[O Lumen] Hồng Thiêng Nhẫn Nại

19-03-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2035 lượt xem

ĐA MINH, VỊ THÁNH VƯỢT THỜI GIAN
Richard T. A.Murphy, O.P.

Lời giới thiệu của William R. Bonniwell
Chương 1. Ánh sáng Giáo hội
Chương 2. Thầy dạy Chân lý
Chương 3. Hồng thiêng nhẫn nại
Chương 4. Ngọc ngà khiết tịnh
Chương 5. Đấng ban phát dòng nước khôn ngoan
Chương 6. Nhà giảng thuyết ân sủng
Chương 7. Xin cho chúng con được hiệp đoàn với các phúc nhân

Kinh thánh cũng như cuộc sống dạy chúng ta rằng, tất cả mọi thứ đều có thời có khắc của nó. Tiết trời, sự phát triển của một đứa trẻ trong dạ mẹ đều cần thời gian. Không gì có thể vội vã. Chỉ có một khoảnh khắc đúng đắn để sự kiện diễn ra. Đức Kitô và giờ của Người cũng thế; điều đó cũng đúng cho tất cả chúng ta. Chúng ta không thể đẩy nhanh thời của mình, nhưng chúng ta có thể học cách chờ đợi. Đấy không nhất thiết là thời điểm mà chúng ta không làm gì, nhưng chắc chắn đó là thời gian để chờ đợi. Các bậc phụ huynh nhận thấy rằng họ phải luôn nhắc nhở con trẻ là chúng phải biết chờ đợi. Mọi sự đều có thời của nó.

Đằng sau sự thiếu kiên nhẫn này là một nỗi buồn liên lỉ vì những khao khát tốt lành không được thỏa mãn ngay. Đối với chúng ta, nhìn và muốn là một và như nhau; chúng ta không thích bị ngăn cản, và nếu được tự do quyết định, chúng ta sẽ có ngay mọi thứ chúng ta hằng mong ước. Thiên Chúa, Đấng luôn kiên nhẫn, đôi khi nghĩ rằng chúng ta là những đứa con bé bỏng hay kêu ca và nóng nảy. Những người thiển cận cũng thế. Họ luôn tìm kiếm những gì không có trong tay, nghĩa là bỏ qua cơ hội ngàn vàng mà giây phút hiện tại trao tặng. Nếu mọi sự trong tương lai đều được phép trở thành hiện thực, và nếu chúng ta cố ý phớt lờ giây phút hiện tại, thì các nhân đức đáng quý như kiên trì và nhẫn nại (mà cả đời sống tự nhiên lẫn nội tâm của chúng ta tùy thuộc vào) không còn ý nghĩa gì. Khi lâm vào tình cảnh này, chúng ta thực sự trở nên nghèo nàn.

Đằng sau sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta là quan niệm sai lầm về vai trò của thời gian trong kế hoạch của Thiên Chúa. Nhà kính cung cấp cho chúng ta những thứ hoa quả trái mùa ngay giữa tiết đông, nhưng cuộc sống (và kế hoạch của Thiên Chúa) không phải là nhà kính. Mỗi giai đoạn đều có hoạt động của riêng nó, và người ta phải học cách chờ thời cơ chín muồi, nghĩa là chúng ta phải học cách kiên nhẫn.

Một đứa trẻ có thể học hỏi được nhiều điều khi nhìn thấy cha cậu vẫn tiếp tục tiến bước giữa những cảnh huống khó khăn, trắc trở và may rủi của cuộc đời. Chúng ta thật may mắn khi có một người cha đầy kiên nhẫn như thế. Chúng ta không xem cha Đa Minh như bông hoa ẩn mình nhút nhát, bởi chưng, trong cương vị một linh mục, cha là con người của xã hội, luôn ở trong cái nhìn của công chúng, là con người của mọi thời và là người phục vụ Giáo hội. Người ta không gán cho cha Đa Minh danh hiệu hoa huệ mà truyền thống dành riêng cho Đức Mẹ và thánh Giuse. Thay vào đó, cha Đa Minh được ví như hoa hồng, và được gọi là hồng thiêng nhẫn nại. Nhiều người sẽ kịch liệt phản đối việc so sánh cha với một bông hoa, dù là hoa gì đi chăng nữa. Thế nhưng sánh ví cha với một bông hồng thì thật tuyệt vời! Gọi cha Đa Minh là hoa hồng nhẫn nại có ý muốn nói cha là khuôn mẫu điển hình về đức nhẫn nại.

