Về đức vâng phục (C.p. Humbert Romans) [2]

14-09-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2744 lượt xem

Đỉnh trọn lành của đức tuân phục là tuân phục như người ngu dại trước mắt thế gian. Đó là không phân tách, không đoán xét những điều truyền khiến; hết sức đơn sơ, thành tín; nhận thật các điều Chúa truyền, các lệnh Bề trên, hết thảy đều có ích và khôn ngoan.


VỀ ĐỨC VÂNG PHỤC [2]

Trích “Thư của cha Humberto, Bề trên cả thứ V, Dòng Giảng thuyết”, in trong Humberto Romans, Giải thích Tu luật thánh Augustinô (Học viện Đa Minh, 2015). Xem Phần 1

Đức tuân phục phải tự nguyện

Đức tuân phục phải tự nguyện, không cần phải có roi hay mũi dùi thúc đẩy, mà chỉ cần tiếng còi lệnh êm dịu. Tuân phục giữ trọn lệnh truyền là việc đáng khen nhưng tuân giữ lời khuyên răn nhắn nhủ thì đáng khen hơn, và tuyệt hảo nhất, là khi lý trí và ý chí hợp với ý người truyền.

Có người chỉ muốn Bề trên nghe điều mình thích hơn là làm điều mình nghe để vừa lòng Bề trên. Hạng người đó chỉ ước ao Bề trên tuân phục mình, còn họ thì không ước ao tuân phục Bề trên. Họ không muốn bắt chước thánh Phaolô thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” (Cv 9); nhưng họ thích giống như người mù được Chúa hỏi, “con muốn Ta làm gì cho con?” (Mc 10; Lc 18).

Như ta biết có hai thứ tuân phục: một vì bó buộc và một vì mộ mến, thứ vì lệnh truyền và thứ vì khuyên răn. Thứ do lệnh truyền cưỡng bách ta tuân thủ, thứ do tình nguyện làm ta cởi mở vui vẻ. Thứ vì cưỡng bách làm ta nên nô lệ, thứ vì tình yêu làm ta nên con cái tự do. Thứ tuân phục của nô lệ càng giữ được bao nhiêu càng bớt được nợ nần bấy nhiêu, thứ vì tình yêu càng được tuân giữ bao nhiêu càng thêm công phúc bấy nhiêu.

Đức tuân phục phải đơn sơ

Anh chị em phải tuân phục cách đơn sơ. Hãy thi hành lệnh truyền mà không được lý luận bình phẩm dù chỉ qua loa. Khi ai xét đoán ý tứ lệnh truyền tức là gây nội chiến cho mình, vì lý luận những nguyên do của lệnh truyền mà mình không hiểu là gieo mình xuống hố lầm lạc. Và như vậy, ích lợi của sự tuân phục thiếu trọn vẹn trong trắng, vì dám ngạo mạn nghĩ tưởng Bề trên truyền những điều vô lý. Cho dù theo sự xét đoán của ta, Bề trên đôi khi truyền những điều kém ích lợi, nhưng không vì thế mà ta không buộc phải tuân hành. Nếu khi truyền lệnh, Bề trên có sai lầm chăng nữa, anh chị em cũng không vì thế mà trệch đường khi tuân lệnh, đừng kể lệnh đó nghịch với Chúa. Anh chị em tuân lệnh làm công việc đôi khi xem ra không ích lợi cho tu viện, nhưng bao giờ cũng mang lại lợi ích cho anh chị em. Trong truyện tu hành có kể: tu sĩ nọ tuân phục Bề trên truyền tưới que khô, lâu ngày đã làm cho que khô nên tốt tươi mọc mạnh trên đất.

Đỉnh trọn lành của đức tuân phục là tuân phục như người ngu dại trước mắt thế gian. Đó là không phân tách, không đoán xét những điều truyền khiến; hết sức đơn sơ, thành tín; nhận thật các điều Chúa truyền, các lệnh Bề trên, hết thảy đều có ích và khôn ngoan. Thật vậy, nếu ta dùng cách đó để khước từ mọi ý riêng của ta, chắc chắn ta sẽ được tràn đầy Tinh Thần của Chúa. Ta hãy xem các loài thụ tạo, chúng tuân theo hết sức trung thành các mệnh lệnh của Đấng Tạo Hóa, không lý luận chi hết, chỉ chú ý làm theo uy quyền của Chúa. Đó là bài học dạy ta thi hành mệnh lệnh cách đơn sơ, đừng bao giờ bất tuân chống lại Bề trên.

