__Vinh Sơn Trần Văn Quang__
“Cộng đoàn chính là công trình tay Chúa đã làm ra. […]. Người mời gọi chúng ta tích cực cộng tác vào công trình đó bằng việc chúng ta sống yêu thương, sống hiệp nhất, sống trong trong tình liên đới với hết mọi người.”
Đời sống cộng đoàn gần như là tất yếu đối với các hình thái tu trì. Trong hành trình sống ơn gọi của mỗi người, Thiên Chúa không để cho chúng ta là những người theo Người phải đơn độc. Người gửi đến cho chúng ta những người đồng hành để nâng đỡ, dìu dắt chúng ta. Cách riêng người tu sĩ Đa Minh, không chỉ gắn bó với một cộng đoàn duy nhất nhưng có thể sẽ là nhiều cộng đoàn khác nhau trong mỗi giai đoạn của cuộc đời. Nhưng dù ở bất cứ cộng đoàn nào, vào bất cứ giai đoạn nào, cũng đều có những nguyên tắc căn bản mà chúng ta cần giữ để tạo nên một cộng đoàn vững bền.
Tôn trọng lẫn nhau
Đây có thể coi là nguyên tắc đầu tiên và rất quan trọng trong đời sống cộng đoàn. Mỗi người chúng ta đều là một nhân vị riêng biệt. Mặc dù giữa chúng ta có một điểm chung rất lớn đó là chúng ta được Thiên Chúa quy tụ, nhưng mỗi người đều mang trong mình những tính cách, tâm tư, kinh nghiệm khác nhau. Và do đó, cách sống của chúng ta cũng rất khác nhau. Lẽ dĩ nhiên, đời sống cộng đoàn tu trì không phức tạp như đời sống xã hội, nơi mà người ta phải bon chen, ganh đua nhau để chiếm được vị thế tốt nhất. Đời sống tu trì có lẽ êm thắm và trầm lặng hơn nhiều. Chúng ta gọi nhau là anh em, là người một nhà. “Anh, em” ở đây không có ý nói về thứ bậc cho bằng mối tương quan thân thiết giữa những người tu sĩ. Người làm anh chưa hẳn đã giỏi, ngược lại người làm em chưa chắc đã kém. Chúng ta cần học hỏi lẫn nhau nhưng không có nghĩa là chúng ta bắt người khác phải sống theo lối sống của ta, nghĩ theo suy nghĩ của ta. Mỗi anh em đều có quyền nói ra suy nghĩ riêng của mình và họ có quyền được người khác lắng nghe. Chúng ta tôn trọng tự do của người khác, nhưng tất nhiên mức độ tự do đó phải trong khuôn khổ cho phép của đời sống tu trì.
Chân thành góp ý
Tôn trọng không có nghĩa là im lặng. Đôi khi, vì muốn giữ một mối tương quan tốt đẹp với người khác, chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi trái với quy định của cộng đoàn. Hay chúng ta nghĩ rằng việc họ làm đâu có ảnh hưởng gì đến mình, việc gì mình phải lên tiếng. Đó không còn là sự tôn trọng nữa nhưng là sự dửng dưng, vô cảm. Dù biết là chúng ta không có quyền xét đoán ai nhưng lời góp ý chân thành để người anh em nhìn nhận lại hành vi là điều hết sức nên làm. Và nếu những hành vi đó trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống tu trì thì chúng ta lại càng phải lên tiếng. Còn chuyện lên tiếng như thế nào thì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rồi: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18, 15-20). Tất nhiên, chẳng ai trong chúng ta muốn người anh em mình bị liệt vào số những người ngoại hay người thu thuế cả. Vì thế chúng ta phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau hoàn thiện bản thân. Và mỗi lần chúng ta góp ý với người khác cũng là một lần chúng ta tự kiểm điểm lại chính bản thân mình xem mình đang sống như thế nào, mối tương quan của mình với Chúa, với người khác ra sao, những điểm mình cần phát huy, những điểm cần khắc phục. Sống hòa đồng với người khác là điều tốt nhưng không đồng nghĩa với việc sống dễ dãi. Bởi nếu ta quá dễ dãi với người khác sẽ kéo theo nguy cơ đó là ta dễ dãi với bản thân và như thế, tính xây dựng cộng đoàn sẽ không còn.
