[Chuyện Về Một Nhà Giảng Thuyết] Chương 2: Huấn Luyện Khởi Đầu

27-06-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2207 lượt xem

Donald J. Goergen, O.P.

Thời gian : Cuối thế kỷ XII, khoảng 1170 – 1206
Địa điểm : Miền Castile, hoặc Tây Ban Nha
Thành phố : Caleruega

Caleruega, với những mùa đông dài, ngày nay vẫn còn ở đó, vẫn ảm đạm và xinh đẹp, như bất cứ làng quê nhỏ nào trên đất nước này. Khác với nhiều người theo cha hôm nay, cha Đa Minh không phải người thành thị. Những con chiên và mục đồng ở Caleruega nhiều như chính dân quê vậy. Tôi lớn lên ở nông trại tại Plymouth County, Iowa, và đã nhiều lần thăm Caleruega, cũng như Duchy Luxembourg, quê hương ông bà nội tôi, nên tôi có thể hiểu một vài điều làm nên tính tình của thánh Đa Minh : yêu thích hiu quạnh, trọng tâm là nhà thờ giáo xứ, tìm niềm an ủi nơi những trang sách với niềm khao khát học hỏi, quý trọng đời sống gia đình cũng như thế giới tự nhiên. Thiên Chúa hiện diện khắp nơi. Công trình kiến trúc bởi tay con người không che mờ chân trời. Tháp nhà thờ nổi bật nơi làng quê, và được dành cho Thiên Chúa. Vẫn còn không gian để Thần Khí thổi hơi. Cuộc sống và thức ăn phụ thuộc vào thời tiết cũng như sự quan phòng của Thiên Chúa.

Cha mẹ thánh Đa Minh là ông Felix và bà Gioanna. Ông Felix quê ở Guzman, còn bà Gioanna đến từ Aza. Cả Guzman và Aza đều cách Caleruega từ 20 đến 30 dặm, dù các nhà sử học ngày nay thường im lặng, để tôn trọng gia phả của thánh Đa Minh khi chưa đủ bằng chứng nói rằng ngài là hậu duệ của Guzman và Aza.1 Nhưng Felix và Gioanna là tên của cha mẹ ngài. Ông bà kết hôn khoảng năm 1170. Thân phụ thánh Đa Minh dường như không phải là người giàu có, tuy nhiên lại xuất thân từ gia đình quý tộc. Ông đi lại nhiều, nên thánh Đa Minh ở với thân mẫu nhiều hơn – từ thân mẫu, thánh nhân học được nhiều điều, trong đó có những điều ý nghĩa nhất cho cuộc sống. Chắc chắn bà gần gũi, thân thiện, che chở thánh Đa Minh, vì giấc mơ khi bà mang thai đã làm cho bà suy nghĩ về những điều diễn ra trong lòng bà (x. Lc 2,51). Theo một trình thuật ban đầu mô tả, bà có lòng với người nghèo, “đầy thương cảm với người bất hạnh và phiền muộn.”2 Khi chồng bà đi xa, người nghèo thường đến xin ăn. Ít là một lần kia, bà đã phân phát rượu quý lấy từ thùng gỗ trong hầm rượu đến nỗi không còn chút nào. Khi ông trở về, cảm thấy khát, và xin bà lấy chút rượu, bà phải làm gì đây ? Bà đi tới hầm rượu, sau khi cầu nguyện, bà thấy thùng gỗ lại đầy rượu một cách lạ lùng. Điều này đã cứu bà, và thậm chí không thể tin nổi. Lòng nhân hậu của bà đã tác động lên người con trai, sau này, như đã nói, ngài đã bán sách quý để giúp người nghèo. Có lẽ, ngài cảm thấy thân mẫu hiện diện, hoặc nhẹ nhàng thúc giục, là mẫu gương cho ngài, vào những dịp như thế.

Thánh Đa Minh có hai người anh là Antony và Mamés. Thánh Đa Minh sinh khoảng năm 1173 hoặc 1174 ; còn ngày tháng thì không thể chính xác. Antony là linh mục làm việc trong viện tế bần đón tiếp người nghèo – đây cũng là nhờ ảnh hưởng của bà Gioanna trên một người con khác của bà. Một số người cho rằng, Mamés là anh cùng mẹ khác cha của thánh Đa Minh, tức là con riêng của bà Gioanna trong cuộc hôn nhân trước. Nhưng điều đáng tin hơn về phương diện lịch sử, bà Gioanna chỉ có người chồng duy nhất là ông Felix, và các anh của thánh Đa Minh với thánh Đa Minh là con cùng cha mẹ. Sau này, Mamés gia nhập Dòng và trở thành một tu sĩ giảng thuyết. Vào năm cha Đa Minh được phong thánh, tức năm 1234, Mamés vẫn còn sống. Thánh Đa Minh gửi anh trai về quê hương Tây Ban Nha yêu dấu để thi hành sứ vụ đầu tiên của mình.

Cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, Tây Ban Nha không giống như bây giờ. Andalusia, miền Nam đất nước, vẫn chủ yếu là người Hồi giáo, trong khi phía Bắc của Castile là Công giáo, bởi vì người “Moor – Hồi giáo” đã bị đẩy lùi khỏi phía Bắc Tây Ban Nha, nhất là với cuộc chinh phạt Toledo năm 1085. Kitô giáo và Hồi giáo vẫn còn căng thẳng và vẫn có những cuộc chiến nổ ra, nhưng sau này, sống hòa bình với nhau. Tất cả những điều này xảy ra khoảng ba thế kỷ trước thời các vua Công giáo, Ferdinand và Isabella, và trước khi người Dothái bị trục xuất, cũng như người Moor bị đuổi khỏi Tây Ban Nha.

