“Tình yêu mãnh liệt như sự chết, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể” (Dc 8,6-8).
Phêrô Nguyễn Thiện Chí__________
Hẳn là đã rất nhiều lần chúng ta nói về tình yêu và hơn một lần cảm nghiệm được tình yêu. Yêu và được yêu là nhu cầu cốt lõi, là khát vọng sâu xa nhất của con người. Tình yêu thì bao la, huyền nhiệm mà con người thì hữu hạn mong manh. Trước khi chúng ta sinh ra, tình yêu đã có, khi chúng ta chết đi, tình yêu vẫn trường tồn. Tình yêu làm cho con người vốn tầm thường trở nên cao cả và vĩ đại. Đối với người Kitô hữu, tình yêu làm nên phẩm giá của nhân vị vì con người mang hình ảnh Thiên Chúa nhờ biết yêu thương và cội nguồn của tình yêu là Thiên Chúa. Các thánh là những sứ giả của tình yêu, nói lời tình yêu và sống đời yêu thương. Hơn ai hết, các ngài đã dành trọn cuộc đời để sống trọn vẹn “ơn gọi tình yêu” đúng nghĩa và làm chứng cho một Tình Yêu trọn hảo. Các ngài thật như những giọt nước long lanh, đẹp đẽ phản chiếu chân thực tình yêu Thiên Chúa.
Một trong những vị thánh nói về tình yêu nhiều nhất là thánh Gioan Tông Đồ. Quả thế, tình yêu là tư tưởng xuyên suốt trong các tác phẩm cũng như cuộc sống của ngài. Ngài là một người rất đặc biệt trong nhóm Mười Hai vì diễm phúc được Chúa mặc khải những mầu nhiệm cao siêu và được mệnh danh là vị Tông Đồ của tình yêu. Ngài cũng là người đầu tiên đưa ra “định nghĩa” “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8, 16). Để hiểu, để biết và để cảm nghiệm rõ hơn về tình yêu, căn tính cốt lõi của người Kitô giáo, chúng ta hãy tìm về cuộc đời của thánh Gioan qua các tác phẩm của ngài.
Thánh Gioan sinh tại Galilê, là con của ông Giêbêđê, một ngư phủ ở Bếtsaiđa hay Caphanaum trên biển hồ Tibêria thuộc miền Bắc nước Israel. Mẹ của ngài là bà Salômê, có thể là chị em với Đức Maria. Ngài cùng với anh trai của mình là Giacôbê, thuộc số những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu. Thánh Gioan cũng chính là tác giả sách Tin Mừng thứ tư, nhưng điều đặc biệt là trong Tin Mừng của ngài viết chưa một lần ngài dùng tên của mình. Ngài đã giấu tên để tránh nói trực tiếp về mình bằng cách xưng hô “người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến” (Ga 13,23; 19, 26; 20,2). Có lẽ chúng ta không khỏi thắc mắc, có ai mà không được Chúa yêu? Sao ngài lại đặt cho mình danh xưng như thế? Còn các tông đồ khác thì sao, lẽ nào các vị ấy lại không được Đức Giêsu yêu mến. Thánh Phê-rô đã được Đức Giêsu chất vấn đến ba lần với cùng một câu hỏi: “Con có yêu mến thầy không?” Và lần lượt thánh nhân đã tuyên xưng lòng yêu mến với Thầy mình một cách xác tín mạnh mẽ. “Lạy Thầy, Thầy thông biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Theo lẽ thường, người ta khi yêu cũng mang tâm thức như thế. Họ thường hỏi người bạn đời “anh/em có yêu em/anh không?” Tương tự cũng được biểu hiện trong tình cảm bố mẹ, con cái. Đó là một thực tế dễ thấy, một điều không quá khó để hiểu. Chúng ta dám khẳng định rằng Đức Giêsu cũng rất yêu Phêrô cũng như các môn đệ khác, không loại trừ cả Giuda Ítcariốt – người phản bội Chúa. Bởi thế mà Ngài đã giao phó cho Phêrô những trọng trách cao trọng và nặng nề “con hãy chăm sóc chiên con và chiên mẹ của Thầy”. Nếu không yêu, không quí và không tin tưởng thì làm sao Chúa lại trao phó cho sứ mạng lớn lao như vậy? Quả vậy, Đức Giêsu yêu thương hết mọi người đến nỗi đã tự hiến thân mình làm giá chuộc tội nhân loại. Đó là chân lí