[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 14. Lời Cầu Nguyện Trên Lễ vật

18-08-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3197 lượt xem
Linh mục chủ tế cũng cầu nguyện trên bánh và rượu khi dùng những lời có nguồn gốc từ truyền thống Do Thái. Những lời này dựa theo các lời chúc tụng của người Do Thái trên bánh và rượu dùng trong Bữa ăn, có lẽ vào thời Chúa Giêsu: Mặc dù việc pha loãng rượu bằng một chút nước là thói quen phổ biến trong thế giới cổ xưa, nhưng các Kitô hữu nhận ra ý nghĩa thần học sâu sắc khi trộn nước với rượu tại thời điểm này trong phụng vụ Thánh lễ. Ý nghĩa như thế được diễn tả trong lời cầu nguyện kèm theo của nghi thức này:

“Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con.”

Cách giải thích cổ truyền về lối thực hành này là: Rượu tượng trưng cho thần tính của Chúa Kitô, và nước tượng trưng cho nhân tính chúng ta. Việc trộn nước và rượu biểu lộ mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Thiên Chúa trở thành con người. Nghi thức ấy cũng cho thấy ơn gọi của chúng ta là chia sẻ sự sống thần linh của Chúa Kitô, để trở nên “những người thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4).

“Lạy Chúa là Chúa cả trời đất,
chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này,
là hoa màu ruộng đất và lao công của con người,
xin dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con.”

“Lạy Chúa là Chúa cả trời đất,
chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này,
là sản phẩm từ cây nho và lao công của con người,
xin dâng lên Chúa để trở thành của uống thiêng liêng cho chúng con.”

Xin thương nhận chúng con

Lời cầu nguyện tiếp theo của linh mục chủ tế cho thấy rõ hơn sự nối kết giữa lễ vật bánh rượu và người dâng của lễ này lên Thiên Chúa. Ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho của lễ chúng con dâng trước Tôn Nhan Chúa hôm nay được đẹp lòng Chúa.” Cần lưu ý rằng hy lễ được nói đến trong lời nguyện này không phải là một số phẩm vật đang được tiến dâng lên Thiên Chúa, giống như bánh và rượu, nhưng là cộng đoàn đang tập họp: “Xin thương nhận chúng con…”

Chủ đề này, tức là việc biểu lộ tinh thần khiêm nhượng và tâm hồn thống hối, gợi lại lời cầu khẩn của ba thiếu niên Do Thái bị ném vào lò lửa ngùn ngụt được ghi lại trong sách Đaniel chương ba. Bị vua Babylon ngược đãi, Sátrác, Mêsác và Avết Nơgô kêu lên Chúa với “tinh thần khiêm nhượng” và “tâm hồn thống hối”, cầu xin Người chấp nhận họ như Người chấp nhận của lễ toàn thiêu trong đền thờ. Nói cách khác, ba người này nối kết đời sống với hy lễ được tiến dâng lên Thiên Chúa (Đn 3,15-16). Thiên Chúa nghe tiếng họ kêu cầu và giải thoát họ. Trong Thánh lễ, linh mục chủ tế cũng dâng lên lời cầu khẩn tương tự. Chúng ta đã thấy đời sống mình được nối kết với bánh và rượu tiến dâng lên Thiên Chúa như thế nào. Bây giờ, linh mục chủ tế – giống như Sátrác, Mêsác và Avết Nơgô – thay mặt chúng ta, kêu cầu Thiên Chúa với “tinh thần khiêm nhượng” và “tâm hồn thống hối”, xin Người chấp nhận chúng ta như là hy lễ làm vui lòng Người.

