[ĐMX73] Người Trợ Sĩ Đích Thực

08-06-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1960 lượt xem

_Máctinô Lê Minh Thành_
Thánh nhân đã nêu gương cho mọi anh em, cách riêng anh em tu huynh về đời sống giảng thuyết. Một tu sĩ Đa Minh phải luôn có trong mình một tấm lòng xót thương và sẵn sàng phục vụ mọi người như Thầy Chí Thánh.

Khi nhắc đến thánh Máctinô Porét, nhiều người sẽ nhớ ngay, đó là ông thánh có “tấm lòng vàng” hay “ông thánh hay làm phép lạ”,… Nhiều người còn gọi thánh nhân một cách thân thiết và gần gũi đó là “ông thánh da đen”. Đời sống gương mẫu của thánh nhân còn được xứng đáng danh hiệu “Máctinô Bác Ái” mà Đức giáo hoàng Gioan XXIII nhắc đến trong bài giảng Thánh lễ tôn phong Hiển thánh cho ngài. Thật là xứng hợp khi gán những danh hiệu thánh thiện cho thánh Máctinô, nhưng sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến ngài trong tư cách là một tu sĩ Dòng Anh em Giảng thuyết. Chính trong môi trường cộng đoàn của Dòng Giảng thuyết, thánh nhân đã thấm nhuần đời sống tu trì theo tinh thần phục vụ và cầu nguyện của cha thánh Đa Minh. Qua đời sống đó, thánh nhân đã luôn trung thành đi theo con đường của Đức Kitô, “yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương anh em như chính mình” (x. Mc 12,30-31). Đời sống của thánh nhân đã trở nên một mẫu gương cho mọi người ở mọi thời noi theo, đặc biệt đối với những anh em Trợ sĩ trong Dòng Đa Minh.

Phục vụ

Thánh nhân luôn noi gương Đức Giêsu, Đấng hằng chạnh lòng thương những người tội lỗi. Ngay từ bé, Máctinô đã có một trái tim biết rung động trước những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Có lần, Máctinô đã lấy tiền mẹ đưa để mua đồ ăn cho gia đình, mang đi giúp đỡ một người phụ nữ thổ dân mù. Tuy biết việc làm đó sẽ bị mẹ phạt rất nặng nhưng, ngài đã không thể cầm lòng trước những người nghèo khổ, bất hạnh. Bằng ngọn lửa của tình mến, thánh nhân đã không quản ngại cúi mình xuống để phục vụ mọi người. Qua đó, ngài đã khám phá ra ơn gọi của mình là dấn thân phục vụ và chăm sóc cho như những người bất hạnh, khó nghèo đang sống quanh tu viện, và cũng không quản ngại giúp đỡ anh em trong tu viện.

Ngày nay, tinh thần phục vụ của thánh Máctinô vẫn còn là một mẫu gương cho mọi người noi theo. Nhất là trong đời sống cộng đoàn thì tinh thần phục vụ càng được đề cao. Phục vụ đơn giản chỉ là những việc như hỏi thăm, động viên anh em mỗi khi họ đau bệnh, giúp họ có thêm tinh thần để vượt qua những đớn đau của bệnh tật. Hay giúp đỡ anh em những công việc trong khả năng của mình, với một tinh thần không quản khó khăn. Trong cộng đoàn, thánh Máctinô được anh em rất quý mến vì có một tinh thần phục vụ với hết cả con tim, lòng khiêm nhường để mang đến cho mọi người những điều tốt nhất. Có lần, thầy Christobel khổ sở sau khi nhổ răng vì cái lỗ to tướng làm thầy rất đau đớn. Biết được sự việc ấy Máctinô đến thăm, vỗ nhẹ vào má và lấy một mẩu bánh mì bịt lại lỗ hổng đó, ngay lập tức cơn đau giảm ngay. Nhưng đến nửa đêm, cơn đau trở lại đến mức thầy Christobel chỉ có thể ngồi khóc trên giường. Lúc ấy, Máctinô xuất hiện và vỗ nhẹ vào má và động viên thầy: “Cơn đau sẽ không kéo dài mãi đâu”. Sau đó, thầy Máctinô cắt chỉ mấy mũi khâu và cơn đau biến mất.