Đức tuân phục phải thứ tự

Đàng khác, đức tuân phục phải được sắp xếp thứ tự, kẻo vì đảo lộn trật tự mà việc tuân phục bị hư hỏng. Ta phải suy thế này, như lý trí của ta phải phục tùng Đấng Tạo Hóa, ý chí cũng phải phục tùng lý trí, và dục vọng giác quan phải phục tùng ý chí. Vậy khi dục vọng giác quan cưỡng lại ý chí, hoặc ý chí cưỡng lại lý trí, hoặc lý trí cưỡng lại Đấng Tạo Hóa, thì thứ tự phục tùng chính đáng trong tâm hồn ra tiêu tan. Bởi vậy, khi ta không tuân phục những người trên ta, thì theo án phạt công thẳng của Chúa những kẻ dưới ta cũng không tuân phục ta. Đó chính là hậu quả tai hại bởi tội tổ tông, do Adong không tuân lệnh Chúa mà mất trật tự trong mình, và các loài vật cũng bất tuân loài người.

Thứ tự đức tuân phục cũng phải được giữ tùy cấp bậc các vị Bề trên: Bề trên ở cấp bậc cao phải được kính trọng tuân phục hơn vị ở cấp dưới. Khi hai Bề trên truyền trái ngược nhau, vị ở cấp trên phải được tuân theo triệt để. Vì thế, Chúa là Bề trên Tối cao, các mệnh lệnh của loài người phải được loại bỏ nếu chúng nghịch với Thiên Chúa, như thánh Phêrô đã cương quyết tuyên bố: Phải tuân phục Thiên Chúa hơn loài người (Cv 5).

Thật thế, không bao giờ được nại lòng tuân phục để làm sự xấu; nhưng ngược lại, đôi khi vì đức tuân phục mà ta được bỏ làm việc lành. Như ta đã biết, đời sống chiêm niệm tự nó cao quý hơn đời sống hoạt động, nhưng trong nhiều trường hợp nếu bề dưới vì tuân lệnh Bề trên mà bỏ việc chiêm niệm để thi hành công việc hoạt động, lúc đó việc chiêm niệm bị bỏ sẽ được bù đắp công phúc bởi đức tuân phục.

Phải tuân phục cách vui vẻ

Lại nữa, đừng bao giờ thi hành mệnh lệnh với vẻ buồn rầu miễn cưỡng (2Cr 9). Tuân phục cách vui vẻ làm vui lòng Bề trên, làm cho sự khó nhọc của đức tuân phục trở nên nhẹ nhàng, và bảo đảm cho lương tri được bình an chắc chắn. Người tuân phục cách buồn rầu giống như Simon Kyrênê bị bó buộc phải vác thánh giá đỡ Chúa Giêsu (Mt 27), giống như cỗ xe không nhớt lọc cọc lăn bánh; người thi hành đức tuân phục cách ủ rũ tỏ ra thiếu ơn nhuần thấm của Chúa Thánh Thần. Người nào bên trong và bên ngoài không chống cưỡng gánh nặng chính là người bắt chước thánh Anrê vui mừng ôm lấy thập giá.

Nhưng có người chỉ thích làm những gì vừa ý riêng, dù những cái đó vất vả nặng nhọc; người khác thì ươn ái làm công việc, dù là những việc rất nhẹ nhàng. Cả hai thái độ đó là do ma quỷ xúi giục, khiến cho việc đáng lý nên phần thưởng trọng đại thì lại nên gánh nặng cho ta, và làm cho ta thích thú công việc nặng nhọc kém bổ ích cho phần rỗi.

Đức tuân phục phải quả quyết

Không những phải tuân phục làm những việc nhẹ, cả những việc hiểm hóc nặng nhọc cũng phải quả quyết làm. Những việc hợp sở thích thì thường dễ làm, nhưng ta hãy thi hành cả những việc không hợp sở thích, vì ta chỉ nên xét đến lệnh truyền mà thôi. Dù đôi khi ta thấy ngần ngại nhưng ý chí sẵn sàng, lúc đó đức tuân phục quý hơn vàng thành bích ngọc. Theo gương Chúa Giêsu, mặc dù trong Người xin thôi uống chén đắng, nhưng đồng thời vẫn sẵn sàng tuân theo ý Chúa Cha (Mt 26). Trong sự tuân phục, việc nào càng khó khăn nguy hiểm mà làm với ý chí sẵn sàng thì càng có công hơn.

Ta đã vào Dòng sống đời tu sĩ để chết cho thế gian, và như chôn mình khỏi vướng mắc vòng kiềm tỏa của nó. Vì thế, ta hãy dùng đức tuân phục để kiềm hãm ý riêng hầu được giống Đấng đã vì ta mà tuân phục đến đổ máu ra chết trên thập giá.

