[O Lumen] Ánh sáng Giáo hội

12-03-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1919 lượt xem

ĐA MINH, VỊ THÁNH VƯỢT THỜI GIAN
Richard T. A.Murphy, O.P.

Lời giới thiệu của William R. Bonniwell
Chương 1. Ánh sáng Giáo hội
Chương 2. Thầy dạy Chân lý
Chương 3. Hồng thiêng nhẫn nại
Chương 4. Ngọc ngà khiết tịnh
Chương 5. Đấng ban phát dòng nước khôn ngoan
Chương 6. Nhà giảng thuyết ân sủng
Chương 7. Xin cho chúng con được hiệp đoàn với các phúc nhân

Các vị thánh thường được gán cho nhiều danh hiệu vốn có thể tóm tắt và mô tả cuộc đời của các ngài. Một số vị được gọi là Bổn mạng của người nghèo, các Thừa sai, nhà Du hành, Lính tráng và Thủy thủ, Sinh viên, thậm chí cả Người nghiện rượu. Những vị khác mang danh hiệu Bạn của trẻ mồ côi, Đấng bảo trợ người nghèo… Thánh Đa Minh được chào kính là Ánh sáng Giáo hội trong kinh O Lumen, bài thánh thi được con cái ngài ngâm nga mỗi ngày để vinh danh ngài.

Điều thú vị trước hết đó là cha Constantine de Medici[1], tác giả kinh O Lumen, đã liên kết thánh Đa Minh với ánh sáng, một thứ ánh sáng tuyệt đẹp, vô hình và mầu nhiệm.

Ánh sáng

Hạn từ ánh sáng vẫn thường được chính Chúa Giêsu nói đến. Người dùng ánh sáng để mô tả những gì sẽ xảy ra vào ngày Phán Xét: một số kẻ sẽ bị ném vào bóng tối là nơi họ phải khóc lóc nghiến răng, còn những kẻ khác sẽ được chung phần với Người trong bữa đại tiệc của Đấng Mêsia, một bữa tiệc tràn đầy niềm vui và ánh sáng. Chúa Giêsu được mô tả trong Tin mừng thứ tư như là Ánh Sáng thật đã đến thế gian và chiếu soi nhân loại. Người gọi các môn đệ là ánh sáng cho thế gian. Các mảng sáng–tối luôn xoay quanh cuộc đời Đức Giêsu, Đấng là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Ánh sáng và mầu nhiệm, giờ đây có một nghịch lý lạ thường. Người khiếm thị không thể hình dung được ánh sáng là gì ngoại trừ việc cảm nhận bằng các giác quan khác (như sự mềm mại, ấm áp, lạnh lẽo, và những điều tương tự). Tuy nhiên, đến cả những người sinh ra với thị lực bình thường cũng cảm thấy khó khăn trong việc mô tả. Một nhà khoa học ăn nói lưu loát cũng vẫn phải dò dẫm tìm kiếm những hạn từ thích hợp để nói về ánh sáng, và cuối cùng, chính ông cũng phải viện vào khoa học để diễn tả những khái niệm về sóng ánh sáng, các hạt nguyên tử hay bầu khí quyển bởi vì chúng không xứng với vinh quang ánh sáng đích thực. Chỉ các nghệ sĩ mới có thể nhận ra ánh sáng là một phương tiện truyền đạt thích hợp. Bức tranh của Salvador Dali, với tên gọi bí ẩn: Chìa khóa sự sống, là một trong những điểm thu hút đặc biệt của sảnh đường Pavilion, Tây Ban Nha, tại hội chợ quốc tế New York. Bức tranh này lung linh và phản chiếu ánh sáng, đối với những người cảm thấy ngất ngây (trong đó có tôi) dường như từ bức tranh ấy tỏa ra hình ảnh, lấp đầy căn phòng bằng ánh sáng rực rỡ.

