[O Lumen] Thầy Dạy Chân Lý

16-03-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1628 lượt xem

ĐA MINH, VỊ THÁNH VƯỢT THỜI GIAN
Richard T. A.Murphy, O.P.

Lời giới thiệu của William R. Bonniwell
Chương 1. Ánh sáng Giáo hội
Chương 2. Thầy dạy Chân lý
Chương 3. Hồng thiêng nhẫn nại
Chương 4. Ngọc ngà khiết tịnh
Chương 5. Đấng ban phát dòng nước khôn ngoan
Chương 6. Nhà giảng thuyết ân sủng
Chương 7. Xin cho chúng con được hiệp đoàn với các phúc nhân

Sau khi tổng thống John F. Kennedy qua đời, người ta mới biết rằng, trước đây, ông có thói quen vẽ nguệch ngoạc vào quyển sổ nháp trên bàn làm việc của mình ở Nhà Trắng. Nhiều người cũng hay vẽ nguệch ngoạc khi rảnh rỗi, nhưng những nét vẽ nguệch ngoạc của ngài tổng thống lại có một ý nghĩa đặc biệt vì chúng chỉ là một từ duy nhất. Từ xuất hiện trên tất cả các trang giấy của ông với nhiều kích cỡ khác nhau và ở mọi góc độ, chính là từ quyết định. Một từ quan trọng. Không ngày nào trôi qua mà vị tổng thống Hoa Kỳ lại không có một quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hàng triệu người khác, mà số phận của họ được gắn chặt vào số phận của nước Mỹ cách này cách khác.

Không chỉ ngài tổng thống mới phải đối diện với việc đưa ra quyết định. Mọi con người trưởng thành đều chia sẻ đặc quyền và trách nhiệm này. Khi từ chối đưa ra quyết định, không lập ra chương trình cho bản thân, hoặc không theo đuổi quyết định khi đã lập ra, là chúng ta chưa thật sự trưởng thành.

Ơn gọi

Những quyết định thời trẻ xoay quanh sự lựa chọn ơn gọi cho cuộc đời thì thật quan trọng. Ơn gọi là điều mà mỗi người phải tự mình quyết định. Lựa chọn có thể là một trải nghiệm khó khăn và đau đớn, bởi lẽ có rất nhiều thứ để lựa chọn, và bởi vì một lựa chọn sai lầm ngay từ đầu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà đôi khi không thể thay đổi được. Không ai được miễn trừ khỏi việc lựa chọn.

Mặc dù trong bất kỳ bậc sống nào người ta cũng có thể đạt được ơn cứu độ, nhưng không phải mọi ơn gọi đều có cùng một mức độ như nhau. Có một thang giá trị tinh tế mà qua đó ơn gọi của mọi người được đo lường. Xét như một quy luật, các ơn gọi được đánh giá theo giá trị của các chất liệu mà thiên hướng đó quan tâm đến. Chẳng hạn, các thợ mỏ, thợ đốn gỗ, nông dân và ngư dân[1], tất cả đều thực hiện những nhiệm vụ cần thiết và quan trọng, nếu không có họ, đất nước sẽ suy vong. Nhưng những người lao động chân tay như thế thì không thuộc vào tầng lớp thượng lưu. Một vị thế cao hơn được dành cho những người có khả năng làm ra nguyên vật liệu căn bản để xã hội tiêu thụ, như các thương gia và doanh nhân. Thế nhưng, đến lượt mình, các thương gia và doanh nhân lại được xếp thấp hơn là các nhân viên ngành y, là những người chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cả về thể lý lẫn tâm lý. Bởi vì đối tượng quan tâm của họ rất quan trọng, nên họ tạo một giai tầng riêng trong xã hội. Họ có cả uy tín lẫn đẳng cấp[2].

