(Am 6,1a. 4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31)
Bài đọc một hôm nay trích sách ngôn sứ Amốt. Vị ngôn sứ phác hoạ một bức tranh xã hội Israel đầy bất công, sự phân hoá giữa kẻ giàu người nghèo. Những kẻ giàu tiền lắm của thì “nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng”, trong khi phần lớn dân chúng Israel phải lao động cực nhọc nhưng vẫn đói ăn, vẫn nghèo khổ và thiếu thốn. Những kẻ quyền thế cho rằng sự giàu có của họ là phúc lành của Thiên Chúa, thì giờ đây vị ngôn sứ tuyên sấm và cho biết về số phận của họ cùng với sự sụp đổ của thành thánh Giêrusalem: “Chúng sẽ bị lưu đầy, dẫn đầu những kẻ bị lưu đầy. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn.”
Sau ngôn sứ Amốt tám thế kỷ, Đức Giêsu kể một dụ ngôn phản ánh tình trạng bất công giàu nghèo tương tự trong dân Chúa: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cửa ông nhà giàu, thèm được ăn những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.”
Sau Đức Giêsu hai mươi thế kỷ, vấn đề lớn nhất của nhân loại hiện nay cũng vẫn là vấn đề bất công sở hữu của cải, nguyên nhân xảy ra biết bao xung đột, chiến tranh. Thực trạng thế giới hiện nay là có những nước quá giàu, lại có những nước quá nghèo. Có những người quá dư thừa tiền của, lại có những người quá thiếu thốn.
Người giàu trong dụ ngôn hôm nay chẳng làm gì sai trái. Không thấy bài Tin Mừng nói ông vi phạm một giới răn nào của Chúa. Chỉ có một điều là hằng ngày ông nhìn thấy Ladarô nghèo khổ lê la trước cửa, nhưng không hề động lòng trắc ẩn. Và thánh Luca cho biết số phận của ông sau khi chết: “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đằng xa và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ.”
Thuật lại dụ ngôn này, tác giả Tin Mừng thứ ba đã có ý sắp xếp một sự tương phản khá mạnh mẽ giữa hai số phận của hai con người giàu và nghèo, trước và sau khi chết. Khi còn sống, ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, ăn uống linh đình. Trong khi đó, anh Ladarô thì khốn khổ, đói khát, mình đầy ghẻ chốc. Thế nhưng sau khi chết, số phận của hai con người ấy lại đảo ngược hoàn toàn. Anh Ladarô được hạnh phúc nơi lòng ông Ápraham, trong khi ông nhà giàu phải chịu cực hình hỏa ngục đời đời.
Của cải tự nó không phải là điều xấu, việc làm ra của cải là điều khuyến khích, nhưng lòng tham lam và lối sống ích kỷ là điều phải tránh. Người phú hộ hôm nay không quan tâm đến nguy hiểm đó. Ông sống tự mãn, chẳng nghĩ đến ai, ngay cả Ladarô nghèo khổ trước cửa nhà ông. Ông giàu có tiền của, nhưng quá nghèo về lòng bác ái. Chính điều đó đã khiến ông bị kết án.
Nhìn vào đời sống của các Dòng tu, có lẽ cũng không một Dòng tu nào lại giàu có “yến tiệc linh đình” đến mức như ông nhà giàu và cũng không đến nỗi vô cảm như ông nhà giàu kia. Ngược lại các Dòng tu vẫn được biết đến là hay làm việc từ thiện bác ái, giúp đỡ người nghèo. Thế nhưng liên đới với số phận người nghèo bằng cách thức làm phúc bố thí đã đủ chưa? Việc tuyên khấn khó nghèo đòi hỏi người sống đời thánh hiến còn phải đi xa hơn nữa trong sự liên đới với tha nhân. Với một cuộc sống yên ổn trong các nhà Dòng, các tu sĩ chắc sẽ không thể có kinh nghiệm về một cuộc sống bấp bênh của những người luôn phải tất bật, bon chen, ngược xuôi thức khuya dậy sớm mà vẫn không đủ ăn đủ mặc. Các tu sĩ đối với người đời luôn có được sự kính trọng, vì vậy chắc cũng không có kinh nghiệm của người bị coi thường vì dốt nát, kém khả năng, kém tri thức, v.v.., hay kinh nghiệm bị đối xử bất công và bị loại trừ, v.v..
Khi ở nhà tập, cha giáo Đoàn Thiệu kể cho các tập sinh chúng tôi nghe về những ngày của tháng Ba đói năm 1944 ở miền Bắc. Ngài nói rằng, người dân chết đói, nhưng nhà Dòng thì vẫn đủ ăn hằng ngày.
Trong đời sống tu trì hay đời sống trong Thỉnh viện, rất có thể chúng ta cũng đang có một cách sống giống với ông nhà giàu được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay. Có thể không có nhiều sự bảo đảm vật chất, nhưng chúng ta được thụ hưởng một sự yên ổn về mặt tinh thần và cũng chẳng phải lo toan tất bật với cuộc sống mưu sinh nữa. Thời gian ban đầu mới bước chân vào Thỉnh viện, có thể vất vả đôi chút để làm quen với nếp sống mới, nhưng rồi chúng ta cũng sớm nhận ra rằng cuộc sống ấy cho chúng ta nhiều ưu đãi về vật chất, tinh thần và tâm linh. Chúng ta quen với việc đón nhận lòng hảo tâm của tha nhân đến nỗi coi đó như một quyền lợi của mình. Hiến pháp của Dòng Đa Minh nói rằng vì lời khấn khó nghèo, anh em sẵn sàng sống nhờ vào lòng hảo tâm của người khác đôi khi bấp bênh. Nhưng cái bấp bênh ấy của nhà Dòng Đa Minh xem ra đáng được nhiều người mơ ước!
Lời Chúa hôm nay như một lời nhắc nhở cho các tu sĩ Đa Minh ý thức ơn gọi của mình, như Hiến pháp nói là phải trở nên “hữu ích cho linh hồn tha nhân”, nếu không thì sẽ bị kết án như ông nhà giàu. Trong đời sống tu trì, trước hết ta đón nhận lòng hảo tâm của mọi người với lòng biết ơn, đồng thời ý thức sống ơn gọi đời mình trong sự liên đới với tha nhân, sử dụng mọi phương tiện vật chất và các phương thế thiêng liêng để nên thánh và hướng đến sự phục vụ ơn cứu độ con người.
Xin Lời Chúa hôm nay hoán cải tâm hồn mỗi anh em chúng ta. Amen.