ĐA MINH, VỊ THÁNH VƯỢT THỜI GIAN
Richard T. A.Murphy, O.P.
Lời giới thiệu của William R. Bonniwell
Chương 1. Ánh sáng Giáo hội
Chương 2. Thầy dạy Chân lý
Chương 3. Hồng thiêng nhẫn nại
Chương 4. Ngọc ngà khiết tịnh
Chương 5. Đấng ban phát dòng nước khôn ngoan
Chương 6. Nhà giảng thuyết ân sủng
Chương 7. Xin cho chúng con được hiệp đoàn với các phúc nhân
Dường như thời đại chúng ta không phải là thời của những nhà giảng thuyết vĩ đại, hoặc cũng không có những bài diễn thuyết nổi trội, đáng chú ý. Trong Giáo hội ngày nay, quá ít người được như thánh Gioan Kim Khẩu, cha Lacordaire, cha Thomas Nicholas Burke hay cha Charles McKennas, và cũng không có nhiều người như tổng giám mục Fulton Sheen. Tuy nhiên, đôi tai chúng ta không khi nào trống trải. Hai ngành nghề mà cách đây vài thập niên chúng ta không thể tưởng tượng được, hiện đang thu hút rất nhiều khối óc, trí tưởng tượng, kỹ năng, là thuật hùng biện và thuật thuyết phục. Hằng ngày, trên các phương tiện truyền thông, chúng đang rót vào mắt và tai của khán thính giả: “Hãy mua thứ này, hãy mua cái kia.” Thế giới hiện đại thực sự có những nhà hùng biện tuyệt vời, nhưng hầu hết họ chỉ thiên về quảng cáo và thương mại.
Phải chăng Chúa có quá ít điều để nói về Người, đến nỗi Người không có những nhà hùng biện tài ba để biện hộ cho Người trước thế giới hiện đại? Hãy xoá bỏ ý nghĩ đó đi. Thiên Chúa luôn có những sứ giả. Nhưng chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng một khi Thiên Chúa đã muốn sử dụng khí cụ nào, Người sẽ có cách làm cho nó trở nên tốt, thậm chí còn tốt hơn trước. Người ta đặt nghi vấn, giả như các nhà giảng thuyết vĩ đại thời xưa giảng cho thính giả ngày nay, thì liệu họ còn được quan tâm và tôn trọng như thời của họ không. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bị bó buộc bởi công trình sáng tạo của Người là thời gian. Khi thời điểm thích hợp đến, Người cho xuất hiện một nhà giảng thuyết chân chính. Vào thế kỷ XIII, tên của vị giảng thuyết ấy là Đa Minh và chúng ta vẫn chào kính ngài với danh hiệu Nhà giảng thuyết ân sủng.
Nhà giảng thuyết
Thánh Đa Minh là người du hành và là nhà giảng thuyết không mệt mỏi. Lòng nhiệt tâm cao cả muốn cho mọi người biết Chúa, đã thôi thúc ngài ra đi rao giảng cho cả những người xa lạ. Chẳng hạn, lần nọ, khi gặp một nhóm hành hương người Đức, ngài đã không ngần ngại tiến để nói với họ về Chúa. Thiên Chúa đã không phụ lòng phát ngôn viên của Người, và cha Đa Minh được phú ban ơn ngôn ngữ để họ có thể hiểu những gì cha đang nói
Vào thời thánh Đa Minh, việc giảng thuyết được gọi là “Thánh thuyết” hay “Rao giảng về Đức Giêsu Kitô”. Giảng thuyết không chỉ là công cụ bảo vệ đức tin, nhưng còn là phương thế mà cha đã chọn làm nét đặc trưng cho Dòng của mình. Anh em Đa Minh phải nên giống như đấng sáng lập, nghĩa là trở nên con người của Tin mừng, lòng trí luôn hướng về Tin mừng, được trang bị để ra đi gieo rắc tin vui cho mọi người.
