Welcome to the Real Life!

03-08-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1853 lượt xem

Một vài cảm nhận của các Anh em Thỉnh sinh phục vụ tại Tổng hội Biên Hoà 2019

Phiên họp cuối cùng kết thúc. Cha Tổng quyền mời các “nghị phụ” bước vào phòng họp khoáng đại để các nghị huynh cùng ngỏ lời cảm ơn. Những tràng pháo tay giòn giã của các nghị huynh đã đứng lên với cả sự trân trọng, anh em đi giữa sự nồng nhiệt đầy cảm động! [Video và lời bình từ FB Đa Minh Việt Nam]

“Khi được sống tình huynh đệ này giữa lòng Tổng hội, chúng tôi như được tham dự vào sứ vụ chung của Dòng, và tuy chưa phải là thành viên chính thức, chúng tôi cũng được cơ hội đắp xi-măng cho ‘the real life’.”

Chiều thứ Tư, ngày 31/7/2019, ngũ sắc linh kỳ của Tổng hội Dòng Anh em Giảng thuyết – Biên Hòa 2019 đã được hạ xuống. Điều đó có nghĩa, chỉ trong ít ngày nữa thôi, Tổng hội sẽ bế mạc và một trang sử mới của Dòng sẽ mở ra. Hơn 800 năm, lần đầu tiên, Tổng hội của Dòng được tổ chức tại Việt Nam. Do đó, mọi thành phần trong Tỉnh dòng Việt Nam cũng được dịp trải nghiệm cái đầu tiên ấy trong dòng lịch sử 8 thế kỷ của Dòng. Một số anh em Thỉnh sinh cũng đến Tổng hội để chia sẻ trải nghiệm này.

Khi vừa đến Tòa Giám mục Xuân Lộc, một nghị huynh từ Tỉnh dòng Argentina đã chào đón chúng tôi: “Welcome to the real life!” Cha nói tiếp: “No pray, just play!” Thật phi lý! Vì rõ ràng, từ khi Tổng hội khai mạc, mỗi ngày, người nào cũng phải cầu nguyện, và dĩ nhiên, các nghị huynh phải dồn sức làm việc. Nhưng rồi, dần dần, anh em chúng tôi cũng phải thừa nhận, điều cha nói là đúng. Tuy nhiên, cái đúng ở đây không thể hiểu theo nghĩa mặt chữ được. Mỗi ngày, mọi người đều cần và phải cầu nguyện. Mỗi ngày, ai ai cũng phải làm việc, dù đó là nghị huynh hay “nghị phụ”. Và mỗi ngày, không một ai lại không chơi đùa. Ồ! Xem ra, việc vui chơi không thể thiếu trong chương trình “nghị sự” của mọi người. Chương trình làm việc của các vị không gói gọn trong những giây phút nghiêm túc, căng thẳng của các cuộc họp. Các vị làm việc cả ngày. Sáng và chiều, các vị ở trong phòng họp. Buổi tối, các vị ở ngoài sân, với lon bia, với bàn bi lắc, với tiếng cười sảng khoái, với lắm những câu chuyện xàm. “Xàm” nhất định là từ thích hợp nhất để gọi các câu chuyện ban tối của các vị. Buổi tối, khi đã ở ngoài phòng họp, các vị không nói chuyện công việc, nhưng nói đủ thứ trên đời. “Xàm” đấy, nhưng thực tế chẳng xàm chút nào. Chúng tôi nhận ra rằng, các nghị huynh nhóm họp trong Tổng hội không phải để làm việc, nhưng để sống sự hiệp thông huynh đệ và làm chứng cho sự hiệp thông ấy. Vì vậy, dù là xàm, thì những câu chuyện đó, những giờ phút giải lao đó đều mang giá trị của tình huynh đệ. Chủ đề về tình huynh đệ liên tục được đề cập đến trong các bài giảng lễ hằng ngày của các nghị huynh, trong các bản tin vắn của Tổng hội, và nhất là trong cách mọi người gặp gỡ nhau. Đời sống hiệp thông huynh đệ trước hết và trên hết phải khởi đi từ sự gặp gỡ. Làm việc là một kiểu gặp gỡ, và vui chơi cũng là một kiểu gặp gỡ. Với chúng tôi, “the real life” được thể hiện trước hết nơi sự gặp gỡ đặc biệt đó. Không quan trọng ở việc “pray” hay “play”, vì mỗi hoạt động trong Tổng hội đều quy hướng về một điều duy nhất này: “The fraternal communion” – Sự hiệp thông huynh đệ.

