Thầy Réginaldo đã được chữa khỏi một cơn bệnh nặng, khỏi một nguy hiểm mà hầu như không còn chút hy vọng nào thoát khỏi, nhờ sự can thiệp lạ lùng của sức mạnh thần linh. Vậy Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương trên trời, Mẹ xót thương đã hiện đến với thầy đang sốt mê man và dùng thuốc chữa lành mang theo người mà thoa lên mắt, mũi, tai, miệng, bụng, tay và chân của thầy và nói : “Ta xức dầu thánh vào đôi chân con, để chúng sẵn sàng đi loan báo Tin Mừng bình an” (x. Ep 6,15). Mẹ cũng cho thầy nhìn thấy toàn bộ tu phục của Dòng. Ngay lập tức, thầy cảm thấy mình đã lành bệnh và hồi phục sức khoẻ. Các thầy thuốc, trước đó hầu như đã tuyệt vọng về tình trạng của thầy, lúc này rất ngạc nhiên vì sự lành bệnh như vậy. Sau đó, cha Đa Minh đã công khai kể lại phép lạ kỳ diệu này cho nhiều người, và cho đến nay, những người này vẫn còn sống. Mới đây, chính tôi cũng tham dự một cuộc diễn thuyết về tâm linh tại Paris và ở đó, thánh nhân cũng kể lại câu chuyện này trước một số khá đông người (LIB s. 57).
Ngay từ ban đầu, Dòng của thánh Đa Minh đã gắn bó với Đức Trinh Nữ Maria. Chính chân phước Giođanô Saxonia, người cùng thời với thánh Đa Minh, và là người viết lại câu chuyện trên đây cũng khẳng định rằng tu phục của Dòng đã do Đức Mẹ mặc khải, và một truyền thống đáng kính muốn thuật lại rằng thánh Đa Minh đã nhận tràng hạt Mân Côi từ tay Đức Trinh Nữ, và các anh em của Dòng sẽ là những người nhiệt thành đi quảng bá. Có rất nhiều nhà thờ trong đó có hoặc là một bức tranh, hoặc là một bàn thờ, hoặc một nhà nguyện hoạ lại cảnh tượng này. Trong các ảnh tượng này, thánh Đa Minh quỳ gối dưới chân Đức Mẹ đang ngồi trên ngai và ẵm Chúa Giêsu, Đức Mẹ trao một tràng hạt lớn cho thánh Đa Minh, thường có thánh Catarina Sienna kề bên. Dù rằng lịch sử không chứng minh, nhưng truyền thống này thật có ý nghĩa.
Đối với một con người như thánh Đa Minh, vẫn gắn bó với thực tại Ngôi Lời Nhập Thể, thì lòng sùng kính Đức Maria là hệ quả tất nhiên. Không phải từ Mẹ mà Ngôi Lời đã làm người sao? Không phải Mẹ là người đầu tiên và là chứng nhân tuyệt hảo về những biến cố làm nền tảng cho đức tin của các Kitô hữu sao?
Điều này muốn nói rằng, có ít chứng từ về sự hiện diện của Đức Maria trong lời giảng và lời cầu nguyện của thánh Đa Minh. Người ta có thể đọc thấy các chứng từ này trong những câu chuyện, chẳng hạn câu chuyện sau đây :
Một lần nọ, cha Đa Minh đã cầu nguyện trong nhà thờ đến nửa đêm. Cha ra khỏi nhà thờ, đi vào nhà ngủ, và tiếp tục cầu nguyện sốt sắng. Trong lúc đang cầu nguyện, nhìn về phía cuối nhà ngủ, cha thấy ba người phụ nữ rất đẹp, vị đi giữa tựa như một bà sang trọng, đẹp hơn và lộng lẫy hơn hai vị kia, một vị cầm một chiếc bình rực rỡ, vị kia cầm một cây rảy nước. Bà đi giữa rảy nước trên các anh em và ghi dấu thánh giá…
Quỳ sụp xuống, cha Đa Minh nài xin Bà thương cho biết Bà là ai, mặc dù cha đã biết Bà là ai rồi. Vào thời ấy, các anh em và chị em tại Rôma chưa hát bài Salve Regina, chỉ quỳ gối mà đọc thôi. Vậy Bà đi giữa trả lời cha Đa Minh : “Ta là Đấng các con vẫn kêu cầu mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, và khi các con đọc Bà là Nữ Trạng Sư, nguyện đưa mắt nhân từ, phía đoàn con đoái lại thì Ta thường sấp mình xuống xin Con Ta bảo vệ Dòng của con” (VIE tr. 114).
Chính chân phước Giođanô cũng làm chứng về truyền thống hát kinh Salve Regina vào lúc kết thúc kinh Tối như lời kinh cuối trong ngày. Điều đáng để ý là sau khi đã kể lại những gì cần nói về cuộc đời thánh Đa Minh, chân phước kể thêm một vài biến cố khác để minh chứng sự thánh thiện của cha thánh sau khi qua đời. Một trong những biến cố ấy là câu chuyện một người tên là Bernard Bologna bị cám dỗ khủng khiếp và chân phước kết luận :
Thử thách rất khủng khiếp của anh Bernard là cơ hội thúc đẩy chúng tôi đang xúc động, quy định hát kinh Salve Regina tại Bologna vào cuối giờ kinh Tối. Nghi thức này đã lan ra từ nhà này đến toàn Tỉnh Dòng Lombardia ; cuối cùng thói quen đạo đức và bổ ích này được phổ biến trong toàn Dòng. Biết bao người đã rơi nước mắt vì những lời ca tụng thánh thiện này đối với Người Mẹ đáng kính của Đức Kitô ! Có biết bao người trong số những người hát hoặc nghe hát bài ca này đã cảm thấy tâm tình của mình được thanh tẩy, lòng cứng rắn của mình nên mềm mại, và trong tâm hồn dâng trào lòng yêu mến đạo hạnh. Chúng ta lại không tin rằng Mẹ Đấng Cứu Thế vui mừng vì những lời ca ngợi ấy, và thích thú vì những lời ca khen đó sao ? Một người đạo đức và đáng tin đã thuật lại cho tôi rằng anh vẫn thường thấy trong tâm trí hình ảnh Đức Mẹ quỳ gối trước Chúa Cha và khẩn xin Chúa bảo vệ Dòng đang khi các anh em hát : Bà là Nữ Trạng Sư, nguyện đưa mắt nhân từ (LIB s. 20).
