[O Lumen] Xin Cho Chúng Con Được Hiệp Đoàn Với Các Phúc Nhân

02-04-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1859 lượt xem

ĐA MINH, VỊ THÁNH VƯỢT THỜI GIAN
Richard T. A.Murphy, O.P.

Lời giới thiệu của William R. Bonniwell
Chương 1. Ánh sáng Giáo hội
Chương 2. Thầy dạy Chân lý
Chương 3. Hồng thiêng nhẫn nại
Chương 4. Ngọc ngà khiết tịnh
Chương 5. Đấng ban phát dòng nước khôn ngoan
Chương 6. Nhà giảng thuyết ân sủng
Chương 7. Xin cho chúng con được hiệp đoàn với các phúc nhân

Danh tiếng, thường được sánh ví như một người phụ nữ, không thể dự đoán được. Không ai có thể hình dung rằng tiếng tăm rơi đúng vào chỗ của kẻ chết, nhưng điều ấy đã xảy ra, không phải chỉ một lần mà thường xuyên. Paris có thể tự hào về nghĩa trang Père Lachaise nổi tiếng, nơi đó, chàng Abelard bất hạnh và nàng Heloise xinh đẹp được an táng cạnh nhau. Nghĩa trang Cimitero di Staglieno ở Genova nằm trong một khu rừng có nhiều tượng đài uy nga và giàu sức tưởng tượng, là một điểm thu hút du lịch. Ở đây, người ta có thể nhìn thấy và ngạc nhiên trước những cảnh tượng hấp hối, thiên thần phán xét, rồi sự hồi sinh của kẻ chết, những bức tượng lớn như người thật, được đặt ở các ngôi mộ, và thậm chí có cả những con tàu sống động như đang lướt trên sóng nước. Ở Hoa Kỳ, cũng có những nghĩa trang lạ thường. Tại New Orleans, người chết được an táng phía trên mặt đất vì mực nước ngầm cao; trong khi ở New York có một nghĩa trang của người Dothái, vì thiếu không gian nên buộc phải chôn cất thi hài trong tư thế đứng. Dọc theo sườn dốc nhìn qua phía sông Mississippi, nhiều gò đất bí ẩn của thổ dân da đỏ có hình thù như con gấu, hoặc hình dạng những con chim đang bay, tất cả như đang lao xuống vùng hạ lưu, mở rộng nhiều dặm về phía Nam. Điều này đáng để chúng ta suy nghĩ.

Chúng ta đang muốn nói về cái chết và những gì xảy ra sau đó, vì thánh Đa Minh được chào kính như một vị thánh có thể giúp chúng ta lên thiên đàng.

Cái chết

Chết là một phần của đời sống con người. Ngay sau khi được sinh ra, người ta có thể nói: “Đứa trẻ này đang hấp hối. Nó sẽ không hồi phục.” Hoặc “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Hr 9,27). Lịch sử cho ta nhiều ví dụ điển hình (may thay là chúng không quá tang thương) về những nỗ lực của con người nhằm trốn tránh cái chết. Nhiều người ngày nay cảm thấy dễ chấp nhận hơn khi chúng ta nói rằng, bạn bè của họ đã qua đời, hoặc đang yên nghỉ, thay vì sử dụng hạn từ chết. Có lẽ vì chúng ta kinh hoàng bởi sự thinh lặng của ngôi mộ, bởi khía cạnh hoàn toàn cá nhân của cái chết. Chết dường như là kết thúc tất cả, và tách biệt khỏi những gì chúng ta gọi là cuộc sống và thời gian. Cuộc sống, nơi con người khởi hành là bí ẩn trong chính nó; sự chết mở ra một cách thức hiện hữu hoàn toàn mới. Mầu nhiệm sự chết thật lớn lao, và chúng ta không thể nào đương đầu nổi. Nó làm chúng ta bối rối, và thậm chí không muốn nói về nó.

