[ĐMX73] Các Giờ Kinh Phụng Vụ Của Cộng Đoàn

08-02-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2667 lượt xem

“Nếu việc cầu nguyện là điều không thể thiếu với mỗi tín hữu, thì việc nguyện kinh Phụng vụ cũng là một điều không thể thiếu đối với cộng đoàn.”

__Đa Minh Bùi Hữu Phước__

Cầu nguyện là một phần thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Theo lời Chúa Giêsu dạy: “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1), ngay từ thời Hội thánh tiên khởi, các tín hữu đã chuyên cần cầu nguyện vào những thời khắc nhất định. Sách Công vụ Tông đồ có ghi lại các môn đệ họp nhau cầu nguyện vào giờ thứ ba (x. Cv 2,15), “ông Phêrô lên sân thượng cầu nguyện; lúc đó, vào khoảng giờ thứ sáu” (10,9), “ông Phêrô và ông Gioan lên đền thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín” (3,1), “vào quãng nửa đêm, ông Phaolô và ông Xila hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa” (16,25). Qua thời gian, các tín hữu dần dần có thói quen cầu nguyện chung với nhau vào những giờ nhất địhn để thánh hóa ngày sống của mình.

Những buổi cầu nguyện chung như thế dần tạo thành một chu kỳ giờ kinh nhất định. Các giờ kinh này thực là lời cầu nguyện của Hội Thánh cùng với Chúa Kitô và dâng lên Chúa Kitô. Trong đời sống phụng vụ của Dòng, anh em Đa Minh cũng được mời gọi để cùng với toàn thể Hội Thánh ngợi khen, tôn vinh Thiên Chúa và diễn đạt lời chuyển cầu của mình cho những con người mà Dòng được sai đến.

Giá trị của Các Giờ kinh Phụng vụ

“Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi Chúa,
chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời!” (Tv 145,21)

Bài ca chúc tụng Thiên Chúa hằng vang dội muôn đời trên thiên quốc, đã được Chúa Giêsu Kitô, vị Thượng Tế của chúng ta đưa vào trần thế. Bài ca này, Hội Thánh không ngừng tiếp tục hát lên, qua những hình thức vô cùng phong phú với một tấm lòng bền vững trung kiên.[1]

Hội Thánh là sự quy tụ các Kitô hữu, vì thế mang bản chất cộng đồng. Việc cầu nguyện thể hiện rõ nét tính cách cộng đồng của Hội thánh. Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19). Khi cộng đoàn cùng lắng nghe Lời Chúa và cử hành phận vụ của mình để sống lời đó, thì phụng vụ chính là lời cầu nguyện của toàn thể Hội Thánh.

Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) đã dần dần phát triển và trở thành lời cầu nguyện của Hội Thánh. Bằng việc cử hành CGKPV, chúng ta thánh hiến tất cả chu kỳ của ngày và đêm. CGKPV được Hội Thánh toàn cầu cử hành mỗi ngày để thi hành lệnh Chúa truyền là phải cầu nguyện không ngừng, đồng thời để ca tụng Chúa Cha và kêu cầu cho thế giới được ơn cứu độ. Giờ Kinh Phụng Vụ là một phụng ca chúc tụng Thiên Chúa và thánh hóa con người, là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống đạo đức Kitô hữu.[2] Cấu trúc của CGKPV là đối thoại. Trong đó, Thiên Chúa nói với dân người qua các Thánh vịnh, các thánh ca Cựu Ước và Tân Ước, các bài đọc, và dân Chúa đáp lại bằng những lời tung hô và khẩn xin. Khi cử hành CGKPV, chúng ta không chỉ bày tỏ lòng sốt mến cá nhân mà còn hướng đến lời cầu nguyện chung của Hội Thánh.

Cha Đa Minh và kinh Phụng vụ

Cha Đa Minh vốn là một kinh sĩ tại Osma nên người thấm nhuần tinh thần phụng vụ, đặc biệt là cử hành kinh nguyện cách long trọng và cộng đoàn. Cha luôn hết mình với kinh Phụng vụ, dù cha và các anh em đều là những người hành khất rong ruổi khắp nơi để giảng thuyết. Tới bất cứ nơi đâu, cha cũng tìm đến các nhà thờ để nguyện kinh Phụng vụ. Từ những kinh nghiệm bản thân, vị Thánh tổ phụ nhận thấy rằng, kinh Phụng vụ rất cần thiết với người giảng thuyết.

“Trong đời tư, cha Đa Minh sống triệt để những gì mà cha đã được hấp thụ và nuôi dưỡng từ truyền thống phụng vụ Giáo hội, đồng thời làm giàu thêm truyền thống đó bằng lòng nhiệt thành đặc biệt riêng của mình. Các nhân chứng đã xác nhận rằng, cha Đa Minh ao ước được cử hành Thánh lễ hát mỗi ngày, thậm chí trong khi đi đường; ngài cũng muốn đọc toàn bộ kinh Thần vụ thường nhật với anh em; cha cũng rất thường nguyện kinh suốt đêm trong nhà nguyện; chỉ nói với Chúa khi cầu nguyện và nói về Chúa với tha nhân. Với những khao khát thánh thiện ấy, cha Đa Minh đem hết lòng yêu mến nồng nàn thắp lên ngọn lửa rực cháy tình yêu Thiên Chúa.”[3]

Sau khi lập Dòng, cha không chỉ sốt sắng nguyện kinh Phụng vụ hằng ngày, mà còn đôn đốc anh em cử hành các Giờ kinh Phụng vụ. Cha tin rằng, khi cộng đoàn cùng cầu nguyện, bầu khí buổi nguyện kinh sẽ sôi nổi và sinh động hơn.

