[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 18. Những Lời Thiết Lập và Thánh Hiến

22-09-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3810 lượt xem

“Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn:
Vì này là Mình Thầy,
sẽ bị nộp vì các con.

Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống:
Vì này là chén Máu Thầy,
Máu giao ước mới và vĩnh cửu,
sẽ đổ ra cho các con
và nhiều người được tha tội.
Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Đối với một số người Công giáo, những lời này có lẽ quá quen thuộc. Một số người trong chúng ta đã nghe hàng trăm lần từ khi còn thơ bé, được lặp đi lặp lại trong mỗi Thánh lễ. Chúng ta có thể bị cám dỗ không quý trọng hoặc tầm thường hoá những lời đó.

Nhưng nếu chúng ta chưa bao giờ nghe những lời này trước đây thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta là Tông đồ Phêrô, Giacôbê, hoặc một trong các Tông đồ khác có mặt trong bữa Tiệc ly? Những lời này có ý nghĩa gì cho chúng ta?

Muốn hiểu đầy đủ ý nghĩa của những lời thánh thiêng này, thì thật là quan trọng khi lắng nghe chúng trong bối cảnh lễ Vượt qua. Qua trình thuật thiết lập, các Tin Mừng (Nhất lãm) cho chúng ta biết rằng bữa Tiệc ly diễn ra trong bối cảnh bữa ăn Vượt qua – một đại lễ hằng năm, nhằm cử hành đêm trọng yếu trong lịch sử Ítraen khi Thiên Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập (Mt 26,19; Mc 14,16; Lc 22,13). Trong lễ Vượt qua đầu tiên đó, Thiên Chúa chỉ thị cho dân sát tế một con chiên toàn vẹn, ăn thịt chiên, và bôi máu chiên lên khung cửa. Các gia đình tham dự nghi thức này sẽ được bỏ qua khi các con đầu lòng của người Ai Cập bị giết chết trong tai ương thứ mười. Năm này qua năm khác, những người Ítraen tiếp theo kể lại và tái diễn câu chuyện Vượt qua đầu tiên, và lại ăn thịt chiên hiến tế.

Điều có ý nghĩa nhất là, những người Ítraen cử hành lễ Vượt qua hằng năm (x. Xh 12,14) như một việc “tưởng nhớ” có tính chất phụng vụ (anamnesis trong tiếng Hy Lạp). Đối với người Do Thái xưa, việc này bao hàm nhiều ý nghĩa hơn là chỉ nhớ lại một sự kiện trong quá khứ. Việc tưởng niệm như lễ Vượt qua thì khác xa so với các lễ hội hiện đại, chẳng hạn ngày 4 tháng Bảy, người dân Hoa Kỳ chỉ nhớ đến việc lập quốc của họ. Trong “việc tưởng nhớ” theo Kinh Thánh, sự kiện quá khứ không chỉ được gợi lại mà thôi, nhưng còn được sống lại nữa. Sự kiện quá khứ được hiện tại hoá một cách mầu nhiệm cho những người đang cử hành đại lễ này. Điều này giải thích tại sao những người Do Thái trong thời Chúa Giêsu tin rằng khi cử hành đại lễ này, thì lễ Vượt qua đầu tiên đã được hiện tại hoá cho họ như một “kỷ niệm”. Thực vậy, trong các bài viết về lễ Vượt qua, các Rápbi sau này nói rằng, khi một người Do Thái cử hành lễ Vượt qua, đó như là chính người ấy đang đi ra khỏi Ai Cập cùng với các cha ông vĩ đại của mình trong thế hệ xuất hành.1

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo cũng có quan điểm tương tự như vậy:

Theo Kinh Thánh, Tưởng niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố đã qua, mà còn là loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho nhân trần. Khi cử hành phụng vụ, những biến cố này hiện diện sống động giữa cộng đoàn. Dân Ítraen hiểu cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập như sau: khi dân Chúa cử hành lễ Vượt qua, các biến cố thời xuất hành lại hiện diện sống động trong ký ức,để họ căn cứ vào đó mà điều chỉnh cuộc sống của mình.2