Các dân tộc cổ đại vùng Cận Đông tin rằng thế giới bên kia là một sự tiếp nối cuộc sống hiện tại: vua sẽ tiếp tục là vua, và nô lệ vẫn là nô lệ. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chỉ ở Israel mới xuất hiện khái niệm mới hơn về những gì sẽ xảy đến sau cái chết. Lúc đầu, dân Israel nghĩ rằng sau khi chết, tất cả mọi người sẽ đến một nơi dưới lòng đất, gọi là âm phủ (Sheol). Dường như hạnh phúc không được liên kết với sự chết, vì người chết được đưa xuống mồ, sống một cuộc sống trong tăm tối; và dĩ nhiên đó không phải là nơi vang lên những lời cầu nguyện (Tv 28,1; 30,8). Cùng với điều này, người Dothái xa xưa tin chắc rằng Thiên Chúa đã thưởng công cho những người tốt lành ngay trong cuộc sống, bằng cách ban phát cho họ sự giàu có, tuổi thọ, đông con, vụ mùa bội thu, sức khỏe… Nhưng người Dothái quá thực tế đến nỗi không nhận thấy rằng cuộc sống này hiếm khi chuyển biến theo lối lý luận trên đây. Ngay cả người tốt cũng phải chịu đau khổ (như ông Gióp chẳng hạn) đang khi kẻ ác lại được hưởng sự sung sướng đời này. Tuy nhiên, cuối cùng, khi bức tranh cuộc đời được rõ nét thì người ta thấy rằng ở thế giới bên kia, người tốt lành sẽ được khen thưởng vì điều tốt họ đã làm trên trần gian, và họ được an ủi vì những khổ đau họ đã từng gánh chịu. Còn đối với kẻ ác, họ sẽ chịu cực hình ở đời sau (Kn 3,1-19). Thiên đàng chờ đợi người tốt, còn hỏa ngục thì dành cho kẻ gian ác.

Thiên đàng

Phải thú thực rằng, có nhiều người thấy khó mà gia tăng lòng say mê thiên đàng. Hầu như người ta chỉ nghĩ về thiên đàng qua việc đến nhà thờ ngày Chúa nhật, một điều đối với họ thật nhàm chán. Có ai muốn đi lễ mãi mãi không? Có ai hứng thú ngồi hát thánh ca mãi dẫu cho nhạc đệm được cất lên từ dàn nhạc thiên quốc? Sự sống đời đời với việc hát thánh ca hoặc cứ ngồi trên mây mãi thì quả là ảm đạm, và bất cứ ai thông minh sẽ thấy rằng điều này tẻ nhạt chừng nào.

Tất nhiên, thiên đàng không giống như thế. Tiếng hát vang dội trên thiên đàng từ môi miệng của các phúc nhân, là âm nhạc của niềm vui tuyệt đối. Nó được cất lên khi diện kiến dung nhan Thiên Chúa.

Nhưng, hạnh phúc vĩnh cửu liệu có thể đến từ một điều gì đó mà chúng ta nhìn thấy hay không? Như đã biết, cuộc sống mang lại cho chúng ta một vài gợi ý để giải đáp vấn nạn. Chúng ta sẽ hạnh phúc khi được tái ngộ với một người chúng ta thương mến, chẳng hạn như khi một người bạn thân bước vào căn phòng. Câu “hãy để tôi nhìn bạn” thường xuất hiện trên môi miệng chúng ta, như thể việc nhìn thấy một người bạn thân yêu là niềm vui lớn lao. Trên trần gian này, chúng ta khao khát kiếm tìm chân-thiện-mỹ và chúng ta cứ mãi không hài lòng với những gì mình đã tìm thấy. Suy niệm về sự thiện hảo của Thiên Chúa là không thể đủ.

