Mẹ Chỉ Đường Hoà Bình

01-01-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2072 lượt xem
Martin Quốc Trọng

Lịch sử kinh nguyện Kitô giáo ghi nhận lại nhiều hình thức nguyện cầu mà Giáo hội dùng để kêu cầu Đức Mẹ. Trên nguyên tắc, các kinh nguyện phải nhắm đến Thiên Chúa (xét vì cầu nguyện được định nghĩa như việc nâng tâm hồn lên cùng Chúa[1]); và Đức Mẹ hay các Thánh được nhắc đến đóng vai trò như người cầu thay nguyện giúp cho nhân thế trước tòa Thiên Chúa. Như vậy, lời nguyện của Giáo hội bên cạnh việc phản ánh sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người[2], còn thể hiện sự cậy nhờ của các tín hữu vào việc chuyển cầu, dẫn lối của Đức Mẹ và các thánh[3]. Trong sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người, Đức Mẹ và các thánh đứng ở vị trí trung gian. Ở vị trí này, các ngài làm hai việc. Trước hết là hành vi hướng về Thiên Chúa, tức là ca tụng và hằng cầu bầu cho chúng ta. Sau là hành vi hướng về con người, tức là nêu gương sáng cho chúng ta[4]. Do đó, khi dùng các lời kinh về Đức Mẹ để cầu nguyện, chúng ta hiểu rằng, chúng ta đang tỏ bày niềm tin – cậy – mến đối với Thiên Chúa, qua sự chuyển cầu và chỉ đường của Đức Mẹ. Trong các kinh nguyện cổ truyền hướng về Đức Mẹ, kinh Cầu Đức Bà – Litaniae de beata Maria Virgine là lời kinh thâu tóm được tất cả các tước hiệu của Đức Mẹ. Một trong những tước hiệu đó là “Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành”. Câu này được trích đọc riêng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, để khẩn cầu sự trợ giúp từ Đức Maria. Chúng ta hiểu “trợ giúp” ở đây có nghĩa là hướng dẫn con đường ngay lành đi về Nước Trời. Khi mô tả vai trò đặc biệt này của Đức Mẹ, truyền thống Đông Phương đã dùng hình ảnh “Đức Mẹ chỉ đường”[5]. Khi khẩu cầu Đức Mẹ là Đấng chỉ đường, chúng ta hiển nhiên nhìn nhận chính Đức Mẹ là người đã đi được và đi trọn con đường Giêsu. Do đó, chính Mẹ trở thành dấu chỉ, biển báo chỉ dẫn cho chúng ta tiếp bước trên con đường đó. Ngoài ra, ngày 01 tháng Một hàng năm được Giáo hội dành riêng để tôn kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, cũng như để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Với bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một vài suy tư nhỏ về việc Đức Mẹ, trong tư cách là Mẹ, đã và đang chỉ đường hòa bình cho chúng ta như thế nào.

