Linh Mục Willie Doyle: “Vị Tử Đạo Của Lòng Bác Ái” Bị Lãng Quên Của Thế Chiến Thứ I

16-11-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1479 lượt xem

Rachel Lanz

Ngày Các Cựu Chiến Binh – Veterans Day – hàng năm được tổ chức vào ngày 11 tháng Mười Một, đánh dấu sự chấm dứt Thế Chiến I. Năm nay, cả thế giới kỷ niệm 100 năm sự kiện này. Nhân dịp này, Woodrow Wilson đã viết cho người Mỹ những lời này: “Chiến tranh cho chúng ta thấy được sức mạnh của các quốc gia khi họ cùng nhau hành động cho những mục đích cao cả”. Đối với cha Willie Doyle, một tu sĩ Dòng Tên người Ireland, người đã phục vụ trong Thế Chiến I với tư cách Tuyên úy cho Sư đoàn Ireland 16, một trong những mục đích cao cả đó là sự cứu rỗi các linh hồn. Sự kiên cường của ngài trong việc dẫn dắt các binh sĩ cả về mặt thể lý và tâm linh đã làm cho ngài trở nên như một anh hùng, và một vị thánh.

Ơn gọi Linh mục

William (Willie) Joseph Gabriel Doyle sinh năm 1873 tại vùng ngoại ô thành phố Dublin, Ireland, lớn lên cùng với sáu anh chị khác; ba người trong số họ đã theo đuổi ơn gọi tu trì, gồm cả Willie.  Cậu được thừa hưởng một nền giáo dục đạo hạnh từ gia đình, nơi đã giúp cậu thấm nhuần tinh thần của sự bác ái xả thân.

Willie và người anh gần nhất, Charlie (người đã giúp Willie chọn con đường tu trì trong Dòng Tên), đã dành nhiều buổi chiều cùng nhau để đánh bóng các đồng xu như mọi trẻ em khác để làm tăng giá trị của những đồng xu này trước khi họ tặng số tiền đó cho người nghèo. Willie viết trong nhật ký của mình rằng, “Thật khó để có thể làm một việc vĩ đại và anh hùng, nhưng tôi có thể biến cuộc sống mình trở nên anh hùng bởi chính sự cố gắng hết mình trong mọi việc, dù nhỏ nhưng đầy lòng tin tưởng”.

Cậu nhận ra được ơn gọi dâng hiến của mình khi đọc quyển sách của thánh Alphongsus Instructions and Considerations on the Religious State, mà cậu được tặng bởi người anh trai Charlie. Sau khi gia nhập Dòng Tên, cậu được truyền chức linh mục năm 1907. Từ đó, cha trở thành một nhà hướng dẫn linh thao nổi tiếng trong Dòng. Vì được giáo dục về lòng thương người từ nhỏ, cha đã dành phần nhiều thời gian để chăm sóc người nghèo và viếng thăm những kẻ dễ bị lãng quên trong xã hội. Ngài thường đồng hành với nhiều công nhân trên con đường đi làm của họ, giảng dạy đời sống ẩn dật và khó khăn cho linh mục và giáo dân, tham gia hướng dẫn linh thao và cha đã cảm hóa được một gái điếm. Tác giả cuốn To Raise the Fallen, một hợp tuyển các lá thư, lời cậu nguyện, bài viết linh thao của cha Willie, đã nhận xét như sau: “Ngài ấy dường như lúc nào cũng có khả năng nối kết với mọi tâm hồn bị tổn thương và xa cách”.

Tuyên úy quân đội

Cho dù rất khao khát được đến truyền giáo tại châu Phi, nhưng khi chiến tranh bùng nổ, ngài đã tự nguyện xin làm tuyên úy quân đội. Cha đã viết về quyết định này của mình như sau: “Chính suy nghĩ bất cứ lúc nào tôi được gọi ra tiền tuyến, có thể tôi sẽ chết, đã khuấy động khao khát mãnh liệt trong tôi để làm tất cả những gì có thể khi tôi vẫn còn sống… Tôi có thể không còn có thể chứng tỏ được tình yêu của tôi dành cho Chúa Giêsu”.  Trong thời gian là một Tuyên úy, ngài đã luôn chu toàn trách nhiệm linh mục của mình, khi phục vụ “những chàng trai dũng cảm đau khổ” bằng việc cử hành Thánh lễ, linh hướng, hỗ trợ các vấn đề y tế và đồng hành như một người bạn thân thiết. Không quan trọng họ là người Công giáo hay Tin lành, khi một người lính bị thương, ngài sẵn sàng mang họ từ những chiến hào đến những nơi an toàn để cấp cứu. Khi biết rằng những người lính đó sẽ không qua khỏi, ngài liền cử hành những bí tích sau cùng, và an táng họ. Chứng kiến những đau đớn thể xác mà những người lính phải gánh chịu từ chiến tranh, ngài đã ước mong được thông phần chịu đựng những khổ đau đó, và được chết như một vị tử đạo.

