[ĐMX73] Áo Dòng Đa Minh Với Đời Sống Cộng Đoàn

15-05-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2886 lượt xem

_Phêrô Vũ Đức Duy_
Được làm “truyền nhân may áo dòng của Đức Mẹ”, tôi như được mời gọi kết hợp mật thiết hơn vào đời sống cộng đoàn.  Ơn gọi của tôi dường như được Mẹ tiếp sức thêm rất nhiều.

Chiếc áo dòng Đa Minh[1]

Đối với Anh em Giảng thuyết, chiếc áo dòng như bảo chứng tình yêu Đức Maria dành cho Dòng. Theo tương truyền, Mẹ đã ban tặng chiếc áo dòng cho chân phước Reginalđô Orleans. Lúc đó, thánh Đa Minh đau buồn vì sắp mất đi người anh em thân mến là Reginalđô, nên ngài tha thiết xin Chúa kéo dài sự sống cho anh, dù chỉ còn trong một khoảng thời gian ngắn. Đang khi ngài cầu nguyện, thì Đức Maria hiện ra với Reginalđô và xức dầu lên mắt, tai, mũi, miệng, tay, thắt lưng, và chân của anh. Tiếp đến, Mẹ đưa cho anh xem áo phép của Dòng Anh em Giảng thuyết, và nói: “Hãy cầm lấy tu phục Dòng con”. Thế là anh hoàn toàn được chữa lành. Từ lúc đó, thánh Đa Minh và anh em khác dùng áo phép trắng, một phần đặc biệt của tu phục; và giữ lại áo choàng đen như kinh sĩ. Tu phục của Dòng Giảng Thuyết vào thời lập dòng gồm: áo chùng (tunica), đai lưng (cingulum), áo phép (scapulare) gắn liền với mũ đội đầu, áo choàng đen (cappa) mặc bên ngoài.

Ở giai đoạn đầu, nhiều Tổng hội (như Tổng hội 1259, 1283, 1394) yêu cầu phải có sự phân biệt màu sắc tu phục trợ sĩ với tư giáo. Với anh em trợ sĩ, tà áo choàng đen nằm phía trước, như chúng ta vẫn thấy trong các tranh vẽ về thánh Martin de Porres hay thánh Gioan Maisan. Còn với anh em tư giáo, tà áo choàng đen thì phủ hai bên người. Do đâu đưa đến sự phân biệt này? Chúng tôi chưa thể trả lời được câu hỏi này. Nhưng điều đáng ghi nhận, Tổng hội Bogota 1965 đã quyết định xóa bỏ sự khác biệt áo dòng.

Áo dòng Đa Minh với ơn gọi của tôi

Để may được một bộ áo dòng hoàn chỉnh, về mặt kỹ thuật, thợ may cần tiến hành ba giai đoạn: lấy số đo, cắt vải, ráp các bộ phận của áo.

Lấy số đo: Tuy áo Dòng Đa Minh mặc tương đối rộng, nhưng không vì vậy mà chúng ta chỉ ướm bằng mắt, mà phải lấy thông số chính xác, phải tiếp xúc trực tiếp với người bằng công cụ hỗ trợ là thước dây, từ đó mới có những con số chi tiết áp dụng công thức may vào để tính toán mới có thể cắt vải được.

Cắt vải: Phần cắt vải được xem là quan trọng nhất. Thành công hay thất bại của bộ tu phục nằm ở giai đoạn này. Thật vậy từ cách tính toán vải sao cho tiết kiệm, tới căn tỉ lệ giữa các chi tiết sao cho phù hợp, ăn khớp với nhau theo một sự thống nhất. Thợ may cũng cần phải tính toán, trừ hao đường may để áo vẫn có thể thích hợp phòng trường hợp sau này người mặc thay đổi vóc dáng.

Ráp và hoàn thiện: Bộ áo dòng được nên hoàn chỉnh nhờ ráp từng bộ phận lại với nhau sao cho ăn khớp và không có lỗi kĩ thuật xảy ra. Một bộ áo dòng hoàn hảo là sự kết hợp giữa tay nghề của thợ may với đánh giá của người mặc. Đôi khi vẫn có lỗi kĩ thuật, nhưng với sự góp ý của anh em, thợ may sẽ chỉnh sửa sao cho phù hợp nhất với người mặc. Theo năm tháng sử dụng, cúc của áo dòng sẽ bung, chỉ may sẽ đứt, hay vải áo sẽ rách một vài chỗ nhỏ, người thợ may sẽ phải làm mới lại cho anh em.

Tiến hành cách cẩn thận ba giai đoạn trên sẽ giúp may được một bộ áo dòng. Chuyện may áo dòng này khác hẳn với chuyện “làm công ăn lương” ở ngoài đời. Bằng việc cộng tác vào sứ vụ Dòng qua việc may áo dòng, tôi cảm nhận được tình huynh đệ trong môi trường Thỉnh viện. Được làm “truyền nhân may áo dòng của Đức Mẹ”, tôi như được mời gọi kết hợp mật thiết hơn vào đời sống cộng đoàn. Ơn gọi của tôi dường như được Mẹ tiếp sức thêm rất nhiều. Tạo ra được bộ áo Dòng cho anh em, tạo được sự hào hứng, tạo được sự liên kết trong cộng đoàn, tôi được mời gọi sống hiệp nhất với anh em. Tuy chưa được mặc áo dòng, nhưng chiếc áo dòng tôi may như sợi dây liên kết tôi với anh em Thỉnh sinh, với các anh Tập sinh, với các anh Sinh viên và với các cha anh trong Dòng.

Ước mong rằng anh em thỉnh sinh chúng ta đang dấn thân theo ơn gọi tu trì, qua vẻ đẹp của tấm áo dòng, có thể nhận ra chính đời sống cộng đoàn là nền móng vững chắc tạo nên sự thăng tiến trong ơn gọi giảng thuyết Đa Minh.

“Ðoàn con Chúa, niềm hăng say phấn khởi,
Vững bước tiến lên khắp nẻo đường đời,
Tình huynh đệ như men nồng rượu mới,
Dân thánh Ngài cùng chia sẻ an vui.”


[1] Về lịch sử chiếc áo dòng Đa Minh, xt. Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2016, chương 3.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com