Hạn từ Tin mừng có nghĩa là “tin tốt” hoặc “tin vui”. Với hầu hết chúng ta, tin tốt lành là tăng lương, có xe mới, một máy giặt mới, hoặc được giảm thuế. Quả là tin tốt lành, chúng ta vừa phóng thành công một con tàu vũ trụ khác! Tin vui, tôi có vé xem trận bóng đá và xem kịch đây! Tin vui, mẹ tôi sắp đến thăm! Tuyệt vời, tôi đã được thăng chức!
Nhưng chắc hẳn đây không phải là tin tốt lành thật sự. Tin mừng không phải là điều gì xưa cũ, nhưng luôn tươi tắn, mới mẻ và thú vị. Tin mừng về việc Thiên Chúa xuống thế làm người nơi Đức Giêsu Kitô thì không bao giờ xưa cũ hay chỉ đáng lưu tâm nhất thời mà thôi. Biến cố Nhập Thể thì thật kỳ diệu, một biến cố chưa từng có, và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Câu chuyện về sự chuẩn bị ấy đi ngược về thời Cựu ước, mãi đến tận câu chuyện về nguyên tổ tổ Ađam, Evà. Mặc dù con người luôn tỏ ra là kẻ chống lại Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, một loài thụ tạo hay thay đổi. Chính Thiên Chúa, Đấng đã khởi xướng giao ước với một dân mà Người đã lựa chọn để trở thành dân riêng, và giao ước ấy, được lập trên núi Sinai. Nhưng giao ước ấy chỉ là để chuẩn bị cho giao ước đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người, được thiết lập qua biến cố Nhập Thể.
Chủ đề chính mà các nhà hùng biện tài ba qua mọi thời rao giảng luôn là Tin mừng cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Với tư cách nào mà con người xứng đáng công bố những điều như thế? Câu trả lời nằm trong Tân ước.
Thánh Phaolô viết: “Tôi đã được Chúa chọn” để “trở thành một sứ giả của Đức Giêsu Kitô.” Vì thế, một nhà giảng thuyết, dù tên là gì, thì vẫn luôn là người loan báo sứ điệp cứu độ nhờ Đức Kitô. Cha Đa Minh, một tông đồ theo khuôn mẫu thánh Phaolô vĩ đại, là người được sai đi, một con người của Tin mừng, mang đến cho người tội lỗi sứ điệp Tin mừng. Thánh Phaolô nói về bản thân mình là tôi tớ của Đức Kitô. Hạn từ này gợi nhớ Người Tôi Trung của Thiên Chúa[1], được mô tả như mũi tên nhọn (Is 49,2). Mũi tên nhọn là một trong những vật dụng mà cung thủ phải hết sức cẩn thận, sao cho mũi tên hướng đến nơi nó được nhắm tới. Áp dụng điều này cho nhà giảng thuyết: Thiên Chúa sẽ gửi những nhà giảng thuyết của Người như một cung thủ điều khiển các mũi tên nhắm thẳng tới mục tiêu. Nhà giảng thuyết cũng được gọi là người phục vụ (deacon), hay trợ tá của Thiên Chúa. Tất nhiên, Thiên Chúa không cần bất kỳ ai trợ giúp, nhưng đây chính là cách thức Thiên Chúa ban cho những ai mà Người đã phú cho một số khả năng nhất định, cơ hội để sử dụng chúng. Thiên Chúa thật nhân lành khi không tự mình thực hiện mọi chuyện, nhưng đã chia sẻ công việc với con người! Nhà giảng thuyết đôi khi được mô tả là một thuộc hạ (underling), hoặc người phục vụ (minister), một thuật ngữ mô tả người nô lệ giữ mái chèo trong một tàu chiến. Công việc của các nô lệ này không phải là điều khiển con tàu –tài công (thuyền trưởng) mới là người thực hiện việc đó– nhưng là làm cho con tàu di chuyển. Vậy thì, các nhà giảng thuyết phải trở nên như tiếng hô, thậm chí đôi khi họ thấy mình phải hô to một sứ điệp giữa nơi hoang vắng. Thiên Chúa đã chỉ định nhà giảng thuyết ở đó. Một cách mô tả khác nữa về nhà giảng thuyết hay con người Tin mừng là người quản lý. Người được giao phó giữ gìn và loan truyền các mầu nhiệm Tin mừng là người mang trên vai trọng trách nặng nề. Quản gia phải phân chia hàng hóa của chủ theo nhu cầu, nhưng đồng thời phải chuẩn bị để bảo vệ những gì mình đã cam kết chăm lo. Có một thuật ngữ bao trùm lên mọi danh xưng ấy và được xem là chìa khóa để hiểu về nghịch lý nơi nhà giảng thuyết, một người loan báo những điều thuộc về Thiên Chúa, đó là tước hiệu cao cả: cộng sự của Thiên Chúa. Mỗi nhà giảng thuyết đều làm việc với Thiên Chúa và cho Thiên Chúa.
