Thánh Đa Minh có lòng khao khát mãnh liệt là cứu rỗi các linh hồn, và thánh nhân là một vị tông đồ rất hăng say. Ngài rất nhiệt thành hăng hái với việc giảng thuyết đồng thời lại khuyến khích và bó buộc các anh em phải rao giảng Lời Chúa ngày cũng như đêm, tại nhà thờ và các tư gia, trên cánh đồng cũng như các nẻo đường ; nói tắt là mọi nơi, mọi lúc, chỉ nói về Thiên Chúa mà thôi. Ngài theo đuổi những kẻ theo bè rối, chống lại họ bằng lời giảng, bằng các cuộc tranh luận công khai và mọi hình thức có thể (VIE tr. 82, chứng từ của cha Guillaune Peyre, đan viện trưởng đan viện thánh Phaolô tại Narbonne).
Trong bối cảnh của mình, Giáo hội được tổ chức thành các Dòng –Ordres, tức là những nhóm có một trách vụ riêng (un office). Thánh Đa Minh, với trực giác nhạy cảm, đã muốn thiết lập cho Giáo hội một Dòng tu có trách vụ là giảng thuyết Tin Mừng. Ngài đã học được từ vị Giám mục của mình –Don Diego d’Osma– là muốn trở thành một nhà giảng thuyết Tin Mừng đích thực, phải sống nghèo khó. Thánh Đa Minh đã chấp nhận đòi hỏi này và đem lại một hình thức bền vững và độc đáo.
Như thánh Phanxicô Átxidi đã muốn sống nghèo theo gương Đức Kitô nghèo khó, thánh Đa Minh đã muốn, qua việc giảng thuyết, theo gương Đức Kitô, vị giảng thuyết Tin Mừng. Lời đã tràn ngập cuộc sống ban ngày của thánh Đa Minh. Ngài được Lời cư ngụ nơi mình vì ngài đã được ngự trị bởi Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa làm người. Thánh nhân dành ban đêm để đàm đạo với Lời này về người khác, và ban ngày để đàm đạo với người khác về Lời này. Một người môn đệ, cũng là niềm vinh quang của Dòng, là thánh Tôma Aquinô, đã tóm tắt cách tuyệt vời trách vụ của các anh em giảng thuyết qua châm ngôn : Chiêm niệm và truyền lại điều đã chiêm niệm cho người khác –Contemplata aliis tradere.
Với những người đương thời, thánh Đa Minh là một nhà giảng thuyết ngoại hạng. Mọi người đều làm chứng như thế.
Trong mọi lãnh vực hoạt động, trên đường đi với anh em, tại nhà với khách viếng thăm hay với người nhà, với những nhân vật vị vọng, các lãnh chúa hay chức việc, không khi nào thánh nhân thiếu những lời xây dựng ; thánh nhân có nhiều câu chuyện điển hình có thể đưa tâm hồn thính giả đến lòng yêu mến Chúa Kitô và khinh chê thế tục. Trong mọi sự, thánh nhân luôn tỏ ra mình là một con người Tin Mừng, trong cả lời nói lẫn hành động (LIB s. 104).
Ai muốn theo học tại trường của thánh Đa Minh thì chắc chắn rằng phải cảm thấy sự lôi cuốn của Lời Thiên Chúa, như ngài đã thông truyền cho các anh chị em của ngài. Và người ta sẽ yêu thích tìm hiểu những mẩu chuyện được lưu truyền trong gia đình, từ thế hệ này sang thế hệ kia, đó là những bông hoa nhỏ –fioretti– về thánh Đa Minh.
Trước hết, cuộc gặp gỡ với người chủ quán theo lạc giáo tại Toulouse là hình ảnh về nhiệt tâm tông đồ của thánh Đa Minh. Câu chuyện này xảy ra trước khi cha Đa Minh có ý tưởng lập Dòng.
