Mục Lục
Scalabrinian Missionaries – S.M.
Dòng truyền giáo thánh Carôlô (Scalabrini) được thành lập năm 1887 bởi Đức cha Gioan Baotixita Scalabrini, Giám mục của Piacenza (Ý). Đây là Hội Dòng truyền giáo của các tu sĩ được mời gọi để rao giảng mầu nhiệm cứu độ cho những người di dân. Hiện nay, Hội Dòng có hơn 700 tu sĩ hiện diện trên 30 quốc gia thuộc tất cả các châu lục.
1. Bối cảnh thành lập Hội Dòng
Hội Dòng truyền giáo thánh Carôlô được thành lập vào cuối năm 1887 với đặc sủng là phục vụ những người di dân Ý tại Châu Mỹ. Sau cuộc Cách mạng công nghiệp vào thế kỉ XIX, lục địa Châu Âu, mà đặc biệt là nước Ý, đã chứng kiến phong trào di dân mạnh mẽ hướng về Châu Mỹ. Từ năm 1876 đến 1925, có hơn 40 triệu người Ý đã rời bỏ đất nước. Hai nước Mỹ và Brazil là những điểm chính đón nhận di dân Ý.
Tại Brazil, di dân Ý phần lớn xuất thân từ miền Bắc. Họ đến Brazil để thay thế cho những nô lệ tại các nông trại. Họ cũng mang theo những truyền thống tôn giáo riêng bên cạnh những truyền thống tôn giáo Brazil, được đánh dấu qua các việc đạo đức bình dân và qua sự đa dạng của các nghi thức và các văn hóa tôn giáo.
2. Sự hình thành Hội Dòng
Bị đánh động bởi tình trạng di dân nơi Giáo phận, cha Scalabrini đã quyết định tìm cách giúp đỡ những người di dân và nâng cao nhận thức của xã hội và Giáo Hội tại Ý thông qua các tài liệu và hội nghị. Ngài đã nghĩ đến việc hỗ trợ cho người di cư trước hết như một công cuộc truyền giáo. Ngài cho rằng việc nâng đỡ đức tin của người di cư cũng cấp bách như việc truyền đạo cho những người không phải Kitô hữu. Chính vì thế, cha Scalabrini đã đích thân đến Rôma để đệ trình với Đức Giáo Hoàng Leo XIII về ý định thành lập một Hội Dòng giúp đỡ người di dân.
Đề nghị này được mau chóng đón nhận. Ngày 28 tháng 11 năm 1887, tại nhà thờ thánh Antonio ở Piacenza, Đức cha Scalabrini nhận lời khấn của ba tu sĩ tiên khởi : Domenico Mantese, Giuseppe Molinari và Domenico Costa.
Sau đó cha soạn thảo các “Quy tắc của Hội Dòng truyền giáo cho các thuộc địa của Ý đặc biệt là ở Châu Mỹ” và được phê duyệt bởi Thánh bộ Truyền giáo ngày 19 tháng 9 năm 1888 với thời gian thử nghiệm 5 năm.
3. Hội Dòng từ năm 1888 đến 1905
Ngày 12 tháng 07 năm 1888, tại nhà thờ Thánh Antonio, Đức cha Scalabrini đã trao Thánh giá truyền giáo cho 10 tu sĩ và gửi họ tới Mỹ và Brazil. Những nhà truyền giáo tiên khởi của Hội Dòng là những Linh mục triều đã nhận lời mời gọi của Đức cha Scalabrini và đã quyết định gia nhập vào công việc mục vụ cho người di dân. Khi Đức cha Scalabrini qua đời, Hội Dòng có khoảng 100 nhà truyền giáo. Tuy thế, số lượng này vẫn không đủ để đáp ứng cho các nhu cầu truyền giáo tại các giáo điểm ở những khu vực địa lý lớn. Bên cạnh đó, còn có một sự đa dạng trong phương thức mục vụ. Một trong những khía cạnh tranh luận nhiều nhất là làm cách nào thực hiện một chương trình mục vụ cụ thể cho những người di dân, trong tiến trình thành lập các giáo xứ và hội nhập với các giáo xứ địa phương.
Sự ủng hộ của các tổ chức tại Ý cho công việc của Đức cha Scalabrini không còn khi ngài qua đời. Tuy thế, các tu sĩ Scalabrini vẫn tiếp tục hoạt động tại các điểm truyền giáo để đáp ứng với nhu cầu của thời đại.
4. Khủng hoảng (1905-1924)
Khi Đức cha Scalabrini qua đời vào năm 1905, có rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết : quy tắc mới vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn cuối cùng của Tòa Thánh.