Ân sủng
Một lần nọ, khi các Tông đồ quy tụ quanh Chúa Giêsu, ông Philipphê thưa: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8). Chúa Giêsu kiên nhẫn trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Thực vậy, Chúa Giêsu là hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa vô hình. Theo cách hiện đại, chúng ta có thể nói rằng Đức Kitô là một Bí tích và là dấu chỉ cho cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Người là dấu chỉ thánh thiêng và khả giác về tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Người là Lời Thiên Chúa.
Thánh Đa Minh không phải là một nhà văn và chúng ta cũng không có bất kỳ tác phẩm nào của cha, ngoại trừ một hay hai lá thư. Tuy nhiên, những người cùng thời đồng thuận rằng, cha đã không ngừng rao giảng về Thiên Chúa và kết hiệp mật thiết với Người. Không cần phải suy tưởng nhiều để kết luận rằng, lời rao giảng của cha luôn hướng về Chúa Kitô và Mẹ Maria. Làm sao cha lại không bị đánh động bởi lòng lân tuất vô biên của Thiên Chúa, Đấng mà “trong khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Kitô đã chết cho chúng ta” (Rm 5,8)! Thánh Gioan nói rất rõ, “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Ngoài ra, còn có những câu khác trong Tin mừng, như “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Người Con đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6) và “… sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Nhiệt tâm tông đồ của cha Đa Minh được tuôn trào với Tin mừng như thế, với sứ điệp tuyệt vời về ơn cứu độ, về sự sống vĩnh hằng vốn được bắt đầu khi thông dự vào sự sống của Thiên Chúa ngay ở trần gian. Quả thật cha xứng đáng với danh hiệu Nhà giảng thuyết ân sủng.
Một số người tranh luận về mối liên hệ giữa cha Đa Minh với kinh Mân côi, nhưng không ai bàn cãi về lòng tôn kính của cha đối với Đức Kitô và cuộc khổ nạn của Người. Họa sĩ Fra Angelico đã mô tả ba vị thánh vĩ đại dòng Đa Minh là cha Đa Minh, thánh Tôma Aquinô và thánh nữ Catarina dưới chân thánh giá. Thật thú vị và đầy tính giáo dục khi chiêm ngắm các vị đại thánh, là người cha và hai người con ưu tú, đang chiêm ngắm đỉnh điểm cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu. Quả vậy, gọi là cao điểm vì là giờ Chúa Kitô cứu chuộc nhân loại. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, Chúa Cha đã biểu lộ sự chấp nhận, hy lễ hoàn hảo ấy, qua việc làm cho Người Con trỗi dậy từ cõi chết. Như thánh Phaolô nhận định: “Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25).
Toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu là một minh họa rõ nét về sự đáp trả hoàn hảo của con người đối với Thiên Chúa. Đức Kitô, Đấng mà giờ đây chúng ta không còn nhìn thấy, đang ngự bên hữu Thiên Chúa trong vinh quang. Khi trở lại vào ngày phán xét, Người sẽ mở ra thời kỳ cuối cùng của vũ trụ. Trong khi đó, chúng ta tiếp tục làm cho lịch sử sống động và liên hệ đến thời đại của mình, không chỉ nhờ ký ức và niềm tin, nhưng còn nhờ các bí tích. Một cách khác, con người gặp gỡ Thiên Chúa trong các bí tích, là nơi mà Thiên Chúa tỏ bày cử chỉ yêu thương, nhân từ dành cho những ai sống trong các thế kỷ sau biến cố cứu độ.