Khi khám phá thấy cư dân miền đó (Languedoc) đã theo lạc giáo từ lâu, cha thánh tràn đầy thương cảm với bao linh hồn đáng thương bị lầm lạc. Ngay đêm đầu đến trọ tại thành phố (Toulouse), vị phó Bề trên (Đa Minh) đã mạnh mẽ, quyết liệt tấn công người chủ quán, dùng nhiều lý lẽ vững mạnh để thuyết phục ông. Người chủ quán đã bị khuất phục trước lý lẽ khôn ngoan và tinh thần của vị khách : nhờ sự can thiệp của Thần Khí Thiên Chúa, cha Đa Minh đã đưa người ấy trở về với đức tin (LIB s. 15).
Tuy nhiên, thánh Đa Minh hoàn toàn trái hẳn với kẻ chỉ nói ngoài miệng. Ngài không lý luận để thoả mãn mình. Ngài nói ra tức là ngài đã cảm nhận cách sâu xa nỗi khốn khổ của những người đã làm hỏng ơn cứu độ vĩnh cửu của mình. Thánh nhân biết rằng chỉ có Lời Chúa, lời trung thực của Thiên Chúa mới có thể cứu thoát họ. Vì vậy cần phải rao giảng Lời này để Lời có thể hoạt động.
Ngay lập tức, cha Đa Minh đã tìm ra được phương thế thi hành, đó là : lý luận để thuyết phục. Điều đặc biệt nơi cha là lòng can đảm. Ngài đến gặp những ai muốn được Đức Kitô cứu thoát. Ở đây có hai đòi hỏi : trước tiên là đi đến với những người phải được nghe Lời, và thứ nữa là xác tín rằng loan báo Lời để chính Lời có thể làm một điều gì đó.
Điều này được đặc trưng hoá trong một thể loại rất riêng biệt : tranh luận giữa hai bên.
Người ta tổ chức nhiều cuộc tranh cãi, có trọng tài là các đại biểu ở Pamiers, Lavaur, Montréal và Fanjeaux. Tại đây, người ta tụ họp lại để tham dự các cuộc tranh luận về đức tin (LIB s. 23).
Thánh Đa Minh gia tăng các cuộc gặp gỡ này. Ngài đã để lại nhiều ấn tượng. Tiếc rằng các chi tiết về các cuộc tranh luận không được lưu truyền cho chúng ta. Chỉ biết rằng thánh Đa Minh đã thuyết phục những người tham dự nhờ lý luận sắc bén cũng như thái độ xác tín của ngài. Ngài nói một cách mạnh mẽ như là ngài được Lời cư ngụ. Ngài đã đạt đến nghệ thuật lớn lao này là để Lời lên tiếng nơi mình, nhờ những đêm dài đắm mình trong chiêm niệm.
Trong tất cả các cuộc tranh luận, có một lần đặc biệt nổi tiếng, đó là cuộc tranh luận diễn ra tại Fanjeaux năm 1207. Mỗi bên, với những lập luận rất phong phú, những lý lẽ rất vững chắc, nên cần có một ban trọng tài đánh giá bản viết của mỗi bên. Sẽ được coi là chiến thắng cho phần nào được các trọng tài đánh giá là có lý lẽ vững vàng hơn (LIB s. 24).
Tuy nhiên, sau khi đã thảo luận rất lâu, các trọng tài không thể đồng ý với nhau. Họ chọn một cách thử :
Khi ấy họ quyết định ném cả hai bản viết vào lửa, phần nào không bị cháy thì rõ ràng phần ấy chứa đựng chân lý đức tin. Vậy người ta đốt một đống lửa lớn, và lần lượt ném các tập sách vào. Tập sách của những người theo lạc giáo bị cháy ngay tức thì. Còn tập sách kia, do cha Đa Minh là người của Thiên Chúa biên soạn, chẳng những không bị cháy, lại còn nhảy ra khỏi đống lửa trước sự chứng kiến của mọi người. Người ta ném lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba, và tập sách vẫn cứ nhảy ra như vậy. Điều này chứng tỏ rằng đó là chân lý đức tin và sự thánh thiện của người đã biên soạn (LIB s. 25).