Theo cách này, biến cố Vượt qua đầu tiên được mở rộng trong thời gian để mỗi thế hệ mới đều có thể tham dự một cách thiêng liêng vào biến cố nền tảng này là được giải phóng khỏi ách nô lệ. Vì thế, đại lễ Vượt qua hằng năm củng cố tình liên đới qua mọi thế hệ. Mọi người dân Ítraen tham dự lễ Vượt qua. Tất cả được cứu khỏi ách nô lệ Ai Cập. Tất cả được hiệp nhất trong một gia đình giao ước của Thiên Chúa.

Phải chăng Thánh lễ là hy tế?

Nếu bạn là một trong các Tông đồ hiện diện tại bữa Tiệc ly, một điều có lẽ gây ấn tượng cho bạn đối với những lời Chúa Giêsu đó là, Người đã sử dụng ngôn ngữ hy tế quy chiếu về chính Người. Đầu tiên, chính lễ Vượt qua là một hy tế (Xh 12,27). Đối với Chúa Giêsu, nói về Mình và Máu trong bối cảnh lễ Vượt qua sẽ gợi lại con chiên Vượt qua, mà máu được trích ra từ thân thể con chiên này trong nghi lễ hiến tế. Thứ hai, khi Chúa Giêsu nói thân xác Người “sẽ bị nộp vì anh em”, thuật ngữ “bị nộp” được sử dụng trong Tin Mừng Luca (didomai trong tiếng Hy Lạp) có nhiều ý nghĩa, bởi vì thuật ngữ này được mượn ở một nơi khác trong Tân Ước gắn liền với hy tế (chẳng hạn, x. Lc 2,24; Mc 10,45; Ga 6,51; Gl 1,4). Thứ ba, khi nói về Máu Người “sẽ đổ ra cho muôn người được tha tội”, Chúa Giêsu ám chỉ các hy lễ đền tội trong Đền thờ, liên quan tới máu được đổ ra trên bàn thờ với mục đích mang lại ơn tha thứ (x. Lv 4,7.18.25.30.34).

Thứ bốn, và đây có lẽ là điều có ý nghĩa nhất, Chúa Giêsu nói về “máu giao ước mới và vĩnh cửu”. Những lời này vọng lại điều ông Môsê đã nói trong nghi lễ hiến tế tại núi Sinai, lúc ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với Ítraen như là dân tuyển chọn của Người (Xh 24,1- 17). Vào giữa nghi thức hiến tế này, ông Môsê rảy máu động vật lên dân và nói: “Đây là máu giao ước” (Xh 24,8). Bây giờ, trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu ám chỉ máu của Người như “máu giao ước mới và vĩnh cửu”. Đối với các Tông đồ đang hiện diện ở đó, những lời này không thể không gợi lại những lời ông Môsê đã nói về máu hy tế ở núi Sinai và hướng vào một số loại hiến tế mới cho một giao ước mới.

Với tất cả đề tài hy tế này – gồm nghi thức Vượt qua, một thân xác bị trao nộp, máu được đổ ra, và máu giao ước – rõ ràng ở đây Chúa Giêsu nghĩ tới một kiểu hy tế. Nhưng, thay vì nói về chiên Vượt qua được sát tế (điều người ta chờ đợi trong bối cảnh bữa ăn Vượt qua), Người nói về Mình và Máu của chính Người được hiến dâng và đổ ra trong hy tế này. Giờ đây Máu Người là máu hiến tế của giao ước. Thật là ngạc nhiên khi Chúa Giêsu đồng hoá chính Người với chiên hiến tế thường được tiến dâng trong lễ Vượt qua. Như thế, các hành động của Chúa Giêsu tại bữa Tiệc ly tiên báo cách mầu nhiệm hy tế của Người trên thập giá. Trong bữa ăn Vượt qua, cũng là bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu tự nguyện dâng Mình và Máu mình để muôn người được tha tội. Đối với Người, tất cả những việc còn lại là thực hiện hy tế này theo cách đổ máu trong ngày thứ Sáu Tuần thánh.3

