Mục Lục
ĐA MINH, VỊ THÁNH VƯỢT THỜI GIAN
Richard T. A.Murphy, O.P.
Lời giới thiệu của William R. Bonniwell
Chương 1. Ánh sáng Giáo hội
Chương 2. Thầy dạy Chân lý
Chương 3. Hồng thiêng nhẫn nại
Chương 4. Ngọc ngà khiết tịnh
Chương 5. Đấng ban phát dòng nước khôn ngoan
Chương 6. Nhà giảng thuyết ân sủng
Chương 7. Xin cho chúng con được hiệp đoàn với các phúc nhân
Ngôi sao sáng trên vầng trán thánh Đa Minh gợi nhớ chòm sao có tên gọi Aquarius, hay Water Pourer (chòm sao Bảo Bình), xuất hiện trên bầu trời lúc thích hợp vào suốt mùa mưa trong năm. Những đứa trẻ bị cầm chân trong nhà vì lý do thời tiết, thường hát lên bài ca than vãn: “Này mưa ơi, hãy đi đi, hãy trở lại vào một ngày khác.” Còn người lớn thì biết rõ cơn mưa quan trọng thế nào.
Dòng nước
Còn nhớ một ngày kia, tôi có dịp đứng trên đỉnh kim tự tháp vĩ đại Cheops, ngay bên ngoài thủ đô Cairo, Ai Cập. Việc leo lên đỉnh thật đáng bõ công bởi lẽ quang cảnh của nó rất tuyệt vời. Con nhân sư thinh lặng nhìn về phía đông, nhưng đôi mắt của tôi thì lại bị hút về cả phía Nam lẫn phía Bắc, nơi dòng sông Nile hùng vĩ đang tuôn chảy, hai bên là những cánh đồng rộng lớn, xanh ngát. Vào thời cổ đại, Ai Cập là vựa lúa mì ở phương Đông. Nhiều phương pháp thủy lợi tân tiến đã mở rộng các khu vực màu mỡ bên cạnh con sông lớn. Thế nhưng, có một quang cảnh đập vào mắt tôi, đó là những nơi không được tưới tắm bởi dòng nước đem lại sự sống của sông Nile Mẹ, thì màu xanh tươi đẹp lập tức mất đi. Điều này như thể ai đó đã dùng cây kéo khổng lồ cắt mất phần rìa của những cánh đồng. Ở hai bên bờ sông, xanh lên một màu lá; phía sau màu xanh ấy là một sa mạc rộng lớn đang thèm thuồng nhìn vào khu vườn một cách đầy đe dọa.
Xa xa về phía bắc, bên kia Địa Trung Hải, chỉ còn lại hệ thống dẫn nước sừng sững của nền văn hóa La Mã đang vươn lên giữa bầu trời Italia xanh biếc. Vào thời hưng thịnh của Rôma, có 14 hệ thống dẫn nước dài ba trăm dặm dưới lòng đất, còn ở phía trên là 55 dặm, dẫn nguồn nước đến đế quốc Rôma. Mỗi hệ thống mang một tên gọi, chẳng hạn như: Virgo, Marcia, Claudia… Những dòng nước được chúng mang đến có phẩm chất khác nhau, và dĩ nhiên thứ tốt nhất được dành để uống. Nhưng không một dòng nước nào bị lãng phí. Một lượng lớn nước nóng và lạnh được sử dụng trong các nhà tắm công cộng, và để tưới các khu vườn khô hạn của Rôma. Một số dòng nước được chuyển hướng đến các đài phun nằm rải rác khắp thành phố, với những huyền thoại hay lịch sử đặc biệt của riêng chúng. Có vị khách tham quan nào mà lại không ném một đồng xu vào đài phun nước Trevi nổi tiếng, với mong muốn trở lại Rôma trước khi chết! Đài phun nước Tortoise làm tăng thêm vẻ đẹp cho khu sinh sống của giới hạ lưu Rôma, và trên những vó ngựa phi nơi Piazza Esedra, nhiều nữ thủy thần vui đùa duyên dáng trong những tia nước phun lên ào ạt. Thật thú vị, để nói lên tinh thần không thể kìm nén của con người, đài phun nước Bernini tại Piazza Navona được dựng lên để ghi nhớ mãi sự khinh khi của Bernini đối với mặt tiền của ngôi thánh đường bên cạnh, nơi một vị Giáo hoàng xưa kia, vì quá sợ ông, nên đã trao lại cho một nghệ sĩ đối địch với ông. Gần Tivoli, khu dinh thự Villa d’Este có rất nhiều đài phun nước với vẻ đẹp khó quên.
