__ Đức Quỳnh & Minh Thành__
“Hành trình của chúng tôi nơi mảnh đất Quảng Phú đã khép lại, nhưng có lẽ những kỉ niệm, những bài học chúng tôi có được sau những ngày tháng ngắn ngủi ấy mãi còn hữu ích.”
Hôm nay, cũng như mọi ngày trong hành trình sứ vụ hè, bầu trời Krông Nô bắt đầu le lói những tia nắng nhẹ, cảnh vật như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, ấy cũng là lúc Thánh lễ cùng giờ Kinh Sáng của giáo xứ khép lại. Sau khi tham dự các giờ cử hành Phụng vụ, chúng tôi cùng quây quần bên cha xứ để điểm tâm sáng, cùng hàn huyên những câu chuyện trong tình gia đình. Sau đó, chúng tôi có chút thời giờ để làm việc riêng trước khi bước vào công việc chính trong ngày. Vào buổi sáng ngày lễ kính thánh Bônaventura (15.7), giờ điểm tâm sáng kết thúc, chúng tôi giành chút thời gian để truy cập Website Thỉnh viện để được biết những thông tin mới về hành trình sứ vụ của anh em, vừa khi truy cập, anh em chúng tôi đọc được bài nhật kí sứ vụ hè “Đối mặt với sự quen thuộc” của anh Trọng, người mà chúng tôi vẫn quen gọi với cái tên thân thương “Anh Boy”. Xuyên suốt bài viết của mình, anh nói đến sự mới lạ trong những công việc tưởng chừng như quen thuộc dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Với những anh em khác, cách riêng với anh Thành và tôi, những nơi đang được anh em Đa Minh coi sóc mà chúng tôi được sai đến chỉ là những nơi mà chúng tôi chỉ biết đến trên “bản đồ”, và điều nhiều người nghĩ anh em chúng tôi phải trải qua và đối mặt, đó là sự mới mẻ. Nhưng thật lạ, những gì chúng tôi cảm nhận được thì hoàn toàn ngược lại. Anh em chúng tôi viết nên đôi dòng suy tư này để gợi nên sự thân quen tại một nơi xa lạ.
Thân quen trong cầu nguyện
Nơi mảnh đất Quảng Phú, chúng tôi hàng ngày vẫn tham dự các cử hành Phụng vụ như trong Thỉnh viện, đó là giờ Thánh Lễ, các giờ kinh Phụng vụ,v.v.. Những người “bạn cầu nguyện” của chúng tôi không phải là quý Cha, quý Thầy, quý anh em trong tu viện, mà là Cha xứ, quý Soeur, quý Thầy cùng cộng đoàn giáo xứ, trong số ấy có nhiều anh em đồng bào thiểu số. Tuy nhiên, điều này không làm chúng tôi cảm thấy bỡ ngỡ, mà trên hết chúng tôi cảm nhận được sự thân quen, bởi tất cả ý thức được rằng mình là anh em cùng một Cha trên trời, cùng là những kẻ lữ hành đang bước về Thiên quốc dưới ánh sáng Chân Lý. Mà cùng là anh em, cùng chung chí hướng cớ sao lại có thể xa lạ được? Hàng ngày, mỗi khi bước vào Thánh điện, lòng chúng tôi đều cảm nhận được lời Thánh vịnh:
Thú vị thay được tạ ơn Chúa,
được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao,
được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm,
và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya,
hòa điệu sắt cầm gieo trầm bổng,
nhè nhẹ vấn vương khúc tỳ bà.