Ông Chủ (Thiên Chúa) rất công bằng
Nụ cười của Ông thật ngọt ngào với những kẻ sa ngã,
Với những ai nhìn thấy Người mà không nhận biết,
Có thể không bao giờ được nghỉ ngơi trong an bình một lần nữa.

Tuy nhiên, trên thiên đàng, không ai còn phải bận tâm với cái vẻ đẹp mơ hồ, hữu hạn. Nơi Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối thiện hảo, mọi sự đều tốt đẹp, và Người quy tụ nơi mình mọi sự thiện hảo, vẻ đẹp, chân lý còn rời rạc, đã từng quyến rũ và làm chúng ta thất vọng suốt cuộc đời trần thế. Nhưng Người vượt xa sự mong đợi lớn nhất của chúng ta; nhìn thấy Người thực sự đem lại hạnh phúc tối cao và thuần khiết.

Nhiều thế kỷ trước, trong mạc khải chưa viên mãn của Cựu ước, có lời chép: “Không ai nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống.” Nhưng đây không phải là những lời cuối cùng của Thiên Chúa. Tân ước cho biết rằng sau khi chết, linh hồn người công chính, nhờ ánh sáng vinh quang, có thể được chiêm ngắm Thiên Chúa. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12), và “sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,5).

Thị giác là một trong những giác quan thiêng liêng nhất của chúng ta. Thị giác không minh nhiên cho thấy hạnh phúc và việc chiêm ngắm gắn kết với nhau thế nào. Tuy nhiên, hầu như tất cả mọi người, lúc này lúc khác, đã kinh nghiệm về sự phấn khích, vui mừng khi nghe một bài giảng thú vị, hoặc tham dự một cuộc thảo luận sôi nổi. Trong những cuộc gặp gỡ như thế, thời gian trôi qua rất nhanh. Xét về mặt trí tuệ, người ta sẽ tham gia tích cực và hoạt động trí óc sẽ bị đòi hỏi rất cao. Con người sẽ quên cả thời gian, khi tâm trí say sưa làm việc hết khả năng. Và những lúc như thế, con người mới là chính mình cách trọn vẹn. Rồi khi thực sự là mình, người ta sẽ đạt đến mức nhân bản nhất, tức là biết suy nghĩ, lý luận, biết suy niệm và yêu mến chân lý.

Trên thiên đàng, những kinh nghiệm đầy thú vị như thế sẽ được nhân lên gấp bội. Thiên đàng không phải là một kỳ nghỉ vô hạn, trong đó, không có gì để làm cả; thiên đàng là nơi hoạt động mạnh mẽ của cả lý trí và ý chí. Nếu trên trái đất, chúng ta đạt được niềm vui từ những mảnh vụn tri thức, thì trong phúc kiến​​ thiên đàng, những mảnh tri thức ấy sẽ chẳng là gì so với việc chúng ta trông thấy Đấng là tác giả của mọi sự, là Chúa tể trời đất sao?

“Chiêm ngắm Thiên Chúa” là một thuật ngữ tuyệt vời và đầy ý nghĩa. Các phúc nhân sẽ được chiêm ngắm Thiên Chúa đời đời, mà không bao giờ có thể thốt lên rằng chúng tôi đã “thấu hiểu tất cả”. Thiên đàng là một chuyến du hành bất tận, liên lỉ, ly kỳ trong hành trình khám phá sự thâm sâu khôn dò của Thiên Chúa. Khi diện kiến Thiên Chúa, các phúc nhân sẽ nhìn thấy mọi thứ mà họ đã không thấy khi còn sống. Sự hiểu biết trên thiên đàng không nhỏ bé như trong một vài khu phố nơi đó tạo nên tình láng giềng, cũng không giới hạn trong một vài con đường ở thị trấn hay thành phố, và cũng không chỉ là một vài năm tháng cuộc đời. Nơi Thiên Chúa, mọi vẻ hoàn hảo của thụ tạo đang chờ đợi các phúc nhân đến hưởng thụ. Những kỳ quan của vũ trụ, những bí ẩn của không gian, những điều kỳ bí ẩn giấu trong lòng đất và đại dương, tất cả như đang hiện lên trong một trang sách.