Trên cái gạt tàn tôi mua ở Italia có khắc dòng chữ nói về một câu nói rất hay: “La rosa ha chi osa –Dám liều mới có được hoa hồng!” Hoa hồng được bảo vệ bởi những gai nhọn, và chỉ những ai sẵn sàng chịu thương tích, mạo hiểm mới có được hoa hồng cho riêng mình. Danh hiệu Hồng thiêng nhẫn nại nối kết hai ý tưởng thú vị lại với nhau: vẻ đẹp của lòng kiên nhẫn nơi cha Đa Minh, và lòng dũng cảm của ngài.

Theo lối suy nghĩ của nhiều người, hành động đạo đức thường được nối kết với tính yếu đuối và nhu nhược, chứ không phải với vẻ đẹp và sức mạnh. Thế nhưng, lối suy nghĩ ấy vẫn thường sai lầm, và trong trường hợp này cũng vậy. Mỗi nhân đức thật sự đòi phải có sức mạnh và sự khéo léo. Hạn từ nhân đức tự nó có nghĩa là một điều gì đó nam tính và mạnh mẽ (trong tiếng Latinh, virtus, nói về sức mạnh của người đàn ông); hạn từ đó cũng ngụ ý rằng lý trí chỉ huy hành động, bởi vì nhân đức là phương thế có tính nhất quán để làm một việc gì đó cách suôn sẻ, dễ dàng, và một cách nào đó, góp phần tăng thêm uy tín của người ấy.

Các nhạc sĩ chuyên nghiệp, các vận động viên, vũ công và diễn viên đã luyện tập rất nhiều để đạt được độ thuần thục trong màn trình diễn của họ. Sự theo dõi và những tràng pháo tay của chúng ta chính là sự thán phục dành cho những ai luôn làm mọi thứ cách tốt đẹp và đáng được tôn vinh. Để đương đầu với muôn vàn trải nghiệm trong đời sống, con người phải thủ đắc nhiều loại nhân đức. Một vài hoạt động, chẳng hạn như đi lại hay nhảy múa, thường bị giới hạn bởi thể lý; một số khác bị giới hạn bởi trí năng, chẳng hạn nghệ thuật và sự khôn ngoan; còn nhiều hoạt động khác lại gắn liền với trật tự luân lý. Mục đích của các nhân đức luân lý (khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ) nhằm đạt đến sự trung dung giữa thái quá và bất cập. Ngoài ra, còn có các nhân đức đối thần là tin–cậy–mến, nhưng chúng ta không bàn ở đây.

Đức kiên nhẫn thuộc các nhân đức luân lý, thực tế là một phần của nhân đức can đảm. Bàn về đức kiên nhẫn thì không đương nhiên làm cho người ta nên kiên nhẫn, nhưng có thể làm cho đức kiên nhẫn sáng tỏ hơn. Nhân đức cao quý này hay bị coi thường. Bức biếm họa về đức kiên nhẫn vẽ một người bị khinh bỉ hoặc một cái túi nặng nề, không ai muốn như thế. Đức kiên nhẫn dường như diễn tả thái độ thờ ơ và vô cảm, ít người có thể sống cam chịu. Trong tác phẩm David Copperfield, văn hào Dickens nặng lời chế nhạo đức kiên nhẫn và đức khiêm nhường, nhưng quá ít độc giả nhận ra thói đạo đức giả của Uriah Heep.

Tất nhiên, trong thực tế có cả vàng thật và vàng giả, có đức kiên nhẫn thực sự và cũng có thứ kiên nhẫn giả mạo. Vẻ đẹp của nhân đức chính là điều mà thói xấu muốn họa lại. Vì thói xấu không dám bộc lộ diện mạo thật sự cho thế gian, nhưng lại che giấu cái xấu xa của mình dưới lớp mặt nạ tốt lành. Thật đáng tiếc khi một nhân đức cao đẹp như lòng kiên nhẫn lại bị phớt lờ, vì người ta thường hiểu lầm về nó.

Đức kiên nhẫn giúp con người chịu đựng sự dữ mà không bị nhận chìm. Nó giúp người ta đối mặt với nỗi buồn hiện tại vì bất kỳ nguyên nhân nào, giúp người ấy điều chỉnh sự thất vọng và hụt hẫng của mình, đồng thời kiểm soát để chúng không làm tê liệt hoạt động của bản thân. Nói cách khác, đó là việc đối lại với tình trạng vô vọng.