Đa Minh sống giữa người Công giáo, và ngài cũng được giáo dục trong môi trường Công giáo. Ngày nay, người ta còn có thể xem giếng rửa tội nơi ngài nhận bí tích Thánh tẩy, mặc dù giếng này không còn đặt trong nhà thờ nhỏ theo kiểu Roman ở Caleruega, là nhà thờ chính thánh Đa Minh đã biết và được xây dựng không lâu trước khi ngài chào đời. Người ta xây xựng giếng rửa tội trong nhà thờ giáo xứ Caleruega, dù bây giờ giếng này ở Madrid. Ở Caleruega, chúng ta cũng có thể xem torreón, hay tháp cổ gần nơi sinh của thánh Đa Minh. Khi Mamés trở về Tây Ban Nha, ở Madrid đã có một đan viện của các nữ đan sĩ, và Mamés sẽ mục vụ cho đan viện này. Chính thánh Đa Minh cũng rất quan tâm tới các phụ nữ. Cơ sở đầu tiên ngài thiết lập, thậm chí trước cả khi thiết lập Dòng, được dành cho các phụ nữ theo phái Cathar trở lại. Thánh Đa Minh và Đức cha Diego đã dành cho họ một nhà ở Prouilhe.3 Tại vị trí này, ngày nay, có một cộng đoàn quốc tế của các nữ đan sĩ. Thánh Đa Minh đã có một “gia đình thiêng liêng” ngay từ khi bắt đầu –có lẽ cũng do ảnh hưởng của thân mẫu. Rõ ràng, thân mẫu thánh Đa Minh là người phụ nữ cầu nguyện. Ai đã đi hành hương trong khi mang thai ? Vùng quê quanh Caleruega thì quanh co gồ ghề, và thành Silos đâu có gần, chỉ gần theo điều kiện hiện đại mà thôi.

Từ Caleruega tới Palencia

Nếu thánh Đa Minh phải trở thành giáo sĩ theo lối giáo dục tự do, thì vấn nạn đặt ra là, ngài sẽ đi đến đâu, và được chuẩn bị ra sao ? Câu trả lời : không phải ở Caleruega. Thay vì đặt ra vấn nạn như thế, chúng ta có thể hỏi ai đã chăm sóc thánh Đa Minh khi ngài còn trẻ và ai đã chuẩn bị để ngài có thể vào đại học. Đó là người cậu, cũng là một linh mục. Chính người cậu, hoặc một linh mục phụ tá tại nhà thờ giáo xứ do người cậu này phụ trách, đã cung cấp cho chàng thanh niên Đa Minh những gì cần thiết để được chuẩn bị về nghệ thuật tự do mà sau đó, chàng sẽ theo đuổi tại trung tâm học vấn đích thực, tức là tại Palencia, trung tâm trí thức miền Castile. Một trường đại học chính thức được thiết lập tại Palencia khoảng năm 1212, là trường đại học đầu tiên của Tây Ban Nha, mặc dù thời gian sau đại học Salamanca trở nên danh tiếng hơn. Nhưng thực tế, đó là đại học đầu tiên của Tây Ban Nha, dựa theo mẫu đại học đang phát triển ở Paris và Bologna. Đó là bằng chứng cho thấy chất lượng đào tạo tại đó, ngay cả trước khi thành lập chính thức.

Thánh Đa Minh đến Palencia sau năm hoặc sáu năm dưới sự hướng dẫn của người cậu, lúc đó ngài khoảng 13 hoặc 14 tuổi, không phải là độ tuổi khác thường để theo đuổi nghệ thuật tự do. Người ta có thể cảm nhận nơi thánh Đa Minh niềm say mê học hỏi, ham hiểu biết về Thiên Chúa và thế giới, nhiệt thành với công việc, và tinh thần kỷ luật trong học hành. Người ta không xác định chính xác ngài học những gì, nhưng có lẽ bao gồm bảy nghệ thuật cổ điển : trivium (ngữ pháp, logic, và hùng biện) và quadrivium (toán học, địa lý, âm nhạc, thiên văn), sau đó ngài học triết học (triết học tự nhiên hoặc vật lý, cũng như siêu hình), và tiếp theo là học thần học, là ngành học thánh Đa Minh rất quan tâm. Chân phước Giođanô Saxônia viết trong cuốn Libellus như sau :

Sau đó, ngài được gửi tới Palencia để được huấn luyện về nghệ thuật tự do, vì tại đó có một phân khoa nghệ thuật đang phát triển trong thời gian này. Khi nhận thấy mình đã học đủ về nghệ thuật, ngài không học thêm nữa, và bước vào nghiên cứu thần học, như là ngài sợ mất thời gian dành cho việc học hỏi ít hiệu quả. Ngài bắt đầu phát triển niềm khao khát mãnh liệt với lời Thiên Chúa, cảm thấy lời “ngọt ngào hơn mật ong trong miệng” (số 6).