Sống hết mình
Có thể nói, được sống trong một cộng đoàn tu trì là một điều may mắn bởi cộng đoàn giúp đỡ chúng ta rất nhiều để chúng ta ngày càng hoàn thiện bản thân. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta sống một cách thụ động, sống ỷ lại hay sống buông xuôi. Nhiều người nghĩ chỉ cần cố bám trụ trong cộng đoàn thì sớm hay muộn cũng sẽ trở thành tu sĩ, linh mục. Nếu chúng ta không sống hết mình với cộng đoàn rồi sẽ đến một lúc nào đó chúng ta tách biệt với cộng đoàn. Nếu chúng ta chỉ coi cộng đoàn như một phương thế để trục lợi cá nhân thì chúng ta không xứng đáng ở trong cộng đoàn. Cộng đoàn giúp ta thăng tiến nhưng ngược lại chúng ta cũng có trách nhiệm làm cho cộng đoàn trở nên vững mạnh. Đồng thời, chúng ta cũng phải chủ động hoàn thiện bản thân về đức tin, về nhân bản, về mối tương quan với cộng đoàn.
Chúng ta giống như một cái cây, cộng đoàn có các nhân tố giúp cho cây phát triển như là ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng… Nhưng những yếu tố ngoại cảnh có tốt đến mấy mà bản thân cái cây không chịu đâm rễ thì một cơn gió cũng đủ làm cái cây ngã gục. Có những người, vì một lý do nào đó mà họ bước vào cộng đoàn, nhưng lý do đó lại không xuất phát từ việc nhận ra thánh ý Chúa, nên sống một cách nhập nhằng ra đi không được, mà ở lại cũng chẳng yên. Rồi họ cứ buông xuôi bản thân theo con sóng cộng đoàn. Sóng đưa họ đến đâu thì đến. Cuộc sống như thế chỉ khiến người ta thêm mệt mỏi, không những mệt cho bản thân mà cho cả những người xung quanh nữa. Tuy nhiên cũng có một số người, cũng bước vào đời tu bằng một lý do thuần cá nhân nhưng nhờ đời sống cộng đoàn mà họ nhận ra được ơn gọi của đời mình và quyết tâm theo đuổi đời dâng hiến. Do đó, một thái độ sống đúng đắn chắc chắn sẽ giúp ta đạt được những mục đích chính đáng mà ta đang theo đuổi.
Tìm kiếm bình an
Vượt qua những khác biệt về vùng miền, tuổi tác, suy nghĩ, lối sống, cộng đoàn cần có trách nhiệm giúp anh em cảm nhận được sự bình an. Nếu ta để ý sẽ thấy trong thánh lễ có nhiều lần nhắc đến sự bình an: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”; “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”; “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con”; “Lễ xong chúc anh chị em ra về bình an”;… Điều đó chứng tỏ sự quan trọng của bình an trong đời sống của người Kitô hữu và đặc biệt là trong đời sống của người tu sĩ, linh mục. Chúng ta chẳng xin Chúa điều gì cao xa, chúng ta xin Chúa sự bình an. Và nơi cộng đoàn, chúng ta có cơ hội để cảm cảm nghiệm rõ hơn điều đó. Bình an ở đây không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một môi trường bên ngoài yên tĩnh nhưng cộng đoàn cần giúp anh em có được sự bình an nội tâm. Dẫu biết rằng bình an thực sự xuất phát từ nơi Chúa: “Thầy để lại bình an cho các con, thầy ban bình an của thầy cho các con” (Ga 14,27) nhưng qua việc cầu nguyện chung, qua các giờ chia sẻ Lời Chúa, chúng ta từng bước, từng bước tìm thấy sự an bình trong tâm hồn. Nhưng nếu một cộng đoàn gây cho ta sự bất an, thì trước hết ta tin rằng sự bất an đó không xuất phát từ căn tính của cộng đoàn, vì cộng đoàn là do Thiên Chúa quy tụ, thứ đến ta sẽ tìm hiểu xem sự bất an đó đến từ đâu để ta đưa ra hướng giải quyết. Bởi tâm bất an sẽ dẫn chúng ta đến sự hoang mang lo lắng, và điều đó khiến cho ta dễ xa cộng đoàn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
* * *
Tắt một lời, đời sống cộng đoàn là một cơ hội nhưng cơ hội đó cũng chứa đựng đầy những thử thách. Rất nhiều người trưởng thành hơn nhờ đời sống cộng đoàn nhưng vẫn có một số người không thể hòa hợp được với đời sống đó. Vì vậy mỗi chúng ta cần nhìn nhận lại chính bản thân mình khi sống trong cộng đoàn: mình học được gì nơi cộng đoàn, mình làm được gì cho cộng đoàn, mình cần phải thay đổi những gì? Cộng đoàn chính là công trình tay Chúa đã làm ra, có Chúa hiện diện giữa cộng đoàn và trong từng người anh em. Và từng ngày, từng ngày, Người mời gọi chúng ta tích cực cộng tác vào công trình đó bằng việc chúng ta sống yêu thương, sống hiệp nhất, sống trong trong tình liên đới với hết mọi người.