[15 Ngày Với Thánh Đa Minh] Ngày 4 : Con người của Thiên Chúa

04-04-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1479 lượt xem

Cha thánh cũng là một người nhìn thấy Thiên Chúa qua việc chiêm niệm. Ngài thường tự ý đi thăm viếng những nơi cầu nguyện và lưu giữ hài cốt các thánh. Ngài không đi thoáng qua, nhưng thường ở lại đó cầu nguyện từ sáng tới đêm. Ngài cũng thường đến một thành phố là Castres, thuộc giáo phận Albi gần giáo phận Toulouse để kính viếng thánh Vinh Sơn, phó tế, mà ngài biết chắc là hài cốt của vị này được lưu giữ trong nhà thờ (EVA tr. 82).

Thánh Đa Minh là người yêu mến Thiên Chúa, điều ấy không ai chối cãi. Nhà viết sử kể lại ngài đi hành hương, đấy mới chỉ là một trong nhiều chứng tích cho thấy ngài gắn bó sâu xa với Thiên Chúa.

Trước mắt chúng ta, thánh Đa Minh là người có niềm tin sâu sắc. Dường như ngay từ niên thiếu, ngài đã có mối tương giao thân thiết với Đức Kitô. Từ lúc còn rất trẻ, ngài đã ước nguyện, không chỉ dâng hiến đời mình trong tác vụ linh mục, nhưng còn muốn thể hiện nếp sống đạo hạnh, có ảnh hưởng đến những người đương thời. Mọi người đều thán phục và nói như vậy. Trong án phong thánh, –ngài được phong thánh khoảng 13 năm sau khi qua đời–, nhiều người làm chứng về điều này, trong đó có những người biết rõ về thánh nhân.

Anh Guillaume de Montferrat kể lại :

Cha Đa Minh làm cho người ta có cảm tưởng là một người rất đạo hạnh, đạo hạnh hơn hết những người được biết đến cho tới lúc này… ; dường như ngài nhiệt thành với ơn cứu độ của nhân loại hơn hết mọi người (VIE tr. 43).

Nơi thánh Đa Minh, lòng yêu mến Thiên Chúa và lòng yêu mến con người liên kết với nhau chặt chẽ. Dưới đây là chứng từ rất cảm động của anh Phaolô thành Venise, một người bạn đồng hành của thánh Đa Minh.

Khi các vị đi chung với nhau, người ta thấy cha Đa Minh cầu nguyện, giảng dạy, đắm mình trong lời van xin và suy niệm về Thiên Chúa. Cha nói với anh : “Hãy tiến bước và hãy nghĩ đến Đấng Cứu Thế của chúng ta.” Ở bất cứ nơi đâu, cha không ngừng nói về Thiên Chúa hay với Thiên Chúa (VIE tr. 68).

Người ta lấy làm ngạc nhiên vì dự phóng do lòng nhiệt thành với Thiên Chúa đưa dẫn thánh nhân (LIB s. 103). Chính đời sống nội tâm thâm sâu này chiếu tỏa trong chân dung con người đã dành phần lớn thời giờ của mình để nói với Thiên Chúa, khi không nói về Thiên Chúa cho ai đó.

Đời sống hướng tới Thiên Chúa được diễn tả ra trong niềm vui, là hoa trái của lòng bác ái chân thật. Thánh Đa Minh làm cho người khác luôn nhớ đến ngài như một con người tràn đầy niềm vui. Chúng ta đã thấy thánh nhân đầy xúc cảm trước nỗi khốn cùng của người khác, lại cũng là người để cho Thiên Chúa cư ngụ trong mình hầu không bị tác động trước những xáo trộn bên ngoài. Anh Phaolô thành Venise “đã chẳng bao giờ thấy cha Đa Minh biểu lộ sự giận dữ, sướt mướt hay bối rối, cả khi du hành mệt nhọc, cả khi say mê điều gì đó, hay trong bất cứ trường hợp nào ; trái lại anh đã thấy cha Đa Minh luôn vui tươi trong những khốn khó và kiên nhẫn trong những lúc bị chống đối” (VIE tr. 68).

