[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 15. Lời Tiền Tụng

30-08-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3813 lượt xem

B. Kinh Nguyện Thánh Thể

Các học giả ghi nhận rằng Kinh Nguyện Thánh Thể bắt nguồn từ những lời nguyện tại bàn ăn của người Do Thái trong mỗi bữa ăn. Khi gần bắt đầu bữa ăn, người cha trong gia đình hoặc người chủ toạ cộng đoàn sẽ cầm lấy bánh và đọc một lời kinh chúc tụng Thiên Chúa (barakati) như sau: “Chúc tụng Ngài, lạy Chúa, Thiên Chúa chúng con, là Vua vũ trụ, Đấng đã sản sinh ra bánh bởi trời”. Sau đó, người ta bẻ bánh và trao cho những người tham dự, và mọi người bắt đầu ăn rất nhiều món ăn. Trong bữa ăn Vượt qua, cũng sẽ có một bài đọc về haggadah, kể lại câu chuyện Vượt qua đầu tiên tại đất Ai Cập và giải thích biến cố căn bản trong lịch sử Ítraen cho thế hệ hiện tại. Điều này đã hiện tại hoá các hành động cứu độ của Thiên Chúa trong quá khứ và áp dụng câu chuyện vào đời sống của họ.

Khi bữa ăn gần kết thúc, người chủ toạ đọc lời chúc tụng (barakah) lần hai và dài hơn trên một chén rượu. Lời chúc tụng gồm ba phần:

1) Chúc tụng Thiên Chúa vì công trình tạo dựng của Người;

2) Tạ ơn vì công trình cứu độ trong quá khứ (chẳng hạn, việc ban giao ước, đất đai, lề luật);

3) cầu xin cho tương lai, tức là công trình cứu độ của Thiên Chúa tiếp tục trong cuộc đời họ và đạt tột đỉnh trong việc gửi Đấng Mêsia, Người sẽ khôi phục vương triều Đavít.

Các Kinh Nguyện Thánh Thể ban đầu dường như theo mẫu chung này, bao gồm: việc đọc lời chúc tụng trên bánh và rượu, kể lại biến cố cứu độ căn bản là sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, và cấu trúc ba phần gồm dâng lời chúc tụng Thiên Chúa vì công trình tạo dựng, cảm tạ Thiên Chúa vì công trình cứu chuộc và lời khẩn cầu. Như sẽ thấy, các yếu tố Do Thái cổ xưa cũng được tìm thấy nơi Kinh Nguyện Thánh Thể trong Thánh lễ ngày nay.

Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu các phần sau đây của Kinh nguyện Thánh Thể: l) Lời Tiền tụng; 2) Kinh Sanctus, 3) Kinh Epiclesis, 4) những lời thiết lập/thánh hiến 5) Mầu nhiệm Đức tin; và 6) Kinh Anamnesis (Tưởng niệm), Tiến dâng, Lời chuyển cầu, và Vinh tụng ca

15. Lời tiền tụng

Kinh Nguyện Thánh Thể mở đầu bằng lời đối thoại gồm ba phần, được đọc trong Giáo hội ít nhất từ thế kỷ III:

Chủ tế:         Chúa ở cùng anh chị em
Cộng đoàn:   Và ở cùng cha

Chủ tế:         Hãy nâng tâm hồn lên
Cộng đoàn:   Chúng con đang hướng về Chúa

Chủ tế:         Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta
Cộng đoàn:   Thật là chính đáng

Lời đối thoại này ban đầu được thuật lại trong Kinh Nguyện Thánh Thể của thánh Hipôlytô (215). Bây giờ, 18 thế kỷ sau đó, chúng ta vẫn tiếp tục đọc cùng những lời này, những lời hiệp nhất chúng ta với các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai.