Dù không chắc lắm về tính xác thực của các câu chuyện này, nhưng ít ra, người ta cũng có thể nhận ra trong đó chứng từ về lòng sùng kính Đức Mẹ vào thời thánh Đa Minh. Chắc chắn rằng cha thánh và các anh em thời đầu rất yêu quý và tôn kính Đức Mẹ. Các vị thưa với Đức Mẹ như người mẹ của mình. Các vị ca tụng Đức Mẹ ; các vị trao phó cho Đức Mẹ sứ vụ cùng những linh hồn được trao phó cho các vị ; các vị trông cậy vào lời cầu hữu hiệu của Mẹ, bởi vì các vị tin rằng những gì đã thiết tha cầu xin, thì sẽ nhận được.
Còn một câu chuyện khác thuộc loại rất cổ xưa trong truyền thống Đa Minh được Fra Angelico minh hoạ lại cách không thể nào quên, đó là câu chuyện Đức Trinh Nữ bảo trợ Dòng.
Cha Đa Minh ngất trí trước Thiên Chúa. Cha thấy Chúa Giêsu hiện ra và có Đức Mẹ ngồi bên cạnh, và cha thấy như Đức Mẹ mặc áo choàng màu lam. Nhìn chung quanh, cha Đa Minh thấy trước mặt Thiên Chúa có vô số tu sĩ thuộc các Dòng khác, mà không thấy các tu sĩ Dòng của mình. Cha khóc lóc thảm thiết, tránh ra xa, không dám tiến lại gần Chúa Giêsu và Mẹ Người. Đức Mẹ ra hiệu cho cha Đa Minh tiến lại. Chúa hỏi : “Sao con khóc lóc thảm thiết như thế ?” Cha Đa Minh thưa : “Con khóc vì thấy các tu sĩ mọi Dòng có mặt ở đây, chỉ riêng Dòng của con, không thấy ai cả.” Chúa nói tiếp : “Vậy con có muốn xem Dòng của con không ?” Cha Đa Minh run rẩy thưa : “Lạy Chúa, có !” Khi ấy Chúa đặt tay lên vai Đức Mẹ và nói với cha Đa Minh “Ta đã ký thác Dòng của con cho Mẹ của Ta”… Trong khi đó, Đức Mẹ mở áo choàng (hình như Người đang mặc) ra trước mặt cha Đa Minh. Áo choàng rất rộng lớn đến nỗi bao phủ cả thiên quốc, và trong áo choàng ấy, cha Đa Minh nhìn thấy vô số anh em. Thấy vậy, cha Đa Minh phủ phục xuống tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, và thị kiến chấm dứt (VIE tr. 115-116).
Một lần nữa, chúng ta không coi câu chuyện này như một sử liệu chắc chắn, nhưng như một chứng từ về sự gắn bó rất lâu đời của các con cái thánh Đa Minh với Đức Trinh Nữ Maria.
Tuy vậy chẳng có gì là ngạc nhiên cả, vì Đức Mẹ trước tiên là Đấng đưa Lời vào thế giới. Mẹ là Đấng bảo trợ những người giảng thuyết. Câu chuyện Đức Mẹ hiện diện cùng với các Tông đồ tại nhà tiệc ly vào ngày lễ Ngũ Tuần không phải là không có ý nghĩa. Mẹ hiện diện trong biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình các lưỡi lửa, làm cho miệng lưỡi các Tông đồ được mở ra. Mẹ là Đấng trước đó đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần và làm cho Lời Thiên Chúa được nảy mầm trong Mẹ. Đức Maria đã không nhận được ơn giảng thuyết, cũng không nhận được ơn thiết lập các giáo đoàn, hay công khai lớn tiếng làm chứng. Nhưng Mẹ có ơn gọi bảo vệ những người có sứ vụ này. Mẹ chăm sóc họ. Mẹ gìn giữ ngọn lửa linh thiêng trong tâm hồn họ.
Và khi các con cái của thánh Đa Minh chăm chú suy gẫm các mầu nhiệm Mân Côi, họ thấm nhuần các mầu nhiệm Đức Kitô mà họ đã đào sâu cùng với Đức Maria, Người đã ghi nhớ mọi kỷ niệm, và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2,19).
Những ai muốn đặt bước chân vào con đường của thánh Đa Minh, chắc chắn họ sẽ tìm thấy niềm vui thiêng liêng cao cả cũng như những an ủi trong việc sùng kính Đức Maria. Tất cả những người phải ép mình vào việc học hành đầy khổ hạnh, những người phải đối diện với các vấn nạn đầy hóc búa, những người bị thương tổn và cảm thấy trong sứ vụ của mình nhiều thất bại hơn là thành công, thì nhờ sự gắn bó với Đức Mẹ, vẫn luôn tìm thấy sự nâng đỡ đầy tình mẫu tử mà họ đang cần đến.