Mục Lục
Jos. Phan Văn Thảo
Jos. Nguyễn Phú Quý
Cuộc đời là một hành trình dài. Trên hành trình ấy có những con đường và lối đi riêng. Có những con đường gập ghềnh, quanh co, khúc khuỷu. Có những con đường bằng phẳng, ít gồ ghề. Có những con đường rộng thênh thang. Và cũng có những con đường chật hẹp. Có những con đường chỉ có một lối đi và cũng có những con đường có nhiều ngã rẽ. Có những con đường dẫn tới chân trời hạnh phúc. Nhưng cũng có những con đường cụt dẫn tới khổ đau. Và trên những con đường ấy luôn in dấu những vết chân của người lữ khách trần gian. Có những vết chân to, có những vết chân nhỏ. Có những vết chân in sâu, hiển hiện rõ ràng bởi những bước chân vững chãi đầy niềm tin yêu, đầy niềm vui hạnh phúc khi tìm thấy đúng nẻo bước tới thành công. Có những dấu chân in nông, mờ nhạt bởi những bước chân uể oải, yếu ớt bởi bế tắc không tìm được đường ngay nẻo chính. Cuộc đời gắn liền với những con đường và những bước chân. Và con người gắn liền với hạnh phúc và đau khổ. Có những con đường dẫn tới vinh quang và cũng có những con đường dẫn tới bất hạnh khổ đau. Cuộc sống có nhiều con đường nhưng trên hết có một nẻo chính lộ dẫn chúng ta đến bến bờ của hạnh phúc – con đường Giê-su.
Khi nghe đến con đường Giêsu hẳn trong ai cũng háo hức lên đường. Tuy nhiên, trong vô vàn ngả đường của cuộc đời thì con đường Giêsu lại nằm trong những con đường hẹp, nhiều chông gai, nhiều thách thức, nhiều sỏi đá, gập ghềnh … Như vậy, để đi trọn con đường Giêsu đòi hỏi mỗi lữ khách cần chuẩn bị cho mình hành trang vững chãi, cần rèn luyện con người mình những đức tính cần thiết để có thể vượt thắng những cám dỗ, thử thách trên hành trình ấy. Và cũng như bao con đường khác của cuộc sống, trên con đường Giêsu có rất nhiều người đạt đến đích điểm của hành trình và cũng có nhiều người phải chùn bước bỏ dở cuộc đua hoặc bế tắc rẽ sang một lối khác. Và để khám phá con đường Giêsu chúng ta cùng lần về những dấu chân của những lữ khách trong thời Chúa Giêsu. Đó là dấu chân của Phêrô, dấu chân của Phaolô, dấu chân của người đàn bà tội lỗi và dấu chân của Giuđa.
1. Dấu chân của Phêrô
Trong chúng ta ai cũng biết Phêrô là tông đồ cả, là vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội, người cầm chìa khóa cửa Thiên Đàng. Chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng Phêrô phải là người tài giỏi, học rộng, có vị thế trong xã hội bấy giờ. Tuy nhiên, ít ai ngờ tới Phêrô chỉ là một con người bình thường, một ngư phủ vạm vỡ khỏe mạnh, một người lao động cần cù, chất phát. Hơn nữa, Phêrô là người chẳng có học thức gì. Dù vậy, Ơn Chúa đã hoạt động trên Phêrô. Con đường Giêsu của Phêrô bắt đầu khi ông gặp Đức Giêsu và cuộc đời ông cũng từ đó biến đổi. “Đức Giêsu chăm chú nhìn ông Si-môn và nói: ‘Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha’ – tức là Phê-rô” (Ga 1,42). Lời mời gọi của Đức Giêsu đã được Phêrô đáp trả mạnh mẽ và ngay lập tức. “Người bảo các ông: ‘Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh nên những kẻ lưới người như lưới cá’. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người “(Mt 4, 19-20). Điểm nổi bật của hành trình Phêrô là ông “lập tức” bỏ mọi sự để theo Người. Chắc hẳn khi đọc đến đây, nhiều người cũng sẽ nghĩ như tôi rằng Phêrô quả là một người khờ, một kẻ nông nổi nhất thời. Trái lại, ít ai nghĩ tới niềm tin mạnh mẽ của Phêrô vào hào quang ông khám phá ra nơi con người Chúa Giêsu. Một mặt, ông nhận thức được con người của mình yếu đuối, kém cỏi, không xứng với lời mời gọi của Đức Giêsu, nhưng mặt khác ông tin rằng mình sẽ được Người biến đổi, chỉ cần ông một lòng trung kiên lên đường theo tiếng mời gọi của Người. Như vậy, điều kiện đầu tiên để bước vào con đường Giêsu là hãy sẵn sàng lên đường và để cho Ơn Chúa soi sáng hướng dẫn. Quả vậy, Ân Sủng sẽ triển nở khi con người biết đáp trả cách nào đó. Nghĩa là cần có nền tảng để Ơn Chúa hoạt động trong con người và nơi Phêrô ẩn chứa những nền tảng cần thiết căn bản.