Ơn gọi linh mục của thánh Đa Minh dường như đã hình thành ở Caleruega. Phải chăng thân mẫu đã chia sẻ với cha Đa Minh tất cả những gì bà đã cảm nghiệm trong giấc mơ, hoặc bà đã thinh lặng suy nghĩ trong lòng ? Không biết thân mẫu cha Đa Minh có chia sẻ những điều như thế với con của bà hay không, nhưng Đa Minh đã sớm nhận ra ước muốn hoặc vận mệnh của mình trong việc phục vụ Giáo hội, rồi điều đó được nuôi dưỡng nhờ ông cậu của ngài, cũng là linh mục, và nhờ việc học thần học. Việc học đó không vì lợi ích thế gian. Vào thời gian đó, ngài đã có khuynh hướng chỉ nói về Chúa và nói với Chúa, và sau này ngài hướng dẫn các anh em trong Dòng cũng làm như thế. Đó là một trong những chỉ dẫn về thánh Đa Minh còn được lưu truyền đến chúng ta.4

Ở Palencia, chính lúc nạn đói xảy ra, thánh Đa Minh đã kinh nghiệm được sự khẩn cấp về những công việc thể lý nhằm thể hiện lòng thương xót, nên đã thiết lập một trung tâm bác ái, phân phát tài sản của ngài. Ngài đã bán sách quý, hay đúng hơn là sách da chép tay, và nói : “Làm sao tôi có thể giữ những tấm da chết này khi những bộ da sống đang dần chết đói.” Ngài đồng cảm với người nghèo, như thân mẫu của mình. Nhưng điều gì diễn ra sau khi ngài học đại học và thần học ? Trải qua 10 hay 11 năm ở Palencia, bắt đầu từ năm 1186 hoặc 1187, thánh Đa Minh chuyển đến Osma, thành phố có nhà thờ chính tòa giáo phận, năm 1197 hoặc 1198.

Từ Palencia tới Osma

Kinh sĩ thường là các linh mục giáo phận – tức là các linh mục gắn với một giáo phận và dưới quyền của giám mục địa phương. Các kinh sĩ nhà thờ chính tòa sống thành cộng đoàn, chia sẻ tài sản chung, có lời khấn vĩnh cư, và thường theo một luật sống, vì thế họ sống theo lối sống bán đan tu hoặc “kỷ luật” (nghĩa là họ theo một luật sống – regula). Mặc dù họ là giáo sĩ triều, nhưng lối sống của kinh sĩ có nhiều điểm giống với đời sống tu trì. Khác với lối sống đan tu, lối sống của các kinh sĩ rõ ràng mang tính giáo sĩ và bao gồm việc thi hành sứ vụ công khai. Kinh sĩ đoàn gồm có các linh mục giáo phận phục vụ ở nhà thờ chính tòa ; và giám mục giáo phận là người chủ tọa.

Chúng ta thấy chàng thanh niên khoảng 24 hay 25 tuổi gia nhập kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa Osma, là kinh sĩ đoàn theo tu luật thánh Âutinh trong “đời sống kỷ luật”.

Rõ ràng, trước tháng Tám năm 1199, thánh Đa Minh được chỉ định phụ trách phòng thánh, một chức vụ rất quan trọng đối với đời sống phụng vụ của cộng đoàn.5 Khi thánh Đa Minh gia nhập kinh sĩ đoàn, giám mục Osma là Đức cha Martin Bazan (làm giám mục từ 1189 đến 1201), và bề trên kinh sĩ đoàn là Diego Acebo, người sẽ kế nhiệm Đức cha Martin làm giám mục giáo phận (1201-1208). Lúc đó, thánh Đa Minh đã là phó bề trên kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa. Chân phước Giođanô Saxônia viết về Diego như sau :

Nếu bất kỳ người thuộc quyền Đức cha Diego mà chậm chạp trên con đường nên thánh, quan tâm nhiều hơn tới những sự trần thế, thì ngài thúc giục họ bằng lời, và truyền cảm hứng cho họ bằng gương sáng, để họ chấp nhận một mẫu gương đáng khen hơn về phẩm hạnh và lối sống nghiêm túc hơn trong đời sống tu trì. Ngoài ra, ngài làm hết mình, bằng cách thường xuyên huấn dụ và không ngừng khuyến khích, để thuyết phục các kinh sĩ chấp thuận theo tu luật thánh Âutinh và sống kỷ luật kinh sĩ. Nhờ những cố gắng ấy, ngài đã thành công khi các kinh sĩ chấp nhận ý định của ngài, dù vẫn có một số người chống lại (Libellus, số 4).

 Tu luật thánh Âutinh được viết ra nhằm hướng dẫn lối sống độc thân, đan tu hoặc tu trì trong Giáo hội. Có lẽ, trong thế giới Tây phương, tu luật nổi tiếng nhất là tu luật thánh Biển Đức. Một tu luật khác, khác với tu luật thánh Biển Đức và có lẽ xuất hiện sớm hơn, đó là tu luật thánh Âutinh. Một số học giả đặt vấn đề, bao nhiêu phần của tu luật này do chính thánh Âutinh viết. Thánh Âutinh (354 -430), là giám mục thành Hippo, miền Bắc châu Phi (từ 396 -430), ước muốn các linh mục của ngài sống đời sống chung sốt sắng. Tu luật là bản hướng dẫn dành cho họ. Sau đó, tu luật này được sử dụng rộng rãi và được áp dụng vào cuối thế kỷ XI và đầu thế kỷ XII như là lối sống dành cho các kinh sĩ. Tu luật cho phép hoạt động sứ vụ, như được viết cho các linh mục, nhưng đời sống sứ vụ được đặt nền trên đời sống chiêm niệm. Căn bản của tu luật thánh Âutinh là nguyên tắc Tin mừng, được tìm thấy trong sách Công vụ Tông đồ (4,32) : “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”.

