[Tóm lược GLHTCG 2568-84; 2592-95]
1. Trong Vườn, Thiên Chúa cất tiếng hỏi Ađam: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con ẩn trốn.” (x. St 3,9-10). Bất tuân Thiên Chúa, con người đánh mất tình trạng ân sủng của mình [x. 339, 53]. Dù con người sợ hãi và ẩn trốn, Thiên Chúa vẫn đi bước trước kêu gọi con người nối kết lại mối hiệp thông với Người [x. 2567; xt. 410, 55].
2. Khởi đầu công trình tạo dựng, cầu nguyện đã diễn ra như cuộc đối thoại để tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Bắt đầu từ Nguyên tổ, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người đã liên tục diễn ra [x. 2568-69; xt. 55-64]. Đặc biệt lịch sử cứu độ của Dân Chúa đã để lại chúng ta những khuôn mẫu của cuộc đối thoại này – được xem như là những khuôn mẫu cầu nguyện của Cựu Ước, trong đó hai hành động đối ứng liên tục diễn ra: Thiên Chúa kêu gọi và mạc khải, con người lắng nghe và đáp trả [x. 2570-84].
3. Con người tìm kiếm Thiên Chúa bằng lý trí để hiểu biết Người và khao khát bằng con tim để hiệp thông với Người. Vì thế, trong cầu nguyện, con người hành động theo bản tính của mình: vừa lý lẽ, mặc cả, than trách, giận dỗi, sám hối, van xin Thiên Chúa, vừa thờ lạy, cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Người.
Đối lại, Cựu Ước cũng mô tả Thiên Chúa cũng thường hành động như con người để đối thoại với con người. Thiên Chúa cũng lý lẽ, khuyên nhủ, chỉ dạy, răn đe, đánh phạt, nhưng trên hết là khoan dung, chúc lành và thương xót con người.
4. [2570-72] Ông Ápraham là khuôn mẫu đầu tiên của cầu nguyện được mạc khải trong Cựu Ước. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, ông Ápraham đã để cho “sự lắng nghe của con tim quyết định tuân theo Thiên Chúa.” Hoàn toàn tin tưởng, phó thác cho Thiên Chúa, ông ra đi mà không biết đâu là Đất hứa sẽ được ban cho ông làm gia nghiệp (Hr 11,8) và đâu là Phúc lành của một dân đông đúc, khi ông đã bảy mươi lăm tuổi mà không có con (x. St 12,1-4). Cầu nguyện của Ápraham diễn tả trước hết bằng thinh lặng lắng nghe, bằng suy phục hành động, và sau nữa, bằng những lời than thở kín đáo khi đức tin đối diện với thử thách (x. St 15,3). Thiên Chúa, Đấng trung tín đã thực hiện lời hứa của Người. Ông Ápraham đã được gọi là “cha của mọi kẻ tin” (Rm 4,11); lời cầu nguyện của ông là “lời cầu nguyện của đức tin.” .
5. [2574-77] Thiên Chúa gặp gỡ ông Môsê ở giữa bụi gai đang cháy. Người mạc khải cho ông biết Thánh Danh của Người là Đấng Hằng Sống, và kêu gọi ông trở thành vị trung gian: vừa chuyển đạt lời Thiên Chúa cho dân, vừa khẩn cầu cho dân trước Thánh Nhan Thiên Chúa. Ông Môsê đã đàm đạo lâu dài với Thiên Chúa ở giữa bụi gai. Và cả sau này nữa, mỗi khi lên núi cầu nguyện, ông Môsê “nói chuyện” thường xuyên và lâu giờ với Thiên Chúa, kể cả “mặt giáp mặt như hai người bạn” (Xh 33,11). Cầu nguyện của ông Môsê đã trở thành “khuôn mẫu của cầu nguyện chiêm niệm” [2076]. Nhờ sống thân mật với Thiên Chúa, ông Môsê đã kín múc được sức mạnh và sự kiên trì để chuyển cầu cho dân trong tư cách là “vị trung gian” [2077]. Gắn với sự mạng của ông, lời cầu nguyện của Môsê được gọi là “lời cầu nguyện của vị trung gian”.
6. [2578-80] Được Thiên Chúa xức dầu, vua Đavít trở thành mục tử hướng dẫn toàn dân phụng thờ Thiên Chúa, và chính vua cũng có sứ mạng cầu nguyện cho toàn dân. Trong vai trò mục tử của dân, vua Đavít đã lo liệu để Đền thờ Giêrusalem, ngôi nhà cầu nguyện của toàn dân, sẽ được xây cất. Hơn nữa, các Thánh vịnh – lời cầu nguyện của toàn dân, vẫn thường được gán cho vua Đavít là tác giả, nhằm nói lên vai trò mục tử của nhà vua: vừa dẫn dắt dân thánh, vừa nhân danh toàn dân mà cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Đavít được gọi là “lời cầu nguyện của vị vua” – vị mục tử .
7. [2581-84] Ngôn sứ Êlia, và các ngôn sứ khác, được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi để dạy dỗ dân biết thờ phượng Thiên Chúa bằng sự hoán cải tâm hồn và kiên tâm trông đợi ơn cứu độ. Ẩn mình riêng với Thiên Chúa, các ngôn sứ học biết lòng thương xót của Người và tìm được sức mạnh cho sứ vụ của mình. Cách thức cầu nguyện ẩn kín của các ngôn sứ không phải là sự chạy trốn một dân bất trung, nhưng là “lắng nghe Lời Thiên Chúa, đôi khi tranh luận hoặc than thở với Chúa”, luôn luôn chuyển cầu cho dân biết mong chờ ơn cứu độ và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón nhận Đấng Cứu Thế. Lời cầu nguyện của các ngôn sứ gắn liền với sự hoán cải tâm hồn nhờ Lời Chúa.
Tìm hiểu PHẦN THỨ BỐN: “KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO” CỦA SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, Xem thêm các bài khác => ở đây