Có vị trí quan trọng ngang hàng với các bác sĩ là những thầy dạy, mà công việc của họ là nâng cao dân trí[3]. Bác sĩ kê toa thuốc để giảm đau và chữa bệnh; thầy dạy cũng làm điều tương tự bằng cách chuyển trao chân lý – là phương thuốc duy nhất có thể chữa lành căn bệnh dốt nát. Đó là một căn bệnh khủng khiếp. Thật khó chịu khi mọi người đều hiểu biết còn bản thân ta lại “mù mờ”. Một chàng trai chưa biết nghệ thuật giao tiếp sẽ bối rối vì không nắm bắt được câu chuyện của đối phương. Một cô gái không biết nhảy hoặc nhảy không thành thạo thì sẽ nhận thấy bị loại ra khỏi cuộc vui vì sự thiếu hiểu biết của mình. Thật đáng buồn khi người đứng đầu gia đình đôi khi chỉ có sức mạnh thể lý, cơ bắp, để đổi lấy lương thực cho gia đình họ mà thôi.

Sự thiếu hiểu biết chân lý hay thiếu giáo dục làm cho cuộc sống trở nên khó khăn, nguy hiểm, và khi nhìn nhận điều này, xã hội khích lệ các hệ thống giáo dục công lập và tư thục. Những người đạt đến đỉnh cao trong nghề giảng dạy được phong tặng danh hiệu tiến sĩ, một danh hiệu mà nhiều người mơ ước.

Khoa y rất có giá trị, và nghề dạy cũng thật cao quý. Vậy làm sao chúng ta có thể ca ngợi cách đầy đủ và xứng hợp một nghề nghiệp kết hợp các ưu điểm của cả giáo viên lẫn bác sĩ?[4]

Ngành nghề này phải đối mặt không chỉ với sức khỏe và việc giáo dục con người, nhưng còn với vận mệnh muôn đời của họ và hẳn là một nghề cao cả nhất. Thế giới là nơi tối tăm cho những ai không biết gì về Chúa và Đấng Tạo Hóa, hoặc không biết gì về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa nhằm đem lại ơn cứu rỗi cho con người. Khi sự ngu dốt tràn vào các lãnh vực vốn là nơi công lý và luân lý chiếm ưu thế, thì thường dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Để đối phó với “căn bệnh tinh thần, hoặc thiếu hiểu biết” thì phải có thầy dạy, cả lúc thích hợp và không thích hợp, những bài học quan trọng để nhận biết đúng và sai, thiện và ác, tội lỗi và ân sủng, thiên đàng và địa ngục. Thánh Đa Minh thật tương xứng cách hoàn hảo với bức tranh này. Đây là những chân lý mà cha đã thông truyền cho những người đương thời.

Xã hội cần những thầy dạy giỏi, thầy thuốc lành nghề và các linh mục tốt lành, những người sẽ dạy cho thế hệ mai sau sự thật về Thiên Chúa, về con người và về thế giới này.

Chân lý

Khi được sinh ra, đứa trẻ bước vào thế giới với một tâm hồn hồn đơn sơ tinh tuyền như trang giấy trắng. Người Rôma cổ đại so sánh đứa trẻ với tấm bảng sạch – rasa tabula. Thế nhưng đồng thời tấm bảng sẽ được sử dụng ngay tức khắc, vì từ những giây phút đầu tiên chào đời, các giác quan (thị giác, khứu giác, vị giác, thính giác, xúc giác), đã bắt đầu hoạt động.

Quá trình hoạt động này diễn ra cách suôn sẻ, tự động và hoàn toàn tự nhiên, chúng bắt đầu tiếp nhận thông tin, cảm giác, v.v. , là nguồn chất liệu thô cho các suy nghĩ. Như chúng ta biết, trẻ em vẫn chưa thể suy tư cho đến khi chúng đạt đến một độ tuổi nhất định, dù chúng luôn phải học hỏi. Chúng có thể dùng giác quan để viết trên tấm bảng.

