THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM HỒI TÂM MÙA VỌNG 2022
Giêrônimô Nguyễn Quốc Thịnh
Mùa Vọng đang dần khép lại. Trong tâm tình hy vọng đợi chờ ngày Lễ Kỷ Niệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người, Phụng vụ Giáo Hội dành Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng để nhắc nhở các tín hữu ngày Đại Lễ sắp đến. Trong tâm tình đó, sáng Chúa Nhật thứ III mùa Vọng, ngày 11 tháng 12 năm 2022, Thỉnh viện Đa Minh Việt Nam đã có buổi hồi tâm, dưới sự hướng dẫn và đồng hành của Thầy Phó tế Đa Minh Nguyễn Thanh Tú, O.P. và với sự hiện diện của đông đảo anh em Thỉnh sinh nội trú và ngoại trú. Dịp hồi tâm Mùa Vọng năm nay tập trung vào đề tài suy gẫm về Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa ở với nhân loại chúng ta.
NIỀM VUI SUM HỌP
Niềm vui thiêng liêng trong ngày hồi tâm Mùa Vọng của Thỉnh viện như được nhân gấp bội khi có sự hiện diện của nhiều anh em ngoại trú. Niềm vui được biểu lộ rõ trên nét mặt, nơi ánh mắt, trong nụ cười và từng cử chỉ bắt tay. Đan xen những lời thăm hỏi sức khỏe, tình hình học tập, anh em cũng chia sẻ với nhau về những thao thức của tuổi trẻ và ơn gọi. Buổi gặp gỡ đã trở nên cầu nối gắn kết tình huynh đệ và làm cho người người gắn kết với nhau trong cùng một chí hướng, là ơn gọi Giảng Thuyết. Có thể thấy rằng các anh em ngoại trú là những món quà Giáng Sinh sớm Chúa đã gửi đến Thỉnh viện năm nay.
LẮNG VÀ LẶNG CÙNG CHÚA
Sau những tiếng cười rộn rã và những cái bắt tay nồng hậu, anh em được mời gọi dùng ít phút tĩnh lặng và chuẩn bị tâm hồn cho buổi hồi tâm. Cha Giám Đốc Thỉnh viện gửi lời chào mọi người và giới thiệu Thầy Phó tế Đa Minh Nguyễn Thanh Tú, O.P. với toàn thể anh em. Buổi hồi tâm được bắt đầu bằng việc hát kinh Chúa Thánh Thần.
Mở đầu cho bài chia sẻ, Thầy Phó tế Đa Minh chào thăm tất cả anh em đang hiện diện trong Nguyện Đường bé nhỏ của Tu viện Thánh Vinh Sơn Liêm. Tiếp đến, Thầy mời gọi anh em cùng nhìn lại hành trình mùa Vọng mà mỗi người đã trải qua, để có thể nhận ra những thiếu sót và lỗi lầm vốn đang cản bước ta trên hành trình tìm kiếm Thánh ý Chúa, để chọn lựa cho mình cách sống phù hợp với đường lối của Thiên Chúa. Với những gợi ý trong phần mở đầu, Thầy Phó tế mời anh em cùng dừng lại và suy ngẫm về ba nội dung: 1) Thầy có thật là Đấng phải đến không? 2) Chúa đã đến, hiện diện và luôn có đó, Người là Đấng cứu độ trần gian. 3) Hãy an vui trong hy vọng.
Khởi đi từ những khắc khoải của thánh Gioan Tẩy Giả, vị sứ giả của Đấng Mesia mà Tin mừng Mát thêu đề cập đến trong chương 11, các câu 2 đến 11, thầy Phó tế khai triển thắc mắc của thánh Gioan khi ông muốn biết sự thật về Đấng Đức Giêsu. Người có phải là Đấng Mesia mà ông đã loan báo không? Chân dung Đấng ấy như thế nào?
Phần 1: Thầy có thật là Đấng phải đến không?
Thánh Gioan đã sai các môn đệ đến hỏi Đức Giê-su: “Thầy có thật là Đấng phải đến không? Hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?” Như bao người Do Thái khác, thánh Gioan cũng mong ngóng Đấng Thiên Sai. Thánh Gioan Tiền Hô đã loan báo một Đấng Cứu Thế uy nghiêm. Thế nhưng khi Chúa Giê-su đến, Người đã hành động khác hẳn: không oai phong, chẳng quyền lực, nhưng Chúa Giêsu tỏ hiện là Đấng Cứu Thế đầy lòng nhân từ: “Người không bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói.” Gioan Tiền Hô loan báo về sự trừng phạt. Nhưng Chúa Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ.
Từ đó phần chia sẻ, thầy Phó tế liên đới với cuộc sống của mỗi anh em Thỉnh sinh. Chính Gioan là Đấng giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Và lúc người rơi vào tình trạng khổ đau, cùng cực, thánh Gioan đã không chết trong thất vọng, nhưng chết trong hy vọng, cho sự thật, cho Chúa, cho Đấng mà ông tin. Chúng ta có bao giờ đặt vấn nạn về chân lý, về sự thật, về Thiên Chúa trong cuộc sống không? Nếu có, thì cách chúng ta vượt ra khỏi ngờ vực như thế nào?
