyện. Cha như một người có Thiên Chúa ở cùng, và Thánh Thần như đã đặt nơi cư ngụ của Người nơi cha cách hữu hình. Người ta không thể nào không nhận ra điều này. Nếp sống đạo hạnh và lòng nhiệt thành với Thiên Chúa (LIB s. 103) làm cho nhiều người nhận thấy, nếu không muốn nói là mọi người, ngay cả những người chống đối nhiệt tâm giảng thuyết của cha thánh.

Một chứng nhân đặc biệt khác là chân phước Giođanô Saxonia, người có mối liên hệ rất gần gũi với thánh Đa Minh, đã cố gắng diễn tả chính xác những điều nhớ được hầu giúp cho những ai không biết cha thánh cũng hiểu được :

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, cha thánh đã dễ dàng làm cho mọi người quý mến (LIB s. 103).

Sự hiện diện của cha gây nhiều ấn tượng. Cha đụng chạm đến tâm hồn của từng người. Cha biết lắng nghe họ cách chú tâm, không giả dối. Đó không phải là người lắng nghe do bổn phận hay chức vụ. Cha lắng nghe vì yêu mến. Cha đón nhận mọi người với lòng bác ái bao la và bởi vì cha yêu mến mọi người, nên mọi người yêu mến cha. Người ta đã nói với nhau như thế ít lâu sau khi thánh Đa Minh qua đời.

Điều gây ấn tượng nơi thánh Đa Minh là những phẩm chất của con người. Nếp sống khổ hạnh không làm mất đi vẻ đẹp nhân tính. Cha thánh thực sự yêu mến đức thanh bần, qua việc rất điều độ trong của ăn thức uống, tránh những thứ có thể gây khó khăn ; cha thánh hoàn toàn có khả năng chế ngự thân xác mình (LIB s. 108). Cha không thuộc vào số những bậc khổ hạnh gây bận tâm, làm cho người khác phải phiền lòng. Các phụ nữ nhận thấy thánh Đa Minh rất đẹp. Họ yêu quý khuôn mặt và nét uy nghi của cha. Không gì đáng thuyết phục hơn là nghe lại chứng từ của chị Cecilia :

Đây là chân dung cha thánh Đa Minh : người tầm thước, hơi gầy, khuôn mặt thanh tú, da hơi sậm, tóc và râu màu hung, đôi mắt sáng. Từ vầng trán và cặp lông mày toát lên một vẻ sáng ngời làm cho mọi người kính phục và yêu mến. Cha luôn tươi cười và vui vẻ, dù có những lúc cảm động vì sự đau khổ của người khác. Bàn tay cha dài và đẹp ; tiếng nói to, sang và rõ. Cha không bị hói, vòng tóc (couronne) hoàn hảo, điểm vài sợi bạc (VIE tr. 124).

Cho dù thời gian trôi qua và kỷ niệm được tô điểm thêm, nhưng trong tâm trí của chị Cecilia lúc tuổi già, hình ảnh về người cha tinh thần vẫn luôn tràn đầy nhân tính, để lại dấu ấn rất sâu đậm.

Tuy nhiên, nếu như thánh Đa Minh biết trở nên người anh em của mọi người thì trên hết, thánh nhân là một người cha. Người cha là người sinh ra những đứa con. Thánh Đa Minh là người cha sinh ra vô số con cái, cả nam lẫn nữ, không phải về phương diện thể lý, cũng không phải về đời sống Kitô hữu, nhưng là trong đời sống tu trì. Tất cả những ai gia nhập Dòng này đều hiểu rằng mình được sinh ra từ lời cầu nguyện luôn sống động của vị tổ phụ những người giảng thuyết. Thánh Đa Minh đã luôn thiết tha mong muốn Dòng sẽ tiếp tục tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, như chân phước Giođanô Saxonia diễn tả trong một lời kinh rất đẹp :

Ôi vị linh mục thánh thiện của Thiên Chúa, vị hiển tu quang vinh, nhà giảng thuyết sáng ngời. Ôi cha thánh Đa Minh, con người được Thiên Chúa tuyển chọn, vào thời của cha, cha đã trở nên thụ tạo làm vui lòng Chúa và được Chúa quý trọng hơn hết mọi loài, do đời sống vinh quang nhờ các phép lạ và đạo lý Chúa ban. Giờ đây chúng con vui mừng có cha ở bên Chúa để làm người bầu cử đặc biệt cho chúng con. Cha là đấng chúng con quý mến hơn hết trong số mọi vị thánh, chúng con kêu lên cha… (VIE tr. 129)

