_Phaolô Nguyễn Văn Ân_
Chính những khác biệt và nhiều khi thành ra mâu thuẫn, một cách nào đó, cũng là một cơ hội cho chúng ta. […] Nếu chỉ lo chôn giấu nén bạc của mình và lo sợ phát sinh mâu thuẫn khi sử dụng chúng, thì cộng đoàn cũng giống như một dạng của nhà trọ, nơi người ta chỉ sống gần nhau chứ không nối kết và làm phong phú cho nhau.
Chúng ta, những Kitô hữu, đều được mời gọi sống một cuộc đời liên đới với nhau. Đời sống đó thể hiện bản chất con người của ta cũng như thể hiện được sự hiệp thông mà Đức Giêsu mời gọi. Khác với đời sống của những tập thể xã hội, vốn gồm những người có sự tương hợp giữa tính tình hay có chung mối tương quan tình bạn quy tụ lại, cộng đoàn tu trì lại mang những nét đặc trưng riêng. Những thành viên trong cộng đoàn tu trì đều là những người được Thiên Chúa mời gọi quy tụ lại với nhau để cùng chia sẻ một lý tưởng cao cả, cùng nhau hướng đến sự trọn hảo của đức ái. Hiểu được những ý nghĩa cao đẹp của đời thánh hiến, tôi, được Thiên Chúa mời gọi và nhờ Thánh Thần thúc đẩy, đã chọn bước đi trên con đường tận hiến. Con đường đó khuất sau những con đường khác, một con đường mà ít ra ta phải cố gắng tìm kiếm và nhờ sự trợ giúp của Đấng mời gọi ta thì may ra ta mới đủ can đảm bước đi. Lý tưởng Đa Minh đã mời gọi tôi và tôi đã chọn lý tưởng ấy cho cuộc hành trình ơn gọi của mình. Nhưng để bước đi trên con đường đó, tôi không biết phải chuẩn bị hành trang thế nào cho phải. Điều đầu tiên hiện lên trong tâm trí tôi là việc bản thân phải sống chung với một tập thể gồm những người từ mọi miền đất nước, có cùng lý tưởng giống tôi.
Cộng đoàn với những khác biệt
Những trăn trở về một cuộc sống mới cứ bám lấy tôi dằng dặc. Từ một cậu bé chân ướt chân ráo lên phố học tập, và làm việc giữa một xã hội đầy năng động và phát triển, với những kinh nghiệm có được, tôi tự cảm thấy mình đủ sức để đảm đương cũng như tự xử lý được những khó khăn, bất hòa mà chính tôi gặp phải. Đó có thể là chút ít kinh nghiệm làm hành trang cho đời sống trong Thỉnh viện, ngôi nhà thứ hai của tôi. Nhưng chút ít kinh nghiệm đó lại không giúp tôi vơi bớt đi những ưu tư và lo lắng khi chung bàn với anh em trong ngôi nhà Đa Minh.
Trước đây, tôi luôn cho rằng, môi trường Đa Minh là nơi quy tụ những con người tài giỏi trí thức. Họ là những người mà theo tôi, phải học nhiều, cặm cụi với việc suy tư, ngại tiếp xúc với người khác. Tôi tự hỏi, khi những con người tài giỏi đó sống chung với nhau thì sao? Đã sống chung với nhau thì ắt phải có lúc này lúc kia, lúc đồng thuận lúc bất hòa. Những lúc như vậy không biết họ sẽ giải quyết những vấn đề đó ra sao và liệu chính tôi có đủ khả năng để hòa hợp được với những con người ấy hay không?
Sống trong một môi trường mới, tôi, hay bất kỳ ai cũng vậy, đều bỡ ngỡ và khép nép, đặc biệt khi sống trong môi trường tu trì với những kỉ luật khác xa với đời sống sinh viên mà tôi đã trải qua. Bên cạnh đó, chung quanh tôi toàn những con người mới lạ đến từ mọi vùng miền với cách ứng xử và quan niệm sống khác nhau. Thế rồi, ngày qua ngày, tôi được anh em trong nhà hướng dẫn tận tình. Tôi cảm nhận được những sự giúp đỡ đó xuất phát từ chính tấm lòng của mọi người. Sự lạ lẫm trong tôi dần dần biến mất. Thật hạnh phúc dường bao khi mình còn lạ nước lạ cái lại được anh em yêu thương hết tình như thế, điều đó càng khiến tôi phải chú ý hơn để tránh những xích mích, nhiều khi vô tình làm mất lòng anh em, mà những điều này gây nên những hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến mối tương giao mà mình cố gắng vun đắp.
