[ĐMX 71] Vị Bảo Trợ Thứ Hai Của Dòng

21-07-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3316 lượt xem

Phêrô Nguyễn Chí Quốc

Dòng Giảng Thuyết coi thánh nữ Maria Mađalêna là vị bảo trợ thứ hai Dòng. Họ nhận thấy có một mối liên hệ giữa sứ vụ của bà và của Dòng.

Mỗi cá nhân hay tổ chức Công giáo đều nhận một vị thánh nào đó làm bổn mạng để noi theo đời sống và xin ơn phụ trợ của các Ngài. Cũng vậy, Dòng Đa Minh cũng nhận Đức Trinh nữ Maria là vị Bảo trợ cho Dòng. Nhưng có một điều khá là thú vị đó là Dòng còn nhận thêm thánh nữ Maria Magđalêna làm vị Bảo trợ thứ hai cho mình. Nếu chỉ chọn Đức Maria thì đó là việc xưa nay chẳng hiếm, thế mà ở đây một hội dòng nam lại chọn một vị thánh nữ xem ra ít có sự liên hệ với Dòng làm bổn mạng. Một điều lạ nữa, đó là Dòng Đa Minh vốn có tiếng là học hành thế mà lại chọn một vị thánh khi còn sống chỉ đơn giản là đi theo Chúa, chẳng có lấy một tư tưởng, tác phẩm nào cho đời, thậm chí một phát biểu nào đó làm châm ngôn cho đời sau suy ngẫm cũng không! Vậy thì, thánh nữ Maria Mađalêna có điều gì đặc biệt để tín hữu nói chung và Dòng Đa Minh nói riêng nhận làm bổn mạng? Cuộc đời của thánh nữ có liên hệ gì đến nếp sống và linh đạo của Dòng?

Tông Đồ Của Các Tông Đồ

Trước hết, ta cần tìm hiểu Maria Mađalêna là ai? Trong nhiều thế kỷ đầu của Giáo hội, người ta vẫn xem cô Maria Mađalêna là người phụ nữ tội lỗi được Chúa Giêsu ban ơn tha thứ khi xức dầu thơm chân Người rồi lấy tóc mà lau (x. Lc 7,36-50) hoặc có khi đồng hoá cô với Maria, em của cô Mácta làng Bêtania. Mãi đến năm 1969, sự phân biệt mới được thể hiện rõ trong Sách lễ Rôma. Vì không được giải thích rõ ràng, trước đây người ta vẫn thường nhận thánh nữ Maria Mađalêna làm bổn mạng cho những người phụ nữ từng có quá khứ tội lỗi nhưng biết hoán cải, và cả làm bảo trợ cho những người bán nước hoa và bán găng tay nữa. Sự nhầm lẫn kéo dài nhiều thế kỷ như vậy cho nên ngày nay vẫn không ít Kitô hữu vẫn còn ngộ nhận Maria Mađalêna với hai người phụ nữ trên.

Theo Kinh Thánh, thánh nữ Maria Mađalêna chính là người được Chúa Giêsu “giải thoát khỏi bảy quỷ”, sau đó đã cùng với Người và các Tông đồ đi “rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lc 8, 1-2). Thánh nhân đã được Chúa biến đổi cuộc đời nên đã quyết tâm dâng mình phục vụ và gắn bó với Người trong sứ vụ cứu độ. Điều này được minh chứng trong các trình thuật Tin Mừng về những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu, theo đó Mađalêna luôn là người đứng đầu danh sách (x. Lc 8, 2; Mc 15, 47; Mt 27,56). Không chỉ vậy, trong giờ phút ê chề, đau thương nhất của Đức Kitô trên núi Sọ, khi mà các môn đệ đã bỏ đi hết chỉ còn lại Mẹ Người, môn đệ Gioan và một vài phụ nữ đứng gần bên Thập giá, trong đó có Maria Mađalêna (x. Ga 19, 25). Chính ở giây phút này, cô Mađalêna đã cho thấy lòng trung thành và tình yêu nồng nhiệt đối với Đức Giêsu. Cô hăng hái, nhiệt thành, can đảm đi theo Chúa đến cùng, tận mắt chứng kiến cái chết đau thương của Người, trong khi các môn đệ thân tín của Chúa cũng đã bỏ trốn hết. Có lẽ để thưởng công sự trung thành này, mà thánh nhân được Chúa cho đặc ân là người đầu tiên đón nhận Tin Mừng Phục Sinh. Thật vậy, thánh nhân đã tới mộ khi trời còn tối, tại đó cô đã khóc khi thấy mộ trống. Vượt qua mọi sợ hãi, cô hỏi han “người giữ vườn”, để mong tìm được manh mối về xác Đức Giêsu. Mađalêna chẳng thể ngờ rằng cô đang gặp gỡ và truyện trò với chính Đấng Phục Sinh và sắp được Người trao cho một sứ vụ lớn lao – loan báo sự phục sinh của Người.