Chân dung Đấng phải đến
Khi các môn đệ Gioan đến hỏi Chúa, Đức Giêsu không trả lời cách trực tiếp, nhưng chỉ ra cho họ thấy những dấu chỉ của thời Đấng Mesia. “Các anh cứ về thuật lại cho Gioan biết những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (c. 4-5) Đây là cách thức Đức Giêsu mặc khải cho các môn đệ của Gioan và cho chúng ta biết Ngài là ai. Như vậy, nhìn vào công việc của Chúa, người ta thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong trần gian. Đây là nẻo đường đức tin, khởi đi từ những điều thấy được, dẫn đến chỗ khám phá ra Đức Giê-su là ai. Thầy Phó tế cũng mời gọi anh em nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa nơi cộng đoàn, môi trường, công việc và việc học của mình.
Chúng ta tìm gì trong cuộc sống và vị trí nào dành cho Đấng phải đến?
Thực tế cho thấy khi lòng ta hướng về điều gì, ta sẽ dễ dàng nhận ra điều đó; và thậm chí ta còn đồng hóa những thứ khác với điều ta quan tâm. Thầy Phó tế lấy ví dụ: Bác sĩ thì nhìn đâu cũng thấy bệnh, doanh nhân nhìn đâu cũng thấy lợi nhuận, người đang yêu thì nhìn đâu cũng thấy người mình yêu. Bởi khi ấy, tâm hồn người ta hướng về đối tượng mình đang quan tâm, và đối tượng ấy đang hiện hữu trong tâm trí họ.
Giữa một xã hội phồn hoa, ồn ào bởi những chuyện xuôi ngược: người tìm danh vọng, kẻ tìm tình duyên, người lo đi kiếm chữ nghĩa, kẻ lo tìm nhà cửa cơ ngơi, … Còn chúng ta, những Ki-tô hữu, những người sống đời tu hay đang tìm hiểu đời tu, ta tìm gì trong cuộc sống?
Cánh cửa lớn mà con người có thể mở hoặc đóng, trước mặt Thiên Nhan chỉ là một, đó là cánh cửa của tự do. Cánh cửa này đặc biệt, chúng mở từ bên trong và cả bên ngoài cùng lúc bằng hai chiếc chìa khóa: một chiếc nằm trong tay con người, chiếc còn lại trong tay Chúa. Con người không mở được nếu không có sự giúp đỡ của Chúa, và Chúa không muốn mở cánh cửa ấy, nếu con người không cộng tác.
Hãy dành cho Chúa một chỗ xứng đáng trong tâm hồn mình, vui và cộng tác với chương trình kế hoạch Chúa dành cho.
Phần 2: Chúa đã đến, hiện diện và luôn có đó, Người là Đấng cứu độ trần gian.
Trong phần này, Thầy Phó tế đặt cho anh em những câu hỏi để tự bản thân mỗi người trả lời: Trong cuộc sống, ta dành vị trí nào cho Chúa? Chúa đã đến, tại sao con người vẫn còn loay hoay đi tìm Đấng nào khác? Có gì dâng cho Chúa trong mùa Giáng Sinh này không?
Phần 3: Hãy hy vọng trong bình an của Chúa
Hãy cứ hi vọng dù bạn đang trong tình trạng nào, cả cuộc đời ta là một mùa Vọng. Và chỉ khi Chúa hiện diện, ta mới hiểu được điều nào đúng đắn nhất. Bao lâu còn đợi trông, bấy lâu ta còn thấy thế gian có vẻ đúng đúng. Nhưng thực tế, trong chân lý Tin Mừng Chúa dạy, thế gian sẽ vui cười, còn anh em sẽ khóc lóc. Thầy Chí Thánh đã từng nói như thế. Chúng ta không bị giam cầm tù ngục như thánh Gioan xưa, nhưng đôi khi ta cũng đang như trong tình trạng ngục tù: của sự chết, của những câu hỏi còn bỏ ngỏ, của yếu đuối nơi bản thân, của tính ích kỷ hẹp hòi, của những cam go và bi kịch trong cuộc sống, … Hãy bước ra khỏi ngục tù của cái tôi ích kỷ, nhỏ nhen; buông bỏ hết những đam mê xấu xa, để sống trong tình trạng thong dong của người được giải thoát theo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Hãy vui lên và hãy vui lên. Chính thiên Chúa đến cứu chúng ta. Amen
CÙNG CHIA SẺ MỘT TẤM BÁNH
Sau giờ tĩnh tâm, mỗi anh em có những giây phút lắng đọng để nhìn xem ta đã dọn đường cho Đấng Cứu Thế ra sao, và chuẩn bị tâm hồn bước vào Thánh Lễ do Cha Giám đốc Thỉnh Viện chủ tế. Trong phần mở đầu thánh lễ, Cha mời gọi anh em hãy vui lên, vui lên đón chờ ngày Đại Lễ sắp đến.
Sau thánh lễ, quý Cha, quý thầy và toàn thể anh em Thỉnh sinh nội trú cũng như ngoại trú đã chung chia bữa cơm huynh đệ nhân niềm vui ngày chờ mong Đại Lễ Giáng Sinh sắp đến.
CHÚT LẮNG ĐỌNG
Thời gian lặng lẽ trôi qua và rồi cũng đến lúc anh em chia tay nhau. Những anh em ngoại trú sẽ quay về lại với nếp sống học hành. Mọi người không quên chúc gia đình của mỗi anh em một Mùa Giáng Sinh an lành và Một Năm Mới tràn đầy hồng ân của Chúa Xuân.
Ngày tĩnh tâm trôi qua rất nhanh, mong rằng mỗi anh em luôn giữ lại những gì tốt lành trong niềm vui đón chờ Lễ Chúa Giáng Sinh. Không những vậy, ta còn cần vui hơn nữa cho cuộc đời cho tương lai mai sau.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng con là những người trẻ đang chập chững bước đầu của đời tu. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con niềm vui, niềm hạnh phúc dấn thân theo Chúa.