Những cách thế ấy, người ngày nay không dám sử dụng. Tuy nhiên, tại sao Thiên Chúa lại không can thiệp, để chân lý được bày tỏ ? Họ có dám yêu cầu nữa không ! Đàng khác không chắc rằng những người chống đối sẽ trở lại.
Một câu chuyện khác xảy ra khi cha Đa Minh cùng với anh Bertrand đi từ Paris về Toulouse. Theo thói quen, các vị đi vòng qua Rocamadour để cầu nguyện tại nhà thờ dâng kính Đức Mẹ. Tại đây, các khách hành hương người Đức, nghe thấy các vị cầu nguyện và hát, nên cùng tham dự. Sau đó, họ mời các vị cùng chia sẻ bữa ăn. Cứ thế trong 4 ngày.
Một hôm, cha Đa Minh vừa thở dài vừa nói với người bạn đồng hành : Này anh Bertrand, tôi thật sự bối rối ; chúng ta dùng của ăn vật chất của các khách hành hương này, mà chẳng gieo cho họ những ích lợi về tinh thần. Vậy, nếu anh đồng ý, chúng ta cùng quỳ gối cầu nguyện, xin Chúa cho chúng ta hiểu và nói được ngôn ngữ của họ, để chúng ta có thể loan báo Chúa Giêsu cho họ. Sau đấy, các ngài đã có thể nói được tiếng Đức, và các khách hành hương rất ngạc nhiên. Các ngài còn đi chung với họ bốn ngày nữa và nói về Chúa Giêsu cho họ (EVA tr. 98).
Còn rất nhiều bông hoa nhỏ như thế. Có một danh từ có thể nói lên nét đặc trưng trong việc giảng thuyết của thánh Đa Minh, sau này trở thành châm ngôn của Dòng –Chân Lý. Trên tất cả, thánh Đa Minh muốn làm cho Chân Lý Tin Mừng thắng vượt sự lầm lạc của lạc giáo. Ngài dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ chân lý này, vì đối với ngài, đó không phải là thứ chân lý như bao chân lý, chân lý không đáng tin, nhưng là con đường duy nhất dẫn tới sự sống vĩnh cửu. Thế giới không thể thiếu ánh sáng này.
Nhưng chân lý không chỉ ở trong nội dung, nhưng còn trong cách thế. Thánh Đa Minh nói điều chân thật. Thánh nhân thuyết phục được người khác vì giữa lời nói của ngài và các xác tín sâu xa không có khoảng cách nào cả. Chân lý làm cho cuộc sống của ngài được thống nhất. Ngài không chỉ không biết nói dối, cũng không nói ngược với chân lý, nhưng ngài còn diễn tả dồi dào ý tứ của một tâm hồn trẻ thơ, không hề biết đến sự giả dối của ngôn ngữ.
Sau cùng, thánh Đa Minh thật sự là người nối kết được cả lời nói lẫn đời sống. Một châm ngôn khác ngài để lại cho Dòng, đó là yêu cầu các anh em giảng thuyết cả bằng lời nói lẫn gương sáng –Verbo et exemplo. Lúc ấy, người tôi tớ của Thiên Chúa, ý thức rằng chỉ có thể đến với những tâm hồn tội lỗi bằng gương sáng hơn là lời nói, nên đã nghĩ đến dùng việc làm để đối lại việc làm (EVA tr. 79).
Trong ngày thứ sáu này, chúng ta cùng chiêm ngắm chân dung thánh Đa Minh do chân phước Giođanô Saxonia kể lại : Trong mọi nơi, cha thánh luôn tỏ ra là một con người Tin Mừng, trong lời nói lẫn hành động (LIB s.104). Một con người của Lời đã đem ra thực hành Lời mình đang phục vụ.