vĩnh cửu mà Ngài đã tỏ hiển, không ai có thể nghi ngờ hay phủ nhận. Quay lại với danh xưng “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến”, chúng ta có thể hiểu như thế nào? Thực ra cũng có nhiều ý kiến đặt vấn đề về việc xác định người môn đệ Chúa yêu là ai và cho rằng có sự khác nhau giữa “người môn đệ Chúa yêu” trong Tin Mừng thứ tư với thánh Gioan Tông Đồ trong Tin Mừng Nhất Lãm. Tuy nhiên, chúng ta có quyền loại suy và tin rằng “người môn đệ ấy” chắc chắn phải là một vị Tông Đồ, vì dựa vào các sách Tin Mừng Nhất Lãm chúng ta thấy chỉ có các Tông Đồ mới có mặt trong bữa Tiệc Ly. Và theo cách diễn tả của Gioan, người môn đệ đó thuộc nhóm ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu. Môn đệ đó không phải là Phêrô, vì Phêrô được nhắc đến ở gần bên người môn đệ đó nhiều lần (Ga 13,23-24; 20,2-4,6,8-10; 21,20-23). Môn đệ đó cũng không phải là Giacôbê vì ngài đã chịu tử đạo vào năm 44 (x Cv 12,2), còn môn đệ đó thì được biết đã sống lâu hơn (theo Ga 21,20-23). Như vậy, chúng ta dám khẳng định mạnh mẽ “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” đó chính là tông đồ Gioan.[1] Ở đây chúng ta có thể tin rằng việc thánh Gioan được Đức Giêsu đặc biệt thương mến như cách nói của Tin Mừng thứ tư vì sự trong trắng, nhạy bén, nhiệt tâm và thành tín của ngài. Thánh nhân là người đã theo sát Chúa từ những ngày đầu Đức Giêsu khởi sự rao giảng Nước Thiên Chúa cho đến lúc bị đóng đinh trên cây thập giá, chịu chết và phục sinh. Thuộc nhóm các môn đệ thân tín nhất, thánh Gioan hiện diện với Đức Giêsu một cách gần gũi, thân tình, được chứng kiến nhiều điều lạ và các biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời của Thầy. Phải chăng danh xưng “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến” mà ngài sử dụng không hẳn là một sự tự hào cho bằng đó là lời tuyên xưng đầy lòng khiêm hạ sâu thẳm của thánh Gioan nhờ đã thấy, đã tin và đã cảm nghiệm được tình yêu của Đức Giêsu. Thánh nhân đã cảm nếm được sự quảng đại và tình yêu bao la, nhiệm lạ của Thầy mình theo từng năm tháng sống với Thầy. Nhận mình là “Người được Chúa yêu” là vì đã được thứ tha nhiều và muốn được yêu Chúa nhiều hơn. Chúng ta hãy cùng nhìn lại con đường ơn gọi theo Đức Kitô của thánh Gioan để thấy được sự biến đổi sâu xa, tận sâu trong tâm hồn của ngài nhờ sức mạnh của tình yêu.
Hành trình ơn gọi của thánh Gioan trải dài với nhiều điều thú vị, có cả những yếu đuối và chiến đấu với những cám dỗ. Ngài được Thầy Giêsu gọi khi đang vá lưới với cha trên thuyền. Lập tức ông đã bỏ thuyền, bỏ người cha yêu quí lại mà đi theo Người (Mt 4, 21). Đó thật sự là một sự nhạy bén và dứt khoát đáng ngưỡng mộ trước tiếng Chúa mời gọi mà những môn đệ của Đức Kitô phải có. Bước vào hành trình theo Chúa, Gioan cũng mang theo trọn bản tính yếu hèn, thô kệch của một người ngư phủ ít học. Là một ngư phủ chất phác nhưng cũng cực nóng tính, đã bực tức và phản ứng mạnh mẽ khi có người ngoài nhóm trừ quỷ nhân danh Thầy Giêsu (Mc 9, 38). Có lần cùng với Thầy và các môn đệ khác trên đường lên Giê-ru-sa-lem, khi đi qua một làng Samaria, không được dân làng tiếp đón nên Gioan và Giacôbê đã rất tức giận và đề nghị với Thầy cho khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy họ, nhưng đã bị Đức Giêsu quở mắng (x. Lc 9,54). Có lẽ vì thế mà Đức Giêsu đặt tên cho hai ông là Bo-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi cũng dễ hiểu (x. Mc 3,17).