Hình ảnh cô Mađalêna, đơn độc tại nơi nghĩa trang, đối diện với một khủng hoảng – “người ta đã lấy xác Chúa”, là hình ảnh tượng trưng cho những người đi tìm Chúa đang phải đối diện với khoảnh khắc đêm tối của đức tin. Và thật ngỡ ngàng, Tin Mừng Phục Sinh được ban tặng đã khiến cô vỡ oà trong niềm vui. Và Mađalêna được trao cho sứ vụ báo tin phục sinh cho các môn đệ Đức Giêsu (Mt 28,8). Vì lẽ đó, mà từ thời xa xưa, người ta vẫn gọi Maria Mađalêna là Tông đồ của các Tông đồ.

Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu không đề cao giá trị của người phụ nữ. Họ chẳng những không có quyền lên tiếng ở Hội đường mà ngay cả trong các tổ chức của cộng đồng Do Thái, họ cũng không được quyền tham dự. Theo Luật Do Thái, dù họ có tài giỏi và đạo đức đến đâu, thì họ vẫn không có quyền đọc và giải thích Lời Chúa trong Hội đường. Nhỏ bé, thấp hèn là thế nhưng Thiên Chúa lại thực hiện những việc lạ lùng nơi những người phụ nữ. Nếu Đức Trinh Nữ Maria được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa, thì Maria Mađalêna được giao phó sứ mạng loan tin Phục Sinh trước hết. Không phải một bậc vĩ nhân hay một Tông đồ thân tín nào với Chúa mà chỉ là một người phụ nữ đi theo hầu cận Người lại được lãnh nhận hồng ân lớn lao này.

Hình ảnh cô Mađalêna – từ một người được Chúa giải thoát khỏi quyền lực Xatan, rồi trung thành đi theo Chúa và trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh, gợi lên hình ảnh Giáo hội lữ hành. Giáo hội – bao gồm những Kitô hữu được giải thoát khỏi quyền lực tử thần nhờ phép Rửa, trung thành bước theo Đức Kitô – cũng nhận lấy sứ mạng cao cả là rao truyền Lời Chúa cho mọi người ở khắp mọi nơi. Vì muốn cổ võ sứ vụ rao giảng Tin Mừng của các phụ nữ trong Giáo hội theo gương thánh Mađalêna, đức giáo hoàng Phanxicô đã nâng bậc lễ mừng thánh nữ từ lễ nhớ lên bậc lễ kính trong Phụng vụ Giáo hội Rôma kể từ năm 2016.

Đấng Bảo Trợ Dòng Đa Minh

Vào thế kỷ XIII, tại các nước Pháp, Ý, Đức đã rộ lên phong trào hối nhân: nhiều phụ nữ lầm lỡ vào con đường tội lỗi hoặc là nạn nhân của sự nghèo đói, đã ăn năn hoán cải và ước ao sống trọn lành theo các lời khuyên Tin Mừng. Những người này sẽ được các vị giám mục tập hợp lại thành những cộng đoàn sống kỷ luật. Thời kỳ này người ta vẫn còn nhầm lẫn Maria Mađalêna là cô gái điếm đã xức dầu thơm vào chân Chúa nên các cộng đoàn này thường nhận thánh nhân làm bổn mạng. Đặc biệt tại Đức, các cộng đoàn này cũng tiếp nhận và tuân giữ Hiến pháp của các nữ đan sĩ Đa Minh. Sau đó, có những cộng đoàn khác tại Ý cũng sống theo bản luật do cha Munio Zamora, Tổng quyền Dòng Đa Minh ban hành năm 1285. Những cộng đoàn này được gọi là “Cộng đoàn thống hối thánh Đa Minh” (Ordo de Poenitentia beati Dominici).