Tinh thần phiền muộn sẽ được thư giãn khi người ta nhìn vào mặt biển với những cơn sóng nổi lên, cuộn về phía bờ biển và đổ ập xuống thật uyển chuyển, rồi rút về trong vẻ đẹp riêng của nó, và màn trình diễn tuyệt vời này cứ thế tiếp diễn. Chiếc bình Hy lạp cổ tuyệt đẹp được ca ngợi trong thơ ca của thi hào John Keats[1] thì tĩnh lặng, còn nước, người bạn của vẻ đẹp và ánh sáng, dường như sống động hơn nhiều. Mặc cho con người nghĩ gì hay làm gì, thủy triều cứ lên rồi xuống, con sông vẫn cuốn theo dòng chảy của mình, dòng suối róc rách vẫn luồn lách tươi vui qua từng vùng đất. Bởi thế, Đấng Tạo Hóa thượng trí đã kết hợp nét duyên dáng và vẻ đẹp tuyệt mỹ trong khối chất lỏng rất cần thiết cho sự sống này.
Trong tất cả các nguồn tài nguyên của chúng ta, nước là một thứ quý giá nhất. Ở đâu có nước, ở đấy nền văn minh có thể phát triển mạnh mẽ, khi nước không còn thì các thành phố lớn, các việc giao thương và các nền văn hóa sẽ trở nên hoang tàn. Ngày nay, người ta có thể tản bộ trên bến cảng nổi tiếng Ostia Antica, gần trị trấn Êphêxô thời La Mã cổ đại, giờ đã nằm sâu trong đất liền. Nơi đây thánh Phaolô đã lưu lại ba năm để làm việc và rao giảng Tin mừng. Vì không có nước trên sao Hỏa, Mặt trăng[2], nên các nhà khoa học kết luận rằng sự sống không tồn tại ở đó. Nước là một nhu cầu thiết yếu. Không gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta phải xây dựng các hồ chứa, điều tiết dòng chảy của sông nhờ các đập nước, và lo ngại nguồn nước bị ô nhiễm. Nếu không có nước, chúng ta sẽ mau chóng bị hủy diệt.
Sự khôn ngoan
Thánh Đa Minh là người phân phát những dòng nước khôn ngoan. “Sự khôn ngoan được tìm thấy ở đâu? Nó đến từ đâu?”[3] Câu hỏi “ Sự khôn ngoan là gì?” thách thức nhiều nhà tư tưởng lớn trong mọi thời đại, và chúng ta có thể học hỏi nơi họ điều gì đó về bản chất của sự khôn ngoan nói chung cũng như sự khôn ngoan của thánh Đa Minh.
Đời sống con người không chỉ hệ tại nơi đồ ăn thức uống, như Đức Kitô từng nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” Người ta nhận xét rằng một khi các nhu cầu thiết yếu được thỏa mãn, con người mới bắt đầu quan tâm và đặt ra những câu hỏi căn bản về cuộc sống. Người ấy muốn tìm hiểu để biết tại sao lại có những mùa khác nhau, tại sao mặt trăng thay đổi, mặt trời mọc lên rồi lặn xuống, và tại sao các tinh tú chuyển động rất khác với các hành tinh. Những câu hỏi này và các điều tương tự cho thấy con người có một khao khát không thể cưỡng lại muốn tìm kiếm sự khôn ngoan thông hiểu. Đó là một loại tri thức đặc biệt và sâu xa hơn nhiều chứ không chỉ là con số các sự kiện và tri thức hay việc suy đoán về thực tại quanh ta. Một cách huyền nhiệm, thuật giả kim đã diễn ra trên hành trình tìm kiếm tri thức, biến đổi tri thức thành sự khôn ngoan. Chúng ta hãy cùng nhau dõi theo quá trình này.