Ngoài ra, cũng như bao môn đệ khác, người thanh niên Gioan theo Chúa vẫn còn với động lực rất con người, tầm thường và trần tục. Người cũng bị nhiều cám dỗ, tham vọng quyền lực và địa vị trần gian khi ôm mộng theo Thầy Giêsu. Như bao người, ông mang ý niệm Thầy mình là Đấng Mêsia, một vị anh hùng được Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Ông mong mỏi ngày Thầy lên ngôi tái lập vương quyền, trị vì đất nước thành một siêu cường hùng mạnh. Gioan và Giacôbê đã xin cùng thầy cho hai anh em được ngồi hai bên tả hữu của Thầy khi Thầy được vinh quang. Điều này gây nên sự xáo trộn, các môn đệ khác tỏ ra tức tối với hai ông ( Mt 20, 21; Mc 10, 37). Hẳn là Đức Giêsu đã rất buồn với sự nông nổi, tâm hồn hẹp hòi, trí khôn yếu kém của các ông, nhưng Ngài vẫn chấp nhận giới hạn và kiên nhẫn yêu mến họ cách đặc biệt. Có những lúc Đức Giêsu đã thẳng thắn quở trách các ông nặng lời, nhưng hầu như Ngài đã kiềm lòng để nhẹ nhàng dạy dỗ, hướng dẫn cho các ông hiểu. Như một người bạn, Ngài đã ân cần chia sẻ, tâm sự hòa đồng với các môn đệ để ngày một biến đổi nhận thức và tâm hồn của họ. Gioan được cho là người trẻ nhất trong nhóm Mười Hai, lúc theo Chúa cũng mới trạc tuổi đôi mươi. Đức Giêsu biết rằng Gioan cần được nâng đỡ và quan tâm nhiều hơn. Ngài cho ông được vào số các môn đệ thân tín (Mc 5,37; 9,2;14,33) để ông có cơ hội được cảm nếm tình yêu và khám phá chân dung đích thực của Thầy qua những biến cố. Chúa đã cho Gioan và Phêrô được chứng kiến phép lạ làm cho con gái ông Zairô sống lại. Cùng với Giacôbê và Phêrô, thánh Gioan được theo Chúa lên núi biến hình chiêm ngưỡng vinh quang, sống giờ phút ngất ngây khi Chúa hiển dung (x. Mt 16,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36 ) và được thông chia, hiệp thông giây phút sầu khổ, cô quạnh nhất của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu ( Mt 26, 36- 42 ). Chắc chắn với tâm hồn nhạy bén, Gioan có thể dễ dàng cảm nhận được tình thương đặc biệt Thầy dành cho mình. Lời dạy của Đức Giêsu ngày một sáng tỏ và tình yêu của Ngài đã chạm đến tận sâu tâm hồn của Gioan. Trải qua từng biến cố ghi đậm ý nghĩa sâu sắc vào tâm hồn, Gioan đã dần ý thức được những đòi hỏi trên con đường hẹp theo Chúa. Người thanh niên trẻ Gioan không ngừng được lớn lên trong Đức tin, trưởng thành trong sự hiểu biết và sâu sắc trong tình yêu. Chúng ta có thể nhận thấy sự biến đổi mạnh mẽ nơi con người của ngài. Ngài trở nên dịu dàng, điềm tĩnh không còn nông nổi, nóng nảy như trước nhờ thủ đắc tinh thần hiền hậu, khiêm nhường từ Thầy. Ngài học được đức ái chân thật để cảm nếm được sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã được hạnh phúc tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly (x. Ga 13, 23. 25; 21, 20). Đó quả là một ân huệ lớn lao, một phần thưởng tuyệt vời Chúa dành cho Gioan. Cảm nghiệm về đặc ân trọng đại này, thánh Augustinô đã nói: “Từ trong lồng ngực Chúa, Gioan đã tìm thấy nguồn suối ban cho chúng ta thứ nước không còn khát và sự hiểu biết”. Linh mục Ôrigiênê kết luận: “Chỉ có con người được dựa vào ngực Chúa và được Chúa trao cho Mẹ Maria mới có thể hiểu” mọi bí nhiệm của Thiên Chúa.