Thứ nhất, trong con người của Phêrô chứa đựng dồi dào sự nhiệt thành. Trên hành trình theo Đức Giêsu của Phêrô, chúng ta thấy ông luôn là người tiên phong trong mọi việc, luôn đi trước các anh em khác. Khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”. Phêrô liền đại diện các anh em của mình tuyên xưng rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,15-16). Hay lần khác Chúa nói: “Chúng con có bỏ Thầy mà đi không?” thì cũng chính Phêrô đã lên tiếng trước: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống”.
Thứ hai, Phêrô là con người khiêm tốn. Người đời thường nói nhiệt tình cộng sự ngu dốt thành sự phá hoại. Tuy nhiên, đúng hơn phải cộng thêm sự cố chấp mới hoàn toàn chính xác. Như vậy, bên cạnh sự nhiệt thành cần phải có sự khiêm tốn bởi nhân vô thập toàn. Con người thật khó có thể tránh mọi sai lầm, thiếu xót. Bởi đó, con người cần khiêm tốn để biết sửa sai, biết quay lại và vươn lên trong cuộc sống. Theo con đường của Giêsu không ít lần Phêrô bị Thầy mình quở trách nhưng ông không bao giờ có một lời cãi lại mà khiêm tốn nhận lỗi và sửa mình. Cao điểm của sự khiêm tốn của Phêrô là qua những dòng lệ ăn năn hối lỗi của người đánh cá dày dạn sương gió sau khi chối Thầy ba lần.
Đức tính thứ ba có lẽ quan trọng nhất đó là lòng yêu mến. Trong số 12 tông đồ theo Chúa thử hỏi có ai yêu mến Thầy mình cho bằng Phêrô. Câu chuyện ở bờ biển hồ Tibêria – Chúa Phục sinh gặp gỡ các môn đệ, cho chúng ta khẳng định điều đó. Sau bữa ăn, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy” (Ga 21,15-19).
Tựu chung lại, dấu chân của Phêrô trên con đường Giêsu in đậm của lòng nhiệt thành, sự khiêm tốn và tình yêu mến.
2. Dấu chân của Phaolô
Ta có thể phần nào hình dung con người và cuộc đời của ông Phaolô, qua các sách Tân Ước, nhất là qua các thư ông gửi đã cho các giáo đoàn cũng như một số cá nhân khác. Phaolô là một người học thức và đa văn hóa (ông là người Do Thái, chịu ảnh hưởng văn hoá Hy Lạp và là công dân của Rôma). Ông đã theo học rất sớm tại Giêrusalem trường của thầy Gamaliel để trở thành một Rápbi (x. Cv 22, 1), ông là người hăng say truy bắt những Kitô hữu tin theo Đức Giêsu (Cv 7, 54-58; 1 Cr 15,9; Gl 1,13; Pl 3, 6) và cái chết của Phó tế Têphanô cũng được ông Phaolô đồng thuận. Dấu chân của Phaolô khi ông chưa được tiếng Chúa thức tỉnh, đó là dấu chân của người nhiệt thành tôn giáo, nhưng quá khích, và vì thế đã dẫn đến đau thương, mất mát. Nhưng Thiên Chúa có cách của Người, Thiên Chúa chẳng để cho dân tộc của Người bước đi trong lầm lạc và Người cũng chẳng để lòng người ra chai đá nên trên đường đi đến Đamát. Phaolô đã chứng kiến cảnh tượng lạ lùng xuất hiện đó là một luồng ánh sáng chói lọi hơn mặt trời chiếu tỏa xuống xung quanh ông, và ông đã ngã nhào từ trên ngựa xuống đất (x. Cv 26, 12-14). Chính biến cố quan trọng này đã làm thay đổi cuộc đời của Phaolô. Ông được ơn hoán cải để nhận biết Thiên Chúa của tình thương và bao dung, và rồi trở thành “một Tông đồ bởi ơn gọi” (x. Rm 1, 1; 1Cr 1, 1) hay “Tông đồ do Thánh Ý Thiên Chúa” (2Cr 1, 1; Ep 1,1; Cl 1, 1). Phaolô đã dành tất cả cuộc đời còn lại (hơn 30 năm) của đời mình, trải qua ba cuộc hành trình ngược xuôi khu vực Địa Trung Hải giữa muôn vàn gian nan và thử thách, cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng Đức Kitô.