(Tv 92,2-4)
Thân quen trong công việc
Từ khi bước vào gia đình Thỉnh viện, chúng tôi luôn ý thức việc học hành không chỉ đơn thuần là nâng cao sự hiểu biết cá nhân, mà hơn hết việc học hành “nhắm đến mục đích chính yếu là để chúng ta trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân” (SHC 77 §I). Công việc chính của chúng tôi trong hành trình sứ vụ đó là đồng hành cùng các em dân tộc H’Mông tại giáo điểm Thác Bốn. Giáo điểm này cách nhà xứ Quảng Phú khoảng chừng 20km. Mỗi ngày, chúng tôi “chuyển bánh” lúc 7 giờ rưỡi , ngoài việc chuẩn bị giáo trình để lên lớp, chúng tôi mang theo nước, thực phẩm để chuẩn bị phục vụ bữa trưa cho các em. Trên đường đi, băng qua những ngọn đồi nơi mảnh đất cao nguyên này, chúng tôi đều nhớ về những giờ lên lớp nơi Thỉnh viện. Không nhớ sao được vì suốt một năm qua, ngày nào cũng vậy, giờ này chính là lúc chúng tôi cùng nhau “cắp sách tới trường”.
Tuy nhiên, lúc này chúng tôi không còn là những học sinh, sinh viên trên giảng đường mà chúng tôi đang là những thỉnh sinh – những người theo đuổi ơn gọi dâng hiến, chình vì vậy như đã đề cập, việc “đến trường” của chúng tôi không đơn thuần như người ta thường theo đuổi nữa mà chúng tôi đến lớp để hướng đến một mục đích cao cả hơn đó là sự hữu ích cho các linh hồn. Một cách nào đó, nếu những giờ lên lớp tại mái nhà Thỉnh viện là những buổi chúng tôi trau dồi những kiến thức “lý thuyết”, thì những ngày tháng sứ vụ này là thời gian để chúng tôi “thực hành” những lý thuyết ấy. Việc học lý thuyết và thực hành những gì đã và đang được học, với chúng tôi, đó là sự thân quen.
Chúng tôi đến Thác Bốn vào độ 8 giờ với những tiếng “nho-giồng – xin chào” của các em nơi đây. Khi đến nơi, chúng tôi lập tức bước vào công việc. Buổi sáng, hai anh em chúng tôi, một anh em sẽ lên lớp để giúp các em các bài giáo lý, người còn lại xuống để “đạo diễn” các món ăn cho các em.
Ban chiều, sau khi nghỉ trưa, chúng tôi chia các em làm hai lớp. Một lớp gồm các em từ 10 tuổi trở xuống được học tiếng Việt, Toán dưới sự hướng dẫn của anh Thành. Còn tôi thì cùng các em tìm hiểu thêm về bài giáo lý đã học buổi sáng, và cùng quây quần để chia sẻ Lời Chúa.
Ngoài ra, chúng tôi cũng giành chút thời gian đi đến một số gia đình để hỏi thăm về cuộc sống của họ. Mặc dù một số người anh em đồng bào không đồng ngôn ngữ với chúng tôi (Thường mỗi lần đi thăm, chúng tôi phải nhờ một em thiếu nhi ở đó thông dịch) nhưng chúng tôi thấy có một sự thân thương, bởi chúng tôi tuy không hiểu tiếng của nhau nhưng ngôn ngữ của Đức Tin, ngôn ngữ của tình yêu đã làm cho chúng tôi gần nhau hơn, gần hơn cả những mối tương quan mà những người cùng ngôn ngữ của lời nói không có được.