Đến năm 1286, cha Charles đã muốn Dòng Đa Minh tôn sùng thánh nữ Maria Mađalêna cách đặc biệt. Chắc hẳn ý tưởng của cha đã được gợi cảm hứng rất nhiều từ các cộng đoàn hối nhân và có lẽ cha đã nghiệm ra được mối liên hệ sâu xa giữa cuộc đời thánh nhân và sứ vụ Dòng Đa Minh. Mong muốn của cha đã thành hiện thực từ năm 1297, theo quyết định của Tổng hội Bôlônia, lễ kính thánh nhân được cử hành long trọng trong toàn Dòng, cũng từ đây Ngài là vị Bảo trợ đệ nhị của Dòng.

Linh Đạo Đa Minh

Anh Em Đa Minh có lẽ đã quen với câu châm ngôn Nói với Chúa, nói về Chúa[1]. Một cách khái quát câu nói ấy đã nêu lên hai chiều kích quan trọng trong nếp sống của một tu sĩ Đa Minh đó là chiêm niệm và hoạt động. Người tu sĩ Đa Minh đã được trao sứ mạng “Rao giảng Danh Đức Kitô, Chúa chúng ta trên toàn thế giới”[2]. Để thực hiện sứ mạng này, người Đa Minh phải có đời sống nội tâm gắn bó mật thiết với Đức Kitô là nguồn mạch trong sứ vụ của mình.

Cuộc đời của thánh nữ Maria Mađalêna đã truyền cảm hứng rất nhiều cho các tu sĩ Đa Minh. Nơi thánh nhân, họ thấy một mẫu gương trung thành, can đảm bước theo Chúa trên mọi nẻo đường để lắng nghe, phục vụ Chúa. Thật vậy, ngay cả trong những lúc đau khổ, mất hy vọng nhất trên con đường theo Chúa, người tu sĩ Đa Minh vẫn luôn được mời gọi vững tâm mà vác Thánh giá cùng Đức Kitô. Và rồi sẽ chính trong thời khắc thử thách đó, họ gặp được ánh sáng Phục Sinh. Khi đã được Lời Chúa soi chiếu vào cuộc đời mình, tu sĩ Đa Minh sẽ là những người tiên phong trong việc rao giảng Nước Trời. Họ sẽ như những ngọn đuốc sáng ngời chiếu tỏa ánh sáng của sự sống cho thế giới. Thật vậy, chiều kích chiêm niệm rất quan trọng với anh em Dòng Giảng Thuyết. Để có thể nói về Chúa một cách trung thành và quả cảm, họ phải có đời sống thân mật, nói với Chúa trong sự kiên trì mọi lúc, mọi nơi. Người tu sĩ Đa Minh nhận biết thánh ý Chúa không chỉ bằng những giờ cầu nguyện, phụng vụ nhưng còn qua chuyên chăm học tập, trau dồi kiến thức và qua sự hiệp thông cộng đoàn. Vững tâm tin tưởng và phó thác vào Chúa, người tu sĩ Đa Minh sẽ có được can đảm và hân hoan đem Lời có sức cứu độ và giải thoát đến cho tha nhân.

Kết

Tuy rằng, linh đạo Đa Minh không xuất phát từ cuộc đời của thánh nữ Mađalêna, nhưng qua cách thế ngài đi theo Chúa, linh đạo Đa Minh được sáng tỏ hơn. Chiêm niệm cuộc đời thánh nữ, người tu sĩ Đa Minh hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn nữa trong sứ vụ giảng thuyết. Họ được kêu mời tiêu hao chính bản thân mình để làm chứng cho cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Noi gương thánh Maria Mađalêna, anh em Đa Minh để cho mình mỗi ngày được hiệp nhất với Đức Kitô hơn và để Người biến đổi trở nên những tông đồ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, hoàn thành sứ mạng Chúa trao phó ngang qua Dòng.

[1] Hiến pháp tiên khởi, Phần II, số 31

[2] Đức Hônôriô III, Thư gửi thánh Đa Minh, 18.1.1221.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com