Như nhiều kinh sĩ đoàn khác, kinh sĩ đoàn Osma theo tu luật thánh Âutinh, và gần đây đã trở lại với kỷ luật nghiêm ngặt. Việc đọc bản tu luật, chưa đến 10 trang trong các bản dịch hiện đại, là cửa ngõ tuyệt vời để hiểu rõ đời sống của cha thánh Đa Minh ở Osma cũng như đời sống của các anh em giảng thuyết mà thánh Đa Minh thiết lập sau đó. Tu luật quy định chương trình linh hoạt về việc giữ nếp sống chung, nên có thể áp dụng rộng khắp. Điều này giải thích tại sao thánh Đa Minh và các anh em đã chọn tu luật để hướng dẫn những bước khởi đầu. Bên cạnh việc giữ kỷ luật sống chung, chân phước Giođanô nói đến đời sống cầu nguyện riêng rất mạnh mẽ của cha Đa Minh, bao gồm lòng mến sâu sắc của cha với tác phẩm Conferences của Gioan Cassianô, mà cha luôn giữ bên mình (Libellus, số 13).

Tuy nhiên, trong việc huấn luyện của cha Đa Minh, vẫn còn nhiều điều hơn nữa. Dường như cha là một thanh niên tài năng, đầy ơn Chúa, được tôn trọng. Trước đó, cha đã giữ chức thánh quản, một chức vụ không theo cách chúng ta hiểu ngày nay. Người giữ chức vụ này có trách nhiệm lớn nhất đối với các vật dụng trong phòng thánh, nhưng hơn nữa, còn có trách nhiệm đối với đời sống phụng vụ chung –tức là người chăm lo đời sống cầu nguyện của cộng đoàn. Thật vậy, đó không phải là đặc ân tầm thường, khi chúng ta để ý đến độ tuổi của cha Đa Minh lúc ấy, và tầm quan trọng của việc cầu nguyện chung cũng như cầu nguyện riêng trong đời sống một kinh sĩ nhà thờ chính tòa. Không lâu sau đó, ngài trở thành phó bề trên. Rõ ràng, cha Đa Minh có được sự tin tưởng và tôn trọng của vị bề trên cộng đoàn, cũng như của Đức giám mục giáo phận. Bởi lẽ, trong khi cha Đa Minh chọn lối sống kinh sĩ do lời mời gọi của một đời sống chiêm niệm hơn nữa, Đức giám mục có thể nhận thấy nơi cha hứa hẹn những điều khác. Đó là lý do Giám mục Diego chọn ngài tháp tùng trong hành trình dài, khó khăn và quan trọng, tới Bắc Âu đại diện cho Anphongso VIII, vua Castile. Cha Đa Minh đã dành 10 hoặc 11 năm cho việc học ở Palencia, nhưng chỉ sống đời sống của một kinh sĩ ở Osma khoảng 5 hoặc 6 năm trước khi cuộc đời của ngài đột ngột chuyển hướng. Tuy nhiên, những năm này hình thành lối sống chiêm niệm, trên đó ngài đặt nền cho phần còn lại của cuộc đời.

Thánh Đa Minh đối diện với lạc giáo

Anphongso VIII (1155-1214) là vua Castile, và được nhớ đến cách đặc biệt vì vai trò của ông trong Resconquista, cuộc tái chiếm Tây Ban Nha từ sự thống trị của Hồi giáo, và do đó làm gia tăng quyền của Castile. Năm 1203, ông muốn sắp xếp cuộc hôn nhân cho hoàng tử Ferdinand 13 tuổi với một thiếu nữ quý tộc tại vùng Scandinavia, và ông giao nhiệm vụ cho giám mục Osma. Ferdinand còn trẻ, nhưng điều này không lạ trong thời đó. Blanche Castile, chị gái của Ferdinand, kết hôn với vua Louis VIII nước Pháp khi cả hai ở tuổi 12, còn chính Anphongso, khi mới 15 tuổi, kết hôn với Eleanor, ái nữ của Eleanor vua Aquitaine.

Năm 1203, Giám mục Diego phải giúp đỡ sắp xếp cuộc hôn nhân giữa hoàng tử và một thiếu nữ trong vùng Scandinavia ngày nay, có thể là Đan Mạch. Điều này nghe có vẻ không phù hợp với công việc của một giám mục, nhưng vào thời đó, sự phân biệt giữa Giáo hội và nhà nước không quá rạch ròi như thời nay. Giám mục Công giáo là nhân vật lý tưởng để thi hành việc nhà vua trao phó. Ngài chỉ vắng mặt khỏi giáo phận một thời gian, dù cũng khá dài. Khi cần một người đồng hành hay socius (phụ tá), Đức giám mục chọn cha Đa Minh –một người bạn tâm đắc, thánh thiện, thông minh– là người nhạy bén về mặt ngoại giao, và Đức giám mục Diego đã biết, và có lẽ đã tuyển vào kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa Osma khi ngài là bề trên. Đây là lần đầu tiên cha Đa Minh rời quê hương. Đức giám mục và đoàn tùy tùng –gồm cả lính tráng, những người phục vụ và một người thông dịch– rời Osma khoảng cuối tháng Năm năm 1203. Dọc đường, khi đi qua vùng Pyrénées, họ dừng lại ở Toulouse, một vùng đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lạc giáo Cathar.

Sự hiền lành của cha Đa Minh khi đáp lại vinh dự tháp tùng Đức giám mục đã không lường trước được điều cha sắp nhận thấy bên ngoài Tây Ban Nha –đó là một giáo phái lạc giáo. Cha Đa Minh đã biết đến người Dothái giáo và Hồi giáo, mà dân Castile đã sống với họ cả trong hòa bình lẫn chiến tranh nhiều năm trước. Tự gọi mình là Kitô hữu nhưng lại không trung thành với Giáo hội hoặc giáo huấn của Giáo hội sẽ là điều lạ thường gây ra xáo trộn. Họ có nhà thờ. Họ tấn phong các giám mục riêng, và có các tòa giám mục khắp miền Nam nước Pháp, trong vùng langue d’oc (nói tiếng miền Nam), cũng như Bắc Ý. Họ là người dân Cathar hoặc Albi, tức là người theo thuyết Manikê sau này, chấp nhận thuyết nhị nguyên vũ trụ luận hoặc bản thể luận cấp tiến.