Thế nhưng không ai là hoàn hảo (nghĩa là tự mình mà không cần người khác). Người tự học sẽ là một nguồn thông tin vô tận về một hoặc nhiều chủ đề anh ta yêu thích, nhưng thông thường, người ấy sẽ cảm thấy hoang mang khi gặp khung cảnh rộng lớn hơn, bao quát hơn. Việc tự đào luyện mình thì chậm chạp và khó khăn, dễ phạm nhiều sai lầm mà lẽ ra có thể tránh được nếu có sự giúp đỡ của một người thầy. Việc học tập thường sẽ hiệu quả hơn nhiều khi có một thầy dạy giỏi giúp học trò đạt được sự quân bình và hướng đi cụ thể.

Trẻ em sẽ dùng các giác quan bản năng để thu thập tri thức cho mình. Một khi đạt đến tuổi khôn, trẻ sẽ đạt đến một kiểu tri thức cao hơn. Và điều này cũng phù hợp với tiến trình phát triển của trẻ. Con người vẫn hằng ước mong nhận biết chân lý, và trong lịch sử, nhiều người đã chết vì chân lý. Khi bị điệu ra trước tòa, Đức Giêsu nói với tổng trấn Philatô: “Tôi đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật.” Philatô vội hỏi: “sự thật là chi?”[5] rồi quay đi. Ông không phải là người đầu tiên, cũng không phải là người cuối cùng hành xử như vậy, trước mặt Đấng là Chân Lý và cũng vậy, nhiều người cho rằng chân lý hoặc không thể đạt tới hoặc không đáng để nổ lực tìm kiếm.

Chân lý có nhiều diện mạo và tất cả đều rất đẹp.

Trước tiên là chân lý nơi chính sự vật. Một bông hồng tự nó là một bông hồng… một con người tự bản chất là một con người… Với quyền năng tuyệt đối và sự khôn ngoan vô hạn, Thiên Chúa làm cho thế giới này hiện hữu, Người thật tài tình, khéo léo; Người không cần luyện tập để trở nên hoàn hảo. Những gì Người tạo ra đúng như ý định Người đã có; hoàn toàn không có gì sai sót. Tất cả đều hiện hữu ngay lập tức và hoàn toàn đúng như Người muốn.

Loại chân lý này có một danh xưng khó hiểu. Nó được gọi là chân lý siêu hình hay hữu thể luận. Hãy quên danh xưng đi; một người chưa bao giờ nghe biết những danh xưng này cũng biết được chân lý nghĩa là gì. Nhà chính trị trau chuốt ngôn từ bài diễn văn, bác sĩ nối khớp xương, thiếu nữ làm tóc, người nội trợ mua sắm trong siêu thị, tất cả đều có loại chân lý này, chân lý trong chính sự vật. Trong tâm trí mình, họ có một hình ảnh; điều họ tìm kiếm là thực tại tương ứng với hình ảnh đấy.

Ngoài ra, còn có một loại chân lý hệ tại trong tư tưởng, được gọi là chân lý luận lý. Khi nói chuyện với người khác, sử dụng đúng tên của họ, thì chúng ta đang lý luận theo chân lý luận lý, có nghĩa là tâm trí của chúng ta được điều chỉnh thích hợp với những sự kiện bên ngoài, và đánh giá đúng đắn về họ. Ai lại chẳng bối rối khi gọi một người là X, trong khi thật sự người ấy là Y? Trong những trường hợp nhầm lẫn căn tính và sai lầm, tâm trí chúng ta không thực sự nắm bắt được những thực tại bên ngoài lý trí, và chân lý không ở trong tâm trí chúng ta. Khi chúng ta nhận ra sự vật như nó là, thì chúng ta biết chân lý.

Loại chân lý thứ ba có tầm quan trọng thực tiễn hơn mà chúng ta gọi là chân lý luân lý. Người ta nhất trí gọi nó là chân lý vì nó rất thực đối với tất cả mọi sự. Khi cuộc sống của một người phù hợp với những gì người ấy tin nhận, khi đặt niềm tin và xác tín vào thực tiễn, thì sau đó, như Kinh thánh nói, người ấy sẽ “mang lấy sự thật”, sẽ “bước đi trong sự thật”, và sẽ “hành động theo sự thật.”

