“Phải chi Thiên Chúa lên tiếng để trực tiếp ngỏ lời với anh. Phải chi Người cho anh được biết bao nhiêu bí ẩn của lẽ khôn ngoan vượt quá tầm hiểu biết của người phàm” (Gióp 11,5-6).
Saviô Quách Đại Dương
“Người trẻ luôn khát khao tìm kiếm một lẽ sống cao thượng và ý nghĩa. Thiên Chúa thấu hiểu điều ấy và Người muốn chỉ cho các bạn trẻ con đường phù hợp với niềm khát vọng của họ.”
Trong tình cảnh tai họa dồn dập giáng xuống mình, ông Gióp đã trở nên tuyệt vọng và nguyền rủa ngay cả ngày ra đời của mình. Thấy thế, ông Xô-pha đã nhắc nhở người bạn của mình về những chiều sâu khôn dò của Thiên Chúa bằng lời lẽ trên.
Câu Kinh Thánh này gợi nên nhiều thắc mắc trong tôi, cũng như ông Gióp từng thắc mắc về dự định của Chúa trên ông xuyên qua những đau khổ và hoạn nạn. Những con đường mà Chúa vạch ra luôn ẩn chứa những huyền nhiệm khó lý giải. Dù con người tự cho mình là khôn ngoan, hiểu biết nhưng vẫn chưa thể nào hiểu thấu chương trình của Chúa. Nếu Chúa muốn tôi hoàn thành ý Chúa trong cuộc sống, vì sao Người vẫn không biểu lộ rõ ràng đường lối của Người dành cho tôi? Chắc hẳn không chỉ tôi, mà cả những người trẻ ngày nay cũng sẽ đặt câu hỏi ấy cho Chúa.
Những thao thức về một lẽ sống đầy ý nghĩa thường đeo bám tâm trí người trẻ. Tôi cũng là một người trẻ, cũng mong muốn kiếm tìm điều thiện hảo và đạt được cuộc sống trọn vẹn như biết bao người trẻ khác. Nỗi trăn trở khôn nguôi ấy phải chăng xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng tạo tác và thấu rõ lòng dạ con người. Tôi luôn ước mong Chúa bày tỏ ý định của Người cho tôi, nhưng đó lại là điều mà Người không bao giờ đáp ứng cách nhanh chóng.
Sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Ơn Gọi lần thứ 55 đã phần nào giải đáp cho những thắc mắc của tôi. Trong thông điệp sâu sắc mà Đức Thánh Cha gửi đến giới trẻ, tôi đọc thấy những chỉ dẫn quý báu về cách thức khám phá thánh ý Chúa với tiến trình ba bước: Lắng nghe tiếng Chúa, Phân định để nhận ra dấu chỉ của Chúa, Chọn lựa sống theo ơn gọi. Với ba khía cạnh trên, tôi nhận thấy mỗi tiến trình là một nấc thang quan trọng để tiến dần đến kho tàng bí nhiệm: Thánh ý Chúa. Trong đó, tôi muốn tập trung đào sâu vào việc lắng nghe tiếng gọi của Chúa, bởi đó là nấc thang đầu tiên và là nền tảng trọng yếu nhất. Khi ta đứng vững trên nấc thang khởi điểm này, ta mới có thể tiến sâu hơn vào những khía cạnh khác.
Tiến trình đầu tiên – Lắng Nghe Tiếng Chúa được đặt trong bối cảnh thế kỷ XXI, thế kỷ của toàn cầu hóa và thời đại của văn minh trí tuệ. Những đột phá lớn từ nền kỹ thuật tiên tiến ngày càng lôi cuốn con người, nhất là lớp trẻ. Nhiều người trẻ dần phụ thuộc vào những thiết bị công nghệ, tiện nghi vật chất. Giữa một xã hội hiện đại đầy đủ như vậy, việc lắng nghe tiếng Chúa gọi dường như trở nên quá khó khăn với các bạn trẻ. Những đam mê choáng chỗ nơi cửa ngõ tâm hồn, khiến cho tiếng Chúa chưa thể lắng đọng trong tâm tưởng và đời sống hằng ngày của họ. Đối diện với những khủng hoảng đức tin nơi giới trẻ, câu hỏi được đặt ra là: Làm cách nào để người trẻ có thể lắng nghe tiếng Chúa giữa xã hội hiện đại ngày nay?