Những người Cathar

Người Cathar hoặc Albi (tên gọi được gán cho những người Cathar thuộc miền Nam nước Pháp do sự kết nối họ với thành phố Albi) lần đầu tiên trở thành một giáo hội tự tổ chức tại Languedoc năm 1167, khi các giám mục Cathar được chỉ định cho Toulouse, Carcassone cũng như Albi. Dù có rất nhiều phái Cathar khác nhau, nhất là ở miền Bắc Ý, tất cả họ đều tin theo thuyết Manikê, là vật chất và những gì gắn liền với vật chất thì hoàn toàn xấu xa. Một đàng, có thể dễ dàng nhận ra làm sao người ta lại tin như thế. Chính thánh Âutinh đã bị lôi kéo theo thuyết Manikê khi còn trẻ. Trước hết, dường như đó là giải pháp thỏa đáng cho vấn đề “sự dữ” luôn phức tạp. Một cách đơn giản như sau : Phải có một thần dữ và một Thiên Chúa tốt lành –hai nguyên lý siêu hình tối hậu giải thích thế giới và được liên kết chặt chẽ với cứu cánh của chính chúng ta. Những người Cathar tìm kiếm một loại khổ chế nghiêm ngặt, mà theo quan điểm Công giáo, đó là coi thường Thiên Chúa, vì hạ thấp công trình tạo dựng của Người. Họ không tin rằng một Thiên Chúa tốt lành đã tạo nên thế giới vật chất khác biệt với Tinh Thần mà Người là. Vậy nên, có hai Thiên Chúa, là Thiên Chúa của Cựu ước –Thiên Chúa Tạo Thành, và Thiên Chúa của Tân ước –Thiên Chúa của mọi điều thiện hảo. Tạo dựng là công trình của thần dữ, và phải tránh xa tất cả những gì gắn liền với công trình ấy. Chúa Kitô của Tân ước là một tinh thần thuần túy, và sự nhập thể của Người là hão huyền.

Những người Cathar xem Giáo hội Rôma như “hội đường của Satan”, còn chính họ là “các Kitô hữu tốt lành”. Perfecti (những người hoàn hảo), như đối phương gọi họ, nghĩa là “những người nam, người nữ tốt lành”, thực hành tiết dục tuyệt đối. Perfecti từ chối kết hôn và chỉ ban một bí tích duy nhất, đó là consolamentum. Như thế, họ không có các bí tích, vì chất thể [vật chất] là một yếu tố thiết yếu trong mọi bí tích. Bí tích consolamentum, hoặc nghi thức an ủi, được ban bởi việc đặt tay của các perfecti và chỉ một lần duy nhất, do đó thường bị hoãn cho tới khi người ta sắp chết. Consolamentum cứu và bảo vệ con người để lãnh nhận sự sống thiên đàng, mà từ nơi ấy, trước đây linh hồn đã sa ngã vào thế giới vật chất. Đó là “bí tích rửa tội” của họ, để nhận tư cách thành viên đầy đủ trong giáo phái Cathar, rồi sau đó sẽ không còn quan hệ giới tính và sở hữu của cải. Họ thực hành khó nghèo tự nguyện, đồng thời cũng rất hào phóng. Thông thường, các tín hữu, tức là credentes, chấp nhận giáo huấn của giáo phái Cathar, ngay cả khi họ không chấp nhận sống theo kỷ luật của giáo phái, vốn là điều cần thiết để họ có thể lãnh nhận bí tích consolamentum. Nơi người perfecti, cũng có nhiều tu viện dành cho phụ nữ cũng như các nhà giảng thuyết lưu động.

Cha Đa Minh có thể chưa được chuẩn bị cho một quan niệm về thế giới như thế –các Kitô hữu chối bỏ sự tốt đẹp của công trình sáng tạo, cuộc nhập thể về mặt thể lý của Chúa Kitô, hôn nhân và các bí tích, và truyền thống được các Tông đồ truyền lại. Cuộc gặp gỡ này dẫn cha Đa Minh tới việc cần phải trình bày rõ ràng hơn những gì ngài tin là chân lý trong đức tin Công giáo –Thiên Chúa, công trình sáng tạo, việc nhập thể, ơn cứu độ, các bí tích. Tất cả những điều này được nói đến trong câu chuyện cha Đa Minh tranh luận với chủ quán trọ ở Toulouse. Cha Đa Minh, Đức giám mục và đoàn tùy tùng đi theo lối băng qua miền Nam nước Pháp. Khi dừng lại tại một quán trọ ở Toulouse, cha Đa Minh gặp chủ quán, là người theo phái Cathar. Chuyện kể rằng cha Đa Minh đã thức suốt đêm để tranh luận với chủ quán. Điều này cho thấy niềm đam mê của cha Đa Minh đối với chân lý, chân lý Tin mừng và lời mời gọi trao tặng hoa trái của sự chiêm niệm. Phải chăng cuộc tranh luận, hoặc thảo luận, diễn ra suốt đêm, và chỉ một đêm các vị ở lại Toulouse trước khi tiếp tục hành trình, đã được xem là giảng thuyết ? Lằn ranh giữa những gì diễn ra nơi tòa giảng tại cung nguyện ở Osma, và nhu cầu của thế giới mới bây giờ đối với cha Đa Minh bên ngoài cung nguyện có lẽ khá mỏng manh. Tất cả mọi nguồn lực trong giai đoạn đầu đời của ngài phải được thể hiện. Cha Giođanô cho chúng ta biết câu chuyện và nói rằng ông chủ quán trọ “đã không thể cưỡng lại sự khôn ngoan và Thần Khí đang đến với ông” (Libellus, số 5). Cha Đa Minh đã đem ông trở lại đức tin.