Việc hiểu mối liên hệ này giữa bữa Tiệc ly và thập giá sẽ làm sáng tỏ lý do tại sao Thánh Thể mà chúng ta cử hành ngày nay lại tưởng nhớ hy tế của Chúa Kitô trên đồi Canvê. Bởi vì, Chúa Giêsu kết thúc trình thuật thiết lập bí tích Thánh Thể bằng cách nói rằng: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu truyền cho các Tông đồ làm “Việc này” là việc gì vậy? Đó là cử hành hy tế Vượt qua mới, tức là Mình và Máu Người. Và các Tông đồ đã thực hiện điều đó như thế nào? Các ngài đã thực hiện như việc tưởng nhớ theo Kinh Thánh. Hạn từ “tưởng nhớ” chúng ta dùng trong Thánh lễ được dịch từ một từ trong Kinh Thánh anamnesis, như đã thấy, có nhiều ý nghĩa hơn, chứ không là chỉ nhớ lại một sự kiện trong quá khứ. Việc tưởng nhớ trong phụng vụ đem quá khứ và hiện tại đến với nhau, làm cho sự kiện xa xôi trong quá khứ hiện diện một cách mầu nhiệm cho thế hệ hiện tại. Vì thế, khi truyền cho các Tông đồ “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”, Chúa Giêsu không nói với các ông thực hiện một bữa ăn hoàn toàn mang tính nghi thức để giúp người ta nhớ đến Người. Người chỉ thị cho các Tông đồ cử hành bữa Tiệc ly như một việc tưởng niệm mang tính phụng vụ. Tất cả những gì liên hệ đến bữa Tiệc ly – nhất là hy lễ hiến tế là Mình và Máu Chúa Kitô – phải được hiện tại hoá cho những người thờ phượng đang cử hành Thánh Thể.

Do đó, như tưởng niệm bữa tiệc của Chúa, Thánh Thể làm cho các biến cố tại Phòng Tiệc Ly và trên đồi Canvê hiện diện một cách bí tích cho chúng ta ngày nay. Như những người Do Thái năm này qua năm khác tham dự cuộc xuất hành qua việc tưởng niệm biến cố Vượt qua, người Kitô hữu chúng ta tham dự một cuộc xuất hành mới, là cái chết vinh thắng của Chúa Giêsu trên Thập giá mỗi lần chúng ta cử hành biến cố Vượt qua mới là Thánh Thể.

Theo nghĩa này, Thánh lễ phải được hiểu như một hy tế. Sách Giáo lý giải thích:

Sang thời Tân Ước, Tưởng niệm mang một ý nghĩa mới. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Giáo hội tưởng nhớ cuộc Vượt qua của Ðức Kitô; lúc đó, cuộc Vượt qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Ðức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn hiện diện.4

Và hy tế này được làm cho hiện diện vì mục đích sinh ơn cứu độ: để sức mạnh của hy tế đó có thể được áp dụng vào cuộc sống của chúng ta, tha thứ tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày và để chúng ta có thể hiệp nhất bản thân cách sâu xa hơn với Chúa Kitô trong hành động yêu thương hết mình của Người.5

Thực vậy, trong mọi Thánh lễ, chúng ta có một cơ hội độc đáo để dự phần, một cách bí tích, vào của lễ mật thiết, đầy yêu mến do chính Chúa Con dâng lên Chúa Cha, – một của lễ được mặc khải cách rõ ràng nhất nơi cái chết trên Thập giá. Trong Thánh lễ, chúng ta có thể kết hiệp mọi niềm vui và đau khổ của mình với của lễ của chính Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha, và khi làm như thế, chúng ta ngày càng dâng cuộc sống của chính mình lên Chúa Cha như một của lễ. Sách Giáo lý giải thích:

Trong thánh lễ, hy tế của Chúa Kitô trở thành hy tế của mọi chi thể trong Thân Thể Người. Ðời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Chúa Kitô và với lễ dâng toàn hiến của Người; nhờ đó tất cả có được một giá trị mới. Hy tế của Chúa Kitô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho muôn thế hệ Kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ dâng của Người.6

Cho nhiều người hay cho mọi người?