“Bạn hãy tìm kiếm Chúa khi Người còn cho gặp” (Isaia 55,6)
Lời Chúa vẫn luôn vang vọng trong tâm khảm mỗi người, thôi thúc họ tìm về nguồn sống đích thực của mình. Giữa một thế giới mà ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa đang bị lu mờ, người trẻ phải tìm về với Chúa qua việc lắng nghe tiếng Chúa. Vậy làm sao để lắng nghe tiếng gọi của Chúa? Tôi cho rằng từng người trẻ phải tập cách để Chúa ngự trị trong tâm hồn mình trước đã. Khi Chúa có chỗ trong tâm hồn người trẻ thì chắc hẳn tiếng nói của Người cũng sẽ chạm được đến trí lòng của họ.
Để dành cho Chúa một chỗ đứng trong cuộc đời các bạn trẻ không phải điều dễ dàng. Nhiều người trẻ đã tự trói chặt chính mình bằng những sợi dây của lòng ham mê vật chất, lối sống hưởng thụ và óc vụ lợi. Các bạn trẻ ấy khép kín lòng mình với những thực tại thiêng thánh, coi đó là điều chẳng đáng quan tâm tới. Cũng có những người trẻ có lòng nhiệt thành với việc tìm kiếm tiếng Chúa, nhưng sự náo động của xã hội khiến họ bị chia trí và chưa thể bình tâm để lắng nghe tiếng nói êm dịu của Đấng đang ẩn mình trong họ.
Tiếng nói của Thiên Chúa chạm đến những tâm hồn biết rộng mở đón nhận lời Người. Vì thế, nên chăng các bạn trẻ cũng cần loại bỏ những âu lo, bận tâm cá nhân và không để những vướng bận đời sống ảnh hưởng đến khả năng lắng nghe tiếng Chúa? Bên cạnh đó, nên chăng người trẻ cũng cần để tâm hồn mình với một khoảng không cho Chúa, đặt mình vào tâm thế sẵn sàng đón nhận tiếng Chúa và mau mắn đáp lời? Thiên Chúa không thể ngự trị trong một tâm hồn không dành chỗ cho Người.
Những phút giây bên Thánh Thể là khoảng thời gian hữu hiệu để lắng nghe tiếng Chúa. Một khi sống gắn bó với Thánh Thể, người trẻ cũng đi vào tương quan mật thiết với Đấng siêu việt. Tiếng gọi của Chúa dễ được cảm nhận trong khoảng không tĩnh lặng, trong hình bánh thân thuộc và gần gũi với con người. Nhờ mở lòng cho Đấng tạo hóa ngỏ lời, người trẻ dìm mình vào nguồn tình yêu sâu thẳm và để cho Lời Chúa dạy bảo. Qua đó, người trẻ hướng đến việc chọn lựa:
Bước vào tương quan yêu thương với Người, vào trong sự hiện diện khiêm hạ thầm kín, nhưng bao trùm tất cả, và chấp thuận để Người tự do lên tiếng khi nào và cách nào Người muốn, như ‘nước được đem vào đây để hoá thành rượu’ bội hậu trong tiệc cưới Cana, vào chính ‘giờ’ của Chúa (x. Ga 2,1-11).[1]
Kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Chúa giúp người trẻ từng bước mở lòng lắng nghe tiếng Chúa và kín múc ân sủng cần thiết cho đời sống thiêng liêng của mình. Các bạn trẻ có thể học hỏi kinh nghiệm ấy nơi mẫu gương của cha thánh Đa Minh, bởi cha thánh là con người cầu nguyện và là người bạn đồng hành tâm linh của các tín hữu mọi thời. Mỗi khi đối diện trước Đấng cao cả muôn trùng, cha thánh lại bừng cháy lên lửa yêu mến cách mãnh liệt. Cha đắm mình trong cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, đến nỗi “mắt cha nhìn đăm đăm như thể đang đi vào cõi thiên đường, và thình lình, gương mặt cha tỏa sáng niềm hân hoan, vui sướng, mắt đẫm lệ.”[2] Những trải nghiệm phi thường và hình thức cầu nguyện đa dạng của cha thánh Đa Minh sẽ là nguồn trợ lực cho các bạn trẻ trong khoảng thời gian tâm tình với Chúa.
“Thiên Chúa lớn hơn trái tim của chúng ta và Ngài thấu suốt mọi sự.”
(Đức thánh cha Phanxicô)
Những kinh nghiệm từ đời sống thường nhật cũng là cách thức để mỗi người trẻ lắng nghe tiếng Chúa. Trên mọi nẻo đường đời của người trẻ, Chúa luôn trung tín trong việc đồng hành và kề cận với họ. Qua từng biến cố, từng hoàn cảnh ngay giữa cuộc sống thực tại, Chúa bày tỏ ý định của Người cách tiệm tiến và hướng dẫn người trẻ đi theo đường lối mà Người xếp đặt. Từ những trải nghiệm phong phú và khác biệt trong đời sống, người trẻ có thể khám phá ra Chúa mong muốn điều gì nơi họ và chính họ cũng đang mong muốn điều gì nơi bản thân mình.