Mặc dù trên quảng cáo truyền hình, người ta luôn tỏ vẻ hạnh phúc và mãn nguyện, thế nhưng cuộc sống trên trần gian luôn có chiến tranh, một hành trình đầy dẫy buồn đau. Đối với một số người, nỗi buồn là bạn đồng hành thường xuyên. Đôi khi nó đến do bệnh tật, thất bại, cả trong kinh doanh, trong các quan hệ xã hội, trong việc học hành cũng như trong việc nuôi sống gia đình. Những người sống đời hôn nhân mà chưa từng có được niềm vui con cái thì cảm thấy đau buồn khôn tả. Ngay cả đời sống tu trì cũng không xa lạ với nỗi buồn. Cuộc sống là một thung lũng đầy nước mắt do hậu quả nguyên tổ Ađam để lại. Điều quan trọng là học cách kiên nhẫn, hoặc làm thế nào để sống với nỗi buồn một cách khôn ngoan, đoan chính.

Sách Huấn ca đã nhận định thật tinh tế: “Nỗi buồn đã làm cho nhiều kẻ vong mạng, và không hề đem lại lợi ích chi.” Thật vậy, nỗi buồn là một trong những vũ khí tốt nhất của ma quỷ. Nỗi buồn có thể đến từ vô vàn nguyên nhân, bởi vì có muôn vàn sự khác biệt nơi con người, địa điểm, và những điều đó có thể đi ngược lại với ý muốn chúng ta, và đẩy tinh thần chúng ta xuống dốc. Nỗi buồn xuất phát từ nhận thức rằng chúng ta bị vướng vào tình huống không hài lòng. Có thể là một điều luật đang ngăn cản chúng ta làm những gì chúng ta ưa thích; có thể là do cà phê không nóng, khoai tây bị nướng cháy; hoặc ai đó gây ồn ào khi chúng ta muốn bình an và yên tĩnh, hoặc kiểu cách của người khác có thể làm chúng ta khó chịu. Nỗi buồn thì muôn hình vạn trạng.

Kiên nhẫn nhắm đến sự dữ đang làm chúng ta đau khổ. Trong tình huống khó chịu, vẫn có nhiều việc mà người kiên nhẫn có thể làm. Anh có thể cố gắng quỳ gối cầu nguyện, một điều tự bản thân là tốt, nhưng không luôn là điều hợp lý hay thực tế. Một lựa chọn khác là tấn công, đánh vào nguyên nhân của đau khổ và phá hủy nó. Điều này xem ra như một bước tiến mạnh mẽ nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả, vì người ta phải thay thế những gì đã bị phá vỡ, và thậm chí có thể phải đối mặt với một tình huống phản công, làm cho tình thế ra tệ hơn. Giải pháp thứ ba là người ta không hẳn hoặc không nên trốn tránh. Vì trốn tránh không làm cho người ta hài lòng, nhưng lại rất giống với thói hèn nhát; hơn nữa, nó không giải quyết được gì, và rốt cuộc, lý do chính yếu gây ra bất hạnh lại là chính chúng ta. Tóm lại, giải pháp tốt nhất là chiến đấu chống lại kẻ thù từ bên trong bằng cách thực hành đức kiên nhẫn.

Đức kiên nhẫn đích thật không bao giờ mời gọi người ta đơn giản chỉ cười cho qua chuyện. Người ấy phải làm những gì mình có thể để giảm nhẹ tình huống. Nếu tình trạng bừa bộn của chiếc xe hoặc sân cỏ, hoặc hầm rượu làm cho một ai đó phiền muộn, anh ta sẽ dọn sạch mọi thứ. Nếu bực mình vì cái vòi nước rò rỉ, anh sẽ ra tay sửa chữa nó; nếu một tấm thảm xộc xệch khiến anh mất vui, anh sẽ đặt nó lại cho ngay ngắn… Anh sẽ làm những gì có thể để loại bỏ những nguyên nhân làm cho bản thân bất mãn, và làm như vậy là anh đang hành động hợp lý, có nhân đức. Hành động như vậy không có nghĩa là thiếu kiên nhẫn.

Nhưng có những lúc chúng ta không thể làm gì được ngoài việc vui lòng chịu đựng một hoàn cảnh không như ý. Sự chờ đợi ấy không có nghĩa là hoàn toàn bất động. Một điều tốt còn đang trì hoãn không thực sự là một thảm họa. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Đấng rất mực kiên nhẫn. Đức Maria cũng kiên nhẫn mang lấy gánh nặng trong dạ chín tháng, và trong suốt thời gian đó, Mẹ phải chịu đựng nhiều khó khăn như việc đi lại, hiểu lầm, và thậm chí là bách hại nữa. Suốt ba mươi năm, Mẹ đã phải chịu cảnh khó nghèo, rồi đau đớn khi đứng dưới chân thập giá. Đức Maria là một gương mẫu tuyệt vời của lòng kiên nhẫn, luôn biết làm chủ nỗi buồn. Dưới chân thập giá, Mẹ đã không ngã quỵ hoặc ngất đi. Nơi Mẹ, mọi người nhìn thấy một người phụ nữ can trường.