Khôn ngoan và Tri thức
Tri thức mang một số diện mạo mà chúng ta đều quen thuộc. Diện mạo đầu tiên được học sinh biết đến là khoa học, toán học và vật lý. Diện mạo thứ hai được gọi là thần học. Cuối cùng, diện mạo thứ ba là một ân huệ từ trời cao, được gọi là ơn khôn ngoan.
Đầu tiên là khoa học và toán học. Ngày nay, nhờ các ngành khoa học ứng dụng, chúng ta đang sống thoải mái và tiện nghi, mà trước đây cha ông chúng ta chưa từng mơ tới. Điều này hoàn toàn bình thường với chúng ta ngày nay. Thiên Chúa dựng nên trái đất và giao cho con người canh tác, gìn giữ, chinh phục và làm cho thêm phong phú. Trong khi mang lấy trách nhiệm đó, con người, nhờ khoa học, đã khám phá và sử dụng quy luật mà Thiên Chúa đặt vào thế giới từ khi tạo dựng. Việc tìm kiếm loại tri thức này đã mang lại cho chúng ta nhiều kết quả thiết thực. Chúng ta là những “đạo sĩ” phương Tây. Như Archimedes, có lẽ chúng ta không có khả năng di chuyển trái đất chỉ vì thiếu một điểm tựa. Chúng ta đã thực hiện nhiều thay đổi. Ngày nay, những bến bờ xa lạ mà chúng ta có thể mạo hiểm khám phá như Columbus chỉ còn là không gian bao la bên ngoài hành tinh của chúng ta. Thay vì chần chừ khi đối diện với không gian bao la như thế, thời cuộc đòi buộc chúng ta phải tiến bước nhanh hơn.
Thật thú vị khi biết thế hệ chúng ta sẽ mang “hình ảnh” gì sau 50 hay 100 năm nữa. Khi tài liệu chuyên môn của chúng ta phần lớn thuộc về các ngành toán học, thiên văn học, kỹ sư và vật lý, thì những thế hệ kế tiếp có thể nhìn chúng ta như những sinh vật hữu hạn và phiến diện. Đâu chỉ có khoa học, cuộc sống còn phong phú hơn nhiều. Ơn cứu độ không phụ thuộc vào máy tính, toán học, hoặc vật lý; con người có thể cứu linh hồn mình mà không cần biết chính xác về thế giới này. Thánh Augustino đầy khôn ngoan có lần nhận xét rằng: “Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta trở thành nhà toán học, nhưng thành những thánh nhân.” Và như thế, người ta gần như có thể nghe thấy tiếng thở phào nhẹ nhõm của độc giả!
Loại tri thức-khôn ngoan thứ hai là loại tri thức phát xuất từ mạc khải. Người ta phải tìm hiểu mạc khải cách siêng năng và cẩn thận cũng như khi nghiên cứu các ngôi sao hoặc nguyên tử. Thần học không sử dụng kính hiển vi điện tử, nhưng lý trí được soi sáng nhờ đức tin. Các lãnh vực thần học rộng lớn cũng đang mời gọi những giáo dân xuất chúng có tầm cỡ như Sheed, DeKonnick, Maritain và những người khác. Qua những con người như vậy, Giáo hội có quyền mong đợi những hiểu biết sâu sắc hơn về sự phong phú khôn dò của Thiên Chúa. Trong Giáo hội cũng như trong cuộc sống, tay này rửa sạch tay kia, cũng như một điều tốt lành chúng ta thực hiện sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người khác.
Loại thứ ba và là loại cuối cùng của tri thức, không thể đạt được qua nỗ lực của con người, nhưng chỉ có được nhờ ân ban của Thiên Chúa. Chính nhờ ơn khôn ngoan với đặc tính tức thời, tinh tế và không sai lầm mà con người, khi ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần, sẽ biết đánh giá khoảnh khắc hiện tại, một khoảnh khắc mang tính hiện sinh.