Tôi từng có một kinh nghiệm về sự thiếu vắng Thiên Chúa, và kinh nghiệm ấy giúp tôi có thể dễ lắng nghe tiếng Chúa hơn. Trong thời gian còn ở lưu xá sinh viên, tôi thường đọc kinh Mân Côi ở nhà nguyện của lưu xá một mình vào buổi tối. Một hôm, tôi nhận thấy điều gì đó khác lạ. Tâm hồn tôi bỗng vô cùng bất an và chơi vơi, đôi mắt như tối lại, như thể một thứ gì đó đang bóp nghẹt tâm trí mình. Lúc đó, tôi không còn cảm nhận bất cứ sự hiện diện nào của Thiên Chúa. Dường như cả triều đình Thiên quốc đã tách rời khỏi tôi và tôi cũng chẳng còn liên quan gì đến họ. Tôi cảm thấy mất đi điều gì đó vô cùng quý giá mà tôi không diễn tả được. Dù giây phút ấy chỉ tồn tại trong khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng tôi sẽ chẳng thể nào quên được giây phút mình xa lìa Thiên Chúa và thiếu vắng ân sủng của Người. Qua biến cố đó, tôi càng thêm bám chặt vào Thiên Chúa và mong mỏi lắng nghe tiếng gọi của Người hơn nữa.
Tiếng Chúa kêu gọi mỗi người thường rất đặc biệt và đôi lúc còn hàm chứa tính chất sứ vụ trong đó. Không phải con người chỉ lắng nghe Chúa nói xong thì để đó, không làm gì cả. Chúa muốn con người lắng nghe Người để hiểu được những gì Người tỏ bày cho họ, và họ cũng phải hành động theo chương trình mà Người vạch ra. Nhờ lắng nghe và thi hành ý Chúa, mỗi người trẻ có thể trở thành men Tin Mừng biến đổi thế giới và làm chứng cho Nước Chúa giữa lòng xã hội. Điều này đòi hỏi một sự dấn thân với lòng tín thác tuyệt đối, nhưng đáng buồn là rất nhiều khi ta lại có một thái độ hờ hững và e ngại. Để khơi gợi lòng can đảm nơi giới trẻ, không gì thích hợp hơn là nhắc lại những lời nhắn nhủ đầy nhiệt tâm của Đức Bênêđictô XVI dành cho các bạn trẻ:
Ðể khám phá dự án cuộc sống có thể làm cho các bạn thực sự hạnh phúc, các bạn hãy lắng nghe Chúa, Ðấng có một dự phóng yêu thương cho mỗi người các bạn. Với lòng tín thác, các bạn hãy hỏi Chúa: “Lạy Chúa, đâu là dự phóng mà Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Cha dành cho cuộc đời của con? Đâu là ý Chúa? Con muốn chu toàn ý Chúa.” Các bạn hãy tin chắc Chúa sẽ trả lời cho các bạn. Các bạn đừng sợ câu trả lời của Chúa! Thiên Chúa lớn hơn trái tim của chúng ta và Ngài thấu suốt mọi sự.[3]
Người trẻ luôn khát khao tìm kiếm một lẽ sống cao thượng và ý
nghĩa. Thiên Chúa thấu hiểu điều ấy và Người muốn chỉ cho các bạn trẻ con đường
phù hợp với niềm khát vọng của họ. Một khi sẵn lòng để Chúa ngỏ lời và thúc đẩy,
các bạn trẻ sẽ ngày càng xác tín về đời sống cao cả của mình. Tôi mong rằng bản
thân tôi và các bạn trẻ luôn dám mạo hiểm, dám chấp nhận để cho tình yêu Thiên
Chúa biến đổi chính mình, chấp nhận mà không cần biết rõ tình yêu ấy đưa chúng
ta đến nơi đâu, bởi gió muốn thổi đâu thì thổi, người ta có thể lắng nghe thấy
tiếng, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu (x.
Ga 3, 8).
[1] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, S.S.S., “Ý nghĩa
thần học và linh đạo của việc tôn thờ Thánh Thể.” Truy cập ngày 27-11-2018, http://www.simonhoadalat.com/
HOCHOI/BiTich/ThanhThe/08ViecTonThoTT.htm.
[2] Michael Monshau, O.P., Hành trình tâm linh với thánh Đa Minh (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2014) tr. 74.
[3] Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 25, năm 2010.