Khi di chuyển từ làng này sang làng khác, nhất là khi ở một mình tại nơi nào đó, thánh Đa Minh vẫn luôn tuân giữ mọi việc đạo đức. Tất cả niềm vui của ngài là đắm mình trong suy niệm, là tìm được sự chiêm ngắm. Trong khi đi đường, thỉnh thoảng cha thánh nói với bạn đồng hành : “Có lời viết trong sách ngôn sứ Hôsê : Ta sẽ dẫn hiền thê của Ta vào trong sa mạc, và sẽ ngỏ lời với tâm hồn nó”. Cũng có khi ngài tách khỏi bạn đồng hành, hoặc vượt lên trên, hoặc lùi lại phía sau. Lúc đó, ngài đi một mình và cầu nguyện : và ngọn lửa bác ái kín múc sức mạnh từ sự chiêm niệm (M 9).
Thánh Đa Minh là nhà du hành vĩ đại. Có lẽ thời gian ngài ở trên đường cũng ngang bằng thời gian ngài ở với anh em. Thánh nhân đã rảo khắp các nẻo đường từ Toulouse tới Rôma, từ Rôma tới Bologna, từ Bologna tới Paris, từ Paris tới Madrid. Đó là chỉ nói đến những chuyến du hành lớn. Trong thời gian 9 năm lưu lại Fanjeaux, thánh nhân đã rảo khắp những nẻo đường nào có thể đi được trong vùng, theo mọi hướng. Một sử gia tính rằng, thánh nhân đã đi bộ tới 50km mỗi ngày. Quá nhiều ! Cần phải có sức lực, và cũng cần có nhiều thời giờ. Thánh Đa Minh đã lợi dụng thời gian này để cầu nguyện.
Một khía cạnh không thể bỏ qua trong việc cầu nguyện của cha thánh, đó là việc cầu nguyện lúc đi đường. Đối với thánh Đa Minh, đường đi là nơi đặc biệt thể hiện sức mạnh của tâm hồn, của tinh thần khổ chế, lòng yêu mến chiêm ngắm và lòng nhiệt thành rao giảng. Đường đi thực sự là nội vi của thánh nhân, một nội vi mở, một nội vi để cầu nguyện khi rảo khắp trần gian.
Anh Buonviso (Bonvisage) cho chúng ta thấy nhiều chi tiết trong những chuyến du hành của thánh Đa Minh mà anh được làm bạn đồng hành. Anh cho biết là cha thánh nhiều lần đi chân không.
Trong chuyến đi đến Rôma, khi ra khỏi thành phố, làng mạc hay thị trấn, cha thánh Đa Minh thường cởi giày và đi chân không, đeo giầy trên vai. Thánh nhân cứ đi chân không như vậy cho tới khi đến những thành phố, làng mạc hay thị trấn khác. Lúc ấy thánh nhân mới xỏ giầy lại, nhưng khi ra khỏi đó, ngài lại cởi ra (VIE tr. 48).
Người anh em còn kể lại rằng các vị cứ đi như thế ngay cả khi trời mưa to. Cha thánh luôn tỏ ra tràn đầy niềm vui và tâm tình chúc tụng Thiên Chúa bằng cách hát to… bài Ave Maris Stella. Xong bài này thánh nhân lại cất bài Veni Creator cho đến hết, và luôn hát lớn tiếng như vậy. Người anh em này rất đỗi khâm phục, và ta có thể suy diễn rằng, anh thích lánh đi chỗ khác hay chờ cho thánh nhân hát xong. Mọi người đều không phải là thánh Đa Minh !
Trong những lần di chuyển đây đó, cha Đa Minh và các bạn đồng hành cầu mong lòng hiếu khách, hoặc của anh em, hoặc của các tu sĩ khác, hay những ai có thể trợ giúp. Trong những lúc ấy, thánh nhân luôn tỏ ra là người dễ thương đối với anh em, cũng như với hoàn cảnh.
Khi phải nhận sự giúp đỡ hay ăn uống chút gì, thánh Đa Minh không theo ý mình, nhưng theo ý các anh em cùng đi (VIE tr. 49).
Và đó luôn luôn là những cơ hội để ca tụng Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng.
Dọc đường, cha thánh Đa Minh hầu như luôn nói lời Chúa cho những người đồng hành, do chính thánh nhân hay do người khác. Trên đường đi, cha thánh luôn muốn trao đổi hay nói về Thiên Chúa, hoặc đọc hay cầu nguyện (VIE tr. 36, chứng từ của anh Ventura de Vérone).
Có thể mường tượng ra rằng trong những chuyến hành trình dài, các anh em có thời giờ để tranh luận với nhau về những gì đã học, cũng như loan báo Tin Mừng tại những nơi đã đi qua. Tuy nhiên đường đi là nơi thuận tiện nhất để cầu nguyện, và không một cơ hội nào bị bỏ qua để suy niệm trong lúc đang đi đường hay dừng chân tại một nhà thờ. Anh Ventura làm chứng :
Đến nơi trọ, nếu có một nhà thờ, cha Đa Minh luôn đến đó để cầu nguyện. Cũng vậy, lúc ở ngoài tu viện, cha thánh hầu như luôn thức dậy và đánh thức anh em khi nghe chuông ban sáng ở các đan viện vang lên (VIE tr. 36).