1- Đức Mẹ là Mẹ…

Kinh Cầu Đức Bà có bố cục gồm 05 loạt những tước hiệu của Đức Maria. Lời “Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành” nằm trong loạt tước hiệu thứ hai, gọi Đức Maria là “Mẹ – Mater”. Mở đầu là lời cầu “Đức Mẹ Chúa Kitô”. Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu vì Mẹ đã sinh ra Đức Giêsu trong xác phàm, đã lấy tã bọc Hài Nhi và đặt nằm trong máng cỏ[6]. Qua Mẹ, Đấng Emmanuel đã đến và cư ngụ giữa nhân loại[7]. Vì Đức Maria là Mẹ Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Đầu, còn Hội Thánh là chi thể[8], nên Mẹ của Đầu cũng là Mẹ của Thân Thể – “Đức Mẹ là Mẹ Giáo hội”. Nơi hai tước hiệu này, chúng ta đọc thấy được Thiên Chúa đã dành sẵn Mẹ cho công trình cứu độ nhân loại. Khi kêu cầu Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ Giáo hội, chúng ta tôn kính Đức Maria như một thụ tạo hoàn hảo, đã vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa cách trọn vẹn. Và vì thế, Mẹ được thông dự vào nguồn ân sủng của Thiên Chúa: “Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa”. Điều này thể hiện rất rõ trong lời chào của sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Vì Mẹ là đấng đầy ân sủng, là người được Thiên Chúa ở cùng và được dành riêng cho công trình cứu độ, nên từ trước khi được sinh ra, Mẹ đã được gìn giữ khỏi mọi tội lỗi. Do đó, Mẹ “cực thanh cực tịnh, cực tinh cực sạch, tuyền vẹn mọi đàng, chẳng vướng bợn nhơ”. Do vậy, Mẹ thật “rất đáng yêu mến” “cực mầu cực nhiệm”. Một cách hiển nhiên, lời “Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành” như một kết luận về phẩm giá và vai trò của Mẹ trong ý định cứu độ của Thiên Chúa (vai trò này sẽ được làm rõ trong 02 lời cuối của loạt tước hiệu này). Là Mater, Mẹ đã đạt đến được cấp độ tuyệt hảo nhất của việc “chỉ đường”, dạy dỗ: dám hy sinh mọi thứ vì con cái mình.

Hiến chế Lumen Gentium khẳng định Đức Maria thật sự là Mẹ của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Thế; và vì “đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo hội”, nên Mẹ cũng là Mẹ của Giáo hội (số 53). Do đó, Công đồng Vatican II mời gọi các tín hữu nhìn nhận Mẹ như là “thành phần ưu việt”, “mẫu mực và điển hình” và như là “một người Mẹ rất dấu yêu” (số 53). Tuy nhiên, tước vị “Mẹ” ở đây không muốn nói đến quan hệ huyết thống, mà chính Hiến chế cũng đã nói rõ, Mẹ là Mẹ của chúng ta theo hệ trật ân sủng[9]. Do đó, Mẹ sinh ra chúng ta trong ân sủng khi cộng tác với sứ mạng của Đức Giêsu. Điều này không phải do suy đoán mà có được, nhưng chính Đức Giêsu đã muốn và ủy thác trên thập giá[10]. Thánh Luca cũng đã nói đến sự hiện diện của Mẹ Maria ở giữa cộng đoàn Giáo hội tiên khởi[11], như với vai trò người mẹ đối với Hội thánh mới khai sinh, như vai trò của Mẹ lúc Chúa Giêsu giáng sinh[12]. Ân sủng được ban cho con người không chỉ dừng lại nơi biến cố Thập giá, mà còn kéo dài đến ngày cánh chung. Vì vậy, chức vị làm Mẹ của Đức Maria cũng sẽ còn tiếp diễn đến ngày sau hết đó. “Tình mẫu tử này của Đức Maria trong Nhiệm cục ân sủng kéo dài không ngừng, khởi từ sự ưng thuận Mẹ đã trung tín bày tỏ trong cuộc Truyền tin, và chịu đựng cách không do dự dưới chân thập giá, cho tới sự hoàn tất vĩnh viễn của mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi Mẹ được lên trời, nhiệm vụ cứu độ của Mẹ không chấm dứt, nhưng qua việc liên lỉ chuyển cầu của mình, Mẹ tiếp tục đem lại cho chúng ta những hồng ân của ơn cứu độ vĩnh cửu” (Lumen Gentium, số 62).

