Nguyễn Thế Truyền, O.P.
1. Thai nhi trong dạ mẹ: Chân phước Jordano1 kể lại trong Libellus2 rằng, khi mang thai, thân mẫu Joanna Aza đã mơ thấy hình ảnh con chó ngậm bó đuốc chạy khắp nơi chiếu sáng cả thế giới. Câu chuyện giấc mơ được kể lại như để khẳng định SỨ VỤ của cha Đa Minh đã được Thiên Chúa dự liệu từ trước khi ngài còn trong lòng mẹ.
2. Đứa trẻ ra đời và được đặt tên (khoảng 1171-73): Thân mẫu Joanna Aza, khi đang mang thai thánh Đa Minh, đã đến tu viện của Dòng Biển Đức, tại Silos cách Caleruega 20km, để cầu xin thánh Domingo, vị thánh Dòng Biển Đức chúc phúc. Đứa trẻ ra đời là một PHÚC LÀNH của Thiên Chúa. Và để ghi nhớ công ơn với vị thánh đã chúc lành cho mẹ tròn con vuông, bà mẹ đã lấy tên Domingo (tiếng Tây Ban Nha) mà đặt cho con. Dominicus (Latin), Dominique (Pháp), Dominic (Anh).
3. Thời thơ ấu (6 năm): Đa Minh được lớn lên và được giáo dục trong nếp sống đức tin của một gia đình đạo hạnh.3 Lâu đài của dòng họ Guzman nằm ngay sau nhà thờ, vì vậy Đa Minh từ rất sớm đã tham gia vào những việc đạo đức của giáo xứ. Đặc biệt, Đa Minh học được từ gương sáng của người mẹ thánh thiện LÒNG THƯƠNG CẢM đối với con người. Cậu bé Đa Minh thường hay giúp mẹ phân phát bánh ăn cho những người nghèo trong vùng.
4. Thời niên thiếu và trưởng thành (14 năm): Bắt đầu đến tuổi khôn, Đa Minh đã được gửi đến Palencia để học với cậu là linh mục Gumiel. Sau đó thầy Đa Minh được huấn luyện đầy đủ và bài bản về mọi lãnh vực tri thức thời bấy giờ: ngôn ngữ, khoa học, nghệ thuật, triết học, thần học tại đại học Palencia. Những năm tháng học hành ở Palencia đã hình thành nơi cha Đa Minh niềm đam mê HỌC HÀNH. Sau này khi có cơ hội gặp gỡ những người lạc giáo, cha Đa Minh xác tín hơn rằng việc học hỏi, cách riêng học hỏi thánh khoa sẽ đưa đến tri thức chân thật về Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp ích cho sứ vụ giảng thuyết. Chính kinh nghiệm và từ xác tín này, cha Đa Minh đã truyền đưa việc học trở thành một trong những yếu tố làm nên đời sống tu trì của Dòng Giảng Thuyết.
5. Linh mục và Kinh sĩ của Giáo phận Osma (9 năm): Đang khi còn theo học tại Palencia, thầy Đa Minh đã rất nổi tiếng về lòng thương người, một đức tính khi còn nhỏ ngài đã hấp thụ từ thân mẫu. Nghe biết danh tiếng của Đa Minh ở Palencia, giám mục Giáo phận Osma đã truyền gọi ngài về nhà thờ chính toà, làm linh mục và gia nhập Kinh sĩ đoàn (1196). Trong vai trò là kinh sĩ và rồi phó bề trên của Kinh sĩ đoàn (1201), cha Đa Minh đã biết đến tu luật thánh Âu Tinh. Nếp sống CỘNG ĐOÀN theo tu luật Âu Tinh và tinh thần CHIÊM NIỆM của truyền thống đan tu đã dần dần thấm nhuần tinh thần cha Đa Minh.
6. Phụ tá giám mục Diego giáo phận Osma trong tư cách nhà giảng thuyết (4 năm):
– Hành trình lần thứ nhất (1203). Cha Đa Minh tháp tùng giám mục Diego đi Đan Mạch để cầu hôn công chúa Đan Mạch cho hoàng tử xứ Castil (Tây Ban Nha). Khi đi ngang qua miền Nam nước Pháp, cha Đa Minh đã có dịp gặp gỡ những người lạc giáo Cathar. Tại một quán trọ ở Toulouse, sau cuộc trao đổi suốt đêm với người chủ quán theo lạc giáo, cha Đa Minh nhận thức nhiệm vụ GIẢNG THUYẾT ngay trong Giáo hội cho những người lạc giáo là rất cấp thiết.
– Hành trình lần thứ hai (1205-1206). Giám mục Diego và cha Đa Minh đã không thành công trong công vụ dân sự, có thể công chúa từ chối kết hôn hoặc đã qua đời, nhưng bù lại, các vị có nhiều thời gian hơn để đến Rôma gặp Đức Giáo Hoàng Innocente. Sau đó, các ngài cũng có dịp quan sát và tham gia công việc giảng thuyết của một số đan sĩ Xitô, được Đức giáo hoàng uỷ thác nhiệm vụ đưa những người lạc giáo Cathar trở lại đức tin. Qua những dịp gặp gỡ với những người lạc giáo tại vùng Albi (miền Nam nước Pháp), cha Đa Minh đi đến ý tưởng rằng, giảng thuyết không thuần tuý là thực hiện một công tác được Toà thánh uỷ thác, hơn nữa đó phải là nếp sống tu trì: NẾP SỐNG GIẢNG THUYẾT theo gương các Tông đồ – VITA APOSTOLICA.