“Khi cộng đoàn đọc kinh Thần vụ, cha Đa Minh ‘đi lại hai bên cung nguyện thúc đẩy và động viên các anh em hát kinh hết mình và đúng cung giọng’. Cha lớn tiếng khích lệ: ‘Hát to lên anh em, hát to như những lực sĩ! Hãy hát để ca tụng Chúa chúng ta, nhưng phải hát cho đúng và phải suy gẫm nữa’.”[4]

Qua lời kể của các nhân chứng, cha Đa Minh đêm ngày đắm chìm trong việc cầu nguyện và hết mực yêu mến kinh Thần vụ, nên cha không bỏ sót một giờ kinh nào. Khi ở ngoài tu viện, mỗi khi nghe thấy tiếng chuông kinh nguyện ban mai từ các đan viện, cha liền thức dậy và đánh thức anh em. Với tâm tình sốt mến, cha cử hành toàn bộ giờ kinh Thần vụ ngày và đêm. Thậm chí, trước khi qua đời, tuy bị nhức đầu dữ dội, cha vẫn cố gắng tham dự giờ kinh đêm lần chót với cộng đoàn Bologna.

CGKPV và đời sống cộng đoàn Đa Minh

Phụng vụ là hoạt động qua đó Đức Kitô thực hiện công trình cứu độ và là phương thế thường xuyên của Giáo Hội, cũng còn là hiện tại hóa chính Lời Chúa, Lời mà Dòng chúng ta được đề cử rao giảng.[5] Vì vậy, việc ca tụng của cộng đoàn và việc rao giảng Lời Thiên Chúa, hay nói cách khác, lời cầu nguyện của Hội Thánh và sứ vụ của anh em Giảng thuyết có liên hệ hỗ tương. Cầu nguyện cũng là một trong bốn cột trụ nâng đỡ đời sống của Dòng và giữ cho đoàn sủng của Đấng sáng lập luôn tươi mới. Nếu việc cầu nguyện là điều không thể thiếu với mỗi tín hữu thì việc nguyện kinh Phụng vụ cũng là một điều không thể thiếu đối với cộng đoàn. Khi quy tụ để cử hành CGKPV, cộng đoàn xác tín rằng mình là một cộng đoàn phụng vụ. Vì thế, cộng đoàn cần có một thái độ nội tâm xứng hợp, để trở thành một “Hội Thánh đang cầu nguyện”.

“Đối với tôi, cầu nguyện là biểu tượng của đời sống cộng đoàn. Thật vậy, nếu cộng đoàn hòa hợp, bầu khí cầu nguyện rất linh thiêng và vui tươi. Nhưng nếu cộng đoàn này sinh những vấn đề, thì những sự việc ấy sẽ xuất hiện trong lời cầu nguyện.”[6]

Cầu nguyện, trước hết cần phải trung thành với những thời khắc cầu nguyện của cộng đoàn. Cha Đa Minh đã giữ lại CGKPV theo truyền thống đan viện và cử hành thánh lễ cộng đoàn. Theo ý muốn của cha, việc cử hành CGKPV chung và long trọng trong cộng đoàn cần phải được xem như là một trong số những phận vụ chính yếu của ơn gọi giảng thuyết. Đối với ơn gọi giảng thuyết, kinh Phụng vụ làm nên cốt tủy của đời sống cầu nguyện. Theo đặc sủng của Đấng sáng lập, việc theo Đức Kitô của chúng ta được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của cộng đoàn và được canh tân thường xuyên. Nhờ vậy, chúng ta có thể đón nhận những vất vả, khó khăn và niềm vui trong sứ vụ tông đồ của chúng ta. Khởi đầu, chúng ta nói với Chúa để có thể nói về Chúa cách hữu hiệu. Hơn thế nữa, chúng ta hợp nhất với nhau trong việc đón nhận Lời cứu độ, để hiến dâng cuộc sống của chúng ta như hiến lễ thiêng liêng cho Thiên Chúa. Chung quy lại, tất cả chúng ta, dù là cá nhân hay cộng đoàn, đều hướng đến sự trưởng thành của đức tin và chiêm ngắm Tin Mừng cách toàn vẹn.

“Thánh Đa Minh đã yêu cầu anh em cử hành Các Giờ Kinh cách công khai. Thế nên, như sợi chỉ xuyên suốt từng ngày, các cộng đoàn của chúng ta được mời gọi làm cho lời cầu nguyện của mình vươn tới các chiều kích của thế giới, để làm vang vọng trước nhan Thiên Chúa những niềm vui và hy vọng, những đau khổ và chán nản của loài người. Vì thế việc cử hành phụng vụ là phần phải có trong sứ vụ truyền giảng Tin mừng của chúng ta (“mở mang Giáo Hội đến tận cùng cõi đất”), là một chiều kích của trách vụ rao giảng của chúng ta.”[7]


[1] Laudis Canticum của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI công bố sách nguyện mới.

[2] Sacrosanctum Concilium, số 90.

[3] Michael Monshau, O.P., Hành trình tâm linh với Thánh Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2014, tr. 88.

[4] Michael Monshau, O.P., Sđd., tr. 89.

[5] Vincent de Couesnongle, OP., “Văn thư công bố phần riêng CGKPV của Dòng Đa Minh”, ngày 07/11/1980.

[6] Walter Wagner, O.P., Đời sống Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2017, tr. 71.

[7] Fr. Bruno Cadoré, O.P., “Ngợi khen, Giảng thuyết, Chúc tụng” trong Can đảm hướng tới tương lai, Bt. Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam (Sài Gòn: Học viện Đa Minh, 2017), tr. 820.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com