[Sứ Vụ Hè] Đối Mặt Với Sự Quen Thuộc

04-07-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1568 lượt xem

__Quách Đình Quốc Trọng__
Đối mặt với sự quen thuộc là cởi mở đón nhận những điều mới mẻ. Thái độ ấy sẽ làm ta thấy ngạc nhiên. Chính tôi đã ngạc nhiên, khi nhận ra những gì tưởng như đã quá quen thuộc hóa ra vẫn còn lạ lẫm.

Vào dịp hè, mỗi anh em Thỉnh sinh đều được “sai đi” để đến và hiện diện tại một số điểm hoạt động của Dòng. Khi nói đến việc được sai đi, nhiều người sẽ hình dung ngay đến việc rời bỏ chỗ cũ để đến một chỗ mới. Nhưng đối với bốn anh em chúng tôi thì lại khác. Có anh em gọi sứ vụ hè của chúng tôi lần này là sứ vụ “tại gia”, tức tại Thỉnh viện. Do đó, người khác được sai đi để ra đi, còn chúng tôi lại được sai đi để ở lại. Cái khác không nằm ở việc ra đi hay ở lại mà là ở tâm thế chuẩn bị thi hành sứ vụ. Những anh em khác vì được sai đến một số giáo điểm tại Kontum và Buôn Mê Thuột, tức là những nơi mới mẻ, nên phải chuẩn bị nhiều thứ. Còn với chúng tôi thì việc chuẩn bị chẳng nhọc công lắm. Ngày 04/6/2019, anh em bắt đầu sứ vụ hè với tâm thế đón nhận những cái mới, còn tôi, tôi lại ung dung nằm tựa đầu trên những gì đã cũ, đã quá quen thuộc. Nghe ra có vẻ nhàn và nhàm…!

Năm nay, chỉ có mỗi mình tôi thi hành sứ vụ “tại gia” vào tháng Sáu. Ba anh em còn lại sẽ vào Thỉnh viện trong tháng Bảy. Công việc chính của tôi là giúp một số anh em ngoại trú vào ôn tập môn Việt văn và Anh văn, chuẩn bị cho Ngày Họp mặt Ơn gọi Đa Minh (được tổ chức vào ngày 23/6/2019). Mọi thứ dường như quá dễ dàng với tôi. Nơi tôi thi hành sứ vụ là Thỉnh viện. Quá quen thuộc! Việc tôi làm là dạy học. Lại còn quá quen thuộc! Tôi đã đi dạy hai năm trước khi gia nhập Thỉnh viện mà.

Một buổi sáng nọ trong khí trời tháng Sáu… Trời hôm đó cao và xanh. Đất hôm đó thấp hơn nhưng cũng xanh. Trời xanh màu biển. Đất lại xanh màu xi-măng. Ở giữa cái xanh trời và xanh đất ấy là cái xanh cây, xanh hồ. Giữa đám xanh cây ấy bỗng có gì động động. Gió không luồn tay vuốt mái tóc cây. Sóc cũng không tung tăng rồi cuộn tròn êm ái trong vòng tay của cây. Cái khoảng động động ấy mở ra, và một cánh chim xanh chao lượn giữa cây xanh, dưới trời xanh, trên đất xanh, và in bóng xuống hồ xanh. Đôi cánh lông vũ kia dừng lại trên một cành cây, ẩn mình vào sau những chiếc lá và bắt đầu cất tiếng hót. Dù đã sống ở đây gần một năm, nhưng chưa bao giờ tôi nhận ra được khung cảnh đó. Chưa từng có một buổi sáng nào tôi ngồi yên mà nhìn trời nhìn đất, nhìn cây nhìn hồ. Chưa từng có một buổi sáng nào tôi thinh lặng đủ để nghe tiếng chim hót. Hóa ra, cái nơi vốn quen thuộc này lại có cái còn quá xa lạ với tôi…

Nhà thơ Nguyên Sa rất tinh tế khi viết: “Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt”. Nhưng ông đã viết thiếu. Cái lãng mạn của trời mưa tháng Sáu mà tôi cảm nhận được tại Thỉnh viện phải được rải thêm vài từ thế này: “Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời mưa không dứt thì máng nước không thoát”. Thế là một buổi chiều nọ, tôi rủ một anh em ngoại trú đi hốt mái cùng. Chuyện hóa ra lại đơn giản! Đến mức, tôi chỉ việc ngồi giữ bao lá, hoặc cầm chổi khều khều cái máng. Người anh em kia cứ việc hốt lá thôi. Hóa ra, cái nơi vốn quen thuộc này lại có cái còn quá xa lạ với tôi.