Thánh Đa Minh và Chân lý

Khi còn trẻ, cha Đa Minh đã khao khát chân lý. Chẳng phải là cha đã tìm kiếm trong những ngôi trường bậc nhất, như đại học Palencia đó sao? Chúng ta biết rằng cha rất coi trọng việc học hành, nhưng đã không ngần ngại gác lại tất cả khi nhìn thấy nhu cầu của người xung quanh. Tuy vậy, đối với cha, học hành là một phương tiện để đến cùng đích nào đó, và cha đã không ngừng truy tầm chân lý; khuynh hướng tri thức của Dòng chắc chắn bắt nguồn từ cha Đa Minh. Khi cha lập Dòng, toàn châu Âu chỉ có 25 vị tiến sĩ thần học; 50 năm sau, đã có hơn 700 vị, và nhiều người trong số đó đã đi theo cha.

Philip Hughes, sử gia người Anh, từng được hỏi điều gì ông coi là nguy hiểm nhất của Giáo hội, hoặc thử thách tồi tệ nhất mà Giáo hội từng phải đối mặt, không chút do dự, ông trả lời: “Một giáo sĩ ngu dốt.”

Với biểu tượng chân lý được vẽ trên cái khiên, Dòng của cha Đa Minh đã phục vụ Giáo hội cách hiệu quả. Các thần học gia và các vị thánh trong Dòng đã tìm kiếm chân lý trên mọi phương diện: nắm bắt những gì Thiên Chúa đã thực hiện, gắn tâm trí mình vào chân lý này, và sống theo niềm tin đặt nơi chân lý đó. Họ không phải là cái giếng hoặc bể chứa nước, nhưng là mạch nước không ngừng tuôn chảy giúp cho cánh đồng Giáo hội luôn xanh tươi. Khi Dòng mới được hình thành, cha Đa Minh đã phân tán anh em đến khắp châu Âu, tới các trung tâm Đại học. Cha khiến những kẻ chỉ trích phải câm miệng, khi đưa ra một nhận định sâu sắc: “tích trữ hạt giống trong kho thì nó sẽ bị thối nát; nhưng nếu gieo hạt giống trên cánh đồng, anh em sẽ gặt hái vụ mùa bội thu”. Cha đã đúng. Chân lý là để gieo, để gặt, để sử dụng. Như văn hào Shakespeare đã nói:

“Nếu nhân đức không được tỏ lộ nơi chúng ta, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta không có nhân đức.”[6]

Một vài học giả nhìn nhận chân lý chỉ như sự cưỡng ép tâm trí sao cho phù hợp với những đúc kết và phát biểu của các các học giả xa xưa. Chân lý là bất cứ điều gì ngoại trừ điều sự cưỡng ép mà chúng ta vừa nói đến. Nó luôn luôn mới mẻ, luôn có thể đạt được. Nó không phải là một bộ sưu tập những mệnh đề vượt thời gian mà là cách chúng ta nối kết với thực tại, và trên tất cả, là gắn với Thực Tại, là Đấng đã nói “Thầy là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14,6). Con cái cha Đa Minh quan tâm không chỉ cái đúng và cái sai như kiểu toán học, mà xét trong chân lý, còn đòi hỏi sự toàn vẹn và thiện hảo về phía người hiểu biết. Ngay cả thánh Tôma Aquinô cũng dạy rằng, xét cho cùng, nếu phải chọn lựa điều tốt hơn trong cuộc đời, bạn hãy chọn sự thiện hảo thay vì sự thông minh[7].

Khác xa việc nghiên cứu những gì thuộc về quá khứ chết, chân lý nghiên cứu tất cả những gì hiện hữu. Giống như Giáo hội, chân lý thì sống động và tông truyền. Đời sống của Giáo hội dao động mạnh mẽ ngay ở thời điểm hiện tại, chỉ cần đảo mắt trên những tờ tạp chí có thế giá, chúng ta sẽ nhận thấy điều đó. Than ôi, quả là đồng lúa chân lý thì bát ngát mà thợ gặt lại quá ít. Nhưng phẩm chất mới là điều đáng lưu tâm. Một vài học giả ưu tuyển có thể qua các tác phẩm của họ mà giúp cho rất nhiều người ngày càng đến gần Thiên Chúa trong tình yêu thương.

