Trong thời gian thánh Đa Minh theo học tại Valencia, một nạn đói xảy ra hoành hành hầu như khắp cả nước Tây Ban Nha. Cảm động trước nỗi khốn khổ của những người bần cùng và vì lòng thương cảm thôi thúc, thánh Đa Minh quyết định hành động, dựa theo lời khuyên của Chúa và trong khả năng của mình, để nâng đỡ những người bần cùng đang phải khốn khổ và đối diện với cái chết. Do đó thánh nhân quyết định bán sách vở mình đang có (dù rằng rất cần) và mọi thứ ngài sở hữu. Có được món tiền, ngài phân phát hết cho kẻ nghèo (LIB s. 10).
Nỗi thương cảm trước cảnh nghèo khổ đã đụng chạm đến trái tim người sinh viên trẻ và sẽ mãi mãi lưu lại trong tâm hồn đó. Lòng thương xót là nét đặc trưng đầu tiên nơi con người thánh Đa Minh. Để khởi đầu loạt bài suy niệm cùng với thánh Đa Minh, cần phải xác định mối thương cảm trong tâm hồn chúng ta.
Theo ý nghĩa, thương cảm là thái độ nội tâm đưa con người vào mối hiệp thông với nỗi khổ đau của người khác. Đức Giêsu đã có lòng thương cảm này. Người đau khổ với ai đau khổ, Người chia sẻ nỗi mệt nhọc của họ. Người cũng đã chuyển thông cho các môn đệ cảm thức này. Nỗi khổ đau của con người làm cho Đức Giêsu xao xuyến.
Giống như chàng thanh niên giàu có muốn đi đến cùng, chàng thanh niên Đa Minh cũng có hành động tương tự. Như người thanh niên ấy, Đa Minh tìm đến với Chúa. Ngài muốn đạt được sự sống đời đời. Ngài đã thi hành các giới răn, và khi nghe được tiếng gọi bên trong là hãy bán hết tài sản, ngài đã nghe theo. Ngài thực hiện cách tự ý, vì cảm thấy sự thúc bách. Ngài không cho đi những gì dư thừa, nhưng trao tặng điều đang có ích lợi, cần thiết nhất cho mình, đó là những cuốn sách tự tay ngài ghi chép.
Còn Đức Giêsu, cảm thương trước đám đông đang bị đói, Người đã làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều. Thánh Đa Minh thực hiện điều con người có thể làm, nhưng ít người thực hiện. Thánh nhân trao tặng cái mình đang có. Ngài không đọc diễn từ dài dòng về sự nghèo khó, nhưng mau mắn thực hành như trái tim mách bảo. Cũng như thánh Vinh Sơn Phaolô sau này, ngài không muốn giải quyết tất cả những vấn đề đói khổ trong thế giới. Ngài làm điều mình có thể. Và điều có thể, ngài đủ can đảm để thực hiện.
Một trong những tu sĩ đầu tiên, một người đáng tin cậy, là anh Stêphanô đã làm chứng trong án phong thánh :
Đầy lòng trắc ẩn và xót thương, anh Đa Minh đã bán những cuốn sách tự tay anh ghi chú và trao tặng cho người nghèo, cùng với những vật dụng khác anh có. Anh nói : ‘Tôi không muốn học trên những tấm da chết, trong khi có những người chết vì đói’ (VIE tr. 35).
Thánh Đa Minh không phải là một người đa cảm, nhưng là người có tấm lòng. Ngài không thể chịu đựng nổi khi chứng kiến những người phải sống trong cảnh khốn cùng. Khi còn rất trẻ, thánh nhân đã phản ứng lại trước những nỗi khổ vật chất do nạn đói gây ra, sau này ngài sẽ phản ứng lại trước những nỗi khổ tinh thần của những người nam và nữ bị lôi kéo vào lạc giáo.
Thánh Đa Minh là người có tấm lòng. Cũng như thánh Phanxicô Átxidi, người bạn cùng thời, thánh nhân đã chia sẻ mối bận tâm là noi gương Đức Kitô nghèo khó. Ngài nhận ra rằng sự nghèo khó đích thực của Đức Giêsu không phải là sự nghèo khó về vật chất, cũng không phải là vì Đức Giêsu không có chỗ dựa đầu, nhưng sự nghèo khó ấy được diễn tả qua việc Người “không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa”. Sự nghèo khó ấy được tỏ lộ qua mối thương cảm khi thấy đàn chiên không người chăn dắt.
Thánh Đa Minh đã nhận từ Chúa Thánh Thần ân sủng là lòng thương xót trước nỗi đau khổ của người khác. Ngài đã biểu lộ khi nạn đói xảy ra tại Valencia và ngài sẽ còn tỏ ra trong suốt cuộc đời.
Ơn gọi của thánh Đa Minh cũng được hướng dẫn do lòng thương cảm ấy. Thánh nhân đã thực sự xao xuyến khi nhận ra nỗi khổ của những người lầm lạc, đang xa rời đức tin chân thật và mối hiệp thông với Giáo hội, do những người giảng thuyết theo phái Cathare lánh nạn tại miền Tây Nam nước Pháp sau khi bị truy đuổi khắp nơi. Sẽ chính xác hơn khi nhìn thấy nơi thánh Đa Minh một con người thực sự nhạy cảm. Nói rõ hơn, ngài không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy những rối ren.