Thân quen trong vui chơi
Vào mỗi giờ ra chơi của các tiết học, chúng tôi thường cùng các em Thác Bốn chơi những trò dân gian như bắn bi, nhảy dây. Chiều về, chúng tôi cùng với các em thiếu nhi Quảng Phú chơi đá banh. Trong những cuộc chơi này, đồng đội chúng tôi không phải là những anh em trong gia đình Thỉnh viện mà là các em thiếu nhi, nhưng chúng tôi có một điểm chung đó là tinh thần vui vẻ, nhiệt tình, đơn sơ… Điều này thì hẳn không khác chút nào với những gì chúng tôi đang có nơi gia đình Thỉnh viện
Thân quen trong bầu khí
Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói Tông thư dịp cử hành Năm Đời sống Thánh hiến: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui…”. Chẳng biết tự khi nào, chúng tôi cùng với quý thầy, quý sơ đang phục vụ tại giáo xứ quen nói với nhau: “Chúng ta là đại gia đình liên tu sĩ Quảng Phú”. Ngay từ khi mới “chân ướt chân ráo” đến nơi đây, ngoài tình cảm nồng ấm nơi đại gia đình giáo xứ, chúng tôi còn cảm nhận được một cách sâu sắc hơn nữa những điều ấy nơi quý Sơ dòng Trinh Vương và quý Thầy Dòng Antôn. Một ngày, chúng tôi có lẽ chỉ được gặp quý Sơ, quý Thầy một khoảng thời gian rất ngắn, thường là sau giờ lễ sáng và sau giờ lễ chiều, nhưng chúng tôi thấy đẹp làm sao nơi gia đình mà chúng tôi vẫn tự gọi với nhau là gia đình “liên tu sĩ” ấy. Chẳng hạnh phúc sao được khi thấy quý Thầy, quý Sơ – những người “đàn anh, đàn chị” cùng chung lý tưởng – chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, cùng với đó là cả những góp ý thật chân thành chỉ với mong muốn chúng tôi được trưởng thành hơn trong đời sống thiêng liêng, nhân bản… Quả thật, niềm vui ấy thúc bách chúng tôi khám phá ra niềm vui đích thực, là niềm vui được sống trong cung lòng Thiên Chúa. Đó là niềm vui được trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”
Thân quen trong thân quen
Tôi và anh Thành ngay khi được Cha giáo phân công đi sứ vụ với nhau, chúng tôi thầm vui, bởi lẽ chúng tôi cũng đã khá hiểu nhau sau một năm sống bên nhau dưới mái nhà Thỉnh viện. Và như vậy, chúng tôi tin rằng sẽ chẳng có gì khó khăn với chúng tôi trong hành trình sứ vụ lần này. Tuy nhiên, khi bước vào công việc thì không hẳn như vậy. Ngoài những lúc chúng tôi có thể dễ dàng thống nhất công việc với nhau, cũng không ít lần chúng tôi chẳng thể nào đi đến tiếng nói chung. Mỗi lần như vậy anh em chúng tôi đều cảm thấy vấn vương nỗi buồn. Tuy nhiên, sau mỗi giây phút như vậy, chúng tôi tự thấy rằng mỗi người cần phải biết hi sinh cho nhau nhiều hơn, biết sống vì người khác cách triệt để hơn. Vậy là sau mỗi lần bất đồng quan điểm như vậy chúng tôi lại càng trở nên thân quen hơn.
Và…
Ngày mà chúng tôi chia tay giáo xứ, cách riêng là các em thiếu nhi tại giáo điểm thác Bốn cũng đến. Chúng tôi rời xa các em sau buổi hội chợ do một nhóm từ thiện tổ chức. Ngày mà chúng tôi “làm lễ tổng kết” cũng là ngày mà lòng chúng tôi chan chứa niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì được thấy các em trưởng thành hơn, không phải do công sức của chúng tôi, bởi lẽ 20 ngày bên các em chúng tôi chẳng giúp được gì nhiều, lắm khi phải học nơi chính các em; nhưng do những hi sinh lớn lao của Cha xứ, quý Thầy, quý Sơ nay đã được đền đáp. Sự trưởng thành ấy đến từ những việc làm đơn giản chẳng hạn như bỏ rác đúng nơi quy định, gặp người lớn thì luôn nở nụ cười với hai tiếng “xin chào” cách lễ phép,… Rõ ràng những việc làm nhỏ bé ấy lại chan chứa một tình yêu vĩ đại mà quý Cha, quý Thầy, quý Sơ đã mang lại cho các em, như lời mẹ Têrêsa đã từng nói: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm được những việc nhỏ với tâm hồn vĩ đại”.