Thánh Đa Minh đã yêu mến người khác với tấm lòng của một người cha, và thánh nhân cũng được người khác yêu mến như một người cha. Khi lìa đời, ngài đã được thương khóc như một người cha vì sự ra đi của ngài đã để lại một khoảng trống lớn trong tâm hồn mọi người. Như một người cha, ngài đã huấn luyện con cái về những giá trị được truyền thông bằng cả gương lành lẫn lời nói. Cha đã mở con đường, đã tạo nên cung bậc. Cha đã thúc đẩy, đã thừa nhận, tắt một lời, cha đã làm cho các con cái của mình trở thành những người nam và nữ được đào tạo kỹ càng, – đó là phẩm chất đích thực của một người cha.

Cha đã để lại một tên gọi, một danh hiệu mà các con cái của ngài mang lấy với niềm tự hào, đó là các tu sĩ Đa Minh, nam cũng như nữ. Sử dụng tên gọi này, tên của một gia đình, chính là nói lên sự thuộc về Thiên Chúa cũng như thuộc về thánh Đa Minh.

Là Đấng Sáng Lập, thánh Đa Minh là tổ phụ theo nghĩa ngài là nguồn gốc của vô số gia đình, tựa như một người cha trong gia đình có nhiều người con, rồi đến lượt mình, mỗi người con trai, con gái lại trở thành một gia đình. Vị tổ phụ chính là mối dây liên kết các gia đình này. Chính từ nơi ngài sự sống tuôn trào ; và sự sống ấy thông chuyển cả tên gọi lẫn tinh thần của gia đình.

Vào ngày 7 tháng 11, lễ kính các thánh Dòng Giảng Thuyết, bài đọc giờ kinh Sách trích lại lá thư chân phước Giođanô Saxonia gởi cho anh em trong Dòng. Xin mượn lá thư này để kết thúc bài suy niệm thứ 15 về thánh Đa Minh :

Anh em rất thân mến trong Đức Kitô !…

Nhân danh Đấng đã cứu chuộc anh em bằng máu, và đã cam lòng chết cho chúng ta được sống, tôi tha thiết nhắc nhở anh em đừng lãng quên điều đã tuyên khấn và tôn chỉ của mình, nhưng hãy ghi lòng tạc dạ đường lối cổ kính mà cha ông chúng ta đã hăng say vượt qua… Vị khả kính, đáng tưởng nhớ nhất trong hàng tiền bối của chúng ta, là cha thánh Đa Minh. Sinh thời, ngài đã sống đúng theo tinh thần đạo đức, không chiều theo, nhưng tận diệt mọi dục vọng xác thịt. Từ thức ăn, áo mặc đến cách sinh sống, tất cả đều cho thấy cha thánh thực sự sống khó nghèo. Ngài cầu nguyện liên lỉ, nổi bật về lòng cảm thông và mau rơi lệ vì con cái, nghĩa là nhiệt tâm cứu độ các linh hồn. Cha thánh không lùi bước trước khó khăn, nhưng vững vàng đối phó với nghịch cảnh.

Trước đây, các việc làm, mọi nhân đức và phép lạ đều cho thấy cha thánh sống đầy vĩ nghiệp giữa chúng ta, nơi trần gian. Bây giờ, những dấu lạ và kỳ công –mới xảy ra trong dịp chúng ta dời thi hài ngài về nơi xứng đáng– lại chứng tỏ ngài rạng rỡ biết bao trước tòa Chúa.

Vì thế chúng ta phải chúc tụng Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng đã thương chọn người tôi trung vĩ đại như thế làm tổ phụ chúng ta, để trong Dòng của ngài, chúng ta được đào luyện, và nhờ gương thánh thiện rạng ngời của ngài, chúng ta được thêm sốt sắng.

(Bài đọc kinh Sách, phần phụng vụ riêng Dòng Anh Em Giảng Thuyết).

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com