Chúa ở cùng anh chị em

Lời đối thoại mở đầu (“Chúa ở cùng anh chị em… Và ở cùng cha) chúng ta đã nghe ở phần trước. Lời này được dùng trong các nghi thức mở đầu và ngay trước bài đọc Tin Mừng. Ở chương hai, chúng ta thấy rằng, trong Kinh Thánh, những lời chào như thế được sử dụng để ngỏ lời với những người mà Thiên Chúa mời gọi thi hành một sứ vụ quan trọng, nhưng làm cho họ sợ hãi. Họ cần Chúa ở cùng khi họ thực thi trách nhiệm. Ở đây, lặp lại lời chào khi chúng ta bước vào phần thánh thiêng nhất của Thánh lễ – tức là Kinh Nguyện Thánh Thể – thì thật thích hợp. Cả linh mục và cộng đoàn cần Chúa ở cùng khi chuẩn bị bước vào mầu nhiệm hy tế thánh thiêng trong Thánh lễ.

Hãy nâng tâm hồn lên

Tiếp theo, linh mục đọc: “Hãy nâng tâm hồn lên” (Tiếng La Tinh: Sursum corda). Lời nguyện này gợi lại lời khích lệ tương tự trong sách Ai ca: “Hãy giơ tay và hướng lòng lên Đức Chúa, là Đấng ngự trên trời (Ac 3,41). Nhưng, “nâng” tâm hồn lên nghĩa là gì?

Trong Kinh Thánh, tâm hồn là trung tâm ẩn kín của con người, từ đó tư tưởng, tình cảm, và hành động xuất phát. Mọi ý hướng và cam kết bắt đầu từ lòng người. Vì thế, trong Thánh lễ, khi nói: “Hãy nâng tâm hồn lên”, linh mục chủ tế mời gọi chúng ta hết sức chú ý đến điều sắp diễn ra. Đây là “lời mời gọi thức tỉnh” nhằm dẹp bỏ các mối quan tâm khác sang một bên và tập trung tinh thần, ý chí, tình cảm – tức là tâm hồn – vào sự uy nghi cao cả đang diễn ra trong Kinh Nguyện Thánh Thể.

Lời mời gọi này gợi lại những lời của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlôxê: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Như thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Côlôxê “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới nơi Đức Kitô đang ngự”, chúng ta cũng được mời gọi hướng toàn bộ con người mình tới những sự trên trời, vì đó là nơi Chúa Kitô ngự. Và đó cũng là nơi chúng ta sắp đi qua, tức là Kinh Nguyện Thánh Thể.

Hết sức chú ý

Thánh Xiprianô (+258), Giáo phụ Bắc Phi, giải thích rằng lời nguyện này lôi kéo chúng ta ra khỏi những chia trí về những sự thế gian và dẫn chúng ta suy nghĩ về hành động đáng kinh đáng sợ đang xảy ra trong Kinh Nguyện Thánh Thể:

Anh chị em thân mến, khi đứng cầu nguyện, chúng ta phải chăm chú và tha thiết bằng cả tấm lòng, hướng vào kinh nguyện của chúng ta. Hãy để cho những tư tưởng xác thịt và thế gian trôi đi, cũng không để cho linh hồn nghĩ đến bất cứ điều gì vào lúc này, ngoài đối tượng duy nhất là kinh nguyện. Vì thế, bằng cách đọc lời Tiền tụng, linh mục chuẩn bị lòng trí anh chị em khi nói: “Hãy nâng tâm hồn lên”, để qua câu đáp của cộng đoàn “chúng con đang hướng về Chúa”, có lẽ ngài cũng được nhắc nhở rằng chính ngài cũng không được nghĩ đến điều gì khác ngoài Thiên Chúa chúng ta.1

Một Giáo phụ khác là thánh Xyrilô thành Giêrusalem, cũng đã có quan điểm tương tự và cảnh báo các tín hữu cần nghiêm trang trong giây phút này.