Chúng ta đã ghi nhận từ lúc đầu về sự khan hiếm các nhà giảng thuyết lỗi lạc trong thời đại chúng ta, cũng như xác định rằng, Thiên Chúa không vì thế mà trở nên yếu thế hay bất lực. Cánh tay Người không bị thu ngắn lại; chỉ đơn giản là Người đã có những kế hoạch khác từ thời này sang thời kia. Người có một chương trình khác, một kế hoạch mới mẻ và thú vị cho thời đại chúng ta.
Thời đại của giáo dân
Theo quan điểm của Công đồng Vaticano II và của phong trào canh tân hiện thời, rõ ràng Thiên Chúa vẫn đang ngỏ lời với thế giới, và Người công bố theo một cách khác. Tin mừng ngày nay được loan truyền theo cách thức thực sự mới mẻ với một tiếng vang lớn mà trước đây chưa bao giờ được nghe. Hiện tại, dường như Thiên Chúa không muốn việc rao giảng của Người được thực hiện quá nhiều chỉ nhờ nhà giảng thuyết trên bục giảng, nhưng nhờ mọi người biết hiệp nhất với Đức Kitô trong đức tin và đức ái. Đó là thời đại của giáo dân, của các Kitô hữu, những người rao giảng bằng lời nói, cụ thể là hãy loan báo rằng thế giới và mọi thứ trong thế giới đều tốt đẹp và phải được thánh hóa, phải được sử dụng để tôn vinh và làm sáng danh Thiên Chúa. Tắt một lời, vận mệnh của con người không là gì ngoại trừ chính Thiên Chúa. Đó là vận mạng mà con người có thể nhận ra nhờ ân sủng Thiên Chúa trợ giúp. Đó mới là Tin mừng!
Người giáo dân cũng phù hợp với hình ảnh nhà giảng thuyết. Họ là sứ giả của Thiên Chúa. Qua hành động và lòng trung thành với bổn phận tôn giáo, họ loan báo Thiên Chúa đã xuống thế gian và lập giao ước với con người. Người giáo dân phải trở nên tông đồ trong cương vị của mình (tông đồ giáo dân), người được sai đi để loan báo sứ điệp vĩ đại: Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người. Điều này đáng được công bố và loan truyền trên mái nhà. Người giáo dân là tôi tớ, nô lệ, khí cụ đặc biệt, là chứng nhân, người quản lý, người phân phát các mầu nhiệm thánh của Thiên Chúa. Tắt một lời, họ là cộng sự của Người.
Các nhà giảng thuyết thời xưa luôn đứng ở vị trí trung tâm là
giảng đài, như những phát ngôn viên chuyên nghiệp thường làm. Họ rất được công
chúng quan tâm. Tuy nhiên, ngày nay, các thừa tác viên của Thiên Chúa, nói
chung, là những người rao giảng bằng đời sống và gương sáng. Họ là quyển sách duy
nhất mà một số người từng đọc, là tiếng nói duy nhất một vài người từng nghe,
được cất lên để tán dương và bênh vực Thiên Chúa. Như thánh Phaolô đoan chắc với
cộng đoàn Côlôxê, cuộc sống của họ được ẩn giấu với Đức
Kitô trong Thiên Chúa (Cl 3,3).
Như vậy, cuộc sống của
chúng ta phải nên như một lời rao giảng, diễn tả sự hiện hữu mang tính Bí tích,
và là những dấu chỉ hữu hình của ân sủng vô hình từ Thiên Chúa. Ân sủng được hiển
hiện cách cụ thể qua sự thánh thiện cá nhân. Và đó là một nhiệm vụ xứng hợp đối
với con cái thánh Đa Minh, những người được Thiên Chúa mong muốn trong bất kỳ
hoàn cảnh nào, là hãy rao giảng Tin mừng về tình yêu Thiên Chúa dành cho con
người.
[1] Is 42,1-4 ; 49,1-6 ; 50,4-11 ; 52,13-53,12.