Chú ý, để tâm là vậy, nhưng sống trong một cộng đoàn trăm cây trăm hoa, trăm người trăm tính thì làm sao tránh khỏi những bất đồng. Mặc dù không muốn, nhưng chúng ta phải nhìn nhận và đối diện với nó. Mỗi ngày, chúng tôi đều phải đối diện với nhiều bất đồng, có thể dẫn đến cãi vã. Từ việc học đến việc lao động, và việc chơi. Đó là những lúc phân chia công việc không hợp lý, những lúc mình cảm thấy bất công, hay trong những giờ thể thao, đâu phải ai cũng chơi giỏi, những lời ra tiếng vào trong lúc chơi là điều không thể tránh khỏi, những cãi vã, tranh chấp trong cuộc chơi đôi khi dẫn đến những căng thẳng gay gắt không đáng có. Vì chúng ta là con người, Chúa tạo dựng chúng ta không ai giống ai. Chúng ta mang vào cộng đoàn toàn bộ con người yếu đuối của mình, chứ chẳng phải một con người nào khác thánh thiện hơn. Chính sự thánh thiện hơn đó mới là mục tiêu mà chúng ta nhắm tới. Bất đồng, mâu thuẫn nảy sinh từ những khác biệt, nhưng chính sự khác biệt lại mới làm nên sự phong phú của đời sống cộng đoàn. Một khi dấn thân vào một cộng đoàn tu trì, ta không thể né tránh những mâu thuẫn sẽ xảy ra.
Xây dựng tương quan huynh đệ và làm phong phú cho nhau
Nhưng để những mâu thuẫn được giải quyết một cách vẹn toàn thì không dễ. Ngoài xã hội, mâu thuẫn thường được giải quyết theo nhiều cách khác nhau: thứ nhất, một cách tiêu cực là cạnh tranh và loại trừ đối phương; thứ hai, ít tiêu cực hơn là né tránh các tình huống gây mâu thuẫn, hoặc thụ động chấp nhận để mọi chuyện được yên ổn; thứ ba, nhượng bộ đối phương, chấp nhận cộng tác mà bỏ qua lợi ích của bản thân; thứ tư, tìm kiếm giải pháp đôi bên cùng có lợi. Ta có thể nhận ra những cách thức giải quyết theo cách con người sẽ không thể đi đến sự đồng thuận nếu thiếu sự đồng cảm và chấp nhận khác biệt.
Giữa anh em Đa Minh, chúng tôi học tôn trọng ý kiến của anh em dù là nhỏ nhất. Có như thế, những cuộc họp đoàn Thỉnh viện mới có thể diễn ra suông sẻ và phát huy được hết chức năng của nó. Ai rồi cũng có lúc mắc lỗi, vì là anh em với nhau nên chúng ta chê trách lỗi chứ không chê trách anh em, kiên trì đối thoại để giúp nhau nhận ra và sửa chữa. Ai cũng cần đến sự đồng cảm của tha nhân. Anh em của ta cũng như vậy, cũng cần tình bạn, cần sự thấu hiểu, cần sự lắng nghe và nhất là cần sự hiện diện của chính ta. Những cuộc họp khi sôi nổi, lúc căng thẳng với những ý kiến bất đồng, những tranh cãi, v.v., tất cả đều thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình. Chính cái tự do đó thể hiện con người thật của mình, chính cái tự do đó giúp hàn gắn anh em và chính cái tự do đó làm nên những con người Đa Minh.
Mâu thuẫn trong cộng đoàn chưa hẳn đã là xấu, nó chỉ xấu khi đưa ta đến chỗ loại trừ, chia rẽ và hình thành phe nhóm. Chúng ta sẽ trưởng thành hơn khi từ những bất đồng, có thể đi đến đối thoại để tìm kiếm một tiếng nói chung, một sự đồng thuận. Những khi giải quyết bất đồng, chúng ta hiểu anh em mình hơn, sống thật với con người của mình hơn. Tìm kiếm đồng thuận là một thách đố, và không dễ dàng đạt được. Nhưng thách đố đó giúp tôi luyện chúng ta ngày càng khôn ngoan hơn, không chỉ giúp mình mà còn giúp cho anh em của mình càng ngày càng hoàn thiện hơn.
Một cộng đoàn thực thụ thì không có sự phân biệt về phẩm giá, như lời thánh Phaolô nói: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). Chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, đều là anh em với nhau, có thể có sự khác nhau về tuổi tác, về trình độ, về chức vụ, về công việc, về vai vế, nhưng không bao giờ có chuyện người này quý giá hơn người kia. Chúng ta được Chúa trao cho những nén bạc khác nhau thì phải biết dùng những nén bạc đó mà phục vụ lẫn nhau. Chính những khác biệt và nhiều khi thành ra mâu thuẫn, một cách nào đó, cũng là một cơ hội cho chúng ta. Khi sử dụng nén bạc Chúa trao nhằm đến sự thăng tiến bản thân và hướng đến phục vụ tha nhân, tất cả chúng ta dệt nên một đời sống cộng đoàn tu trì đúng nghĩa. Nếu ai cũng chỉ lo cho đời sống của riêng mình mà không quan tâm đến người khác, hoặc nếu chỉ lo chôn giấu nén bạc của mình và lo sợ phát sinh mâu thuẫn khi sử dụng chúng, thì cộng đoàn cũng giống như một dạng của nhà trọ, nơi người ta chỉ sống gần nhau chứ không nối kết và làm phong phú cho nhau.