Hôm khác, chú Phước bảo vệ vào gọi tôi ra hái mít. Tôi hăng hái và đầy tò mò phụ chú vác thang ra cổng, vì trước giờ tôi chưa từng làm việc này. Trái mít trên cao kia đang đủng đẳng thách tôi leo lên hái nó. Được thôi, tôi sẵn sàng nhận lời thách thức ấy. Chú Phước hỏi: “Trọng leo lên hái mít được không?” Tôi trả lời ngay: “Dạ được chú. Chú leo đi. Con giữ thang cho chú. Chú yên tâm!”. Thế là tôi đã đáp trả sự thách thức của trái mít kia bằng việc gửi người tôi tin tưởng nhất leo lên cây. Hóa ra, tư thế ung dung tựa đầu trên những gì đã cũ xem ra chẳng nhàn và nhàm như tôi tưởng nghĩ. Và tôi như bị sự quen thuộc ấy hất nước vào mặt. Nếu ngủ quên trong sự quen thuộc này, tôi sẽ làm hư mọi việc. Nguy hiểm hơn, thái độ xem thường những gì quen thuộc sẽ khiến tôi trở nên ù lì và vô dụng. Sự quen thuộc vẫn còn cái để dạy tôi, và tôi còn phải học nhiều. Như thế, khi được sai đi để ở lại với sự quen thuộc, tôi được đòi buộc phải liên tục vận động, và làm tất cả những việc vốn quen thuộc ấy với một tinh thần mới.

Đúng rồi! Một tinh thần mới khi làm những gì vốn đã quen thuộc! Việc dạy học như đã ăn vào máu. Và tôi thực hiện việc đó cũng rất dễ dàng. Để chuẩn bị cho những buổi lên lớp, tôi đã dành gần khoảng một tháng để soạn bài. Với việc này, sự quen thuộc không làm tôi ỷ lại. Từ ban đầu, tôi đã được dạy, một giáo viên khi lên lớp mà không soạn bài kỹ là đang phạm một tội ác. Nhưng khi các buổi học bắt đầu, tôi gặp phải một vấn đề mà trước giờ, tôi chưa từng nghĩ đến, và do đó, không có một sự chuẩn bị cần thiết nào. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu những anh em ngoại trú sắp dự thi vào Thỉnh viện chỉ là những học sinh phổ thông bình thường. Nhưng ở đây, tất cả họ là Kitô hữu, và hơn hết, họ đang theo đuổi việc sống đời dâng hiến. Do đó, bài thi Việt văn của họ phải vượt ngưỡng một bài luận luân lý thông thường. Khi bàn về một vấn đề luân lý xã hội, họ cần lý luận mọi thứ và tìm giải pháp cho mọi điều theo nhãn quan Kitô giáo. Mặt khác, họ phải cân bằng trong lối viết để tránh việc biến một bài luận luân lý thành một bản văn giải thích các đạo lý đức tin, hay xa hơn, sẽ thành một bài suy niệm Lời Chúa. Đó quả là một cái khó, khó thật sự. Kinh nghiệm hai năm đi dạy không thể giúp tôi giải quyết vấn đề này. Sau khi đã suy nghĩ kỹ và hỏi thăm nhiều người, cuối cùng thì tôi vẫn tìm ra cách, tuy phương cách này cần phải được thử nghiệm thêm nữa. Cách thức mới này đã buộc tôi phải loại bỏ những gì đã cũ (như việc phải viết đúng cấu trúc thông thường một học sinh phổ thông được học, hay cách dẫn suông các dẫn chứng cho luận điểm,…), để đón nhận những cái mới. Như thế, mọi việc vốn đã quen thuộc luôn ẩn chứa những trở ngại hoàn toàn mới, và nếu không có một tinh thần mới, một tinh thần cởi mở để thay đổi thì tôi sẽ chẳng vượt qua được những trở ngại đó.

Đối mặt với sự quen thuộc là cởi mở đón nhận những điều mới mẻ. Thái độ ấy sẽ làm ta thấy ngạc nhiên. Chính tôi đã ngạc nhiên, khi nhận ra những gì tưởng như đã quá quen thuộc hóa ra vẫn còn lạ lẫm. Ngay cả khi tôi không ung dung nằm tựa đầu trên những gì đã cũ, tôi vẫn ngạc nhiên. Điều đó đòi buộc tôi phải cởi mở đối mặt với sự quen thuộc và sống sự quen thuộc ấy với một tinh thần mới. Một cách nào đó, sự ngạc nhiên này đã giúp tôi “canh tân sự ngỡ ngàng ban đầu” khi mới gia nhập Thỉnh viện, như lời Đức Phanxicô nói trong bài giảng lễ Mẹ Thiên Chúa 2019. Ngài khẳng định: “Cuộc sống mà không có sự ngạc nhiên sẽ trở nên u ám và nhàm chán”. Thời gian một năm ở Thỉnh viện đủ để tôi thấy quen thuộc với mọi thứ, và giờ đây, Chúa dùng chính sự quen thuộc ấy để gây ngạc nhiên với tôi, tức là cùng với tôi làm mới lại những bước chân đầu tiên trong đời dâng hiến…

Lạy Chúa, Chúa đã làm con quá ngạc nhiên khi dẫn con vào Thỉnh viện… Và giờ đây, lại gây ngạc nhiên cho con theo một cách khác, đáng ngạc nhiên hơn… Tự thâm tâm, con biết, Chúa đang chờ con khám phá ra điều kinh ngạc cuối cùng. Xin tiếp tục ban cho con những ngạc nhiên, để đời con được thánh hóa và không bị mục nát, ủ dột.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com