Lòng can đảm của Gioan cũng được biến đổi một cách kì lạ. Trong khi các môn đệ khác đã kinh hãi chạy trốn vì thấy Thầy bị quân lính vây bắt, thì Gioan đã cùng Phêrô vào dinh thượng tế (Ga 18,15), và cuối cùng chỉ còn một mình Gioan theo sát Đức Giêsu trên con đường thương khó tới đồi Gôngôtha. Ông đã nhìn thấy tận mắt mũi giáo đâm cạnh sườn Thầy khiến máu và nước chảy ra (Ga 19,35). Gioan đã đứng gần bên Thầy giữa cảnh tang thương, bạo lực đẫm máu, hận thù khích báng nhạo cười (Ga19,26-27). Ôi còn gì đâu nữa? Thầy đã chết, anh em cũng tan đàn xe nghé. Hoài mộng tiêu tan. Bao năm tháng theo miệt mài Thầy giờ còn lại gì ngoài một tâm hồn đang tan vỡ, thất vọng? Chắc rằng Gioan thật sự xúc động và khó hiểu. Một sự nghi ngờ bao trùm mà không ai có thể mở ngỏ giúp ông. Tưởng chừng như giữa biển đời tối tăm, lòng người xốn xang mọi thứ đã tiêu tan, không còn chút ánh sáng hi vọng nào nữa và phải trở về điểm ban đầu xuất phát. Nhưng không, tình yêu vẫn còn đó, vẫn không ngừng lớn lên trong lòng người, vươn cao giữa trời và sẽ mãi trường tồn bất diệt. Nhờ tình yêu được nếm cảm sau bao năm tháng ở cùng Thầy, đã vực lại tâm hồn của Gioan, để giờ đây người môn đồ đứng đó dưới chân Thập giá chiêm ngắm Thầy trong phó thác và tin tưởng. Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh khiến môn đồ trẻ Gioan bước đi không sợ hãi. Đúng như lời ngài đã viết “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,17-18). Có thể niềm dù tin chưa thật sự vững mạnh, nhưng Gioan đã bước đi trong sự dẫn bước của tình yêu đã được ươm mầm trong tâm hồn ông và luôn thôi thúc mãnh liệt. Trước cái chết đau đớn của Thầy, bao nhiêu kỉ niệm đẹp đẽ, đầy ắp yêu thương của những ngày tháng sống với Thầy và anh em nay ùa về làm ông không khỏi nấc nghẹn trong lòng. Ông chỉ có thể hiểu đó là tình yêu. Tình yêu mà Thầy đã sống và hằng truyền dạy. Gioan xứng đáng với những đặc ân cao quí Chúa Giêsu dành cho. Dưới chân Thập Giá, thánh Gioan hạnh phúc lớn lao khi được Chúa Giêsu trao ngài cho Đức Maria và trối Ðức Mẹ cho ngài: “Ðây là con của Bà” và “này là Mẹ của anh”( Ga 20, 27 ). Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Đây là giây phút ghi dấu đậm sâu nhất trong cuộc đời Gioan. Thật khó để diễn tả rõ nét được cung bậc cảm xúc của thánh nhân lúc này. Một cảm xúc nghẹn ngào, xúc động tột đỉnh. Ngài đã đón nhận di nguyện của Thầy trong sự thinh lặng của chiều sâu nội tâm bao trùm. Trong giây phút linh thiêng, nghẹn lòng đó, thánh Gioan đi sâu vào mầu nhiệm cứu độ và chứa đựng mặc khải cao siêu.
Tin Mừng không nói rõ thêm về diễn tiến cuộc sống của thánh Gioan và Đức Maria những ngày sau đó nhưng chúng ta có thể xác tín rằng thánh nhân đã luôn ở bên cạnh chăm sóc cho Mẹ, cùng Mẹ suy ngẫm mầu nhiệm thương khó và sống tâm tình chờ đợi ngày Chúa Phục Sinh như Người đã hứa. Các Tông Đồ cũng đã tìm gặp lại nhau và hầu hết họ đều đang hoang mang, sợ hãi, tụ họp lại với nhau để cầu nguyện. Thánh Gioan đã được hân hạnh thông báo cho thánh Phêrô biết Chúa đã phục sinh vào buổi sáng Chúa Giêsu sống lại (Ga 20, 1-10). Cùng với Phêrô, ông đã hốt hoảng chạy đến mộ lúc sáng sớm khi nghe Maria Mácđala báo tin người ta lấy mất xác Thầy. Nhưng khi đi vào trong mộ, thấy các băng vải quấn xác Thầy còn để đó, và khăn che đầu được cuốn lại và xếp gọn một bên, Gioan được ơn soi sáng để hiểu ngay Thầy đã trỗi dậy. Ông “đã thấy và đã tin” Thầy mình đã được Thiên Chúa cho sống lại. Ông đã tin dù lần ấy ông chưa được gặp Thầy. Đến đây, có thể khẳng định cặp mắt đức tin của ông đã được mở ra trọn vẹn, không còn nghi ngờ gì nữa. Những lời Thầy hứa đã đang được ứng nghiệm. Từ đó, cuộc đời của ông tràn ngập ánh bình minh của ngày Phục Sinh. Tuy nhiên, cuộc sống của ông vẫn bình lặng với công việc thường ngày với các tông đồ khác. Có lần Đức Giêsu đã hiện ra gặp lại các ông ở Biển Hồ quen thuộc. Qua một đêm trắng tay, họ bắt một mẻ cá lớn bất ngờ. Chính Gioan cũng là trước tiên nhận ra Thầy và nói với Phêrô: Chúa đó! (Ga 21, 2, 7).