Thánh lễ Chúa nhật XVI Thường niên là thánh lễ cuối cùng chúng tôi cùng tham dự với cộng đoàn Quảng Phú. Do đó, đây cũng là giây phút chia tay. Đứng trước bất kỳ sự li biệt nào, ta cũng đều bịn rịn chẳng muốn rời. Bản thân tôi ước mong sao thời gian ở Quảng Phú, ở thác Bốn có thể kéo dài thêm, vì còn biết bao điều tôi chưa học được, còn biết bao người chúng tôi chưa đến chào thăm, và còn biết bao lời tình tự chưa gửi đến các em ở thác Bốn,… Nhưng rồi, “Maria đã chọn phần tốt nhất” – lời Sách Thánh đó như nhắc nhở tôi về việc phải lựa chọn điều gì tốt hơn và tốt nhất. Yêu mến nơi sứ vụ này là một điều tốt, hiến toàn sức mình cho con người nơi đây là một điều tốt,… Nhưng tôi vẫn còn một điều tốt khác, tốt hơn và tốt nhất: Tiếp tục hành trình đời tu của mình tại Thỉnh viện. Chúng tôi trở về Thỉnh viện với tâm trạng nhớ nhung nhưng tràn đầy hy vọng. Đời dâng hiến không chỉ vì sự nên thánh của bản thân, mà còn, trong tinh thần của Dòng, vì sự cứu rỗi các linh hồn.
Hành trình của chúng tôi nơi mảnh đất Quảng Phú đã khép lại, nhưng có lẽ những kỉ niệm, những bài học chúng tôi có được sau những ngày tháng ngắn ngủi ấy mãi còn hữu ích. Cảm ơn Cha Phanxicô Xaviê đã cho chúng tôi thấy được phần nào sự nhiệt huyết mà người tu sĩ cần phải có trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, cảm ơn quý Thầy, quý Sơ đã cho chúng tôi thấy thế nào là tình hiệp thông huynh đệ giữa những người đang đi trên bước đường tận hiến, cảm ơn những người giáo dân Quảng Phú đã cho chúng tôi được “nếm trải” những giây phút sống tình gia đình giáo xứ, và đặc biệt cảm ơn các em thiếu nhi giáo điểm thác Bốn đã cho chúng tôi thấy được sức sống của đức Tin nơi Giáo hội. Trên hết, xin tạ ơn Chúa, Người Thầy đã quy tụ chúng con để chúng con thêm cơ hội thực thi bài học “Yêu thương”, qua đó, chúng con thấy được ý nghĩa hiện hữu của mình trong cuộc đời này. Trong suốt hành trình sứ vụ, chúng tôi thật ngượng ngùng khi được các em gọi là “thầy”. Lẽ ra, chính các em mới là những người xứng đáng với danh xưng ấy. Sự phản chiếu ánh sáng Đức Tin nơi các em đã để lại cho chúng tôi những bài học mà chúng tôi cần phải học suốt cuộc đời.
Cánh đồng truyền giáo tại Quảng Phú còn rất bao la. Khi nghĩ về điều ấy, mỗi người trong chúng tôi cũng còn thật nhiều những băn khoăn khi trở về. Giá như mình có thể… Nhưng chính khi suy nghĩ ấy hiện lên trong chúng tôi lại là lúc chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi cần phải học hỏi, trau dồi nhiều hơn nữa để sứ vụ của chúng tôi trong tương lai thu lượm được nhiều hoa trái tốt đẹp. Có lẽ, những gì được “mục sở thị” nơi đây sẽ càng thôi thúc chúng tôi “lên đường” ngay từ những năm tháng còn trong mái nhà Thỉnh viện. Đó là cầu nguyện, học hành, và hết mình với công việc dù là nhỏ nhất và gắng sức xây dựng tình huynh đệ trong cộng đoàn.
Lạy Chúa, Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, xin hãy nhìn đến cánh đồng đầy lúa chín và đoái thương sai thợ gặt đến rao giảng phúc âm cho muôn loài, để dân Chúa được Lời hằng sống quy tụ và được thần lực các bí tích thúc đẩy, biết tiến bước trên đường cứu độ và bác ái. Amen.