Theo lẽ thường, chúng ta thường hướng về họ hàng, bạn bè, và những người thân thuộc. Họ thì sao? Câu trả lời luôn là thế này: Trong Thiên Chúa, các phúc nhân nhìn thấy và nhận biết tất cả những gì mà người thân đang cần để có thể đạt được hạnh phúc. Khi phúc kiến Thiên Chúa, mỗi người có thể đọc được toàn bộ suy nghĩ, hy vọng và nỗ lực của cha mẹ, của bạn bè, của những người thân yêu vẫn còn sống trên trần thế, của các linh hồn trong luyện ngục, thậm chí của các thiên thần và các phúc nhân khác. Nói cách khác, điều này có nghĩa là, trên thiên đàng, chúng ta sẽ biết về những điều của riêng chúng ta. Như chưa từng xảy ra trước đây, người chồng sẽ biết rõ vợ mình, cha mẹ biết rõ con cái, bạn bè biết rõ nhau. Cảnh đoàn tụ này trong Chúa sẽ không bị hoen ố bởi những tiếng nức nở, những giọt nước mắt, những lời cam kết yêu thương; nhưng tất cả sẽ cùng nhau chia sẻ Thiên Chúa và vui mừng phấn khởi chia sẻ phúc kiến với những người thân yêu của họ.

Chúng ta khẩn cầu thánh Đa Minh “xin cho chúng con được hiệp đoàn với các phúc nhân”. Lời khẩn cầu mạnh mẽ này phải được hiểu cho đúng đắn; vấn đề này rất quan trọng, nên chúng ta hãy cùng nhau nói đôi lời về mầu nhiệm các thánh thông công.

Các thánh thông công

Tín điều Các thánh thông công được nêu rõ trong kinh Tin kính các Tông đồ. Tín điều diễn tả có một tình liên đới tồn tại giữa những người yêu mến Thiên Chúa. Tình liên đới ấy ám chỉ cả kẻ sống lẫn kẻ chết, cả con người lẫn thiên thần, tất cả đều quan tâm đến nhau và chuyển cầu cho nhau trong lời cầu nguyện cũng như trong việc làm.

Tất nhiên, bây giờ, chúng ta không nên tưởng tượng rằng giáo lý này hàm ý sự cạnh tranh giữa các thánh và Thiên Chúa, như thể đôi khi các vị có thể làm điều gì đó mà Thiên Chúa không thể. Cầu nguyện với các thánh không có nghĩa là Thiên Chúa đôi khi phải lui về phía sau, hoặc các thánh biết điều gì đó về con người trên trái đất trong khi Thiên Chúa thì không. Thay vào đó, chính Thiên Chúa cho phép các thánh trên trời biết lời cầu nguyện của những người đang hướng đến các vị. Tại sao Thiên Chúa làm như vậy? Bởi lúc còn tại thế, các thánh đã nỗ lực tận hiến cho Nước Thiên Chúa và cho con người, nên sau khi ly trần, các ngài được quyền cầu thay nguyện giúp cho kẻ khác. Ở trên trời, các ngài không còn mong ước chiếm đoạt bất cứ điều gì (giũ bỏ tất cả khi bước vào cuộc sống vĩnh cửu) và hơn nữa, các ngài đang sở hữu phần thưởng của mình. Các ngài vẫn có thể cầu xin Thiên Chúa, từ lòng bao dung độ lượng của Người, ban phát những gì mà các ngài cũng như những kẻ khấn xin các ngài dưới thế, không đáng được hưởng. Có vô lý không khi chúng ta giả định rằng Thiên Chúa không sẵn sàng lắng nghe những lời cầu bầu của chư thánh thay cho chúng ta? Dường như trong thực tế, Người thiên vị một vài vị thánh nào đó. Dù sao đi nữa, người ta thường đến cầu nguyện với thánh Anna xin lấy được chồng, đến với thánh Antôn xin tìm lại được những gì thất lạc… Lối giải thích cho điều này có lẽ nằm trong ý định của Thiên Chúa để hướng con người chạy đến với vị thánh này hay vị thánh khác.