Sự hiệp thông này như một năng lượng nội tại thúc đẩy mọi người vượt qua nhiều trở ngại, nhất là rào cản ngôn ngữ, để gặp gỡ và trò chuyện với nhau. Một số anh Học viện đùa vui rằng: “Nói chuyện với các nghị huynh chẳng thấy lên miệng, toàn thấy lên tay”. Không diễn đạt được bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay Tây Ban Nha thì lại dùng tay mà “múa”. Sau tất cả, mọi người vẫn hiểu và đùa vui với nhau. Vượt qua rào cản ngôn ngữ là một chuyện, nhưng vượt qua sự mặc cảm, tự ti, e ngại là điều quan trọng hơn cả. Một cha đến từ Tỉnh dòng Colombia chia sẻ rằng: “Anh em đừng ngại. Trước đây, khi Giám tỉnh nói tôi sang Paris học, tôi đã ngần ngại, vì châu Âu không giống Mỹ Latin, và tôi thì thật sự chưa biết nhiều tiếng Pháp hay tiếng Anh. Tôi từng sợ sẽ không ăn được, không ngủ được. Nhưng rồi tôi vẫn đi, sau 4 năm, và nhờ 4 năm đó, tôi ở đây và gặp được anh em”. Chúng tôi hiểu rằng, lo sợ hay e ngại trước những điều mới mẻ là chuyện bình thường. Nếu chấp nhận và an phận với điều ấy thì đời mình cũng bình thường, chẳng có gì hơn, đôi khi lại hóa ra tầm thường. Chính chúng tôi cũng đọc thấy những cảm nhận này trong các bài viết về sứ vụ hè của anh em, khi anh em chia sẻ về “the real life” nơi vùng đất Tây Nguyên. Mỗi anh em đã học được cách vượt qua điều bình thường ấy và đón nhận được nhiều điều ý nghĩa cho đời tu của mình.

Khi được sai đến để phục vụ tại Tổng hội, một số anh em rất háo hức vì có thể được gặp, và được giao tiếp với các nghị huynh ở các Tỉnh dòng khác. Nhưng giờ đây, khi nhìn lại quãng thời gian tròn trèm hai tuần, chúng tôi nhận thấy rằng, việc được hiện diện trong biến cố lịch sử của Dòng làm cho chúng tôi thấy thật hạnh phúc. Nhưng niềm hạnh phúc ấy sẽ chẳng nên tròn đầy nếu thiếu đi những giây phút được sống và làm việc với các anh ở Học viện. Như chúng tôi đã nói ở trên, sự hiệp thông huynh đệ như thể nằm ở trọng tâm nội dung làm việc của Tổng hội. Chúng tôi – các “nghị phụ” việc – bằng chính các công việc của “service team” và bằng sự tương giao giữa thế hệ các anh với thế hệ các em, đã tô điểm thêm cho bức tranh về đời sống huynh đệ của Dòng. Đây quả là những giờ phút quý báu. Rất hiếm khi chúng tôi có được cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Giống như các nghị huynh, các “nghị phụ” cũng có những thời gian nghiêm túc – là lúc anh em chia sẻ với nhau nỗi vui buồn trong đời tu – và cả những khoảnh khắc cho những câu chuyện xàm. Mặt khác, khi được sống tình huynh đệ này giữa lòng Tổng hội, chúng tôi như được tham dự vào sứ vụ chung của Dòng, và tuy chưa phải là thành viên chính thức, chúng tôi cũng được cơ hội đắp xi-măng cho “the real life”.

Nhưng rồi cuối cùng, tất cả những điều đó có ý nghĩa gì với chúng tôi? Chỉ là tình tương thân tương ái của anh em với nhau thôi sao? Tổng hội rồi sẽ kết thúc, các nghị huynh sang tuần cũng phải về với Tỉnh dòng của họ, Thỉnh sinh thì về Thỉnh viện, các anh sinh viên thì về Học viện. Điều gì còn đọng lại trong chúng tôi? Và “the real life” cuối cùng là gì? Trong bài phỏng vấn mới nhất đăng trên trang op.org[1], khi được hỏi “Điều gì làm cha hạnh phúc nhất trong những ngày này?”, cha Gerard Timoner, OP., tân Tổng quyền nói: “Nhờ ân sủng của Chúa, tôi được trải nghiệm niềm vui đó [niềm vui của Tin Mừng], khi nhận ra sự hiện diện của Người, được biểu lộ nơi vòng tay huynh đệ, sự ủng hộ và tình yêu của các anh em đang hiện diện tại Việt Nam; lời cầu nguyện và những lời tốt đẹp từ anh chị em trên toàn thế giới, gồm cả gia đình tôi”. Lời chia sẻ này giúp chúng tôi khám phá ra rằng, điều còn đọng lại nơi ký ức lịch sử này không phải là tình huynh đệ, mà là niềm vui của tình huynh đệ.

Đức Giêsu nói: “Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20). Do đó, niềm vui của tình huynh đệ chính là niềm vui của Tin Mừng, niềm vui vì có Chúa cùng hiện diện. Chính cha Gerard Timoner, OP. cũng đã khẳng định: “Tất cả anh em là sự biểu lộ cụ thể nhất về Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Quả thật, tất cả các nghị huynh, tất cả các “nghị phụ” đã biểu lộ rất rõ nét sự hiện diện của Đức Giêsu. “The real life” chính là như vậy, được sống trong tình huynh đệ với nhau và với Anh Cả Giêsu.

Viết từ Tổng hội Biên Hòa 2019, ngày 02 tháng 8 năm 2019
Máctinô Quách Đình Quốc Trọng

[1] www. op.org To be Dominic

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com