“Nâng tâm hồn lên: Thật vậy, trong giờ phút cao cả này, phải hướng tâm hồn lên Chúa, không phải hướng xuống đất và các việc dưới đất…Linh mục chủ tế hết lòng khuyến khích chúng ta, trong giây phút này, hãy đặt sang một bên tất cả mọi mối quan tâm về cuộc sống này, tất cả những âu lo trong gia đình, và hướng tâm hồn tới Thiên Chúa trên trời, Đấng quá yêu thương con người…. Sẽ chẳng có gì giữa anh chị em, là những người sẽ tuyên xưng trên môi miệng lời này: Chúng con đang hướng về Chúa, đồng thời lại để cho tư tưởng mình vẫn còn bận tâm với cuộc sống.”2

Thánh Xyrilô tiếp tục cho biết rằng, việc chăm chú vào Chúa là điều chúng ta luôn phải làm, nhưng điều này rất khó, bởi vì chúng ta đã sa ngã và yếu đuối. Nhưng nếu có giây phút nào đó hết sức tập trung và chú ý nhất vào Thiên Chúa, thì đó phải là lúc này, trong Kinh nguyện Thánh Thể. “Chắc chắn, trong mọi lúc, cần phải nghĩ đến Thiên Chúa, nhưng nếu điều này không thể thực hiện vì sự yếu đuối của con người, thì trong giờ phút thánh thiêng này, tâm hồn chúng ta phải đặc biệt ở cùng Người.”3

Lời tạ ơn vĩ đại

Trong lời đối đáp cuối cùng, linh mục chủ tế nói: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta….” Như chúng ta đã tìm hiểu trong kinh Vinh danh (“Chúng con cảm tạ Chúa…”, và trong câu đáp sau bài đọc Sách Thánh “Tạ ơn Chúa”), lời tạ ơn là câu đáp phổ biến trong Kinh Thánh đối với sự tốt lành và công trình cứu độ của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Khi hướng chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa, linh mục chủ tế làm vọng lại lời khích lệ tương tự trong Thánh vịnh: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ…” (Tv 136,1-3; x. Tv 107,8,15.21.31). Theo truyền thống Do Thái, tạ ơn là một việc chúng ta có thể thực sự dâng lên Đấng Tạo Hoá, là thứ mà Người đã không sở hữu. Philô, nhà chú giải người Do Thái thuộc thế kỷ thứ nhất, đã diễn tả điều này như sau:

Chúng ta khẳng định rằng hoạt động đặc trưng nhất của Thiên Chúa là ban phúc lành. Nhưng hoạt động thích hợp nhất của thụ tạo là tạ ơn, bởi vì đó là cách tốt nhất để thụ tạo có thể đền đáp ơn Người. Vì, khi cố gắng đền đáp Thiên Chúa bằng bất kỳ cách nào khác, thụ tạo biết rằng lễ vật ấy đã thuộc về Đấng Tạo Hoá của vũ trụ, không phải thuộc về thụ tạo đang tiến dâng lễ vật ấy. Bởi vì bây giờ, chúng ta nhận ra rằng, để thờ phượng Thiên Chúa cách thích đáng, thì công việc duy nhất thuộc về bổn phận của chúng ta là Tạ ơn, nên chúng ta phải thực hiện bổn phận này mọi lúc mọi nơi.4

Tương tự, thánh Phaolô cũng dạy rằng đời sống Kitô giáo phải được ghi dấu bằng những lời nguyện tạ ơn. Chúng ta phải “chan chứa niềm tri ân cảm tạ” (Cl 2,7), và tạ ơn Thiên Chúa trong mọi việc mình làm (Cl 3,17) và “trong mọi hoàn cảnh” (l Tx 5,18; Pl 4,6), nhất là trong việc thờ phượng (x. 1Cr 14,16-19; Ep 5,19-20; Cl 3,16).