7. Nhà giảng thuyết lưu động tại Carcassonne (10 năm): Môi trường giảng thuyết đầy hiểm nguy tại miền Nam nước Pháp đã tôi luyện cha Đa Minh thành một NHÀ GIẢNG THUYẾT thực thụ. Thời gian đầu cha Đa Minh giảng thuyết với vai trò phụ tá của giám mục Diego. Năm 1207, giám mục qua đời, cha Đa Minh một mình hoạt động khắp vùng Carcassonne. Cha thường cư ngụ trong một ngôi nhà tại Fanjeaux cách Prouilhe khoảng 2km, và giảng thuyết khắp vùng. Những yếu tố của nếp sống giảng thuyết ngày càng rõ hơn nơi chính con người cha Đa Minh, nhờ đó cha có thể hoạch định và tổ chức cho cộng đoàn giảng thuyết được thiết lập về sau.
8. Phụ tá của đức cha Foulques – giám mục Toulouse (2 năm): Cảm hứng chia sẻ đặc sủng và nếp sống giảng thuyết cho một tập thể: ANH EM GIẢNG THUYẾT đã thành hiện thực. Với sự hỗ trợ của giám mục Toulouse, mùa Xuân 1215, những anh em đầu tiên khấn trong tay cha Đa Minh. Các anh em cam kết: sống chung, khó nghèo, khiêm tốn, lữ hành và giảng thuyết đạo lý. Đời sống giảng thuyết của Anh Em Giảng Thuyết còn được sự hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của các ĐAN SĨ CHIÊM NIỆM mà cha Đa Minh đã thành lập trước đó tại Prouilhe (1206).
9. Tổ phụ của Dòng Anh Em Giảng Thuyết
Nhân chuyến tháp tùng giám mục Toulouse dự Công đồng Lateranô IV, cha Đa Minh đã xin Đức Giáo hoàng Innocente III ban sắc chỉ nhìn nhận cộng đoàn anh em giảng thuyết, để sự thiết lập được vững bền hơn và sứ vụ được mở rộng hơn. Điều kiện để có được sự nhìn nhận này là cha Đa Minh và anh em phải nhận một bản tu luật có sẵn. Với nếp sống đan tu anh em đang theo đuổi, việc nhận Tu luật Augustinô sẽ là thích hợp nhất.
Những sắc chỉ đầu tiên của Đức Giáo hoàng Hônôriô III, kế nhiệm Đức Innocente III4, nhìn nhận Dòng Anh Em Giảng Thuyết.
– Sắc chỉ thứ nhất, tựa đề Regiliosam vitam – Đời sống tu trì (22/12/1216) nhìn nhận cộng đoàn các anh em của cha Đa Minh như một CỘNG ĐOÀN TU TRÌ, sống theo TU LUẬT AUGUSTINÔ.
– Sắc chỉ thứ hai, tựa đề Gratiarum omnium (largitori) – Tạ ơn (Đấng ban) muôn ơn lành (21/1/1217) nhìn nhận Cộng đoàn tu trì của cha Đa Minh với danh hiệu “Anh em Giảng thuyết”, từ đó mà Dòng mang tên là ORDO FRATRUM PRAEDICATORUM. Chính tên gọi nói lên căn tính của Dòng: GIẢNG THUYẾT, một nhiệm vụ mà vào thời đó chỉ dành riêng cho giám mục.
Những sắc chỉ trên đây của Đức Thánh Cha, và còn 38 sắc chỉ tiếp sau đó, nhìn nhận cha Đa Minh không những là tổ phụ của Dòng Giảng Thuyết, mà còn là người khai sinh ra một linh đạo tu trì mới trong Giáo hội: CHIÊM NIỆM VÀ GIẢNG THUYẾT. Thánh Tôma Aquinô sau này đã đúc kết linh đạo Dòng thành châm ngôn: “Contemplari et contemplata aliis tradere – chiêm niệm và trao cho người khác điều mình chiêm niệm.”
Với sự bảo trợ và giới thiệu của Đức Thánh Cha, cha Đa Minh đã có thể mạnh dạn mở rộng sự hiện diện của Dòng bằng cách thiết lập các Cộng đoàn Anh em, các Đan viện, các Trung tâm Học hành của Dòng ở các thành phố Toulouse, Paris, Madrid, Bologna, Roma, v.v..
Ngày 15.8.2017 đã đi vào lịch sử của Dòng, cha Đa Minh đã sai 16 anh em đến các thành phố lớn với nhiệm vụ “học hành, giảng thuyết và lập tu viện.”
10. Vị thánh hằng chuyển cầu : Vào giờ lâm chung (6.8.1221), cha khiêm tốn xin được chôn trong nhà nguyện dưới chân anh em, bằng cách đó cha có thể hiện diện và chúc phúc cho anh em. “Anh em đừng than khóc nữa. Cha ra đi sẽ sinh ích cho anh em hơn.” Lời trăn trối của Cha là SPEM MIRAM – NIỀM HY VỌNG LẠ LÙNG và sống động nâng đỡ sự tồn tại và phát triển của Dòng trong suốt 800 năm qua. Trong truyền thống Phụng vụ, thánh Đa Minh, nhà giảng thuyết khiếm tốn, được Hội thánh ưu ái kêu cầu với tước hiệu LUMEN ECCLESIAE – ÁNH SÁNG GIÁO HỘI. 5