“Trí” và cách đối nhân xử thế trong cộng đoàn tu trì

29-04-2024
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 267 lượt xem

Đời sống cộng đoàn là một trong bốn trụ cột quan trọng của đời tu Đa Minh. Nếu đặt chữ “Trí” trong nếp sống Đa Minh, ta có thể khám phá ra hai yếu tố căn bản cho nếp sống cộng đoàn, đó là tình huynh đệ được xây dựng trên tính đa dạng nơi mỗi anh em. Theo cách nhìn của một Thỉnh sinh đang chập chững bước trong đời tu Đa Minh, bài viết dưới đây sẽ khai triển và tìm hiểu về “Trí” và cách đối nhân xử thế trong cộng đoàn tu trì.

Chữ “Trí” theo Nho giáo là trí tuệ; nói đến trí khôn, thể hiện sự sáng suốt, minh bạch. Người có trí là người thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai, phải trái. Đối với người tu sĩ, họ nhìn nhận chữ trí ở một khía cạnh rộng hơn, đó là góc độ của đạo hạnh. Người tu sĩ có “trí” là không chỉ am hiểu tri thức nhân loại, mà còn biết đối nhân xử thế, trung thực trong việc làm, biết dùng con tim yêu thương để cảm thông với những mảnh đời của nhân thế.

1. “Trí” tôn trọng sự khác biệt

Trong một cộng đoàn gồm có anh em đến từ nhiều nền văn hóa, sự khác biệt là không thể tránh khỏi. Để có thể cùng sống với nhau dưới một mái nhà, mỗi thành viên cần biết tôn trọng sự khác biệt và “hiệp nhất trong sự đa dạng”. Để làm được điều này, người tu sĩ phải dùng lý trí để hiểu, dùng ý chí để cảm thông hầu gắn kết mọi người trong “một nhiệm thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Thủ Lãnh”.1

Vì thế ngay giai đoạn mầm non ơn gọi, Thỉnh sinh được hướng dẫn cách đối nhân xử thế sao cho phù hợp với đời sống tu trì, hầu trở thành những người tu sĩ đức độ và trí tuệ. Thật là một điều thiện hảo nếu mỗi Thỉnh sinh, những người đang bước trên con đường ơn gọi, biết sống yêu thương, dùng trí hiểu để vượt qua những rào cản, những khác biệt để hướng đến một cộng đoàn hiệp nhất, đặc biệt trong bầu khí hiệp hành của Giáo hội hôm nay.

a. Xử thế trong nếp sống chung

Cộng đoàn tu trì, nơi “hội tụ” của những con người có chung lý tưởng, vẫn còn đó những khác biệt về văn hóa, học vấn, tri thức, …. Rất khó để người tu sĩ sống bình an nếu họ không biết cố gắng nhìn nhận và tôn trọng sự khác biệt nơi những anh chị em của mình. Để hòa hợp những khác biệt, thiết nghĩ người tu sĩ cần luôn học hỏi cách đối nhân xử thế, đặc biệt trong cách ăn, nếp ở. Thế mới thấy vai trò quan trọng của việc học làm người, khởi đi từ những việc nhỏ nhặt nhất như chuyện ăn, uống. Người nhẹ nhàng, nho nhã thì cách ăn uống sẽ lịch sự đáng yêu. Ông bà ta có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, tức là phải có ý tứ trong bữa ăn, tùy theo tình thế mà ứng xử, sao cho đẹp, sao cho người khác có thiện cảm, có tác phong lịch sự cũng là cách ta tôn trọng những người đồng bàn.

b. Nét nho nhã nơi bàn ăn

Bữa ăn còn tạo tình huynh đệ, chia sẻ đời sống tinh thần, là dịp để mọi người biết tạ ơn Trời và biết ơn đời. Trong giờ dùng bữa, anh em chia sẻ cho nhau những câu chuyện của cuộc sống, tình huynh đệ qua việc chia sẻ phần ăn. Cái tinh tế được thể hiện chính là lúc này. Thật không phải vô tình mà trong nhà cơm Thỉnh viện, lời dạy của Thánh Phaolô được trình bày nơi trang trọng nhất và được lưu truyền qua nhiều thế hệ: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” 2

c. Tinh thần tươi vui luyện thể lực

Thể thao cũng là môi trường để con người thể hiện tính đồng đội, và thể hiện tính cách của mình. Nhìn một người chơi thể thao, ta có thể phần nào hiểu được tính cách của họ: hiền lành, nhút nhát, mạnh bạo hoặc cứng cỏi… Ta thường nghe nói đến hai từ “fair-play”, đó là khi người chơi biết thể hiện cái đẹp, cái “Trí” trong “trận pháp” và trong phong cách. Nơi Thỉnh viện, chơi thể thao với tinh thần vui, giải trí và rèn luyện bản thân giúp ta lớn lên trong phong cách. Việc chơi thể thao, không chỉ sử dụng sức mạnh cơ bắp, mà còn cần đến sức mạnh của trí tuệ. Do đó, anh em Thỉnh sinh được khuyến khích cùng nhau phát triển kỹ năng và rèn luyện trí lực và sự thông minh được diễn tả trên sân bóng.