Chúa Giêsu biểu lộ sự kiên nhẫn tuyệt vời trong suốt cuộc đời. Giờ của Người chưa đến; các môn đệ Người chậm hiểu và buồn sầu; kẻ thù vẫn xuyên tạc ý nghĩa lời Người nói, hoặc cố gắng gài bẫy để hãm hại Người. Những trận đòn tại trụ đá, con đường thập tự, những dấu đinh ở tay và chân, là những sự dữ mà Chúa phải chịu đựng với lòng kiên nhẫn. Nếu Đức Giêsu không kiên tâm như thế, thì công cuộc cứu chuộc nhân loại sẽ không bao giờ diễn ra được.

Thánh Đa Minh là mẫu mực của lòng kiên nhẫn có sức đánh động những người xung quanh. Là một người vui tính, có nhiều kế hoạch để làm sáng danh và tôn vinh Thiên Chúa, thánh nhân thường xuyên phải chịu đựng nỗi buồn và thất vọng. Là người đồng hành với đức giám mục Diego, cha nhìn thấy nhiều sai lạc do sự nổi dậy của lạc giáo Albi ở Pháp. Thay vì khoanh tay đứng nhìn, cha đã làm hết sức để khắc phục tình trạng này khi lưu lại bảy năm tại Fanjeaux, một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Pháp, để rao giảng Tin mừng đích thực. Trong bảy năm ấy, cha đã từng đối diện với thất bại. Trong nhiều năm tháng, mạng sống của cha đã bị đe dọa, và cha đã cẩn trọng tự chuẩn bị bữa ăn cho riêng mình, vì sợ rằng có thể bị dân làng đầu độc. Trong một dịp khác tại Caracassone, cha đã hỏi đường một người lạc giáo và vui vẻ đi theo sự hướng dẫn của người ấy. Dẫu đi chân trần, cha vẫn băng qua gai góc và bụi rậm cho đến khi nhận ra mình đã cách một khoảng rất xa nơi mình muốn đến. Dù vậy, cha không mất niềm vui, bởi vì cha là người nhẫn nại. Đức mến biểu hiện trước hết là nhẫn nhịn chịu đựng (1Cr 13,4).

Đối với nhiều người, lòng kiên nhẫn có thể không phải là một trong những phẩm tính cao trọng nhất (yêu mến Thiên Chúa giữ vị trí ưu tiên) nhưng nó đi liền với tất cả các nhân đức. Với Đức Maria, sự kiên nhẫn của Mẹ đã được ẩn thưởng bằng việc hạ sinh Hài Nhi Giêsu, được rước về trời và đội mũ triều thiên vinh hiển. Sự kiên nhẫn của cha Đa Minh đã được ân thưởng bằng một vụ mùa bội thu là các linh hồn và thiết lập một dòng tu chuyên phục vụ Giáo hội và nhân loại kể từ năm 1216.

Phúc cho những ai biết kiên nhẫn vì họ sẽ được ân thưởng. Ít ra phần thưởng là có được một tầm nhìn rộng hơn, giúp ta làm vơi đi đau khổ trong cuộc sống hằng ngày. Ngày nào cũng cần đến lòng kiên nhẫn. Không ai thức dậy đã thấy mình hoàn toàn thanh thoát và nhẫn nại; ngày nào chúng ta cũng phải chống chọi với cái khổ của ngày ấy. Việc thực hành đức kiên nhẫn cũng không trở nên dễ dàng hơn theo tuổi tác; càng lớn tuổi người ta càng dễ cáu gắt và phàn nàn, vì thế phải năng thực hành đức kiên nhẫn.

Trong tu viện San Marco ở Florence, họa sĩ Fra Angelico đã vẽ một bức bích họa tuyệt vời về thánh Đa Minh dưới chân thập giá nhìn lên Đức Kitô. Khi phải đối mặt với đau buồn trong cuộc sống, con cái cha Đa Minh cũng phải ngước mắt hướng về Đấng Cứu Độ đang chịu đau khổ, như thế họ sẽ không chán nản hay ngã lòng, nhưng sẽ biết chấp nhận đau khổ và phiền muộn như là việc đền bù tội lỗi của mình, và như một cơ hội để chứng tỏ tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Thiên Chúa của các Kitô hữu là một Thiên Chúa đầy lòng kiên nhẫn (Rm 15,5). Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là mẫu gương cao cả về lòng nhẫn nại. Thánh Đa Minh, người được Thiên Chúa tuyển chọn làm đấng sáng lập một dòng tu, cũng thể hiện vẻ đẹp và sức mạnh của lòng kiên nhẫn. Cha thật xứng với danh hiệu Hồng thiêng nhẫn nại.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com