Chúng ta kết thúc với một vài ghi chú ngắn gọn về bản dịch Thánh lễ. Thứ nhất, bản dịch dùng từ “chén thánh” (chalice). Cách dịch này trung thành và trang trọng hơn khi dịch từ bộ lễ La Tinh, và cũng nhấn mạnh bản chất phụng vụ của chén này. Đây không phải là chiếc ly thông thường, nhưng là chén Thánh Thể (x. Lc 22,20; 1Cr 11,25tt) mà Chúa đã thánh hoá trong bữa Tiệc ly. Chén thánh thiêng nhất này, theo truyền thống, được gọi là “chén thánh”.

Thứ hai, bản dịch cũ nói đến máu Chúa Giêsu có giá trị cứu độ “cho mọi người”, nhưng bản dịch mới thay thế cụm từ “cho mọi người” bằng cụm từ “cho nhiều người”:

Vì này là chén Máu Thầy,
Máu giao ước mới và vĩnh cửu,
sẽ đổ ra cho các con
và nhiều người được tha tội.

Sự thay đổi cách dịch thuật này gần hơn với những lời Chúa Giêsu đã nói ở trình thuật thiết lập trong các Tin Mừng (Mt 26,28). Điều này cũng hài hoà hơn với bộ lễ La Tinh và với cách diễn tả đã được sử dụng qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, một số người nảy sinh lo lắng rằng cụm từ “cho nhiều người” giới hạn tầm phổ quát sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu. Người ta sợ cách diễn đạt mới này gây ra cảm tưởng rằng, Chúa Giêsu không chết trên thập giá cho mọi người – tức là Người dâng máu mình trên đồi Canvê không phải “cho mọi người” nhưng chỉ cho một nhóm người ưu tuyển (“cho nhiều người”).

Tuy nhiên, về căn bản, bản dịch mới chỉ ra thực tại này là, trong khi Chúa Giêsu chết cho mọi người, nhưng không phải mọi người chọn lựa chấp nhận hồng ân này. Mỗi cá nhân phải chọn lựa đón nhận hồng ân cứu độ và sống theo ân sủng, để có thể ở trong số “nhiều người”, được nói đến trong bản văn này.

Hơn nữa, nhiều học giả Kinh Thánh nhận xét rằng ngôn ngữ Chúa Giêsu sử dụng trong bữa Tiệc ly nói về máu Người được đổ ra “cho nhiều người” gợi lại “nhiều người” được đề cập ba lần trong Is 53,11-12.7 Trong lời tiên tri này, ngôn sứ Isaia tiên báo rằng một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ sai tôi tớ của Người, là người hiến thân làm “của lễ đền tội”, chịu chết và mang lấy tội của “nhiều người” và làm cho “nhiều người” nên công chính (Is 53,10-12). Trong bữa Tiệc ly, khi nói về máu của chính mình sẽ đổ ra “cho nhiều người”, rõ ràng Chúa Giêsu đang nối kết chính Người với Người Tôi Trung Đau Khổ trong sách ngôn sứ Isaia. Người Tôi Trung ấy là người đến để chết cho “nhiều người”. Tuy nhiên, điều này không nên được hiểu theo cách đối lập với sự kiện Chúa Giêsu đã chết “cho mọi người” (l Tm 2,6). Những lời tiên tri khác trong sách ngôn sứ Isaia về Người Tôi Trung của Đức Chúa cho thấy rõ rằng Người có một sứ vụ phổ quát, sứ vụ loan báo ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại (x. Is 42,1-10; 49,6; 52,10). Theo nghĩa nào đó, cách diễn tả “nhiều người” có thể được xem như tương phản giữa một người đã chết – Người Tôi Trung của Đức Chúa (Chúa Giêsu) – với nhiều người được hưởng ơn ích từ hy lễ đền tội của Người.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com