Đừng bao giờ dám ngạo mạn thưa lại Bề trên: Tôi không thể, tôi không biết. Vì như ta biết có nhiều người ngang sức như ta, có khi còn yếu hơn ta, nhưng chỉ vì tuân phục mà họ đã làm những việc vượt sức xét theo ước đoán của người đời. Chúa uy quyền ban sức cho thể xác khi ý chí nhiệt thành tuân theo lệnh truyền. Truyện tu hành có kể một vị thánh kia mình gầy sức yếu đã tuân lệnh Bề trên làm việc quá tưởng tượng, nhưng nhờ ơn Chúa phù giúp đã vần nổi khối đá to lớn.

Vì những lý do trên ta có thể kết luận: khôn ngoan tuân phục là đừng đắn đo, kẻo nhiều khi đâm ra lẩn quẩn rối trí, vì nhiều việc ta phải tuân theo mà nếu xét theo sự khôn ngoan thế gian thì vô lý. Vì thế trong sách Châm Ngôn (Cn 21) có câu: Chỉ có người tuân phục mới được nói đến chiến thắng; vì nếu tự nhiên ta thích làm những việc vừa ý mau mắn, thì ta cũng phải lấy tinh thần siêu nhiên ép mình làm những việc hiểm hóc trái ý.

Đức tuân phục phải bao quát

Không phải chỉ tuân phục đôi ba lần, đôi ba việc, nhưng phải tuân phục trong mọi việc cho đến trọn đời. Hạng người ươn hèn lẩm bẩm nghĩ thầm rằng: Người nào khó tính bất tuân, họ tránh được hết mọi gánh nặng và được an phận thoát mọi trọng trách; những người đó ở đâu cũng được cất nhắc, dung thứ; còn những người sẵn sàng tuân phục trong mọi việc, luôn luôn gánh chịu hết trọng trách này đến công vụ khác. Họ nói: Ai có thể giữ mãi được hết các lệnh truyền? Nhưng nếu ta suy xét kỹ, thật thấy đau lòng khi phải dung thứ cho hạng người đó. Ta phải vui mừng cho những người không được chước chuẩn. Vì hạng người phản loạn được dung thứ không phải vì họ có nhân đức, một vì hư nết; sở dĩ xử như thế là để khỏi rạn nứt, để khỏi gẫy gục như cây lau cây sậy mà thôi (Is 42). Cũng như Chúa đã làm thinh cho cha ông trong Cựu Ước được làm tờ ly dị vì lòng cứng cỏi của họ, Người đâu có cho phép làm như thế (Mt 19).

Còn những người tuân phục thi hành gánh nặng cách vui vẻ hãy phấn khởi, vì càng thêm gánh nặng càng thêm công phúc, và do đó càng thêm phần thưởng, những hình phạt bởi tội được giảm thiểu, và dịp cám dỗ tan biến dần.

Ta biết rằng, mọi người trên thế gian đều phải tuân phục phần nào; nhưng người tu sĩ bị buộc ngặt hơn vì đã có lời khấn. Người sống trong gia đình phải tuân phục gia trưởng trong sự xếp đặt công việc gia đình; người công dân một nước phải tuân phục vua quan trong việc cai trị; người giáo dân phải tuân phục cha xứ trong công việc giáo xứ, trong việc giữ giới răn Chúa và Hội Thánh và trong việc lĩnh các bí tích; người tu sĩ phải tuân phục Bề trên trong việc giữ kỷ luật Dòng. Và sau hết, mọi người phải tuân phục Thiên Chúa trong việc lành, tránh xa nết xấu và nghiêm giữ các điều răn.

Vì thế, anh chị em là những kẻ đã buộc mình tuân phục cách đặc biệt, anh chị em đừng trốn tránh việc gì, hãy noi gương vua thánh Đavít nói lên rằng: Tôi dấn bước theo mọi mệnh lệnh của Chúa (Tv 119,5). Anh chị em hãy nhớ điều này, ai lỗi một mệnh lệnh của Bề trên là làm hư hỏng tất cả mọi kỷ luật đã giữ trước (Gc 2).

Đức tuân phục phải kiên trì

Sau hết, anh chị em phải tuân phục cho đến trót đời. Vì anh chị em đã khấn giữ cho đến chết, nên anh chị em phải kiên trì giữ đức tuân phục mãi về sau. Mọi công việc được đáng thưởng không phải lúc khởi sự mà là lúc hoàn tất; người trung thành tuân phục cho tới cùng đời mới đáng được lãnh hào quang vinh phúc. Chỉ ai không dám bỏ điều mình đã khấn mới đáng được Chúa ban những sự Người đã hứa, vì như Chúa Giêsu đã phán: Ai bền vững tới cùng chắc chắn sẽ được cứu rỗi (Mt 10).

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com