“Nhưng bất cứ điều gì người ta dám làm, thì tôi cũng dám làm – tôi nói như người điên. Họ là người Hípri ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Ítraen ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Ápraham ư? Tôi cũng vậy! Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươn roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Toi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2 Cr 11, 22-27).
Phaolô đã chọn con đường Giêsu và can đảm bước trên con đường ấy – con đường dẫn đến bến bờ của hạnh phúc vĩnh cửu. Những dấu chân của Phaolô giờ đây là những dấu chân Tin Mừng nở hoa, những dấu chân mang niềm vui cứu độ. Để có thể nhiệt thành vững bước trên con đường này, Phaolô cũng đã phải trải qua với không ít gian truân, bao nhiêu thử thách mà ông phải đối mặt. Sau biến cố ngã ngựa ở Đamát, Phaolô đã trở thành một Tông đồ nhiệt thành, hăng say rao giảng Đức Kitô đã tử nạn và phục sinh. Ông trở thành Tông đồ của dân ngoại. Qua bước chân của Phaolô ơn cứu độ trở nên phổ quát cho cả nhân loại. Bước chân của Phaolô in đậm dấu chân thập giá. Hành trình ông bước đi chứa đựng đầy gian nguy, khốn khó, có khi ở giữa biển khơi, lúc khác lại ở trong sa mạc, khi thì ở trong thành phố. Bất cứ nơi nào Phaolô bước qua cũng luôn rình rập những nguy hiểm. Tuy nhiên, với lòng yêu mến và mê say thập giá, mỗi bước chân của Phaolô chứa đựng niềm vui và trên mỗi bước chân ấy tình thập giá đã nở hoa. Chúa Kitô đã được Phaolô rắc gieo vào tâm hồn của biết bao người đặc biệt những người dân ngoại.
3. Dấu chân của người đàn bà tội lỗi
Người đàn bà tội lỗi chỉ được nhắc đến trong một đoạn Tin Mừng ngắn. “Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7, 37-38).
Hành động của người đàn bà tội lỗi và của những người xung quanh xì xầm bàn tán về bà có lẽ đã đánh thức suy nghĩ của chúng ta về một quá khứ đầy lầm lỗi, sai trái của bà. Bà có thể là một kẻ trộm cắp hay rất có thể là một người đàn bà ngoại tình,… Tuy nhiên, chúng ta chỉ biết bà là một kẻ tội lỗi. Như vậy, trước khi gặp được Đức Giêsu hẳn những bước chân của người đàn bà ấy in đậm những vết nhơ tội lỗi, của những lần sa ngã trước cám dỗ. Cuộc sống của bà có lẽ luôn chịu trong cảnh dằn vặt về thân xác và cắn xé về tâm hồn. Bà bị xã hội lên án và bị đẩy ra ngoài cộng đồng. Sống như vậy hẳn trong thâm tâm bà thực sự muốn được biến đổi. Những thôi thúc trong lòng khiến bà bước thêm một bước nữa và bà hi vọng rằng bước chân này sẽ biến đổi cuộc đời bà, sẽ dẫn bà đi trên một lối khác. Và cuộc đời của bà đã thực sự được biến đổi, biến đổi một cách ngoạn mục, một cách không ai có thể ngờ đến được. Cuộc chạy đến bên chân Đức Giêsu là một bước đường tốt nhất bà đã từng bước qua. Bà đã được biến đổi. Bà đã trút bỏ được một mặc cảm về tội lỗi mà bà đã từng gây ra để được ra về với một tâm hồn bình an của Chúa. Bà chẳng những không bị Chúa lên án mà còn được Chúa xót thương khi bà biết ăn năn tìm về nẻo chính lộ. Như vậy, những bước chân của bà đã được ghi dấu trên một hành trình khác, hành trình theo Chúa Kitô. Mấu chốt của những dấu chân ấy là biết quay trở về, ăn năn, dốc lòng từ bỏ những đam mê, những tội lỗi xấu xa. Chúa cũng đang mời gọi mỗi người hãy biết trở về với chính lộ, con đường dẫn tới vinh quang Nước Trời.