Dưới sự chỉ đạo của cha Vicentini (1847-1927), người kế vị đầu tiên của Đức cha Scalabrini, do không thấy sự hợp thời của các lời tuyên khấn, vào năm 1908, ngài muốn các thành viên chỉ giữ lời khấn Trung Thành. Rồi cùng với những xáo trộn trong đời sống cộng đoàn và những nhận xét tiêu cực của một số Giám mục, Tòa Thánh đã quyết định đặt Hội Dòng dưới sự quản lý trực tiếp của Hội đồng Hồng Y. Từ năm 1924, các Hồng Y Trưởng của Hội đồng Hồng Y trở thành Bề trên Tổng quyền trên pháp lý của Hội Dòng cho đến năm 1951.
5. Cải tổ (1924-1951)
Dưới sự phụ thuộc vào Hội đồng Hồng Y và sau những tường trình tích cực của Giám mục Raffaello Rossi, Hội Dòng bắt đầu chương trình cải tổ qua sự sàng lọc các thành viên, tập trung vào quản trị và thâu nhận ơn gọi. Năm 1936, bản Hiến pháp mới của Hội Dòng được phổ biến. Các Chủng viện mới được mở tại Mỹ và Brazil, Hội Dòng bắt đầu phát triển.
Tại Châu Âu, Giám mục Costantino Banini đã nhờ các tu sĩ Scalabrini tiếp tục công việc mục vụ giữa những người di dân. Những hoạt động mục vụ đầu tiên được diễn ra tại Pháp năm 1936 và tại Thụy Sĩ năm 1939. Năm 1940, hoạt động mục vụ đầu tiên cũng được tiến hành tại Argentina, nơi mà từ năm 1876 đến năm 1940 đã tiếp nhận gần 3 triệu dân nhập cư Ý. Sau Thế chiến thứ hai, phong trào di dân Ý được phục hồi và hướng đến nhiều quốc gia khác nhau.
Ơn gọi Hội Dòng trong thời gian này gia tăng, nhờ đó Hội Dòng được coi là đã sẵn sàng để lấy lại quyền tự chủ và sẵn sàng đáp ứng cho sự mở rộng của phong trào di dân. Với Tổng công hội năm 1951, Bề trên Tổng quyền trở lại là một tu sĩ Scalabrini.
6. Phạm vi quốc tế của Hội Dòng
Tại Tổng công hội năm 1963, Hội Dòng quyết định mở rộng đối tượng phục vụ, không chỉ cho di dân Ý mà cho tất cả những người di dân nói chung. Cùng thời điểm đó, việc chuẩn bị cho Tổng công hội đặc biệt được khởi động để thích ứng các quy tắc của Hội Dòng với tinh thần của Công Đồng Vatican II. Tổng công hội ban hành nguyên tắc mới, từ nhân tố “quốc gia” qua nhân tố “di dân.” “Thế giới, nơi chúng ta được mời gọi để rao giảng mầu nhiệm Cứu Độ là thế giới của người di dân” (Luật Dòng, số 1).
Việc thay đổi mục tiêu của Hội Dòng, sự đổi mới của Công Đồng Vatican II và sự toàn cầu hóa của phong trào di dân bắt đầu từ những năm 70 ảnh hưởng đến tất cả các châu lục. Hệ quả là khía cạnh quốc tế của Hội Dòng cũng được thay đổi cả trong việc phục vụ người di dân lẫn trong việc thâu nhận ơn gọi. Hội Dòng đã tìm được ơn gọi tại các vùng đất mới của phong trào di dân như Mexicô, Colombia, Bồ Đào Nha, Philippines, Indonesia, Việt Nam, Nam Phi.
Hiện tại, Hội Dòng nhấn mạnh đến việc phục vụ cho những người di dân sống trong sự cùng cực của tình trạng di dân hiện diện tại các vùng ven đô thị, và tại những điểm gần biên giới. Ngoài ra, Hội Dòng cũng thành lập các trung tâm nghiên cứu về di dân, xuất bản các tạp chí chuyên biệt và tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị trên bình diện quốc gia và quốc tế để có thể giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi của người di dân hiệu quả hơn.
Việt Nam hiện nay cũng đã có hơn 30 tu sĩ khấn Dòng đang theo học tại Philippines, Ý, Columbia, và Brazil. Tại Việt Nam hiện nay có 70 ứng sinh, một nửa trong số này đang theo học triết học tại các Học viện khác nhau. Mục vụ cho người di dân đang là một nhu cầu khẩn thiết để giúp chính họ trở nên những nhà truyền giáo cho những người di chuyển.