Lúc này, chúng ta không thấy điều tương tự như thế trong cuộc sống của mình sao ? Sau này người ta mới hiểu, mọi thứ xảy ra trước chính là sự chuẩn bị cho một thách thức mới sẽ đến. Hoặc tương tự như mọi điều chúng ta đã làm xây dựng nền móng cho những gì chúng ta phải làm sau đó. Chắc chắn, đối với cha Đa Minh cũng thế. Đời sống thánh thiện, yêu mến học hỏi, đồng cảm với người nghèo, học đại học, đời sống chiêm niệm và phụng vụ khi là linh mục, niềm tin sâu sắc vào những gì Giáo hội dạy, việc cử hành Thánh Thể, việc giảng thuyết ngài đã nghe và thực hiện,… tất cả những điều đó bây giờ được thể hiện khi phải đối diện với thách thức trong đời. Dẫu rằng ông chủ quán trọ không phải là người duy nhất theo phái Cathar, nhưng hành trình về phương Bắc vẫn cần phải tiếp tục. Nhiệm vụ của vị giám mục phải được đặt lên hàng đầu. Và thế nên, cuộc hôn nhân đã được sắp đặt, và người thiếu nữ đã nhận lời. Đường về lại Osma có một người khôn ngoan và nhiều kinh nghiệm hơn. Chắc chắn, Đức cha Diego và cha Đa Minh, trong hành trình dài lên phía Bắc, đã nhiều lần nói chuyện về những người Albi, cũng như đã nói chuyện với những người khác trong phái đoàn. Họ đã an toàn trở về Castile yêu dấu, và cha Đa Minh quay lại với đời sống chiêm niệm trong tư cách một kinh sĩ, dù bận rộn với vai trò phó bề trên. Bây giờ, có lẽ đã là đầu năm 1204.

Nhà vua, Đức Giáo hoàng và các đan sĩ Xitô

 Đức Giáo hoàng Innocente III: Hồng y phó tế Lotario dei Conti di Segni, nhưng chưa phải là linh mục, đã đắc cử giáo hoàng ngày 8 tháng Giêng năm 1198, ở tuổi 37. Ngài đã bênh vực quyền tự do của Giáo hội khỏi sự kiểm soát của giáo dân hoặc thế tục –nghĩa là, sự kiểm soát của các nhà quý tộc, vua chúa– với nhiều cố gắng, ngài đã duy trì được uy quyền trên họ. Là giáo hoàng có tầm ảnh hưởng và có tinh thần cải cách, có lẽ quyền lực nhất ở châu Âu thời bấy giờ, Đức Innocente III đã tiến hành cuộc Thập tự chinh thứ tư với ý định chiếm lại Đất Thánh. Kết quả thật thảm hại. Năm 1204, quân Thập tự tấn công và phá hủy Constantinople trái với ý muốn và kế hoạch của Đức Giáo hoàng. Sau đó, ngài không muốn mở rộng việc tàn phá bằng cách dùng thập tự chinh chống lại người Albi. Đức Innocente triệu tập Công đồng Latêranô IV năm 1215, để thực hiện mối ưu tư cải cách Giáo hội và tái chiếm Đất Thánh.

Tuy nhiên, sau khi các ngài trở về, vua Anphongso, người đã rất hài lòng vì kết quả sứ vụ, không lâu sau đó, đã nhờ vị giám mục thực hiện hành trình khác cũng lên phía Bắc, nhưng lần này để đón cô dâu. Vì thế, trong năm 1205, Đức cha Diego, cha Đa Minh và đoàn tùy tùng lại lên đường. Và một lần nữa, các vị đã hiểu biết hơn về lạc giáo lan tràn khắp miền Nam nước Pháp. Hành trình lần này đem lại kết quả là nỗi thất vọng cho nhà vua, nhưng lại là sự quan phòng cho sứ vụ mà Chúa Thánh Thần đang mời gọi cha Đa Minh và Đức cha Diego. Không biết vì lý do gì cô gái trẻ không còn nữa. Chân phước Giođanô cho rằng cô đã qua đời (Libellus, số 16). Tuy nhiên, cha M.H. Vicaire, người viết tiểu sử thánh Đa Minh, có lý khi gợi ý rằng cha của cô gái, trong lúc ấy, đã cho phép cô đi tu. Điều này gây phiền phức cho cả giám mục địa phương và Đức Giáo hoàng, vì theo một nghĩa nào đó, cô gái được xem như đã kết hôn về mặt pháp lý khi đã hứa hôn với hoàng tử Tây Ban Nha.

Tuy vậy, chắc chắn Đức cha Diego và cha Đa Minh lên đường hồi hương mà không có bất cứ tin mừng nào cho nhà vua, và rõ ràng các vị đã quyết định trở về theo ngả Rôma. Lý do có lẽ là để đệ trình vấn đề hôn nhân này lên Đức Innocente III, hoặc đệ trình Đức Giáo hoàng ước muốn từ chức giám mục của Đức cha Diego, để Đức cha hiến mình cho sứ vụ loan báo Tin mừng, tại các vùng quê miền Bắc, hoặc cho dân Saracens, hay nơi những người Cumans (dân tộc du mục và man di mà ngày nay không còn),6 bởi vì, Đức cha và cha Đa Minh đã thấu hiểu về nhu cầu cấp bách của việc loan báo Tin mừng trong những vùng này. Tuy nhiên, Đức Innocente cũng biết rõ sự cân bằng nhưng chưa chắc chắn vừa trở lại với Tây Ban Nha sau cuộc tái chiếm những vùng đất, thế nên cũng cần loan báo Tin mừng tại đó và những vùng xa hơn, do vậy ngài đã không đồng ý cho Đức cha Diego từ chức.