2- Đức Mẹ là Mẹ chỉ đường…

 Trong tiếng Việt, chữ “đàng” nghĩa là “đường”, và “đàng lành” là “đường lành”. Nhưng, chữ “lành” đó, xét về mặt từ pháp, có thể hiểu được dưới hai nghĩa: “lành” là bản chất của con đường đó, như đường gồ ghề, đường trơn láng,…; nghĩa thứ hai là đường dẫn đến việc nên trọn lành. Nguyên bản tiếng Latin của lời cầu này là “Mater boni consilii”, nghĩa là “Mẹ của những lời khuyên tốt lành”. Như thế, nguyên bản Latin cũng có thể cung cấp hai nét nghĩa như trong bản dịch tiếng Việt. Thiết nghĩ, cả hai nét nghĩa trên đều cần thiết để có thể hiểu được tước hiệu này của Đức Mẹ. Đức Mẹ chính là người mẹ luôn cho ta những lời khuyên, những chỉ dạy hữu ích để chúng ta có thể tiến bước trên con đường nên trọn lành như Thiên Chúa là Đấng trọn lành[13]. Vậy đâu là những lời khuyên, những chỉ dạy hữu ích cho ta nên trọn lành? Người ta không thể cho cái mà họ không có, và Đức Mẹ chỉ có thể dạy chúng ta những gì mà chính Đức Mẹ đã sống.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trình bày: “Đức Trinh Nữ Maria thể hiện cách trọn hảo sự vâng phục của đức tin” (số 148) và tiếp tục khẳng định ở số 149 như sau: “Đức Maria không ngừng tin rằng lời Chúa sẽ được thực hiện. Vì vậy, Hội thánh tôn kính Đức Maria là người đã thể hiện đức tin một cách tinh tuyền nhất”. Như thế, bài học đầu tiên và duy nhất mà Đức Maria để lại cho chúng ta chính là vâng phục trong đức tin. Vì tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, nên Mẹ được chúc phúc hơn mọi người nữ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Tuy nhiên, phúc lành mà Mẹ nhận được không chỉ dừng lại ở việc Mẹ đã tin, nhưng còn đi xa hơn thế. Sau này, khi một người phụ nữ nọ nói với Đức Giêsu: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”, Đức Giêsu đã sửa lại rằng: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Như thế, thêm vào lời của bà Elizabeth, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy, Đức Maria được chúc phúc bởi vì Mẹ đã nghe, đã tin vào và đã tuân giữ lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, có một vấn đề khác xảy ra, đó chính là việc thử thách đức tin. Tác giả thư thánh Giacôbê nhắc nhở: “Đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1,3), vì “ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,13). Chúng ta cũng tìm thấy điểm này nơi Đức Maria. Lời tiên báo của cụ già Simeon: “Này đây, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35) được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhìn nhận là lời truyền tin thứ hai dành cho Đức Maria, sau lời truyền tin của sứ thần[14]. Lời truyền tin thứ nhất là lời truyền tin của niềm vui, nhưng lời thứ hai lại chất chứa sự đau khổ. Và Đức Maria đã đón nhận tất cả. Như vậy, “đàng lành” mà người mẹ trong ân sủng “chỉ bảo” cho chúng ta, đó chính là một đức tin kiên vững và thái độ sẵn sàng đón nhận mọi thử thách. Nhưng “đàng lành” mà người Mẹ này chỉ cho chúng ta có giá trị gì với hòa bình ngày hôm nay, khi cứ mỗi dịp đầu năm, Giáo hội lại hướng lòng lên Mẹ, và qua Mẹ hướng lòng lên Chúa, để cầu xin cho thế giới được hòa bình?