d. Huynh đệ trong nếp sống chung

Trong một xã hội vốn nặng tính “quy ngã”, một thách đố trong việc đào tạo là làm sao giúp các bạn trẻ nhận ra tình huynh đệ đại đồng, có trách nhiệm và nhạy bén về một cảm thức chung – common sense.3

Một trong những rào cản ngăn cách tính hiệp hành trong cộng đoàn tu trì đó là chưa biết ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đoàn. Người trưởng thành trong nhận thức biết được công việc mình phải làm và chia sẻ gánh vác công việc trong cộng đoàn với tinh thần huynh đệ tương thân, tương ái. Bàn về điều này, Cẩm nang Thỉnh viện có viết: “Trong Thỉnh viện, anh em đón nhận nhau như những người anh em thực sự của mình, với tất cả sự cảm thông, quan tâm, biết chia sẻ với nhau: từ những điều thuộc vật chất trong cuộc sống đến những giá trị tinh thần. Mỗi anh em cần ý thức mình có trách nhiệm quan tâm xây dựng cộng đoàn Thỉnh viện ngày một tốt đẹp hơn. Do vậy, những việc chuẩn bị phòng học, phòng giảng viên, trực nhà, chăm sóc vườn cây, lao động, và những công việc khác, là dịp để anh em thể hiện sự quan tâm của mình đối với cộng đoàn. Các anh em hãy ý thức và vui tươi trong phụng vụ.” 4

2. “Trí” hiểu để sống huynh đệ

Trong Thỉnh viện, anh em Thỉnh sinh thường được dạy “hiểu để biết, hiểu để sống”. Cụm từ này khá quen thuộc với mỗi anh em, nhưng không biết mấy ai ý thức đủ nghĩa thực sự của cụm từ đó. Có lẽ, ta vẫn sống tốt những nội quy của Thỉnh viện theo cách kế thừa từ thế hệ trước, nhưng nếu không hiểu ý nghĩa của những điều tốt đẹp ấy, mình vẫn chưa có đủ ý thức để sống. Khi hiểu được vấn đề của việc mình làm, ta sẽ tự chủ hơn, ý thức hơn, không còn sống trong tâm trạng sợ hãi; thay vào đó là niềm vui cùng sống, cùng chia sẻ và đồng hành với anh em. Từ đó, đời sống cộng đoàn cũng được thăng tiến hơn.

Người tu sĩ Đa Minh sử dụng sự tự do của mình bằng trí hiểu, sống có trách nhiệm với tự do. Vì thế, khi làm bất cứ việc gì, những người đang tìm hiểu đời sống tu trì theo linh đạo Đa Minh luôn biết dùng lý trí để phán đoán, xử lý công việc cho hợp tình, hợp lí.

Ngoài ra, Thỉnh sinh còn sống chữ “Trí” qua đời sống khiêm nhu. Đời sống đó được thể hiện qua việc biết kính trên nhường dưới, tôn trọng các vị hữu trách, biết lắng nghe và sửa đổi khi được anh em góp ý về đời sống,…

3. Tạm kết

Dòng Đa Minh được biết đến là Dòng Giảng Thuyết, vì thế chữ “Trí” có mối liên hệ mật thiết với toàn bộ đời sống của anh em. “Trí” thể hiện nhiều góc độ trong đời sống cộng đoàn. Lời Chúa có thấm sâu vào lòng người tín hữu hay không, điều này không chỉ hệ tại ở lời nói hoa mỹ, nhưng còn dựa vào đời sống của nhà giảng thuyết. Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI, trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, đã dạy: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng.5

Chữ “Trí” khai mở và giúp người tu sĩ hiểu được Tặng Phẩm Thần Linh nơi Lời Chúa mà họ đang giảng dạy, là chỉ nam cho họ nhận biết và sống đúng lời họ rao giảng. Thiết nghĩ, nếu mỗi anh em đều biết sống chữ “Trí” theo nghĩa toàn diện của nó, thì đời sống cộng đoàn sẽ được thăng tiến. Cộng đoàn sẽ là ngôi nhà chung, nơi đó mọi tu sĩ cùng nhau sống lý tưởng đời dâng hiến cách tròn đầy. Chữ “Trí” cũng giúp người tu sĩ biện phân tốt xấu, rèn luyện tâm trí cho nên tinh tế hơn, vì cộng đoàn là trường học của tình yêu.

Nơi cộng đoàn, lề luật chỉ như phương tiện để tình yêu lên ngôi. Hãy sống yêu thương trong trái tim dưới sự giám sát của lý trí. Nếu làm được như vậy, cộng đoàn sẽ phản chiếu hình ảnh của một cộng đoàn đức tin vững mạnh, một cộng đoàn phụng tự sốt sắng, một cộng đoàn bác ái yêu thương và hướng đến cộng đoàn loan báo Tin Mừng.

  1. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, Số 12. ↩︎
  2. x. 1 Cr 10,31 ↩︎
  3. “Common sense”: the ability to think about things in a practical way and make sensible decisions; ví dụ: It’s common sense to keep medicines away from children; hoặc: a common-sense approach to a problem. ,<(https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/ common-sense?q=common+sense)> ↩︎
  4. Cẩm nang Thỉnh viện, số 31. ↩︎
  5. Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 41. ↩︎

Giuse Nguyễn Văn Đức 98

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com