[Tóm lược GLHTCG, các số 2586-2589, 2596-2597]
1. Các Thánh Vịnh là những lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa trong Cựu Ước và trong Tân Ước [1596-97].
2. Thánh Vịnh được đánh số theo hai cách: bản Hípri và bản Hylạp – Vulgata. Sách Phụng vụ Giờ kinh theo cách đánh số của bản Hylạp – Vulgata kèm số của bản Hípri trong ngoặc đơn.(*)
3. Sách Thánh Vịnh là Sách Thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng, tập hợp 150 Thánh vịnh, được phân chia thành 5 tập nhỏ, “trong đó Lời của Thiên Chúa trở thành lời cầu nguyện của con người”. Sách Thánh Vịnh còn được gọi là “Những lời ngợi ca” [2585,2587].
4. Thánh Vịnh được dân Chúa dùng cầu nguyện vào những ngày lễ lớn (Vượt qua, Ngũ tuần, Lều, Xá tội, Cung hiến Đền thờ) tại Giêrusalem và mỗi ngày Sabát trong các hội đường (ở Palestin và khắp nơi trên thế giới) [2586].
5. Lời cầu nguyện của các Thánh Vịnh vừa mang đặc tính cá nhân, vừa đang đặc tính cộng đoàn. Hai yếu tố này không thể tách rời [2586,2596].
6. Dựa vào mục đích và nội dung của lời cầu nguyện, các Thánh Vịnh có thể được phân chia thành 13 chủ đề như sau:
- Thánh vịnh Khẩn nài: Tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng thương xót và xin Người ra tay cứu thoát mọi hiểm nguy. (6,7,13,25-26,35-38-39,42-44,51,69,70-71,74,77,79-80,86,88, 90,102,109,119,130,137,140-143).(**)
- Thánh vịnh tán tụng: Ngợi khen, tán tụng Chúa vì công trình tạo dựng, quan phòng, cứu độ của Người. (8,19,33,65,92,113,117,138,146-150).
- Thánh vịnh tạ ơn: Tạ ơn Chúa vì những ơn lành Người ban, thường trong khung cảnh phụng tự. (18,22,30,32,34,40-41,66,103,107,116,118).
- Thánh vịnh dựa trên một sấm ngôn: Nhắc lại một sấm ngôn (Lời Chúa), cũng thường trong khung cảnh phụng tự. (3,20,54,56-57,60 [108], 85).
- Thánh vịnh mừng vua lên ngôi: Gợi nhớ lời hứa về vị Vua Cứu Thế sẽ lên ngôi. (2,21,45,101,110,72,89).
- Thánh vịnh mừng Đức Chúa hiển trị: Hướng đến vương quyền của Thiên Chúa, là Chủ tể vũ trụ, Đấng dẫn dắt dân Người. (24,29,47,68,93,96-99).
- Thánh vịnh mừng Xion: Tượng trưng việc muôn dân tiến lên Núi Thánh vào thời cánh chung, được hát vào dịp lễ Lều. (46,48,76,87,132).
- Thánh vịnh hành hương: Diễn tả niềm vui của khách hành hương lên Đền Thờ. (15,84,91,122).
- Thánh vịnh lên Đền: Gồm 15 Thánh Vịnh liền nhau mô tả các chặng hành hương lên Giêrusalem, sâu xa hơn Thánh vịnh hướng đến 4 cấp độ “đi lên” – đi lên Giêrusalem, đi lên khỏi đất Ai Cập, đi lên khỏi đất lưu đày, đi lên thời cánh chung (120-134).
- Thánh vịnh cầu xin phúc lành: Xin Đức Chúa chúc phúc cho dân riêng và cho mỗi cá nhân. (67,144).
- Thánh vịnh nói về giao ước: Nhắc nhớ những đòi buộc của cam kết giữa Đức Chúa và dân riêng, nhắc nhớ sự tín trung, được hát vào dịp lễ Lều. (1,37,50,78,81,105,111,112,114,135-136,145).
- Thánh vịnh nguyền rủa: Trách cứ hành động gian ác, bất công của kẻ vô đạo hoặc cảnh giác để dân đừng theo đường vô đạo, bất chính ấy. (9-12,14[53],28,52,59,62,64,75,82-83,94).
- Thánh vịnh “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”: Nhắc nhớ Thiên Chúa luôn ở giữa dân Người, ngay cả trong những hoàn cảnh thử thách nhất. (4.5,16,23,27,31,36,49,61,73,139).
7. Cầu nguyện bằng Thánh Vịnh có ý nghĩa lớn lao đối với dân Chúa thời Cựu Ước: giúp họ nhớ lại những biến cố cứu độ Thiên Chúa thực hiện trong quá khứ và tin tưởng vào lời hứa của Người, đồng thời củng cố niềm chờ mong Đấng Mêsia đến để làm cho lời hứa của Thiên Chúa được hoàn tất [2586].
8. Các Thánh Vịnh có mối liên hệ với Đức Kitô, vì chính Người đã cầu nguyện bằng Thánh Vịnh và làm cho những lời của Thánh Vịnh được hoàn tất nơi Người [2596].
9. Các Thánh vịnh chiếm phần lớn trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, là kinh nguyện công khai của Hội thánh [2596,1174-75].
10. Để kín múc được ý nghĩa và hiệu quả của việc cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh, tín hữu đọc Thánh Vịnh dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và luôn quy chiếu vào mầu nhiệm Đức Kitô [2586-87].
11. Lời cầu nguyện của các Thánh vịnh luôn mang tâm tình ca ngợi. Sách Thánh vịnh được kết thúc với lời hát: “Hallelu-Yah – Hãy ngợi khen Chúa” [2589].
(*) Bảng đối chiếu số Thánh Vịnh giữa bản Hípri và bản Hy Lạp:
Hípri | 1-8 | 9-10 | 11-113 | 114-115 | 116 | 117-146 | 147 (1-11 ; 12-20) | 148-150 |
Hy Lạp | 1-8 | 9 (1-21 ; 22-39) | 10-112 | 113 (1-8 ; 9-26) | 114-115 | 116-145 | 146-147 | 148-150 |
(**) Số theo bản Hípri.
Tìm hiểu PHẦN THỨ BỐN: “KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO” CỦA SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, Xem thêm các bài khác => ở đây