[Nhân Bản Kitô Giáo] Bài 6: Yêu Thương Vị Tha

12-05-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3189 lượt xem

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.

Có lẽ người Kitô hữu nào cũng biết Kitô giáo là đạo yêu thương. Nhưng không nhiều người hiểu rõ đặc tính của tình yêu thương Kitô giáo mà ta tạm gọi là yêu thương vị tha. Khoa nhân bản Kitô giáo cần phải nhận định rõ sự khác biệt giữa nhiều thứ yêu thương khác nhau và khẳng định đường nét của yêu thương Kitô giáo đích thực.

1. Tình yêu trong Kinh Thánh là tình yêu vị tha

Có một sự kiện cho thấy tầm quan trọng của sự khác biệt giữa nhiều loại yêu thương khác nhau: bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp đã rất ngại ngùng với từ ngữ eros (tình ái) vốn khá phổ biến trong văn chương Hy Lạp (chỉ có 2 lần trong Cựu Ước; Tân Ước thì không dùng từ này). Tân Ước tạo ra một từ khác là từ Agape (117 lần trong Tân Ước) và thánh Gioan thì dùng từ philia (tình bằng hữu) để diễn tả tình bằng hữu giữa Chúa Giêsu và các môn đệ.

Từ việc dùng những từ ngữ khác nhau trong Kinh Thánh, nổ ra một cuộc tranh luận lớn trải qua nhiều thế kỷ. Có những tác giả Tin Lành chống đối mọi thứ tình ái (eros) mang tính xác thịt con người để đề cao tình yêu vị tha của Thiên Chúa. Nhưng nói chung, Công giáo thì chấp nhận tình ái của con người, coi tình yêu nam nữ, vợ chồng là một thứ tình yêu căn bản nổi bật nhất.. nhưng với điều kiện là tình yêu phải được thanh luyện trong một thứ tình yêu vị tha (agape).

Đây là một từ ngữ quan trọng, diễn tả một thái độ căn bản của đạo yêu thương trong Kinh Thánh. Ta có thể thấy một giải thích tương đương trong Hiến chế Mục Vụ của Công đồng Vatican II để tìm hiểu:

“Con người, tạo vật duy nhất trên gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thật hiến dâng” (GS, số 24)

2. Nẻo đường tự chủ

Để có thể thành thật hiến dâng, trước con con người cần được “trả lại” sự tự chủ và trả lại phẩm giá tuyệt đối của mình. Phẩm giá tuyệt đối của con người nằm ở chỗ mỗi con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài, nên không bao giờ được biến con người thành phương tiện, thành “con dê tế thần” cho một ai hay cho một điều gì khác.

Mỗi một con người, dù là một bào thai, dù là một người khuyết tật, tâm thần hay người già đang hấp hối…đều có quyền sống trọn vẹn cuộc đời mình và người khác phải được tôn trọng một cách tuyệt đối. Mỗi người đều được Thiên Chúa dựng nên vì chính mình, để hoàn thành cuộc đời mình, chứ không phải là phương tiện để mua vui cho Chúa, hoặc để xây dựng một công trình nào khác.

Một khi được tôn trọng và được trả lại “chủ quyền” của mình, con người mới cảm nhận được một khao khát chân thật, khao khát yêu thương đến độ có thể cho đi chính bản thân mình. Ngược lại, khi bị đe doạ mất bản thân, người ta lại thường có khuynh hướng bảo vệ, vun quén, giành giật lại cho mình mọi thứ.

3. Mở ra nẻo đường thành thật hiến dâng

Tuy nhiên, nẻo đường tự chủ chỉ hoàn thành khi con người đáp lại một sự thúc bách mở ra trái tim của mình, ra khỏi chính bản thân của mình, tình nguyện dâng tặng chính bản thân mình cho ai khác.

Khao khát yêu thương là bản chất tự nhiên của con người vốn được dựng nên giống hình ảnh Chúa, nên khi người ta yêu thương ai đó thực sự, người ta bắt đầu cảm thấy trọng tâm của đời mình dần dần dịch chuyển đến người mình yêu. Bắt đầu là thấy vui vì niềm vui của người khác, thấy buồn vì nỗi buồn của người khác, thấy đau vì nỗi đau của người khác… rồi cuối cùng tình yêu thương mời gọi con người cho đi chính bản thân và cuộc đời mình để bản thân và cuộc đời của người mình yêu thương được trọn vẹn hơn.