Rất nhiều nhân chứng đã nhìn thấy thánh Đa Minh khóc. Như Đức Giêsu thương khóc khi thấy thành Giêrusalem dửng dưng trước sứ điệp tình yêu của Chúa, thánh Đa Minh cũng khóc trước nỗi khốn khổ của thế giới nghèo đói. Ngài khóc khi cử hành thánh lễ. Dường như ngài nhận lấy cuộc khổ nạn của Đức Kitô làm của mình. Thánh Đa Minh cùng chịu đau khổ với Đức Kitô vì Thiên Chúa không được yêu mến như Người đáng được. Thánh nhân cùng chịu đau khổ với Đức Giêsu vì con người không đón nhận sứ điệp Tin Mừng là tin mừng chỉ nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ.
Lòng thương cảm ấy không chỉ là lý thuyết suông nhưng làm thay đổi cả cuộc đời thánh Đa Minh, và thánh nhân để cho lòng thương cảm ấy hướng dẫn. Chính lòng thương cảm ấy làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của thánh Đa Minh. Nếu như thánh nhân quyết định lưu lại Lauragais, thay vì trở về quê nhà sống cuộc đời thầm lặng, đó chính là vì ngài đã nhận ra một lời mời gọi, một sức mạnh mà ngài không thể chối từ.
Thánh Đa Minh là người có tấm lòng. Sau này người ta sẽ chứng kiến thánh nhân không phải là một người yếu đuối, dễ khóc khi thấy máu chảy. Thánh nhân là người có khả năng để quyết định. Nhưng tự thâm sâu, chính trái tim ngài lên tiếng nói.
Hơn một lần thánh nhân đã là người an ủi các anh em. Thấy anh em nào ưu phiền, ngài đến và nói với họ. Ngài khuyến khích họ chỗi dậy và giúp họ tin vào Thiên Chúa quan phòng. Như người ta thuật lại, lời nói của ngài thật dịu dàng, có sức mạnh xua tan nỗi đau của anh em, để họ ra đi đầy an ủi và phấn chấn.
Đó là một nét đặc trưng trong cuộc đời thánh Đa Minh được kể lại trong chứng từ của chị Cecilia, một trong những người đầu tiên gia nhập đan viện do thánh Đa Minh thành lập. Chị thường nghe thánh nhân nói chuyện tại phòng hội đan viện và những điều ấy đã lưu lại trong tâm trí chị suốt nhiều năm : “Thánh nhân luôn tươi cười và vui vẻ, trừ những lúc xúc cảm vì nỗi phiền muộn của người khác” (VIE tr. 124).
Có thể nói, thánh Đa Minh có tính nhạy bén của phái nữ, một thứ trực giác đoán định và trù liệu điều sẽ xảy đến, tuy không được nói ra ; mối quan tâm tế nhị này biết đưa ra phản ứng làm yên lòng, phù hợp với hoàn cảnh.
Người kế vị thánh Đa Minh trong vai trò lãnh đạo Dòng là chân phước Giođanô Saxonia đã tả lại chân dung của thánh tổ phụ trong cuốn Libellus, một cuốn sách nhằm giúp cho anh em muốn tìm hiểu những hoàn cảnh liên quan đến việc thành lập, cùng những giai đoạn đầu tiên của Dòng Giảng Thuyết. Chân phước viết : “Thánh Đa Minh có một tâm hồn rất quân bình, trừ khi một nỗi khốn khổ của ai đó làm cho ngài phải bối rối và thương cảm” (LIB s. 103).
Dưới đây là vài lời vắn tắt mô tả chân dung tinh thần đầy cảm động và chính xác :
“Thánh Đa Minh đón nhận mọi người với lòng bác ái bao la, và bởi vì thánh nhân yêu mến mọi người, nên được mọi người yêu mến. Ngài có luật riêng cho mình là vui với người vui và khóc với người khóc, đầy lòng thương cảm và tận tâm lo cho người khác, đau với nỗi khổ đau của người khác” (LIB s. 107).
Thánh Đa Minh sống rất tự nhiên mối thương cảm này. Được Đức Giêsu thấm nhập, thánh nhân để cho Người sống trong mình, và nhận từ nơi Người những phản ứng. Thánh nhân không thể nào không xúc động khi tiếp cận với nỗi khổ đau. Ngài có trái tim của những người con đích thực của Thiên Chúa, những thần học gia chân chính, như cách diễn tả sau này của một người con trong Dòng là thánh Tôma Aquinô.
Thánh Đa Minh cũng mong muốn rằng các anh em của ngài chia sẻ cùng một nỗi thương cảm ấy. Ngài muốn rằng các anh em ra đi rao giảng với một lệnh truyền duy nhất : đem đến cho con người đang rơi vào cảnh khốn cùng về thể lý, tinh thần và thiêng liêng, câu trả lời phát xuất từ trái tim của Thiên Chúa. Và để các anh em luôn biết nhạy cảm, để tâm hồn của họ không bị chai lì, để họ không được quên lý do hiện hữu đích thực của mình, thánh nhân yêu cầu họ phải yêu mến đức thanh bần.
Đối với thánh Đa Minh, đức thanh bần là dấu chỉ nhờ đó người ta nhận ra những nhà giảng thuyết đích thực luôn sẵn sàng trong bàn tay của Thiên Chúa, những nhà giảng thuyết thực sự yêu mến Đức Kitô đến nỗi trao phó mọi sự cho Người. Nhiều nhân chứng đã cho biết thánh nhân là người thực sự yêu mến đức thanh bần (LIB s. 108).
Trong ngày tĩnh tâm đầu tiên, cùng với thánh Đa Minh, chúng ta suy niệm về tình yêu bao la đã thiêu đốt tâm hồn Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu đã dẫn Người tới thập giá và cũng là tình yêu Người đã đổ tràn nơi tâm hồn các tín hữu.