Nối tiếp truyền thống Kinh Thánh về việc dâng những lời nguyện tạ ơn như thế, linh mục chủ tế mời gọi chúng ta “tạ ơn Chúa là Thiên Chúa”. Có rất nhiều điều để chúng ta dâng lời tạ ơn vào giây phút này trong Thánh lễ. Như dân Ítraen xưa, là những người tạ ơn Chúa vì đã giải thoát họ khỏi quân thù, thì bây giờ, chúng ta cũng phải tạ ơn Thiên Chúa đã sai Con của Người, tức là Đức Giêsu, đến cứu chúng ta khỏi tội lỗi và Ác Thần. Hành động cứu độ nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô sắp được hiện tại hoá cho chúng ta trong phụng vụ, vì thế chúng ta khiêm nhường diễn tả lòng biết ơn.

Chúng ta cũng phải tạ ơn vì điều kỳ diệu sắp xảy ra giữa chúng ta, khi bánh và rượu trên bàn thờ sẽ được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Đấng là Chúa và là Vua chẳng bao lâu nữa sẽ ở cùng chúng ta khi Người hiện diện thực sự trong Thánh Thể. Tâm hồn chúng ta phải tràn đầy lòng biết ơn khi nhà thờ trở nên giống như nơi cực thánh, nơi Thiên Chúa hiện diện. Thật là một ân ban lớn lao khi chúng ta tiến gần đến nơi ấy! Chúng ta giống như dân Ítraen xưa, những người đến gần Đền thờ, nơi cư ngụ của Thiên Chúa, với những bài Thánh vịnh tán dương và tạ ơn tràn đầy niềm hân hoan. Thực vậy, chúng ta có thể nghe trong lời mời gọi của linh mục chủ tế, “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”, tiếng vọng lại lời của tác giả Thánh vịnh nói với khách hành hương khi họ tiến gần tới Đền thánh Giêrusalem: “Hãy vào trước thánh nhan, mà dâng lời cảm tạ (Tv 95,2) hoặc “Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn” (Tv 100,4).

Có quá nhiều điều để phải tạ ơn trong phụng vụ, nhất là trong lúc này! Vì thế, chúng ta biết rằng, tạ ơn là lời đáp trả thích hợp duy nhất đối với các mầu nhiệm sắp diễn ra trước mắt chúng ta. Đáp lại lời linh mục chủ tế mời gọi tạ ơn Chúa, chúng ta thưa: “Thật là chính đáng”.

Lời Tiền tụng

Sau khi mời gọi chúng ta tạ ơn Chúa, bây giờ linh mục chủ tế thưa với Thiên Chúa trong một lời nguyện tạ ơn. Lời mở đầu được gửi tới Chúa Cha, và diễn tả những điều chúng ta đã thấy trong toàn Sách Thánh: bổn phận của dân Chúa là tạ ơn Người. Chẳng hạn, một trong các kinh Tiền tụng bắt đầu như sau: “Lạy Cha chí thánh, nhờ Con yêu quí của Cha là Chúa Giêsu Kitô, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con…” Nhưng linh mục không đọc lời nguyện này cho chính mình. Ngài đọc lời nguyện ấy thay mặt cộng đoàn, là những người vừa diễn tả ước muốn kết hiệp với linh mục tạ ơn Chúa khi họ đáp lại rằng: “Thật là chính đáng”, để dâng lời tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Khi nói về điều này, thánh Gioan Kim Khẩu lưu ý rằng linh mục (được Kim Khẩu hình dung như giám mục) đại diện cho cộng đoàn đọc lời nguyện này: “Lời nguyện tạ ơn được thực hiện chung. Giám mục không dâng lời tạ ơn một mình, nhưng toàn thể cộng đoàn hiệp nhất với ngài. Bởi vì, giám mục nói thay cho cộng đoàn, và ngài chỉ nói như vậy sau khi cộng đoàn đáp rằng thật là thích hợp và chính đáng để ngài bắt đầu Kinh Tạ Ơn.”5