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)

Điều quan trọng là, yêu thương, người ta tình nguyện ra khỏi bản thân mình, chứ không bị ép buộc vì một sức mạnh hoặc vì một giá trị luân lý sai lạc nào khác.

4. Yêu là sống, sống là yêu

Như sức mạnh của con vật được thống nhất trong bản năng bảo vệ sự sống, thì chính tình yêu nơi con người mới có khả năng thống nhất tất cả cuộc sống của con người trong một sức mạnh căn bản. Tuy nhiên, bản năng sinh tồn của con vật là sự thống nhất để bảo vệ cho chính nó; trong khi đó, tình yêu nơi con người lại là một sự thống nhất hướng tới ai khác. Đó là khác biệt lớn giữa con người với con vật; hoặc ta cũng có thể nói đó là khác biệt căn bản giữa sự sống của con người với con vật, vì đó là sự khác biệt trên bình diện ý nghĩa, thứ ý nghĩa mà chỉ con người có tự do và tình yêu mới có thể sống được.

Yêu không phải là một chút trang trí hoa lá cành cho cuộc sống, yêu không phải là món đồ chơi xa xỉ của đời sống con người; nhưng yêu là khả năng nối kết mọi thành phần của con người phức tạp để làm nên một ý nghĩa thống nhất xứng tầm của con người. Yêu không phải là điều thêm vào cho cuộc sống, nhưng yêu là chính ý nghĩa của sống; sống trọn vẹn là sống bằng tình yêu. Yêu là sự sống đích thực, sung mãn nhất của mức độ con người. Như thế, tình yêu có một giá trị như cửa ngõ mở ra trước siêu việt, như biên giới của tuyệt đối. Chính tình yêu mới là sức sống siêu việt của con người; và nhờ tình yêu, con người có thể vươn mình hướng đến tuyệt đối.

Người ta có thể thấy được một số chuyện “động trời”, nghĩa là đụng chạm đến được biên giới của tuyệt đối trong đời sống con người do sức mạnh của tình yêu: chẳng hạn những chuyện cảm động trong các vụ tai hoạ; chẳng hạn tinh thần của những người mẹ cả đời hy sinh cho con…

5. Đạt tới nẻo đường hạnh phúc

Thật ra, con đường yêu thương Kitô giáo không phải là một nẻo đường khổ hạnh, mà chính là nẻo đường hạnh phúc.

Hạnh phúc khác với sung sướng. Sung sướng thì có thể đo đếm được một cách khách quan, còn hạnh phúc thì không đo đếm được nhưng do cảm nhận bên trong của mỗi người; sung sướng là tiêu thụ những thứ “sự vật” (sự vật là những gì khác với bản thân) nhằm vun đắp bản thân mình, còn hạnh phúc là đáp ứng đúng ý nghĩa của bản thân mình khi dấn thân vì ai khác. Vị linh mục sung sướng khi được thanh thản ở nhà ăn tiệc, nhưng vị linh mục hạnh phúc khi sống đúng ý nghĩa đời linh mục, dám bỏ bữa cơm để đi xức dầu bệnh nhân, thấy bệnh nhân khoẻ mạnh hoặc ra đi bình an…

Trong tinh thần Kitô giáo, sung sướng chỉ đúng đắn khi nằm trong hạnh phúc. Tìm sung sướng bên ngoài hạnh phúc là con đường đưa tới tình trạng đánh mất sự nhậy bén cảm nhận hạnh phúc và lạc mất nẻo đường yêu thương vị tha của đời mình.

Người ta thường lầm lẫn sung sướng với hạnh phúc, vì người ta không hiểu được ý nghĩa tình yêu vị tha Kitô giáo.

Tạm kết

Thật ra, Thiên Chúa là tình yêu, và con người tập tễnh học tập yêu thương. Tuy nhiên, ngay trong tất cả những thứ tình thương, tình yêu, cảm tình, quí mến… thường ngày của con người đều đã xuất phát từ Chúa và đều phản ảnh nguồn mạch yêu thương căn bản từ Thiên Chúa. Tất cả những thứ tình nghĩa ấy sẽ chân chính khi mở ra, khi khơi lên lòng khao khát yêu thương trọn vẹn hơn, và đưa con người hướng về Thiên Chúa là tình yêu.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com