Không biết vì lý do gì, Giám mục Diego lại trở về Osma qua Burgundy, rồi dừng lại và viếng thăm Xitô. Lúc này, Đức cha Diego và cha Đa Minh muốn biết sứ vụ mà các đan sĩ Xitô đang thi hành giữa những người Albi, được Đức Giáo hoàng ủy thác. Đó là một sứ vụ loan báo Tin mừng và giảng thuyết. Các vị đã nghe biết về sứ vụ đó từ chính Đức Innocente. Trong các thế kỷ trước, các vị giáo hoàng thường dựa vào các đan sĩ Xitô theo nhiều cách. Chúng ta nhanh chóng thấy Đức cha Diego và cha Đa Minh giảng thuyết cùng với các đan sĩ Xitô này. Giảng thuyết, như là phương tiện loan báo Tin mừng và hoán cải những người Albi tại vùng Toulouse, bây giờ trở thành một phần trong kế hoạch chiến lược của Đức Innocente. Tất nhiên, giảng thuyết được thực hiện ở ngoài trời, vì thế cần phải nói. Đã có nhiều phong trào giảng thuyết, một số thuộc về lạc giáo, số khác nghi ngờ và đứng bên lề Giáo hội, cũng như việc thiết lập các dòng tu mới, nhưng không luôn dễ dàng mô tả giảng thuyết là gì. Chúng ta có thể kể đến các kinh sĩ, dòng Prémontré, và Robert Arbrissel, là những đơn vị góp phần nâng đỡ Giáo hội ; ngoài ra còn có phong trào Waldensian [giáo phái Vanđô], một phong trào bị kết án năm 1184.

Các đan sĩ Prémontré, hoặc các đan sĩ thánh Norberto, hay dòng Kinh sĩ Prémontré, được thánh Norberto (1080 -1134)[1], bạn của thánh Bernard Clairvaux (1090 -1153), thiết lập năm 1120. Như các kinh sĩ, họ giữ luật thánh Âutinh, nhưng thêm các luật lệ khác nữa, giúp họ sống cộng đoàn cách sâu sắc hơn, trong khi vẫn thi hành sứ vụ giảng thuyết và công việc mục vụ. Vào thế kỷ XII, họ là một trong những nỗ lực canh tân bên trong Giáo hội. Vào thời thánh Đa Minh, có một đan viện Prémontré gần Osma, mà chắc chắn cha cũng quen biết.

Năm 1203, hai đan sĩ Xitô là Peter Castlenau và Raoul Fontfroide, được sai tới Languedoc, và được Đức Innocente III ban quyền thi hành sứ vụ giảng thuyết và hoán cải. Cùng đi với họ là những người phục vụ và đoàn tùy tùng. Năm sau, Đức Giáo hoàng sai vị thứ ba là Arneaud Amaury, viện phụ Xitô. Năm tiếp theo, tức là năm 1205, Foulques thành Marseilles, một người hát rong trước đây và là đan sĩ Xitô, được chọn làm giám mục Toulouse. Mùa xuân năm sau, 1206, cha Đa Minh và Đức cha Diego may mắn gặp được ba vị đặc sứ này tại Montpellier, nơi các ngài đã khen ngợi các đan sĩ Xitô dấn thân cho việc giảng thuyết, nhưng không chấp nhận cách thức của họ. Peter Castlenau lớn tuổi nhất trong ba vị này. Sau này, ngài bị ám sát do mạnh mẽ phản đối bá tước Toulouse, là người thường dao động trong sự ủng hộ Giáo hội chống lại Cathar.

Các đan sĩ Xitô này là một nhóm giảng thuyết khác biệt ngay giữa vùng đất của người Cathar. Tuy nhiên, thành công không xứng với những cố gắng của họ. Đức Giáo hoàng, người rất quan tâm và đưa ra sáng kiến chiến đấu với lạc giáo bằng giảng thuyết, đã truyền lệnh cho Đức cha Diego trở về nhiệm sở và không cho phép Đức cha từ chức để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng ở nơi khác. Giáo phận của ngài đang cần ngài, và ngài cũng đã rời giáo phận một thời gian khá dài. Tuy nhiên, đó không phải là trệch đường, và chắc chắn không coi thường mối bận tâm của Đức Giáo hoàng, là người có lẽ đã thông tri cho Đức cha Diego và cha Đa Minh biết về sứ vụ của các đan sĩ Xitô, để trở về Castile qua ngả Montpellier, nơi mà nhóm giảng thuyết Xitô tập trung. Ít ra, việc trở về từ Xitô tới Tây Ban Nha đưa các vị tới Montpellier. Nhập đoàn với các nhà giảng thuyết Xitô là điều vừa khôn ngoan, vừa thích thú. Đức Giáo hoàng đã mô tả sứ vụ của các đan sĩ Xitô như là “hiến mình cho sứ vụ lời và giảng dạy đạo lý.” Điều này thích hợp với sứ vụ mà cha Đa Minh và Đức cha Diego ước ao thực hiện.