4. Dấu chân của Giuđa
Khi nhắc đến Giuđa có lẽ ai trong chúng ta cũng liên tưởng đến một người mặc đồ đen, đen từ bên ngoài đến trong tâm hồn, một kẻ với khuôn mặt dữ dằn của một kẻ mưu đồ, tính toán. Giuđa kẻ bán Chúa, kẻ phản bội, kẻ vong ân bội nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta cùng tìm hiểu những dấu chân của Giuđa để hiểu rõ hơn những bước chân dẫn đưa đến sự sa ngã của Giuđa. Hành động của Giuđa bị xem là hành động của Satan. Nhưng cũng có người biện minh cho Giuđa với lý do là ông không thể thiếu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thực ra, Giuđa ở giữa hai thái cực, ông muốn theo Đức Giêsu, nhưng lại hành động theo ý mình. Ông muốn Đức Giêsu thực hiện công trình cứu độ theo ý của ông, chứ không chấp đường lối của Thiên Chúa. Trước khi tuyển chọn 12 Tông đồ, Đức Giêsu đã thức trọn một đêm để cầu nguyện với Cha của Người. Trong số các Tông đồ được tuyển chọn có Giuđa Itcariốt. Như vậy, Giuđa được chọn sau một đêm thức trắng cầu nguyện của Đức Giêsu và Giuđa cũng đã trở thành một Tông đồ theo ý định của Thiên Chúa. Giuđa được mời gọi bước theo Chúa, được nghe lời Đức Giêsu giảng dạy, cũng được mời gọi đi rao giảng Nước Trời như Phêrô, Gioan, hay Philipphê… Như thế Đức Giêsu chọn Giuđa không phải là để cho ông quay lưng với Chúa hay thành người phản bội. Chúa không lầm khi chọn Giuđa hay chọn 11 tông đồ còn lại bởi tất cả họ đều được mời gọi để hoán cải bản thân và nhận biết con đường cứu độ của Thiên Chúa. Giuđa, cũng như nhiều môn đệ khác, bỏ mọi sự, nhanh chóng bước theo chân Chúa và cũng được các Tông đồ khác tin tưởng trao cho việc giữ túi tiền.
Hành trình của Giuđa không phải một bước dẫn ông đến quay lưng ngay lại với Chúa mà là nhiều bước chân dần dần đưa ông đến chọn lựa sai lầm. Tin Mừng cho ta biết, Đức Giêsu đã có những lần nhắc nhở, cảnh báo nguy cơ đi vào con đường lầm lạc của ông. Lần thứ nhất khi đám đông bỏ đi vì những lời giảng thật khó nghe về bánh hằng sống của Đức Giêsu, Người đã hỏi các Tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy mà đi sao?” Và trước lời xác quyết của Simôn Phêrô : “bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy mới có Lời hằng sống” Chúa nói một câu mà chỉ có Giu-đa hiểu: “Chẳng phải Thầy đã chọn cả 12 người đó sao? Thế mà một trong anh em là quỷ dữ” (Ga 6,67). Như thế, Chúa biết trước điều sẽ xảy ra cho mình qua hành động của Giuđa như Thánh vịnh tiên báo: “Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con” (Tv 41,10). Lần thứ hai khi Chúa Giêsu và các môn đệ ở nhà cô Mácta, cô Maria lấy dầu thơm trong bình bạch ngọc xức lên chân Chúa, thì Giuđa bảo: “Sao không đổi lấy 30 đồng mà cho người nghèo?” Thánh Gioan sau này giải thích: “Giu-đa nói những lời này không phải vì bận tâm đến người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp, y giữ ví tiền, nên cái gì bỏ vào túi y là y phỗng mất” (Ga 12, 5-6). Như vậy, bước chân của Giuđa mỗi ngày trở nên mờ nhạt và có dấu hiệu của sự sai nhịp. Dấu hiệu thấy rõ nhất là sự thiếu nhiệt thành, không toàn tâm, toàn ý theo Thầy, một sự kiêu căng muốn làm theo ý mình và lộ dần những thói quen xấu. Giuđa kết thúc hành trình theo Đức Giêsu của mình bằng cái chết tuyệt vọng sau khi đã bán Thầy với giá ba mươi đồng bạc.