Thánh Gioan không được phúc chịu tử đạo như các Tông Đồ khác. Chúa muốn ngài làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa bằng lời nói và viết ra thành sách để mọi người biết cho rằng mọi điều được viết là xác thực (Ga 21,24). Sau khi được ánh sáng Chúa Kitô Phục sinh chiếu soi và sức mạnh Thánh Linh biến đổi, cuộc đời của ngài hằng đắm chìm trong chiêm niệm về Thiên Chúa, về Đức Kitô, về tình yêu bất diệt. Ngoài sách Tin Mừng thứ tư, ngài được cho là tác giả của ba thánh thư và sách Khải Huyền. Đó là những kho tàng chứa đựng chân lí mặc khải nhiệm mầu. Chúng ta có thể cảm nhận được sự nhẹ nhàng nhưng đầy sâu sắc, xác quyết khi đọc Tin Mừng và các tác phẩm của ngài. Chúa đã đặt vào môi miệng Gioan những lời lẽ đơn sơ nhưng mang nhiều ý nghĩa sắc bén, cao siêu. Thánh nhân được ví với biểu tượng chim phượng hoàng vì các tác phẩm của ngài chứa đựng những hình ảnh, suy tư cao vời, sâu sắc. Qua thánh Gioan, Chúa đã mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm Ngôi Lời và những mầu nhiệm cao siêu khác. Thánh Gioan được đặt làm bổn mạng các văn sĩ và người cầm viết. Cách riêng, gia đình Thỉnh viện Đa Minh cũng vinh hạnh được nhận ngài làm bổn mạng. Qua bao thế hệ, ngài là đấng bảo trợ đắc lực, là vị quan thầy gần gũi, đáng mến của mỗi anh em thỉnh sinh. Là những người con, người học học trò của thánh Gioan, chúng ta được mời gọi học biết và noi theo mẫu gương sống tình yêu của ngài.
Thánh Gioan đã làm chứng cho chúng ta bằng một đời sống liên kết mật thiết với Thiên Chúa. Ngài đã chia sẻ kinh nghiệm phong phú về tình yêu, về những giá trị chân lí cao siêu để chúng ta cũng được thông hiệp với ngài trong Đức Kitô. Con đường thánh Gioan đã đi được rập theo khuôn mẫu con đường của Chúa Giêsu là con đường tình yêu, hi sinh phục vụ. Đó cũng chính là con đường của mỗi người chúng ta phải bước tới để được hưởng vinh phúc muôn đời. Chỉ có con đường Giêsu mới dẫn ta vượt qua sự chết đạt tới ơn cứu độ. Liệu rằng chúng ta đã thấy, đã tin và can đảm tuyên xưng để sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay? Chúng ta phải sống thế nào để có thể mạnh mẽ như thánh Gioan đã tuyên xưng mình là người môn đệ Chúa yêu?
* * *
Lạy Chúa, động lực ơn gọi của chúng con cũng đầy những toan tính, vụ lợi, hám danh trọng quyền. Hành trình theo Chúa không thiếu những cám dỗ, yếu hèn, lắm lúc làm chúng con sa ngã, tuyệt vọng, bất tín bất trung. Xin Chúa biến đổi chúng con, thánh hóa chúng con vượt thoát khỏi những ham muốn tầm thường để vươn mình hướng theo lý tưởng cao cả. Như thánh Gioan khi xưa, xin cho chúng con luôn biết sống thân tình với Chúa, để được cảm nếm sự dịu ngọt của Chúa và ở lại trong tình yêu của Ngài. Xin giúp chúng con biết noi gương thánh Gioan quan thầy, khiêm tốn đón nhận giới hạn và ý thức sự mong manh của mình để luôn trông cậy vào lòng thương xót của Chúa. Xin thương mở lòng soi trí để chúng con biết say mê học hỏi, luôn khao khát kiếm tìm chân lí, nhờ đó chúng con được giải thoát và thấu hiểu những chân lí cao siêu mà thánh nhân đã truyền lại. Amen.
[1] Dẫn nhập Tin Mừng theo thánh Gioan – Kinh Thánh Tân Ước (TGP. TP HCM 1994), tr 386