Bước vào nơi Cực thánh

Tiếp theo, linh mục chủ tế rửa tay qua một cử chỉ báo hiệu sự kiện ấn tượng sâu sắc sắp diễn ra. Cách thực hành này gợi lại các nghi thức dành cho tư tế thời Cựu Ước. Đến lượt dâng hy lễ, các tư tế và các thầy Lêvi phải trải qua việc thanh tẩy theo nghi thức trước khi có thể thực hiện các bổn phận của họ trong thánh điện (Xh 29,4; Ds 8,7). Các tư tế cần rửa tay (và chân) trong một chiếc vạc đồng dùng vào việc tẩy rửa trước khi bước vào lều hội ngộ hoặc đến gần hương án (Xh 30:17-21). Thánh vịnh 24 phảng phất tầm quan trọng của nghi thức này đối với những người chuẩn bị vào Đền thờ: “Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh” (Tv 24,3-4). Cần chú ý rằng tay sạch được nối kết với lòng thanh. Trong Thánh vịnh này, việc rửa tay, theo nghi thức tượng trưng cho việc thanh tẩy tấm lòng bên trong, phải được thực hiện trước khi một người có thể tiến lại gần nhan Chúa trong Thánh điện.

Với nền tảng Kinh Thánh này, có thể xem việc linh mục chủ tế rửa tay trong Thánh lễ giống như các tư tế thuộc dòng tộc Lêvi trong Cựu Ước, ngài sắp đứng trước nơi cực thánh – một nơi thậm chí đáng kinh đáng sợ hơn lều hội ngộ hoặc đền thờ. Thánh nhan Thiên Chúa thỉnh thoảng biểu lộ cách rõ ràng dưới hình thức đám mây tại các nơi thánh trong Cựu Ước (Xh 40,34; 1V 8,10-11). Nhưng trong Thánh lễ, Thiên Chúa sắp đến với dân Người theo cách thức còn thân mật hơn nữa. Trên bàn thờ, trước mặt vị linh mục, chẳng bao lâu nữa bánh và rượu sẽ được biến đổi nên chính Mình và Máu Chúa Kitô, và Chúa sẽ đến cư ngụ trong chúng ta khi chúng ta đón nhận Người lúc hiệp lễ. Chúa Giêsu, Thượng Tế duy nhất và chân thật, sẽ hoàn tất điều này qua tay linh mục chủ tế. Để chuẩn bị cho giây phút rất thánh này, giống như các tư tế thời Cựu Ước, linh mục chủ tế rửa tay khi đến gần “nơi cực thánh” mới. Và ngài lặp lại lời cầu nguyện thống hối khiêm nhường của vua Đavít để chuẩn bị tâm hồn cho công việc thánh thiêng sắp thực hiện: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy” (x. Tv 51,2).

Cộng đoàn ngồi thinh lặng trong tâm tình kính sợ khi chứng kiến linh mục chuẩn bị thi hành vai trò thánh thiêng của ngài qua những lời và nghi thức đó. Cuối cùng, bằng một hành động chuẩn bị sau hết, linh mục chủ tế quay lại phía cộng đoàn, xin mọi người cầu nguyện khi ngài sắp bắt đầu Kinh nguyện Thánh Thể:

“Anh chị em hãy cầu nguyện
Để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em
Được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận.”

Bản dịch lời nguyện này phản ánh chính xác Bộ lễ La Tinh nguyên bản, có liên quan tới hy lễ “của tôi” và “của anh chị em”, đồng thời ý nghĩa cũng được làm nổi bật hơn nữa. Phần hy lễ “của tôi” hướng tới hy lễ của Chúa Kitô, hy lễ sẽ được hiện tại hoá qua vị tư tế hành động nhân danh Chúa Kitô – in persona Christi. Phần hy lễ “của anh chị em” ám chỉ toàn thể Giáo hội hiến dâng chính mình bằng sự hiệp nhất với Chúa Kitô trong Thánh lễ. Cộng đoàn đáp lại qua một lời cầu nguyện, cho thấy cả hai hy lễ – của Chúa Kitô và của chính mình – sẽ được hiệp nhất và được dâng lên Chúa Cha qua bàn tay linh mục:1

“Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha
để ca tụng tôn vinh danh Chúa
và mưu ích cho chúng con
cùng toàn thể Hội thánh Người.”

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com