Ngài hy sinh trong trận đánh ở Ypres vào ngày 16 tháng Tám, năm 1917; và thi hài của ngài bị thất lạc đến hiện nay.  Sau cái chết của cha Doyle, những lá thư và nhật ký ngài viết trong suốt chiến tranh đã được tìm thấy; và tuy ước nguyện của ngài là tiêu hủy chúng, nhưng Văn khố Dòng Tên ở Dublin đã lưu giữ tất cả.  Trong những tác phẩm này, người ta có thể đọc thấy được sức mạnh những lời cầu nguyện của ngài, cũng như thấy được một sự nghiêm khắc đối với bản thân. Từ những dòng đầu tiên trong nhật ký, ngài viết: “Tôi sẽ đón nhận hết mọi biến cố được Chúa Giêsu gửi đến cho tôi và sẽ chịu đựng mọi khổ đau, nóng nực, lạnh lẽo,… với niềm vui như thể đó là sự hy sinh để chuộc lấy những lỗi lầm của các linh mục. Từ ngày hôm nay, trong tinh thần đó, tôi sẽ can đảm cố gắng nhận chịu mọi đau đớn, dù nhỏ nhất.”

Chỉ nội trong 12 năm sau sự hy sinh của cha Willie Doyle, các tu sĩ Dòng Tên đã nhận được hơn 6000 báo cáo về việc chuyển cầu của cha, trong đó hơn 50 trường hợp xảy ra tại Ấn Độ, hơn 70 trường hợp tại châu Phi, hơn 100 trường hợp tại Úc, và khoảng 2000 trường hợp được xác nhận tại mỗi bang của Hoa Kỳ.

Nhân đức rạng ngời của cha Doyle đã trở thành cảm hứng cho nhiều người theo đuổi ơn gọi tận hiến, thậm chí được say mê bởi nhiều vị thánh, như Mẹ Teresa Calcutta và thánh Josemaria Escriva. Chính cuộc đời của ngài là một quyển Tin Mừng sống động về sự kiên nhẫn thánh thiện.

Quốc Trọng lược dịch từ Rachel Lanz, Father Willie Doyle: World War I’s Forgotten ‘Martyr of Charity’, http://www.ncregister.com/daily-news/father-willie-doyle-world-war-is-forgotten-martyr-of-charity

Lời bạt của người dịch

Ngày 11 tháng Mười Một, năm 2018, cả thế giới tổ chức việc kỷ niệm 100 năm ngày chấm dứt Thế Chiến I. Cách riêng với Giáo hội, đây là dịp để Giáo hội đọc lại gương sáng của các vị Linh mục đã sẵn sàng rời khỏi tu viện, khỏi cộng đoàn của mình để đồng hành với các binh sĩ tại trận địa. Ngày nay, khi bối cảnh không còn như trước đây, và khi các Linh mục tuyên úy quân đội không còn phải ra chiến trận nhiều nữa, thì các nhân đức anh hùng của những vị như cha Willie Doyle có ý nghĩa gì? Quả thế, ngài chính là mẫu gương cho các Linh mục trong việc dám bước đến vùng ngoại vi, để đụng chạm đến mọi khổ đau của nhân loại, mà không phân biết tôn giáo, dân tộc,… 1. Với thừa tác vụ Linh mục đã được nhận lãnh, cha đã biến chiến trận, nơi cha phục vụ trong tư cách Tuyên úy, thành Giáo hội của Chúa Giêsu. Đó là một “Giáo hội dã chiến” 2[2], chịu mọi thương tích để đồng hành với các khổ đau của nhân loại.

Đọc lại cuộc đời của cha Doyle, chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn cho các Linh mục, để đang khi nỗ lực thi hành thừa tác vụ thánh của mình, các ngài luôn tràn đầy ơn Chúa.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com