Đấng cầu bầu trên Thiên đàng

Với tinh thần sám hối và nếp sống tông đồ, thánh Đa Minh đã dành được phần thưởng là được Chúa lắng nghe trên thiên đàng, để cầu bầu cho con cái cũng như những chạy đến với ngài. Những điều ấy được thể hiện rõ nét và tuyệt đẹp trong lời kinh O Spem Miram, được xem là bản điệp ca thứ hai do cha Constantine de Medici soạn thảo để tôn vinh cha thánh. Điệp ca này đáng cho chúng ta suy gẫm:

Ôi niềm hy vọng lạ lùng cha đã hứa ban cho anh em đang khóc thương cha trong lúc ly trần. Vì lúc bấy giờ, cha hứa rằng sau khi qua đời, cha sẽ còn bênh đỡ anh em. Cha ơi cha, xin hãy nhớ, lời đã hứa mà cầu bầu bênh đỡ chúng con. Vô vàn phép lạ, làm cho danh cha sáng ngời, xin cha một lời cầu cho chúng con, được ơn Chúa ban hồn tươi thắm luôn.

Tầm quan trọng của việc sống với cái nhìn hướng về đời sau thì quá rõ ràng và chúng ta không cần lặp lại. Thánh Phaolô Tông đồ cũng nhắc nhở bạn hữu về điều này khi viết rằng “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20). Điều mà thánh nhân ngụ ý diễn tả có thể giải thích một cách dễ dàng. Vào thời nước Anh chiếm thuộc địa, công chức sống xa quê hương ăn mặc lịch thiệp để dùng bữa tối, và trong khi ăn, họ giữ mọi truyền thống và tập tục như ở quê nhà. Điều này nhắc nhớ rằng, họ không phải là những người thiếu văn minh hay kém văn hóa như cư dân sống trong các quốc gia kém phát triển ở châu Phi và Ấn Độ; họ đích thực là những công dân của một quốc gia vĩ đại. Việc tuân giữ tập tục giữ cho họ khỏi bị đồng hóa với cư dân bản địa hay đánh mất vị thế của mình.

Những người được gọi công dân nước trời là tất cả những ai đã chịu Phép Rửa và lãnh nhận các bí tích. Do đó, họ phải giữ vững đích điểm và mục tiêu đang hướng tới. Nếu quá bám víu vào cuộc đời trần thế, rất có thể họ sẽ quên đi tư cách cao đẹp nơi bản thân mình.

Cầu nguyện với thánh Đa Minh giúp chúng ta luôn ý thức rằng, chúng ta, những kẻ lưu đày, phải gánh chịu tội lỗi của mình, và chúng ta cần đến sự trợ giúp của thánh nhân để bước đi trong cuộc lữ hành trần gian, cũng như để thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa. Nhờ lời chuyển cầu đầy quyền thế của cha thánh, đoàn con cái đang từng bước theo dấu chân của cha hôm nay hy vọng có thể đạt tới phúc kiến vinh quang, là sự sống đời đời trên thiên quốc. “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1Cr 2,9).[1]


[1] Xin tham khảo thêm những di ngôn và những lời sâu sắc của thánh Đa Minh qua tác phẩm Thánh Đa Minh, Cuộc đời và sự nghiệp, M.H Vicaire, OP (New York: McGraw-Hill, 1964), và Lịch sử dòng Đa Minh, William A. Hinnebusch, OP (Staten Island: Alba House, 1966).

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com