Không thể nghĩ rằng những chuyến du hành đó là để vui chơi, trái lại phải hiểu rằng đó là những cơn thử thách. Các anh em rất khâm phục lòng can đảm của thánh tổ phụ khi nghe biết những gì xảy ra trong những chuyến du hành với những điều kiện như vậy. Đôi khi thánh Đa Minh tỏ ra như kiệt sức, tuy nhiên ngài vẫn luôn giữ sức khoẻ để thi hành các công việc và đi cầu nguyện chung với anh em, hoặc cầu nguyện một mình ban đêm.
Khoảng cuối tháng 7, cha Đa Minh từ Venise trở về. Cha thánh tỏ ra mệt mỏi, vì thời tiết rất nóng nực. Mặc dù rất mệt, cha vẫn dành nhiều thời giờ ban đêm để trao đổi với tôi –lúc ấy mới được bầu làm bề trên– và anh Rodolpho về các công việc của Dòng. Anh Rodolpho muốn đi ngủ nên nài nỉ cha Đa Minh đi ngủ và cho biết không cần phải thức dậy đọc kinh Đêm. Nhưng thay vì nghe lời anh Rodolpho, cha thánh đi vào nhà nguyện và cầu nguyện suốt đêm tại đấy (VIE tr. 39, chứng từ của anh Ventura).
Trên đường đi, thánh Đa Minh luôn sống như người hành hương. Với cha thánh, đường đi không chỉ là nơi để liên tục cầu nguyện, giảng thuyết, sống đức ái huynh đệ, nhưng còn để sống nghèo khó. Vào thời ấy, cũng như ngày nay, tốc độ và sự giàu có liên hệ với nhau. Thánh Đa Minh đã dứt khoát chọn lựa sự từ bỏ này mà ngài học được từ người thầy là Giám mục Diego d’Osma. Và thánh nhân sẽ luôn trung thành trong sự lựa chọn này, đến nỗi sức khoẻ trở thành một vấn đề cần lưu tâm. Dù cha thánh không qua đời trên đường đi, nhưng cũng hoàn toàn giống như vậy. Ngài đã hoàn toàn kiệt sức khi về đến Bologna và không còn sức để đi nữa. Có thể nói rằng, một cách nào đó, thánh Đa Minh đã chết trên đường. Lòng kiên cường và sự thánh thiện của một vị tông đồ quả là đáng khâm phục !
Chân phước Giođanô Saxonia –người viết tiểu sử thánh Đa Minh– cho biết cuộc đời du hành của thánh Đa Minh (LIB s. 92) kết thúc tại Bologna. Thực vậy, từ khi rời khỏi kinh sĩ hội Osma, thánh Đa Minh du hành liên tục. Mới đầu, thánh nhân du hành để loan báo Tin Mừng cho những người đang cần đến, sau đó ngài đi từ thành phố này sang thành phố khác để thiết lập những cơ sở cho Dòng.
Vào giai đoạn cuối đời, với ý nghĩ rằng sứ vụ chính là tổ chức và củng cố anh em đã được sai đi khắp thế giới, cha thánh đi từ chỗ này sang chỗ khác, để chu toàn mối quan tâm đối với anh em.
Dầu vậy, cha Đa Minh dù không thể thực hiện chương trình vẫn hằng ấp ủ, đó là đi loan báo Tin Mừng cho những dân tộc xa xôi, hoặc là những người “Cumans” ở Trung Âu, hoặc những người Sarazins. Cùng với người sau này trở thành tu sĩ Guillaume de Montferrat, các vị đã hứa là sau khi Dòng được thành lập sẽ đi làm việc để cải hoán các dân tộc tại Prusse và dân tộc phía Bắc (VIE tr. 43). Anh Rodolpho xác nhận : cha Đa Minh khát khao ơn cứu độ của mọi linh hồn, cả người Sarazins lẫn người Kitô hữu, nhất là những người Cumans và các dân ngoại giáo khác. Ngài vẫn luôn bày tỏ khát vọng đi giảng Tin Mừng cho người Cumans và những người khác (VIE tr. 58).
Khát vọng ấy, thánh Đa Minh không thể thực hiện tới cùng. Nhưng Dòng của ngài luôn ghi khắc mối quan tâm phải vượt qua biên giới của quốc gia hay nhóm người nơi Tin Mừng đã được loan báo, để đi đến với những người chưa được nghe loan báo Tin Mừng. Bao lâu công việc này chưa kết thúc, con cái của thánh Đa Minh vẫn lên đường, trong khi cầu xin thánh tổ phụ khấng ban lòng can đảm và đức kiên trì.