Con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). Nhờ vậy, con người có một lý trí và lương tâm để nhận biết tốt, xấu và phân biệt đúng, sai. Cứ quan sát cách họ sống, cách họ đối thoại với Thiên Chúa, với mọi người xung quanh và các tạo vật, ta sẽ nhận rõ điều này. Có thể thấy rằng, cách chúng ta hành xử và bày tỏ quan điểm trong đối thoại là điều rất quan trọng; bởi lẽ khi đưa ra quan điểm hoặc quyết định, đôi khi ta thường có sự nhầm lẫn và bối rối giữa lý trí và con tim. Lẽ thường, nếu dung hoà được cả hai yếu tố trên đời sống của chúng ta sẽ rất thanh thoát. Bởi chưng, lý trí giúp ta phân định, con tim giúp ta nói lên tiếng nói của tình người. Người có tri thức sẽ biết khéo léo trong giao tiếp, cách riêng là trong đối thoại.
Hành xử tốt
Ta thường nghe nói rằng nhân cách và phẩm giá là thước đo giá trị con người. Trong cuộc sống và giao tiếp thường ngày, người ta có thể lượng giá được phẩm chất của người đang đối thoại với mình, trong đó bao gồm cả tri thức, kỹ năng, đức độ,… và cả chiều sâu tâm hồn nữa.
Thật vậy, sự hiểu biết cũng giúp nâng cao nhận thức của con người, và giúp ta ý thức được những hành vi cử chỉ, thái độ, ngôn từ và cảm xúc của mình trong cách ứng xử khi giao tiếp. Bên cạnh đó, sự hiểu biết còn giúp ta ý thức được vị trí của ta trong xã hội, người đối diện ta là ai, lớn hơn hay nhỏ hơn ta, để cư xử sao cho phù hợp. Do đó, hiểu đúng cách sẽ giúp hành xử đúng, ứng xử khéo léo, đối thoại, nhận thức vấn đề đúng đắn, biết cách trình bày ý kiến đúng lúc, đúng thời điểm; bày tỏ quan điểm một cách khiêm tốn, tôn trọng đối phương, biết ứng xử và giải quyết những vấn đề cách hòa nhã, tránh gây ra những xung đột, hiểu lầm làm mất lòng và mất đi tình liên đới. Chính vì vậy, sự hiểu biết rất quan trọng và hữu ích trong giao tiếp xã hội, trong môi trường tập thể, đặc biệt là trong đời sống tu trì.
Hiểu đúng, ứng xử tốt
Việc phân biệt đúng, sai trước một vấn đề nào đó thực sự không dễ, bởi lẽ điều này chịu ảnh hưởng nhiều bởi kiến thức, quan điểm, văn hóa mà mỗi người thủ đắc được. Ở những góc nhìn khác nhau, mỗi người sẽ bày tỏ quan điểm và ý kiến của mình cách khác nhau. Chẳng hạn, câu chuyện về số 6 và số 9, một người đứng ở đầu bên này nói số 6 và khẳng định số 6 là đúng, còn người phía ngược lại bảo số 9 và khẳng định số 9 là đúng. Ai cũng bảo vệ quan điểm và tin chắc rằng mình là đúng và cho đối phương là sai, nhưng khi hoán đổi vị trí cho nhau thì kết quả lại khác.
Trong cuộc sống, ta không thể quy cho một ai đó là sai và tự tin rằng mình đúng và là người đang nắm giữ chân lý. Mỗi người có cách tiếp thu kiến thức, học hỏi và quan sát những hiện tượng, sự vật ở môi trường và điều kiện khác nhau, trừ phi những sự vật, hiện tượng đó được mọi người công nhận đúng. Cho nên, cần có sự hiểu biết và cách ứng xử chuẩn mực trong giao tiếp. Hiểu biết giúp ta ứng xử khéo léo, lịch thiệp, khiêm tốn và tôn trọng người đối diện khi bày tỏ quan điểm. Ngược lại, khi thiếu hiểu biết, cách hành xử cũng dễ trở nên thô bạo, bảo thủ, có thể dẫn đến thái độ lấn át người khác để lấy cái đúng cho mình. Trong hoàn cảnh như thế, cuộc đối thoại sẽ không hiệu quả, thậm chí gây mất lòng và làm gián đoạn mối quan hệ giữa người với người.
Chính vì vậy, hiểu và ứng xử tốt trong tranh luận, đối thoại, giao tiếp giúp ta xây dựng nhiều mối quan hệ tốt đẹp, học hỏi nhiều từ người khác, hiểu rõ năng lực bản thân và khiêm tốn trong cuộc sống.
Hành xử chuẩn mực trong đời tu
Có thể nói, đời sống thánh hiến là một nếp sống đẹp mà Thiên Chúa đã trao ban cách đặc biệt cho một số người. Nơi đây, mọi người có cùng một niềm tin, một ý hướng, một mục đích, cùng chung sống, học tập và làm việc với nhau. Nơi đây, mọi người được đối xử bình đẳng và có chung một khung đào tạo dù mặt bằng kiến thức, trình độ mỗi người mỗi khác.
Thực tế cho thấy, trong đời sống tu trì, đối thoại giúp truy tìm chân lý và giúp phá tan những hiểu lầm hoặc xích mích. Sống dưới mái nhà của tình yêu thương và hiệp nhất, với nền học thức và đào tạo có nề nếp, kỷ cương, cùng những phương thức tu trì chuẩn mực, người tu sĩ dễ dàng hơn trong đối thoại và ứng xử. Nếu một tu sĩ thấu hiểu và ứng xử cách hòa nhã, khiêm tốn khi bày tỏ quan điểm, sẽ giúp ích cho mọi người, đồng thời tạo được bầu khí vui tươi, thánh thiện trong đời sống tu trì.
Ngược lại, nếu một người tu sĩ bảo thủ, luôn cho mình là đúng thì phần nào đó sẽ ảnh hưởng đến bầu khí chung, làm mất đi tính hiệp nhất và sự thánh thiện của nếp sống đời tu. Chính vì vậy, đời tu cần có một sự hiểu biết, thấu hiểu để ta sống yêu thương, biết cách ứng xử khéo léo, khôn ngoan nhằm xây dựng tình huynh đệ hiệp nhất trong đời sống cộng đoàn.
Xem thêm: Trí và cách đối nhân xử thế trong cộng đoàn tu trì
Tạm kết
Là con người, mỗi chúng ta luôn khao khát tìm kiếm sự thật, mong phân biệt đúng sai cách rõ ràng. Nhưng thực tế cho thấy, cách duy nhất để an vui và hạnh phúc là học cách chấp nhận, thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Câu chuyện ai đúng, ai sai là điều muôn thuở xưa nay, vì bản tính con người là đi tìm câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề họ gặp phải. Nếu bạn luôn khẳng định bản thân đúng và muốn người khác đồng ý với những quan niệm, niềm tin của bạn; nhưng ngay chính bạn còn không thể thay đổi những điều bản thân nghĩ và tin, thì lý do gì mà bạn muốn người khác thay đổi? Mỗi người sẽ giữ cho mình một niềm xác tín khác nhau, và điều bạn cần làm để hạnh phúc và bình yên trong tâm hồn đó chính là chấp nhận. Hãy chấp nhận nhược điểm và những điều khác biệt với những người xung quanh.
Giuse Trương Tuấn Nghĩa