Phải chăng chúng tôi đã cho các bạn thấy diện mạo của Khôn Ngoan? Hơn cả tri thức, khôn ngoan là khả năng cao quý, giúp đánh giá đúng đắn các vấn đề liên quan đến cuộc sống và cách ứng xử. Khôn ngoan tỏ lộ qua phán đoán đúng đắn về phương tiện và mục đích của hành động. Tuy nhiên, khôn ngoan còn hơn cả khả năng tiếp nhận chân lý hoặc khả năng áp dụng nhuần nhuyễn, sắc xảo tri thức này vào những mục đích như mong muốn. Nó chọn lựa các phương tiện đúng đắn để đạt được mục đích, tái định hình và vận dụng tri thức vào cuộc sống của con người. Nói cách khác, khôn ngoan xuất hiện nơi mọi ngành chuyên môn và công nghệ, định hướng những gì là đúng nơi chúng, để đạt đến sự hiểu biết, nhu cầu và hy vọng của con người. Chính đức khôn ngoan sẽ kết hợp khoa học và nhân văn vào trong vũ trụ bao la, một vũ trụ không chỉ là cuộc gặp gỡ của con người và thiên nhiên, mà còn cả với Thiên Chúa nữa.
Thánh Đa Minh và sự khôn ngoan
Người ta có thể cho rằng, thánh Đa Minh không biết nhiều về các ngành khoa học tự nhiên; vào thời ấy, rất ít người có được sự hiểu biết này, và những gì họ biết chỉ là sơ cấp. Bấy giờ, khoa học tự nhiên vẫn chưa phát triển. Nhưng cha Đa Minh đã xuất sắc trong hai ngành khác thuộc lãnh vực khôn ngoan: cha là một thần học gia lỗi lạc, thông thái, đồng thời là người nhạy bén và ngoan ngoãn vâng theo Thánh Linh. Dòng tu do cha thành lập vẫn hưng thịnh sau hơn tám thế kỷ, điều đó chứng tỏ sự khôn ngoan của cha. Khi cha phân tán anh em từng hai người một đi khắp châu Âu, có lẽ họ đã than phiền rằng cha đang làm cho Dòng tàn lụi trước khi kịp đâm rễ. Nhưng với tầm nhìn và phán đoán rõ ràng, chắc chắn, cha đã nhận ra cách đúng đắn sự thôi thúc bên trong của Chúa Thánh Thần. Đây là phương thế thích hợp để đạt được mục đích của cha và cũng là của Thiên Chúa. Đó là cơm bánh được rải trên mặt nước (Gv 11,1), một điều gì đó đầy mạo hiểm, sáng tạo, là tất cả những gì Thiên Chúa muốn nơi cha. Cha đã thực hiện kế hoạch tuyệt vời cách khôn ngoan.
Thật mới mẻ khi thấy một vị thánh như cha Đa Minh, một người nổi bật với tầm nhìn rộng lớn và đầu óc rộng mở. Thật vui mừng khi nhìn thấy sự điềm tĩnh của cha khi đối diện và nhận định các biến cố; cha rất sáng suốt, linh hoạt thích ứng với tầm nhìn xa trông rộng, luôn kiên định mục tiêu của mình. Người ta không hình dung cha như một tù nhân của thời đại, dẫu cha đang sống trong đó, cha cũng không phải là một người bị dao động và lo lắng bởi muôn vàn chi tiết phức tạp. Nơi cha hội đủ các yếu tố quyết đoán, rõ ràng và hiệu quả. Nhìn lại, chúng ta có thể thấy, giải pháp của cha thật hoàn hảo, minh chứng sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban cho cha. Cha Đa Minh quả là một bậc khôn ngoan thông thái.
Được ơn khôn ngoan
Làm sao người ta có thể trở nên khôn ngoan? Điều đáng quý như sự khôn ngoan thì chắc chắn phải trả một giá tương xứng. Sự khôn ngoan, một trong những phẩm tính cao cả nhất Thiên Chúa đã chia sẻ cho con người, thường được ban cho những ai khao khát và nỗ lực tìm kiếm. Các khoa học gia tài giỏi hay các thần học gia thông thái không bao giờ màng đến cái giá mà sự khôn ngoan đòi buộc. Luôn luôn như thế, việc tìm kiếm khôn ngoan cũng giống như chuyện ông Giacóp phục vụ lâu dài để lấy được cô Rakhen (St 29,1). Họ giống ông Giacóp ở điểm này: Tình yêu của họ dành cho sự khôn ngoan còn cao cả hơn tình yêu ông Giacóp dành cho cô Rakhen, một tình yêu lớn lao đến độ, đối với ông những năm dài phục vụ tại nhà ông Laban chỉ như một ngày. Tự bản chất, việc tìm kiếm khôn ngoan đã là một niềm vui và cũng mang lại niềm vui cho người khác.