Có nhiều người tựa như ánh sáng. Họ chỉ cần bước vào phòng thì lập tức căn phòng trở nên tươi sáng và phấn khởi hơn. Các sử gia viết về thánh Đa Minh và những người làm chứng trong án phong thánh của ngài đồng thanh nhắc lại hình ảnh đầy ánh sáng của thánh nhân. Dường như thánh Đa Minh bước đi trong ánh sáng; dường như nơi ngài, trên gương mặt ngài, tỏa rạng ánh sáng hân hoan, vì ngài luôn vui vẻ với tất cả mọi người. Trước khi hạ sinh thánh Đa Minh, thân mẫu của ngài nằm mơ thấy cả thế giới được soi sáng bởi ngọn đuốc rực cháy mà một con chó đang ngậm trong miệng, và bà giải thích giấc mơ ấy có liên hệ đến đứa con trai bà đang cưu mang[2]. Nhà tâm thần học có thể xem thường một câu chuyện như thế, và thấy trong đó một nét ngô nghê. Thế nhưng, câu chuyện lại xuất phát từ một nguồn đáng tôn trọng, và các sự kiện sau đó đã chứng minh tính chính xác của nó. Cha Đa Minh là một chú khuyển trung thành của Chúa, đánh thức các tội nhân bằng tiếng sủa của mình, bằng lời giảng dạy và tài thuyết giáo để soi sáng phần lớn nước Pháp, Tây Ban Nha và Italia.

Theo một câu chuyện khác, thân mẫu cha Đa Minh thấy một ngôi sao trên trán của ngài khi ngài được rửa tội[3]. Một điềm báo ư? Có lẽ thế. Tuy nhiên ngôi sao và chú khuyển đã trở thành biểu tượng về thánh Đa Minh. Ngài là vị thánh với ngôi sao tám cánh. Các nghệ sĩ và các anh em sáng tạo huy hiệu Đa Minh đã vay mượn các yếu tố này. Chức năng của ánh sáng chính là làm tỏ lộ những gì còn bị che phủ trong bóng tối. Ánh sáng của cha Đa Minh không tỏa ra từ những cuốn sách ngài viết, lý do đơn giản là thánh nhân đã không viết gì cả. Thực chất, ánh sáng của ngài cuồn cuộn tuôn trào tựa những dòng thác lũ từ chính cuộc đời của ngài. Chân phước Cecilia đã phác họa cha với “vẻ mặt huy hoàng rực rỡ”.

Khi còn là sinh viên ở trường đại học, cha Đa Minh thể hiện sự hăng hái nhiệt tình và phong thái riêng. Lúc nạn đói xảy ra tại thành phố, cha đã bán đi tài sản quý giá là tập sách bằng da với các ghi chú để có tiền mua thực phẩm cho người nghèo đói. Cha tự hỏi: “Làm sao có thể học trên những tấm da chết đang khi những người sống phải chết vì đói?” Hành động này, cùng với câu nói cao quý kèm theo ấy, đã làm cho cha Đa Minh không chỉ trở thành một người nhân từ và giàu lòng thương xót, mà còn trở thành một nhân vật có óc phán đoán sắc xảo và chính xác.

Chúng ta biết rằng, lời nói và việc ham mê đọc sách là thước đo chính xác tính cách của một con người. Chúng ta biết rằng cha Đa Minh thích đọc Tin mừng theo thánh Mátthêu, các thư thánh Phaolô, và cũng biết rằng mọi suy nghĩ hay những cuộc chuyện trò của cha đều xoay quanh chủ đề Thiên Chúa và Kinh thánh. Nếu còn sống đến ngày hôm nay, chắc chắn cha Đa Minh sẽ là một thần học gia Kinh thánh lỗi lạc, nổi tiếng với những quan niệm về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời, về hậu quả do tội Ađam gây ra, về kế hoạch của Thiên Chúa để cứu vớt tội nhân, về lòng thương xót của Thiên Chúa, về tình yêu và công lý, tất nhiên cả về những lạm dụng của con người đối với hồng ân Chúa ban, mà lạm dụng nghiêm trọng là nguyên nhân gây ra lạc giáo, điển hình là bè rối Albi.