Tư chất vui tươi này, xuất phát từ Thiên Chúa, đã có một kết thúc đặc biệt sau khi vị sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết qua đời.

Tất cả các nhân chứng đều thuật lại rằng khi cải táng thi hài thánh Đa Minh từ ngôi mộ tạm thời tới ngôi mộ mới xây trong tu viện Bologna, người ta đã chứng kiến một câu chuyện lạ lùng. Anh em cứ sợ rằng thi hài cha Đa Minh sau bao năm được an táng tạm thời, bị gió mưa vùi dập, sẽ bị dòi bọ rúc rỉa và xông ra mùi tanh hôi (LIB s. 127). Nhưng điều xảy ra trái ngược hẳn. Từ ngôi mộ toả ra mùi thơm dịu dàng, ai cũng cảm thấy. Không chỉ một hai anh em chứng kiến điều này, nhưng là tất cả mọi người hiện diện, và số này rất đông. Chân phước Giođanô đã mang thi hài thánh tổ phụ trên tay mình để giáo dân hôn kính, sau này tay của chân phước vẫn lưu giữ mùi thơm đó (LIB s. 128). Anh Rodolpho là người đã tẩn liệm thánh Đa Minh xác định rằng, không ai đặt thuốc thơm vào quan tài đầu tiên ấy. Chính anh là người đã đặt cha Đa Minh vào ngôi mộ xây bằng đá cách cẩn thận. Rồi cũng chính anh dùng thanh sắt nạy tấm đá ở trên, và khi anh nâng tấm đá ra, một mùi thơm ngào ngạt toả ra, mà anh chẳng biết từ đâu (VIE tr. 60).

Hương thơm này chính là hương thơm thánh thiện mà cảm thức lý trí của chúng ta có thể không tin lắm, hoặc không nghĩ là có nhiều giá trị. Dường như vì chúng ta không nhạy cảm với cách thức biểu lộ sự thánh thiện như thế ? Đàng khác, khi đọc lại các bản văn thời ấy, người ta thấy rằng các cảm thức không thay đổi gì cả. Các anh em ít cảm thấy thúc bách phải mở ngôi mộ của vị tổ phụ. Họ sợ rằng sẽ xông ra mùi hôi thối và sẽ có những ý nghĩ không hay. Họ đã đồng ý như thế và điều này làm chứng họ rất ngạc nhiên về mùi thơm họ ngửi thấy. Nhưng đối với họ, có lẽ đây là một dấu chỉ từ trời. Niềm vui thánh Đa Minh đã sống tại trần gian nay được toả ra qua mùi thơm này. Mùi thơm toả ra và đem lại niềm vui cho tất cả những ai thừa hưởng. Mùi thơm và niềm vui liên kết với nhau, cũng như mùi hôi thối với sự buồn phiền. Lễ cải táng được cử hành vào ngày thứ ba sau lễ Hiện Xuống. Rất tình cờ, thánh ca của ngày hôm ấy là : “Hãy nhận lấy sự êm dịu vinh quang của anh em” (LIB s. 129).

Đối với chúng ta, mùi thơm toả ra từ thi hài thánh Đa Minh tựa như một lời xác định từ trời cao rằng cha thánh có đời sống quy hướng về Thiên Chúa. Thánh nhân đã sống trong niềm tin và hy vọng. Ngài đã sống tình bác ái tuyệt hảo với Thiên Chúa và người khác. Ngài đã trải nếm niềm vui, và ngay cả giữa những khốn khó, ngài đã làm lan toả sức sống thần linh đang cư ngụ trong ngài. Ngài tiếp tục làm lan toả niềm vui sau khi qua đời.

Trong ngày tĩnh tâm thứ tư này, chúng ta đón nhận mẫu gương tốt lành thánh Đa Minh để lại cho chúng ta, và chúng ta cầu xin Chúa ban cho mỗi người sự lan toả như thế, một sự lan toả phát xuất từ mối hiệp thông sâu xa với Chúa.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com