5. Bước chân của những lữ khách thời đại
Trong bước đường của mỗi người chúng ta trong thời đại ngày nay, có lẽ cũng mang dáng dấp những bước chân của Phêrô, Phaolô, của người đàn bà tội lỗi hay chính dấu chân của Giuđa. Tất cả chúng ta đều được mời gọi bước theo Chúa Kitô để cùng hưởng vinh quang với Ngài. Tuy nhiên, hành trình bước đi của mỗi người lại khác nhau và thánh giá Chúa trao cho mỗi người cũng không giống nhau. Có thể Chúa dẫn bạn theo bước chân của Phêrô luôn nhiệt thành và tràn đầy tình yêu trên bước đường. Nhưng cũng có thể Chúa đặt vào chân bạn bước chân của Phaolô. Bạn đầu tiên có thể không tin Chúa và đôi khi còn hoạnh hoẹ, khinh miệt những người tin vào Chúa. Và có lúc bạn cũng gặp phải cú ngã ngựa đầy duyên nợ như của Phaolô và được biến đổi trở thành những người tin yêu Chúa, trở thành những tín hữu nhiệt thành trong sứ vụ rao truyền Lời Chúa. Tiếp đến, bạn cũng có thể là một người tội lỗi, mang trong mình đầy thương tích là hậu quả của những việc làm sai trái. Và cũng có cả những người ban đầu đi theo Chúa với lòng nhiệt thành, nhưng rồi lại dần lần bước theo dấu chân lạc của Giuđa. Bạn cũng được mời gọi bước theo Chúa, trở thành một tín hữu của Giáo Hội, hay được mời gọi trở thành những tông đồ của Chúa. Tuy nhiên, trên bước đường ấy, người đi theo Chúa cũng rất có thể trở thành Giuđa. Lúc đầu thì nhiệt thành hăng hái nhưng càng đi tiếp con đường, bạn đã không để cho bước chân của mình theo đường lối của Thiên Chúa, những rẽ sang một hướng khác. Điều tệ hại ở đây là, người khác tưởng bạn đang đi đúng đường và vì thế lại bắt chước theo.
Lạy Chúa Giêsu, tất cả chúng con đều được mời gọi để trở nên tông đồ đích thực của Chúa. Nhưng Chúa ơi, những bước chân của chúng con đi về nhà Chúa thật chẳng những mờ nhạt mà đôi khi chúng con còn lầm đường lạc lối. Đã có những lúc chúng con phạm tội giống như người đàn bà tội lỗi trong Tin Mừng đi trong bóng đêm của sợ hãi, của những dằn vặt cắn xé trong tâm hồn. Có những lúc chúng con mang trong mình sự chống phá, quá khích như của Phaolô bởi những ghen ghét, thù hằn và lên án những người xung quanh chúng con. Có những bước chân của chúng con giống như của Giuđa, ban đầu thì nhiệt thành, phấn khởi nhưng vì không biết thức tỉnh và liên lỉ hoán cải, nên tính xác thịt của chúng con vẫn còn đầy dẫy và như một kết quả tất yếu chúng con đã trở nên xa cách Chúa, trở nên kẻ vụ lợi cá nhân. Chúa ơi ngay giờ phút này đây xin chạm vào lòng con để con được biến đổi tâm hồn. Xin đánh thức những ngu mê, lầm lạc để con trở lại nẻo chính đường ngay. Xin cho con được chạm đến tình yêu của Chúa vì con biết rằng sau khi được chạm vào Ngài tâm hồn con sẽ được trở về bình an, trở về với con người thật với căn tính của con. Cuối cùng, trên hành trình theo Chúa, chúng con xin Chúa như thánh Augustino đã cầu xin: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Amen.