Ánh sáng là để chia sẻ chứ không đặt dưới chiếc thùng, vì thế cha Đa Minh hằng khao khát chia sẻ ánh sáng của mình. Tất cả những ai biết đến cha Đa Minh đều biết ngài có lòng nhiệt thành lớn lao. Câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa ngài với ông chủ quán trọ đã minh họa cho điều này. Người ta có lý khi giả định rằng cha Đa Minh đã bị đau chân và mệt mỏi sau một ngày đường nên ngài lưu lại ở quán trọ. Nhưng khi nhận ra cơ hội nói về Thiên Chúa và con người, thụ tạo của Chúa, thì thánh nhân đã quên đi mệt mỏi, tranh luận suốt đêm với người chủ quán. Điều này được ghi lại như sau: khi ánh sáng bình minh vừa ló rạng trên bầu trời, thì ánh sáng của ân sủng cũng đã tràn vào tâm hồn ông chủ quán.

Có điều gì đó giống như ánh bình minh ấy mà nhờ đó con người nhận ra cuộc đời mình trong tương quan với Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Ánh bình minh đó vẫn thường xuất hiện mỗi khi cha Đa Minh nói về Thiên Chúa, một chủ đề ngài yêu thích. Với tính cách ấm áp và cởi mở, cha Đa Minh giống một tấm gương sáng từng giây từng phút đón lấy nguồn sáng để rồi bừng lên rực rỡ rất lâu sau đó. Ánh sáng của cha Đa Minh được thắp lên và nuôi dưỡng nhờ sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Cha đã để lại cho Dòng cái nhìn thông suốt và lòng nhiệt thành mãnh liệt của ngài; và tới lượt mình, những người con của cha cũng sẽ mang nguồn sáng rực rỡ ấy vào trong Giáo hội.

Ngày nay, việc gọi một người là ánh sáng, thì có thể hiểu người đó có một khả năng phi thường, nổi bật, như một vì sao sáng ngời. Được ví như một ngôi sao thì quả là tâng bốc, vì con người luôn có những khiếm khuyết. Có lẽ một trong những lý do tại sao cha Đa Minh chưa bao giờ trở thành một vị thánh nổi danh là vì cuộc đời ngài gắn liền với ánh sáng mầu nhiệm, vô hình và khó nắm bắt này. Thực tế, cha Đa Minh thường được nhắc đến như một nhà trí thức, và chỉ điều này cũng đủ để người ta xa cách ngài, bởi lẽ nhiều người cảm thấy không thoải mái khi ở giữa các nhà trí thức. Nhưng, ngoài lý trí hiểu biết, cha Đa Minh còn có những vốn quý khác nữa. Ngài là một vị thánh. Giáo hội đoan chắc với chúng ta điều này. Cho dù sau này, cha được nhiều người chấp nhận hay bị quên lãng, điều đó không quan trọng. Con cái cha tự hào rằng thánh tổ phụ không chỉ là một ngôi sao sáng mà còn là ánh sáng thực sự của Giáo hội.

Giáo hội

Hạn từ “Giáo hội” là một thuật ngữ vừa phong phú vừa phức tạp, bắt nguồn từ những hạn từ trong Cựu ước là qahal (tiếng Hípri) hay ecclesia (tiếng Hylạp) vốn được dùng để chỉ một “cộng đoàn” chính thức của dân được tuyển chọn (Đnl 4,10; 9,10; 18,16). Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên trong cộng đoàn Giáo hội sơ khai và sau này phát triển với sự lan rộng nhanh chóng của Kitô giáo, đồng thời mang một ý nghĩa rộng lớn hơn: Giáo hội Mẹ ở Giêrusalem (Cv 8,1), các Hội thánh ở Giuđêa (Gl 1,22), các Hội thánh tại gia (Rm 16,5), Hội thánh của Thiên Chúa (Cv 20,28), thân thể và hiền thê của Đức Kitô (Cl 1,18; Ep 5,23). Cuối cùng, Hội thánh được xem xét trong viễn cảnh hoàn vũ (Ep 1,22).