Thêm nữa, thầy Máctinô phục vụ anh em cách âm thầm, không cần mọi người biết tới. Như việc thầy đã rời tu viện để kiếm đủ len để may áo dòng cho mọi người. Hay việc thầy chấp nhận mặc lại những bộ áo dòng cũ để nhường lại những bộ mới cho anh em khác. Hay việc thầy xin cha bề trên bán mình đi để có tiền trang trải các món nợ của Nhà Dòng. Ngoài ra, ngài còn sẵn sàng hy sinh những thời gian quý báu của mình để hoàn tất những công việc hằng ngày ở tu viện như quét sân, lau nhà nguyện, đánh chuông,… Qua những công việc nhỏ bé này, ngài muốn góp một phần công sức để các anh em có một tinh thần thoải mái, có nhiều thời gian để học tập và nghiên cứu. Chúng ta cần học nơi thánh Máctinô tinh thần phục vụ không vì lợi ích của bản thân nhưng vì lợi ích của cộng đoàn. Nhưng trong cộng đoàn, có người thì nhiệt tâm trong việc giúp đỡ, phục vụ anh em; có anh em lại hững hờ, thờ ơ không tha thiết. Đó là, những người anh em có lối sống vô tư chỉ nghĩ đến ích lợi của riêng mình. Và từ vô tư họ dần trở nên vô tâm với những anh em khác khi họ đau ốm, cần được hỏi thăm, giúp đỡ; hay những anh em đang làm những công việc vất vả, nặng nhọc cần chúng ta giúp một tay để công việc có thể trở nên nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn. Đôi khi những anh em này còn không nhận ra, điều họ làm đi ngược lại tinh thần đời sống cộng đoàn của Dòng Đa Minh. Những lúc như thế, chúng ta cần giúp những anh em đó nhớ lại tinh thần đời sống cộng đoàn. Điều quan trọng là nên sửa dạy anh em trong tinh thần huynh đệ bác ái, để tránh gây chia rẽ trong cộng đoàn. Thật vậy, khi ta phục vụ anh em mình với cả con tim thì ta có thể thông cảm và chia sẻ nỗi đau, khó khăn mà họ đang gặp phải và hơn hết chúng ta sẽ làm cho cộng đoàn ngày trở nên gắn kết hơn.

Thánh Máctinô nhận ra khả năng của mình chỉ xứng hợp với ơn gọi trợ sĩ trong Dòng Anh em Giảng thuyết, ngài đã sống hết mình với ơn gọi đó. Ngài sống trọn vẹn trong ơn gọi bằng cả tấm lòng vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh, xả thân trong việc phục vụ mọi người trong đức ái. Thánh Máctinô, một người anh đi trước, đã để lại cho những người em đã, đang và sẽ sống ơn gọi trợ sĩ của Dòng một mẫu gương phục vụ nhau trong tình huynh đệ và yêu thương.

Cầu nguyện

Ngay từ thời niên thiếu, thánh Máctinô đã một niềm yêu mến và sùng kính Đức Maria và Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh cách đặc biệt. Hằng ngày, Máctinô không quên cầu nguyện bằng cách ngắm nhìn Thánh Giá, Đức Maria và thánh Đa Minh để xin ơn bảo trợ và giúp đỡ thầy trở nên hữu dụng, hầu luôn chu toàn bổn phận, và đồng thời xin giữ gìn mọi người trong tu viện khỏi mọi hiểm nguy. Mặc dù cộng việc luôn bận rộn nhưng trong những giờ rãnh rỗi, Máctinô thường tâm sự với Chúa. Ngài than thở, và trò chuyện với Chúa. Ban đêm, ngài có thói quen bớt giờ ngủ để nguyện gẫm. Nhiều lần ngài thức khuya cầu nguyện, quên cả ngủ nghỉ.

Có lẽ, trong những lúc thưa chuyện với Chúa, thánh Máctinô cũng nói với Chúa về người cha ‘tội nghiệp’ của mình vời một lòng thương mến, người cha đã từ chối Máctinô vì nước da ngăm đen giống mẹ. Không phải ngài ‘kể tội’ người cha ‘bội bạc’ của mình, nhưng ngài cầu nguyện với Thiên Chúa để xin ơn biến đổi để người cha biết mở tâm hồn, nhận ra tình thương Thiên Chúa dành cho ông. Tất cả đều là hồng ân, là món quà quý giá mà Chúa đã trao ban, nhưng ông lại từ chối. Chính vì thế, Máctinô càng cảm thấy thương cho người cha bất hạnh của mình. Từ đây ta có thể liên hệ đến đời sống cộng đoàn của chúng ta. Chắc chắn, khi sống chung, sẽ có những lúc tình cảm anh em “cơm không lành canh không ngọt”. Những lúc như thế, chúng ta hãy đến với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện và dâng lên Chúa những xích mích của mình. Không những thế, trong lúc thinh lặng, ta có thể tự vấn lại bản thân, để khám phá ra rằng chúng ta cũng là con người bất toàn cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa và mọi người. Đồng thời, xin Thiên Chúa ban thêm sức mạnh để giúp ta can đảm đi hòa giải với người anh em của mình. Hơn hết, xin Thiên Chúa giúp ta mở rộng tấm lòng, để đón nhận những khác biệt và thiếu sót của anh em, để biết thông cảm và bao dung hơn. Bên cạnh đó, khi cầu nguyện, chúng ta cũng nhớ đến anh chị em hằng ngày đang vất vả ngoài xã hội.

