[Nhân Bản Kitô Giáo] Bài 2. Sống-Với

06-04-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3040 lượt xem

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.

Đối với người Kitô hữu, nền tảng của khoa nhân học Thánh Kinh chính là mặc khải con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Khẳng định này có rất nhiều ý nghĩa :

1. Những ý nghĩa trong đức tin

1.1 Con người làm chủ vũ trụ

Trước tiên, chúng ta đã biết, con người trong Kinh Thánh có được một vị thế siêu việt hơn tất cả vũ trụ. Con người Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa để làm chủ vũ trụ chứ không phải để thống trị nhau, như quan niệm thiên tử của nhiều nền văn hoá khác.

1.2 Con người được mời gọi sống-với

Con người giống hình ảnh Chúa, có thể được hiểu như là con người có linh hồn thiêng liêng, có lý trí và có tình yêu. Tuy nhiên, mục đích chính của việc tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa chính là để con người có khả năng nhận biết và yêu mến Chúa, nghĩa là để sống-với Chúa. Sống-với là ý nghĩa chính yếu và quan trọng nhất.

Như thế chúng ta cũng hiểu ý nghĩa chính yếu của “tội tổ tông” là cám dỗ đánh mất thái độ sống-với. Tội Tổ tông hệ tại việc chọn một “phương thức sự vật” nào đó nhằm giải quyết cuộc đời của mình, được nên giống như thần thánh. Đó không phải chỉ là cám dỗ và sa ngã của nguyên tổ, nhưng còn là cám dỗ chính yếu trong thân phận con người mà chúng ta có thể gọi là “bệnh thực dụng”, và chúng ta thấy điều đó hiển hiện trong lịch sử ơn cứu độ cũng như trong đời sống đức tin Kitô giáo.

Thí dụ 1 : người Do Thái được Chúa chọn và được Chúa giao ước để sống tất cả lịch sử dân tộc trong mối tương quan sống-với Chúa. Thế nhưng, nguy cơ của của cám dỗ “thực dụng” vẫn luôn rình rập. Sống trong Giao ước, người Do Thái vẫn bị cám dỗ của bệnh thực dụng khi :

– Thay vì giữ luật để thể hiện lòng trung tín với Chúa, người ta giữ luật để làm hoàn hảo cho bản thân mình.

– Thay vị tế lễ trong các nghi thức phượng tự để thờ phượng Chúa, người ta lại tế lễ để thanh thoả lòng mình.

– Và thay vì giữ các luật ô uế trong tâm hồn như sứ điệp của các ngôn sứ, người ta bám lấy hình thức bên ngoài để chắc tâm về chính mình mà thôi.

Nguyên nhân sâu xa của những lệch lạc này là vì người ta không còn nhìn tới Chúa, nhưng nhìn nhau; không còn nhận ra bản thân mình trong tương quan với Chúa mà lại muốn đánh giá bản thân mình trong sự so sánh với người khác.

Thí dụ 2 : Đức tin bao hàm hai nội dung chính : 1/ Gắn bó bản thân với Chúa và 2/ Tuân giữ mọi điều Chúa dạy.

Trong hai điều đó, điều thứ nhất, gắn bó bản thân với Chúa là chính yếu, điều thứ hai phát xuất từ điều thứ nhất. Khi người ta không gắn bó bản thân với Chúa, thì người ta không thể giữ “mọi điều” Chúa dạy, nhưng chọn lựa những điều thích hợp với mình mà thôi. Ta thấy, người Do Thái nói chung và cả một số môn đệ của Chúa Giêsu, khi nghe những điều Chúa nói “chói tai”, thì bỏ không theo Chúa nữa (Xc. Ga 6,60-66). Đó cũng là căn bệnh thực dụng.

Thí dụ 3 : Mười người phong cùi được chữa lành, nhưng chín người đã vui hưởng ơn được chữa lành và không biết tìm đến Đấng chữa lành cho mình. Chỉ có một người Samari biết tìm đến chính Chúa thôi (Xc. Lc 17, 11-19).

2. Những ý nghĩa trong cuộc sống nhân bản

2.1 Phẩm chất nghĩa tình

Con người được sáng tạo nên giống Thiên Chúa, đó là nét căn bản “định hình” cho tất cả vận mạng con người. Con người chỉ có thể sống trọn ý nghĩa đời mình khi sống trong mối tương quan ngã vị với ai khác, với Chúa và với tha nhân.

Một cách đơn giản, chúng ta nhìn một trường hợp cụ thể : khi người mẹ cho con cái bánh. Đứa con nào chỉ thấy, chỉ vui/buồn với cái bánh, đó là đứa con có nhiều nguy cơ hư hỏng cả cuộc đời. Ngược lại, đứa con nào biết cám ơn mẹ, biết nhận ra tình thương ngọt ngào của mẹ quan trọng hơn cái bánh, thì đứa con ấy có nhiều cơ may sống cuộc đời trọn vẹn.

2.2 Sống-với để tìm hạnh phúc

Ý nghĩa sống với giúp ta hiểu được ý nghĩa đời người. Đời người không phải là một sự thoả mãn ích kỷ, mà cũng không phải là con đường của chủ nghĩa khổ hạnh, nhưng là con đường tìm hạnh phúc chân chính. Hạnh phúc là khát vọng căn bản sâu xa và là động lực lớn của đời người.

Cũng cần phân biệt hạnh phúc và sung sướng. Hai điều có vẻ gần giống nhau và nhiều người luôn lầm lẫn. Nói chung, sung sướng là điều có thể đo đếm được, và xuất phát từ việc tiêu thụ những “sự vật” (sự vật là những gì không phải chính “bản thân”). Còn hạnh phúc là điều không đo đếm được, xuất phát từ việc hoàn thành được ý nghĩa căn bản của đời mình, và ý nghĩa đó luôn luôn là ý nghĩa yêu thương, vị tha.

2.3 Sống với để thực hiện ơn gọi và sứ mạng đời người

Con người có một tiềm năng rất lớn. Bình thường người ta chỉ sử dụng khoảng hai phần mười năng lực của mình. Chỉ khi người nào đó hiểu ra cuộc đời mình được ai đó kêu gọi và được trao sứ mạng, nghĩa là tìm thấy điểm liên kết sống-với trong ý nghĩa trọn vẹn nhất của cả một đời người, thì người ấy mới có khả năng phát huy trọn vẹn năng lực của mình và sống cuộc đời mình trọn vẹn mà thôi.

2.4 Yếu tố sống với giúp con người sám hối thực sự

Hành trình đời người luôn có nhiều sai lạc, lầm lỗi và sám hối là một yếu tố cần thiết. Nhưng sám hối đích thực chỉ có được trong sống-với, nghĩa là sám hối vì nhận ra lỗi/tội đánh mất tương quan, chứ không phải vì sự ác dính dáng đến bản thân mình và chỉ sám hối vì mình.

Tạm kết

Đối với người Kitô hữu, không phải “sống đúng” là điều quan trọng nhất, nhưng là sống-với; sống-vì; sống-cho …ai khác mới là điều quan trọng nhất.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com