Nhiều người đã nối kết nhà thờ (church) với nơi họ được rước lễ lần đầu hoặc là nơi tham dự thánh lễ khi còn bé. Nhưng Giáo hội (Church) thì còn hơn một nơi chốn. Một vài người liên tưởng Giáo hội với nhiều hoạt động khác nhau thường có trong các giáo xứ: hội chợ, dã ngoại…. Thế nhưng, Giáo hội còn hơn cả việc cho đi chính mình, phục vụ, mang lại niềm vui và tiếng cười huynh đệ. Một vài người coi nhà thờ là nơi vị linh mục lúc nào cũng nói chuyện tiền nong (thuế má, quyên góp…). Giáo hội không phải là một tổ chức tài chính. Thế nhưng, Giáo hội không phải là một cơ quan tài chính. Giáo hội cũng không phải là một tổ chức từ thiện có tính tôn giáo, cơ quan phúc lợi, hay văn phòng tham vấn để bổ sung hoặc cạnh tranh với các dự án liên bang trong việc trợ giúp những phạm nhân, các học sinh bỏ học, các bà mẹ đơn thân,… Mặc dù thực sự Giáo hội đã thực hiện nhiều công việc phục vụ xã hội như thế, nhưng Giáo hội còn hơn thế nữa. Giáo hội là dấu chỉkhí cụ của ơn cứu độ, khí cụ của sự kết hợp với Thiên Chúa[4]. Giáo hội là sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, và là một biểu tượng vĩnh cửu cho sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại trong vương quốc Thiên Chúa giữa thế gian.

Kinh thánh cho chúng ta biết kế hoạch đáng kinh ngạc của Thiên Chúa hầu nâng thụ tạo của Người lên, nghĩa là cho con người chia sẻ sự sống thần linh với Thiên Chúa. Ngay cả khi nhân loại sa ngã vì tội Ađam, Thiên Chúa vẫn ban tặng cho con người những phương thế cứu rỗi nhờ vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Thế nên, Chúa Cha đã dự định “quy tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo hội. Từ nguyên thủy, Giáo hội được phác thảo theo hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng, và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ kết thúc trong vinh quang…”[5] “Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã khai mạc Nước Trời nơi trần gian, mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người, và thực hiện công trình cứu thế bằng việc vâng phục Chúa Cha. Giáo hội hoặc nước Chúa Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm, nhờ thần lực Thiên Chúa, phát triển trong thế gian cách hiển nhiên… Mọi người đều được mời gọi kết hiệp cùng Chúa Kitô như vậy.”[6] Thậm chí đến bây giờ, “toàn thể Giáo hội xuất hiện như một đoàn dân được quy tụ nên một trong sự hiệp nhất với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”[7]

Con người không dễ diễn đạt trọn vẹn về những điều thánh thiêng, bởi vì ngôn từ của chúng ta quá giới hạn, khó diễn giải đúng đắn. Do đó, chúng ta cần nhân rộng ngôn từ của mình, và theo cách này, chúng ta có thể hiểu thêm mầu nhiệm của Giáo hội.[8] Giáo hội là một đoàn chiên (Ga 10,1-10), cha Đa Minh đã không ngần ngại nỗ lực để dẫn đoàn chiên của Chúa vào cộng đoàn Giáo hội. Giáo hội là ngôi nhà của Thiên Chúa (1Cr 3,9) mà cha Đa Minh đã giúp xây dựng và bảo vệ. Giáo hội là cánh đồng mà cha Đa Minh đã vun trồng. Giáo hội là cây nho Thiên Chúa tuyển chọn trong vườn nho yêu thích của Người mà cha Đa Minh chăm sóc và cắt tỉa để chúng có thể sinh thêm nhiều hoa trái. Giáo hội được xây dựng trên nền tảng là Đức Kitô (Mt 21,42), cha Đa Minh đã kín múc nguồn sức mạnh của mình từ đó. Giáo hội là ngôi nhà của Thiên Chúa (1Tm 3,15), nơi Thiên Chúa cư ngụ với con người (Kh 21,3), là đền thờ thánh thiêng (Ep 2,19); cha Đa Minh là người quản lý tốt lành và trung tín. Giáo hội là hiền thê của Chúa Kitô (Kh 19,7; 21,2-9; Ep 5,25), cha Đa Minh, người bạn của chàng rể (Ga 3,29) đã phục vụ Đức Kitô cách vui tươi, và khi nghe giọng nói của Người thì vui mừng khôn xiết vì Người hiện diện. Giáo hội là sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, cha Đa Minh tìm cách làm cho con người nhìn thấy một Giáo hội như thế. Mọi người gia nhập vào Giáo hội qua việc lãnh nhận bí tích Thanh tẩy và được thánh hóa nhờ các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, bí tích của sự hiệp nhất.