3- Đức Mẹ là Mẹ chỉ đường hòa bình

Đề tài “Hòa bình” là một trong những đề tài xuyên suốt của Kinh Thánh. Từ việc giữ một vai trò quan trọng trong các sứ điệp mặc khải của Cựu Ước, “Hòa bình” đã trở thành nội dung trọng tâm của Tân Ước. Trước hết, trong Cựu Ước, từ ngữ “hòa bình” (tiếng Hípri: Shalom) diễn tả sự yên ổn, hài hòa giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, giữa con người với thế giới vật chất và với chính bản thân con người. Sự yên ổn, hài hòa trong các mối tương quan chính là một cuộc sống bình an. Như thế, “hòa bình” được dùng để biểu thị sự sống theo nghĩa toàn diện, bao gồm sự sống đời này và sự sống đời sau[15]. Sự sống này thường được Cựu Ước mô tả gắn liền với ý niệm “bình an” (trên bình diện nội tâm cá nhân) và “công bình” (trên bình diện xã hội). Sang Tân Ước, “hòa bình” không còn chỉ thuộc bình diện cá nhân hay xã hội nữa. Đi xa hơn, “hòa bình” nằm nơi trọng tâm công trình cứu độ của Đức Giêsu, được đồng nhất với việc Đức Giêsu sẽ cứu dân khỏi tội lỗi[16]. Mặt khác, chính Đức Giêsu là hòa bình[17]. Do vậy, ý niệm “hòa bình” bao hàm “mọi ơn lành” (Dt 13,21) được ban cho con người, để gìn giữ lòng trí con người được vẹn toàn trong Đức Giêsu cho đến ngày cánh chung[18]. Và như thế, “hòa bình” gắn kết với ân sủng.

Đức Maria là Mẹ của chúng ta trong ân sủng, do đó, nơi Mẹ, chúng ta tìm thấy được sự hòa bình đích thực mà Đức Giêsu đã mang đến thế gian này. Do đã nghe, đã tin và đã giữ tất cả những gì Chúa nói với Mẹ nên Mẹ trở nên dấu chỉ để chúng ta noi theo. Đi theo sự “chỉ đường” của Mẹ, chúng ta chắc chắn cũng sẽ được chung hưởng phần phúc hòa bình nơi thiên quốc. Nhưng đâu là gợi ý cụ thể để chúng ta sống chứng tá của sự hòa bình này? Trong các thư của mình, thánh Phaolô liên tục nhắc nhở các giáo đoàn hãy sống hòa thuận với nhau. “Hãy sống hòa thuận với nhau” (1Tx 5,13). “Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa” (2Cr 13,11). “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người” (Rm 12,18). Theo gợi ý của thánh Tông đồ, để đạt được hòa bình thực sự, trước hết và trên hết, mỗi một tín hữu phải nỗ lực xây dựng hòa bình ngay chính trong cộng đoàn của mình. Đó có thể là gia đình, là cộng đoàn giáo xứ, là cộng đoàn tu trì,… Đời sống hòa thuận này là một biểu hiện, một cách thực hành đức ái hữu hiệu nhất. Hòa thuận đòi hỏi người ta phải vượt qua được mọi trở ngại khó khăn (dù là nội tại hay ngoại tại) để đón nhận người khác, cùng với tất cả những yếu đuối và khác biệt nơi họ. Nơi Đức Maria, sự hòa thuận được thể hiện rõ nhất trong sự kiện viếng thăm bà Elizabeth[19]. Trong trình thuật này, thánh Luca đã mô tả thái độ ra đi của Mẹ bằng từ “vội vã”. Edward Sri, một thần học gia giáo dân người Mỹ, khi suy tư về thái độ này, đã đặt ra vấn đề: Liệu rằng, khi vội vã lên đường như thế, Mẹ thực sự không chịu áp lực nào không?[20] Ông chỉ ra rằng, chắc chắn Mẹ phải chịu áp lực. Là một thiếu nữ, chưa về nhà chồng đã mang thai. Là một người bình thường, lại được sứ thần hiện ra báo tin về kế hoạch của Thiên Chúa. Là một thiếu nữ nhà quê, làm sao có thể được khi Mẹ sẽ mang thai Đấng Emmanuel, Đấng Messiah, Đấng toàn dân Do Thái trông chờ bấy lâu nay, Đấng là Con Thiên Chúa? Mẹ sẽ phải dành nhiều thời gian và công sức, cũng như trí lòng để đón nhận sự kiện này. Nhưng thánh Luca lại cho biết, việc Mẹ vội vã đi thăm người chị họ của mình diễn ra ngay sau biến cố truyền tin, tức là Mẹ đi không một chút do dự, không một tính toán, suy nghĩ gì và đầy háo hức. Theo đó, mọi lo toan của Mẹ, Mẹ đã phó dâng cho Chúa, và phó dâng tất cả kể từ khi Mẹ thưa “Xin vâng”. Như thế, sự hòa thuận mà Mẹ xây dựng được bén rễ sâu nơi đức tin trọn vẹn của Mẹ và nơi sự hiện diện của Đức Giêsu ở giữa cuộc gặp gỡ này.