Lời Tiền tụng dựa theo mẫu tạ ơn trong các Thánh vịnh Cựu Ước. Nhìn chung, lời tạ ơn được dâng lên vì hồng ân tạo dựng do Thiên Chúa thực hiện (Tv 136,4-9), vì lương thực Chúa ban trong đời sống (Tv 67,6-7), vì công việc lạ lùng Chúa đã làm (Tv 75,1) và vì hoạt động cứu độ của Người (Tv 35,18). Trong loại Thánh vịnh này, dân Chúa đáp lại với lòng biết ơn vì Thiên Chúa giải thoát một người theo cách đặc biệt nào đó, như: chữa lành (Tv 30,116), cứu thoát khỏi tay quân thù (Tv 18, 92, 118, 138) hoặc giải thoát họ khỏi những khó khăn phiền muộn (66,14). Tác giả Thánh vịnh nêu lên những gian nan của ông và cho biết Thiên Chúa đã cứu ông như thế nào, và đó chính là cơ sở để ông ngợi khen và tạ ơn.

Mẫu này có thể được thấy trong Thánh vịnh 136. Thánh vịnh này bắt đầu bằng việc tác giả tạ ơn Thiên Chúa vì công trình sáng tạo kỳ diệu của Người: vì Người dựng nên trái đất, các nguồn nước, các vì sao, mặt trời và mặt trăng (Tv 136,4-9). Sau đó, Thánh vịnh thuật lại các hành động cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử Ítraen: Đưa dân ra khỏi Ai Cập và vượt qua Biển Đỏ, lật nhào Pharaô trong lòng biển, dẫn dân qua sa mạc và đánh bại kẻ thù của dân Ítraen. Tiếp theo, tác giả Thánh vịnh cho biết rằng chính Thiên Chúa, Đấng đã cứu tổ tiên của họ xưa kia, nay cũng thực hiện hành động giải thoát dân Người. Cũng chính Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát tổ tiên họ khỏi Ai Cập, nay cũng “nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn” và “gỡ ta thoát khỏi tay thù địch” (Tv 136,23-24). Vì thế, cộng đoàn tập họp cùng với tác giả Thánh vịnh có lý do lớn lao để tạ ơn. Tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Người vững bền suốt dòng lịch sử. Người trung tín với dân Người từ thời Xuất hành cho đến hiện tại. Vì vậy, tác giả Thánh vịnh kết luận: “Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136,26).

Kinh Nguyện Thánh Thể đi theo mẫu này trong Kinh Thánh. Vì, giống như các tác giả Thánh vịnh Cựu Ước, chúng ta phải tạ ơn vì nhiều lý do. Như Thánh vịnh 136, Kinh Nguyện Thánh Thể thuật lại các công việc kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ. Việc thuật lại này có thể dưới nhiều hình thức, như có nhiều lựa chọn đối với lời Tiền tụng. Một số hình thức của kinh nguyện này là tạ ơn Chúa vì công trình tạo dựng. Các hình thức khác nhấn mạnh đến những khía cạnh đặc biệt trong công trình cứu độ của Chúa Kitô, tùy theo ngày lễ hoặc mùa phụng vụ. Chẳng hạn, trong mùa Giáng sinh, linh mục chủ tế tạ ơn Thiên Chúa vì đã trở nên người phàm. Trong Tuần Thánh, linh mục nhắc đến giờ Chúa Giêsu chiến thắng Satan đã gần đến. Trong mùa Phục sinh, linh mục tạ ơn Chúa vì sự sống vĩnh cửu Chúa Kitô dành được cho chúng ta. Nhưng tất cả những kinh nguyện này nhấn mạnh đến việc tạ ơn Thiên Chúa vì tâm điểm của kế hoạch cứu độ Người thực hiện: Đó là sự chết và sự phục sinh mang lại sự sống của Chúa Kitô.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com