Tuổi tác tự nó không mang lại khôn ngoan, mặc dù khôn ngoan có thể thường được thấy nhiều nhất nơi các vị cao niên. Khôn ngoan có được không phải là kết quả của những cuộc hội họp, những hoạt động chia sẻ, hay bất kỳ một nỗ lực cá nhân nào. Khôn ngoan chỉ đến khi chúng ta chuyên tâm giữ cánh cửa tâm trí luôn mở ra với Thiên Chúa và với mọi loài thụ tạo. Việc chuẩn bị gian khổ như vậy thường là khúc dạo đầu cần thiết dẫn đến khôn ngoan. Tuy nhiên, nhờ lòng quảng đại của Thiên Chúa, sự khôn ngoan được ban cho con người như một hồng ân trong ngày rửa tội, hoặc khi được đầy tràn ân sủng. Vì thế, mọi người đều có đủ khôn ngoan để cứu linh hồn mình.
Thánh Đa Minh và dòng nước khôn ngoan
Con cái cha Đa Minh phải nên như thánh nhân, tức là trở nên những người khôn ngoan. Nhưng nếu họ không phải là những nguồn mạch khôn ngoan, mà chỉ là những chiếc bình đựng nhỏ bé, thì sự khôn ngoan của họ sẽ hạn chế và không đáng kể. Tuy nhiên, cha Đa Minh quả quyết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi một ai nên cao trọng hơn như họ được tạo dựng. Người ta chỉ cần nghiêng chiếc bình xuống và trao tặng sự khôn ngoan ít ỏi của riêng mình, và để phần còn lại cho Thiên Chúa. Nếu Chúa muốn, những dòng nước hằng sống đang tràn ngập trái đất thậm chí có thể tuôn chảy từ một nguồn rất nhỏ:
Phần tôi, tôi như kênh đào chảy từ sông lớn, như con lạch dẫn nước tới địa đàng. Tôi tự nhủ: “Tôi sẽ tưới mảnh vườn của tôi”, cho luống hoa đẫm nước. Và này, kênh đào của tôi đã biến thành sông cả, và sông cả biến thành đại dương. Tôi sẽ làm cho lời dạy bảo rực sáng tựa bình minh, cho nó chiếu toả mãi tận chốn xa vời. Tôi sẽ tung gieo giáo huấn như lời của ngôn sứ, sẽ lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Hãy xem: tôi vất vả đâu phải cho riêng mình, nhưng còn vì mọi người muốn tìm kiếm khôn ngoan (Hc 24,30-34).
Lạy thánh Đa Minh đầy khôn ngoan, xin tuôn đổ trên chúng con thác dòng khôn ngoan quý giá của ngài ngõ hầu giữ cho khu vườn đức tin và việc lành phúc đức được xanh tốt và triển nở, để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang. Xin giúp chúng con trở nên những mạch nước khôn ngoan tuôn tràn, xứng đáng là tông đồ của Chúa Kitô.
[1] John Keats (1795 – 1821) là một thi hào Anh thuộc trường phái lãng mạn (chú thích của người dịch).
[2] Trong khi các nhà khoa học biết rằng nước ở dạng lỏng không tồn tại trên sao Hỏa hay mặt trăng, thì khoa học hiện nay đồng ý rằng nước lỏng đã từng tồn tại trên bề mặt sao Hỏa vào một thời điểm trong lịch sử. Do đó, không có mâu thuẫn với sự khẳng định của tác giả, khả dĩ rằng đơn giản, cuộc sống có thể phát sinh trên sao Hỏa và hiện đang là một trong những mục tiêu nghiên cứu khoa học.
[3] G 28,12-20 ; Cn 8,11 ; Kn 24,1.