Việc các tu sĩ Ða Minh sống trong tu viện, học viện, giáo xứ không có nghĩa là họ tách biệt khỏi thế giới nơi họ phục vụ. Họ luôn quan tâm đến những gì đang xảy ra, và sẵn sàng lên tiếng khi được mời gọi. Và ngay cả khi không được mời gọi, họ vẫn lên tiếng qua các tác phẩm của mình. Có nhiều vấn đề cần xem xét: đời sống người Công giáo, vai trò của giáo dân trong Giáo hội, các trường học tại giáo xứ và vấn đề an sinh xã hội, sự gia tăng dân số, tôn trọng sự sống từ lúc thụ thai đến khi chết tự nhiên, và vấn đề hôn nhân. Các văn kiện Công đồng, đặc biệt là Hiến chế Tín lý về Giáo hội và Hiến chế về Phụng vụ thánh phải trở nên quen thuộc với chúng ta, những người phục vụ Giáo hội.

Dường như đối với nhiều người, hoàn cảnh mà cuộc canh tân (aggiormento) đem đến, hoàn toàn không giống như tình trạng hỗn mang (tohu wabohu) trong sách Sáng thế. Nhưng sách Sáng thế cũng lưu ý rằng Thần Khí đã bao phủ trên cảnh hỗn mang này, và từ sự bao phủ ấy, xuất hiện một vũ trụ tuyệt vời mà chúng ta đang sống.

Tuy cũng có bóng tối xung quanh chúng ta, nhưng chúng ta có một người hướng dẫn đầy kinh nghiệm là cha Đa Minh, thầy dạy Chân lý. Cha đón nhận ánh sáng nơi Giáo hội, và chuyển trao cho chúng ta. Với tinh thần sẵn sàng, háo hức tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa, chúng ta, như một Dòng cổ xưa trong Giáo hội luôn luôn đổi mới, cùng với cha Đa Minh hướng đến sự viên mãn cùng đích nhiệm mầu của chúng ta. Bằng cách kết hợp cuộc sống với đức tin, chúng ta sẽ chứng tỏ mình xứng đáng là thành viên của dòng Chân lý.

Vẻ đẹp, điều thiện và tri thức là ba chị em
Hòa quyện lẫn nhau để nên bạn với con người
Sống với nhau dưới một mái nhà,
Và có lẽ không bao giờ phân ly mà không có nước mắt.

Alfred Tennyson

[1] Nhờ những kỹ năng với đôi bàn tay, mỗi người là một chuyên gia trong công việc của riêng mình; nếu không có họ, thì không một thành phố nào có thể tồn tại, và bất cứ nơi nào có họ, thì sẽ không bị đói kém. Nhưng họ không phải là thành viên của hội đồng nhân dân, cũng không phải là thành phần nổi bật trong cộng đồng. Họ không phải là thẩm phán, và cũng không thể hiểu luật pháp và công lý. Họ không đưa ra kỷ luật hoặc xét xử, cũng không phải là những người cai trị. Tuy nhiên, họ duy trì cơ cấu của thế giới, và mối quan tâm của họ là thi hành các kỹ năng của mình (Hc 38,31).

[2] Trong sách Huấn ca chương 38, ngành y được đề cập trước hết trong những ngành đáng được khen ngợi. “Hãy tôn trọng thầy thuốc vì mọi người đều cần đến ông, và vì thiên chức lương y là do Đức Chúa thiết lập”.

[3] Ibid.

[4] Vị tư tế được ca ngợi nhiều nhất. Những lời khen ngợi tuyệt vời của thượng tế Simon, “vinh quang của dân người” (Hc 50,1-2).

[5] Ga 18,38.

[6] Measure for measure, Act I, Scence I. tr 80

[7] ST IIa, IIae, q.23,a.6

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com