Trên đường đi, các ngài quyết định chỉ quan sát nếu như không thể làm thêm điều gì. Tuy nhiên, vấn đề như các ngài thấy giờ đây lớn hơn điều các ngài đã suy nghĩ. Arnaud, Peter, và Raoul thừa nhận rằng họ đã không làm được gì nhiều trong hai năm rưỡi. Có lẽ Đức cha Diego và cha Đa Minh đã trải qua thách thức trong nhiều tuần. Các ngài không thể dựa vào hàng giáo sĩ địa phương, là những người vừa không được huấn luyện kỹ càng về đạo lý, vừa không được chuẩn bị để trở thành những người lãnh đạo tinh thần, nhưng chủ yếu chỉ là các thừa tác viên bí tích. Đời sống không được canh tân của hàng giáo sĩ địa phương cũng là một trong những rào cản lớn cho sự thành công của việc giảng thuyết. Tuy nhiên, chính các đặc sứ của Rôma cũng không gương mẫu trong việc làm chứng cho nếp sống thanh bần theo Tin mừng, khi họ thi hành sứ vụ trên lưng ngựa, kèm theo những người phục vụ.

Giáo phái Vanđô: Peter Valdes (hoặc Waldes) xuất thân từ Lyon, năm 1170, được truyền cảm hứng bước theo Chúa Kitô trong tư cách là nhà giảng thuyết lữ hành và hành khất. Ông rời bỏ vợ con, sau khi đã chu cấp cho họ. Ông tổ chức cho những người theo mình thành hội những người nghèo Lyon. Cam kết thực hiện việc giảng thuyết trong vai trò người giáo dân, sống khó nghèo tự nguyện, và tiếp cận chặt chẽ với Kinh thánh, họ giảng thuyết chống lại tính trần tục của hàng giáo sĩ cũng như phái Cathar. Mặc dù đã được Đức Giáo hoàng phê chuẩn cho sống khó nghèo tự nguyện, Valdes và những người theo ông không được phép giảng khi không được giáo sĩ địa phương mời, một lệnh cấm làm cho họ dần dần không còn được kính trọng. Vấn đề trọng tâm trong mối liên hệ của họ với Giáo hội, đó là ai có quyền giảng thuyết. Năm 1184, họ bị tuyệt thông, và trở nên một tổ chức bên ngoài Giáo hội. Họ nghi ngờ tính thành sự của các bí tích được ban bởi các giáo sĩ bất xứng, cũng như việc thực hành tôn kính các thánh và thánh tích. Tuy nhiên, ngay cả ngày nay, phong trào này tiếp tục lan tỏa, và vẫn còn những nhóm Vanđô nhỏ lẻ.

Những người Cathar hoàn toàn ngược lại. Khác với hàng giáo sĩ Công giáo, vốn quen với lối sống tiện nghi, những người Cathar sống đơn giản, đậm chất Tin mừng, và nếu là thành viên trọn vẹn, phải khổ chế nữa. Đó là lý do làm cho giáo phái Cathar bén rễ sâu tại miền Nam nước Pháp. Lối sống của họ thu hút những con người đơn sơ, đang đói khát ơn cứu độ, hơn cả những điều miệng lưỡi họ nói ra. Đức cha Diego và cha Đa Minh nhận ra điều đó, và nếu các ngài phải rao truyền chân lý đức tin Công giáo, thì bằng chứng tiên quyết, để đức tin ấy được thể hiện trong lối sống của các ngài, là noi theo mẫu gương chứng nhân của các Tông đồ, tức là vita apostolica của Tin mừng.

Cha Đa Minh và Đức cha Diego có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về tình hình. Ý tưởng đến từ Đức cha Diego hay từ cha Đa Minh, chúng ta chưa bao giờ biết. Một số ý tưởng nảy lên trong cuộc đối thoại và thực sự không thuộc về ai cả. Nhưng từ những gì các ngài biết, và được chứng thực khi các ngài đến Montpellier, thì sứ vụ giảng thuyết của các đan sĩ Xitô không thành công, không vì sứ điệp cho bằng cách thức, hoặc người ta có thể nói đến lối sống của nhà giảng thuyết. Viện phụ, như là giám mục, được đoàn tùy tùng hộ tống, ngồi trên lưng ngựa, và dường như không làm chứng cho đức thanh bần Tin mừng như lối sống của Chúa Giêsu được các Tin mừng miêu tả. Theo nghĩa đó, những người Cathar hay perfecti giống Chúa Kitô hơn các giáo sĩ Công giáo và các nhà giảng thuyết Xitô. Vì thế, ý tưởng –có thể nói sự khai mào– ý tưởng Đa Minh là các nhà giảng thuyết phải giảng về chân lý đức tin Công giáo, nhưng phải sống giống như người lạc giáo, giống với Tin mừng hơn – nói cách khác, sống những điều họ giảng như nghi thức phong chức ngày nay đòi hỏi các ứng viên chức thánh.7 Người ta không nghĩ đó là ý tưởng quá mới mẻ, nhưng sự thực là thế. Cả cha Đa Minh và Đức cha Diego sẵn sàng thử nghiệm. Việc dừng lại trên đường về nhà chỉ mất chút thời gian, và bây giờ việc thử nghiệm với hiểu biết này kéo dài thêm chút nữa. Đức cha Diego giải tán đoàn tùy tùng, và cùng với cha Đa Minh đi bộ để rao giảng Tin mừng. Peter và Raoul cũng sẵn sàng thử nghiệm. Arnaud phải trở về để chủ tọa một tổng hội. Đức cha Diego được xem là người lãnh đạo nhóm. Bây giờ, các vị là những người hành khất, dù lo lắng hay bạo dạn, đã tiến thẳng vào thành lũy chính của phái Cathar, xuyên qua miền Tây Nam nước Pháp.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com