Cộng đoàn lữ hành hay đoàn dân Chúa trong Giáo hội là một cơ cấu hữu hình được điều hành bởi hàng phẩm trật và bởi Thánh Linh, một thực tại phức hợp cần có sự hướng dẫn của con người và của Thiên Chúa. Giáo hội mang tính xã hội này được Đấng Cứu Thế giao phó cho thánh Phêrô giữ gìn “tồn tại trong Giáo hội Công Giáo, do Ðấng kế vị thánh Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài điều khiển.”[9] Nhiều yếu tố thánh thiện và chân lý cũng được tìm thấy bên ngoài cấu trúc hữu hình của Giáo hội, cả nơi người Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo, vì Thiên Chúa ban phát một cách nhưng không các hồng ân theo ý Người. Tuy nhiên, bên ngoài Giáo hội, những hồng ân như thế là dấu chỉ ngoại thường biểu lộ thánh ý Thiên Chúa để cứu độ con người; trong Giáo hội mà cha Đa Minh phục vụ, những dấu chỉ đó rất bình thường và như người ta có thể nói, rất thông thường, đảm bảo cho mọi tín hữu có thể nắm bắt được. Ở bên ngoài Giáo hội, con người như “những kẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa trong hình và bóng”[10], còn bên trong Giáo hội, con người nắm giữ thực tại và được sống cuộc đời vinh quang, nhờ đức tin và những phương thức cứu độ, tức là các Bí tích trong Giáo hội.

Cha Đa Minh là người con trung thành của Giáo hội tuyệt diệu này. Một con người huyền nhiệm, được thanh tẩy trong đức tin, một người luôn lánh xa tội lỗi và một linh mục của Chúa, người bạn đồng hành đáng tin cậy và là cố vấn của các giám mục. Cha quả là một tông đồ đích thực. Vì cha đã thực thi lệnh truyền của Đức Kitô là công bố chân lý cứu độ nên cha thánh thật sự xứng đáng với danh hiệu rạng ngời, là Ánh sáng Giáo hội như đức giám mục Constantine Orvieto diễn tả.


[1] Cha Constantine Medici gia nhập Dòng một thời gian ngắn sau khi cha Đa Minh qua đời; khoảng 1254, cha trở thành giám mục Orvieto. Cha là tác giả quyển truyện kể về thánh Đa Minh, đấng sáng lập dòng Anh Em Giảng Thuyết, còn gọi là Legenda nova, và cũng là tác giả bài kinh Sách đọc trong ngày lễ kính thánh Đa Minh. Cha Constantine qua đời năm 1258.

[2] Xem W.A.Hinnebusch, OP, Lịch sử dòng Đa Minh (Staten Island: Alba House, 1966), I,16.

[3] Ibid.

[4] Lumen Gentium, s.1.

[5] Ibid, s.2

[6] Ibid, s.3

[7] Ibid, s.4

[8] Ibid, s.6

[9] Ibid, ss. 4,8.

[10] Ibid, s. 16.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com