Trong ngày đầu năm mới này, thật thích hợp khi chúng ta hướng lòng về Đức Maria như là người Mẹ luôn sẵn sàng chỉ cho ta con đường tốt lành để có thể kiến tạo được nền hòa bình đích thực cho thế giới, cho cộng đoàn chúng ta đang thuộc về. Cả cuộc đời của Mẹ chỉ để lại cho ta một bài học duy nhất, một cách thế hữu hiệu nhất: tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Vì hằng tin tưởng, phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, nên Mẹ luôn có được sự bình an nơi nội tâm của mình. Thánh Luca đã diễn tả điều này bằng cách dùng lại một công thức quen thuộc trong Cựu Ước: “Thiên Chúa ở cùng”[21]“Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Do có được sự bình an này mà khi đứng trước những gì vượt quá trí hiểu của con người, Mẹ vẫn bình tĩnh, và “hằng suy đi nghĩ lại tất cả những điều đó trong lòng” (Lc 2,51).

Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2019, đã khẳng định: “Trao tặng hòa bình là điều ở trọng tâm sứ mạng các môn đệ của Chúa Kitô”. Vì thế, là một Kitô hữu, là môn đệ của Đức Giêsu, noi gương Mẹ, chúng ta cần phải trao tặng hòa bình cho người khác, tức là trao tặng Đức Giêsu theo cách mà “người Mẹ rất dấu yêu” đã chỉ cho chúng ta.

Vì Mẹ là mẹ chúng con sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ đoàn con; xin cho chúng con cũng biết hy sinh để nâng đỡ nhau trong mọi cảnh huống cuộc đời.

Vì Mẹ là mẹ chúng con hằng thương chỉ dạy bao điều tốt lành; xin cho chúng con cũng biết lắng nghe và học nơi Mẹ bài học đức tin son sắt và kiên tâm.

Vì Mẹ là mẹ chúng con đã vội vã và háo hức mang Đức Giêsu đến với gia đình bà Elizabeth; xin cho chúng con cũng biết sẵn sàng ra đi một cách vui vẻ để đem Đức Giêsu là Thái tử Hòa bình đến muôn nơi.


[1] x. GLHTCG, số 2559
[2] x. GLHTCG, số 2565
[3] x. GLHTCG, số 2683
[4] x. GLHTCG, số 956
[5] x. GLHTCG, số 2674
[6] x. Lc 2,7
[7] x. Ga 1,14
[8] x. Cl 1,18
[9] x. Lumen Gentium, số 61
[10] x. Ga 19,26-27
[11] x. Cv 1,14
[12] x. Bài 63: Mẹ của Hội Thánh, Những bài huấn giáo về Đức Maria (của ĐGH Gioan Phaolô II), L’Osservatore Romano, 1998, Phan Tấn Thành dịch và giới thiệu (1999), tr.239
[13] x. Mt 5,48
[14] x. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, Tập XI: Thần học Đức Tin, NXB. Phương Đông, 2017, tr.193
[15] x. Nicolo M. Loss, Hòa bình theo Kinh Thánh, http://catechesis.net , ngày 28/12/2018
[16] x. Mt 1,21
[17] x. Ep 2,14
[18] x. 1Tx 5,23 ; Pl 4,7
[19] x. Lc 1,39-45
[20] Edward Sri, Advent with Mary: “In Haste”, http://edwardsri.com/2018/12/01/advent-with-mary-in-haste/
[21] x. Xh 3,12 ; Gr 1,8 ; R 2,4

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com