Có lẽ, thánh Máctinô đã phải thao thức nhiều đêm để thưa chuyện với Chúa không phải chỉ những đau buồn thời ấu thơ của mình, nhưng cả những chuyện ngài đã chứng kiến, là sự vô tâm của xã hội, sự thiếu trách của con người đối với nhau, sự phân biệt chủng tộc đã làm nên những cảnh sống vô cùng bi thảm. Có lẽ ngài không xót xa hoàn cảnh của mình, cho bằng thương xót số phận những người bị gạt ra khỏi lề xã hội, bị ruồng rẫy, không ăn, không mặc,… Vì thế, hằng đêm ngài luôn chạy đến than van với Thiên Chúa. Chính qua những thao thức, những lời tâm tình của thánh Máctinô với Chúa, mà Thiên Chúa đã nhận lấy lòng trắc ẩn của thánh Máctinô để biến đổi cõi lòng của nhân thế. Điều này được minh chứng qua việc người cha đã từng đành tâm ruồng bỏ mẹ con ngài nay đón nhận lại con mình. Qua câu chuyện của thánh Máctinô, ta thấy rằng, cầu nguyện không chỉ là cho riêng ta nhưng cũng còn có tâm tình hiệp thông, cầu nguyện cho anh em khác. Khi cầu nguyện, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác mọi chuyện cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Người sẽ nhậm lời và và thêm sức cho chúng ta.

Thánh Máctinô đã trở thành một gương mẫu cho mọi tu sĩ noi theo. Qua cuộc đời thánh thiện của mình, thánh Máctinô mời gọi mỗi người chúng ta hay biết quý trọng đời sống cầu nguyện, chiêm niệm để kín múc nơi Chúa sức mạnh vượt qua mọi thử thách trong đời tu; cũng như để ta nhận ra ý nghĩa đời tu giữa một xã hội huyên náo hôm nay. Nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta sẽ đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu Kitô, và nhiệt tâm phục vụ tha nhân. Và như thế, thánh Máctinô không chỉ sống trọn vẹn cho Chúa mà còn là mẫu gương cho người tu sĩ luôn nói với Chúa.

Học từ thầy Máctinô

Thánh nhân đã nêu gương cho mọi anh em, cách riêng anh em tu huynh về đời sống giảng thuyết. Một tu sĩ Đa Minh phải luôn có trong mình một tấm lòng xót thương và sẵn sàng phục vụ mọi người như Thầy Chí Thánh. Nhờ tuân giữ kỷ luật tu trì trong nếp sống Đa Minh, thánh nhân đã trở nên một lời giảng thuyết hùng hồn cho nhân thế. Bằng đời sống đơn sơ, vui vẻ, thánh nhân trở thành bạn của nhiều người, không phân biệt già hay trẻ, lớn hay bé, giàu sang hay thấp hèn, màu da, chủng tộc. Nhờ đó, nhiều tâm hồn cằn cỗi được ngài ấp ủ vươn lên như những chồi non đạo hạnh; những phận người bị hắt hủi, bị lãng quên đã tìm lại được hơi ấm tình người và giá trị của chính mình bởi sự nâng niu trân trọng của thánh Máctinô. Và hơn hết, chúng ta phải học nơi ngài đời sống tâm linh sâu sắc và giản dị, đó là yêu mến Chúa Giêsu chịu tử nạn cách đặc biệt. Điều này nói thì không mấy gì khó, nhưng để bắt tay vào thực hiện lại là một chuyện không hề dễ. Bởi có mấy ai dám can đảm bỏ đi ý riêng, mọi sự để làm những điều này.

Lạy thánh Máctinô rất khiêm nhường, lòng thương yêu nồng nhiệt của Người chẳng những che chở các anh em túng nghèo, mà lại cả những thú vật ngoài đồng, thật là gương huy hoàng của đức bác ái, chúng con kính mừng và cầu khấn Người. Từ tòa cao Người ngự, xin đoái thương nhậm lời anh em túng nghèo kêu xin, để chúng con được bắt chước nhân đức Người mà yên vui trong địa vị Chúa đã đặt, và được mạnh mẽ, can đảm vác Thánh Giá theo chân Chúa Cứu Thế và Mẹ Sầu Bi, sau hết được về nước Thiên Ðàng. Vì công nghiệp Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com