Mục Lục
Đức tuân phục là của lễ tốt nhất đẹp lòng Chúa, hệ tại dâng cho Chúa phần trọng nhất trong linh hồn, đó là sự tự do và ý chí. Bởi đấy, ta càng giữ đức tuân phục chặt chẽ bao nhiêu, thì sau này trên thiên đàng ta càng được vinh quang hơn bấy nhiêu.
VỀ ĐỨC VÂNG PHỤC [1]
Trích “Thư của cha Humberto, Bề trên cả thứ V, Dòng Giảng thuyết”, in trong Humberto Romans, Giải thích Tu luật thánh Augustinô (Học viện Đa Minh, 2015). Xem Phần 2 |
Lời chào và lý do bức thư
Tu sĩ Humberto, Bề trên Cả Dòng Anh Em Giảng Thuyết gửi lời chào thân ái toàn thể anh chị em là con cái trong ân sủng và đồng hưởng vinh quang. Nguyện chúc anh chị em sống cuộc đời đẹp lòng Chúa, hữu ích cho mình, làm vui lòng các thiên thần, làm khiếp sợ ma quỷ, và nên gương mẫu cho thiên hạ.
Anh chị em thân mến, tất cả những gì không chủ đích ngợi khen và làm sáng danh Chúa không kể chi hết. Bởi vậy, vì nhiệm vụ và tình huynh đệ buộc tôi luôn luôn, khi bằng thư viết, lúc bằng lời khuyên răn, nhắn nhủ anh chị em làm việc lành lánh xa việc xấu.
Như ta đã rõ, sự trọn hảo của linh hồn là do hai tài năng song đôi mà có, tức là lý trí và ý chí, hay là sự thông biết và nhân đức. Vì thế, người truyền bá Phúc Âm phải có cả hai đặc tính ấy để tiến đến chân lý và thánh thiện. Có thánh thiện mới nung nóng, có chân lý mới soi sáng: thánh thiện trong hành động, chân thật trong lời nói, theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã làm trước rồi mới giảng sau.
Vả lại, nhân tiện tôi gửi bức thư này để dạy bảo và khuyên nhủ anh chị em hãy cố gắng hết sức giữ kỷ luật Dòng cho chu đáo. Và đây tôi bắt đầu từ đức tuân phục, là nhân đức cốt yếu cho bậc tu trì.
Ngợi khen và tôn vinh Đấng là cội rễ và là cùng đích mọi sự lành. Amen.
Khuyên nhủ tuân phục
Anh chị em thân mến, ta hãy cố gắng luyện tập các nhân đức để nhờ đó ta nên giống Chúa Kitô, ta tiến trên đường trọn lành và được vinh quang đời đời. Điều trước tiên làm cho ta được thế, ai cũng tin chắc là đức tuân phục. Vì Chúa Giêsu đã tận tụy tuân phục Đức Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2). Cũng vì tuân phục mà Ápraham tổ phụ muôn dân đã bỏ quê cha đất tổ, bỏ cả thân bằng quyến thuộc, đến nỗi sẵn sàng sát tế đứa con thân yêu (St 22). Nhờ đức tuân phục mà ông Giôsuê đã vào được đất hứa, đã chiến thắng các dân thù địch (Gs 14; Ds 13; Xh 17).
Vì thế, nhân danh Chúa, tôi khuyên răn và nài xin anh chị em hãy lo lắng giữ đức tuân phục là nhân đức cốt yếu cho phần rỗi mọi tu sĩ. Vì ta nhận thức rõ ràng đức tuân phục là của lễ tốt nhất đẹp lòng Chúa, hệ tại dâng cho Chúa phần trọng nhất trong linh hồn, đó là sự tự do và ý chí. Bởi đấy, ta càng giữ đức tuân phục chặt chẽ bao nhiêu, thì sau này trên thiên đàng ta càng được vinh quang hơn bấy nhiêu.
Trong truyện tu hành có chép: một thầy dòng chọn đức tuân phục hơn các nhân đức khác, vì thế đã được lĩnh phần thưởng trọng nhất.
Sự bất tuân đáng ghét
Trái lại, tội bất tuân phục rất có hại và rất đáng ghét. Nó ví như tội thờ tà thần (1V 15). Khi không tuân phục là phạm tội ăn trộm, hoặc là ăn cướp, vì nếu không tuân phục cách âm thầm là tội ăn trộm, và nếu công khai là tội ăn cướp: vì cả hai trường hợp là lấy của không có sự ưng thuận của chủ. Đó là chiếm đoạt tự do lòng muốn mà ta đã dâng cho Chúa. Vì bất tuân phục mà tổ tông Adong đã bị trục xuất khỏi vườn địa đàng, bị tước mất sự bất tử, sự nguyên tuyền, và phải lưu đày chốn cơ cực (St 3). Ta thấy tội bất tuân phục độc địa là thế đó.
Những điều nguy hại đến đức tuân phục
Nhiều trường hợp làm cho đức tuân phục đáng ca tụng, thì ngược lại, nhiều trường hợp nguy hại đến đức đó. Có những người muốn chóng xong công việc, họ thi hành nhiệm vụ cách cẩu thả, có người xin phép quanh co, người khác chẳng nghĩ gì đến phép tắc, có khi phép đã bị từ chối nhưng họ cứ làm theo sở thích; có người phản đối lệnh Bề trên, nhưng sau cũng làm; người khác sốt sắng gật đầu vâng lệnh nhưng sau bỏ không thi hành; có người lẩn tránh kẻo bị sai khiến; có người tệ hơn nữa, họ tỏ thái độ ương ngạnh cứng cỏi đến nỗi Bề trên không dám sai khiến hay truyền điều gì. Người khác nói mình không biết, không thể thi hành, như thế là họ thêm tội nói dối vào tội bất tuân phục, vì thật ra, không phải là họ không biết hoặc không thể thi hành, một chỉ tại họ thiếu ý chí; người khác thi hành nhiệm vụ nhưng lẩm bẩm và miễn cưỡng, thiếu thành thật vui vẻ; người khác tuy có tuân phục, nhưng với vẻ buồn nản và rất chậm chạp; có người dùng cách hăm dọa hoặc lời cáu kỉnh để được như ý muốn, và nếu bị từ chối, họ làm xôn xao trong nhà và quay ra bực tức xách động. Những hạng người này, nếu đức tuân phục được xét cho ngay thẳng đúng mức thì họ đã vi phạm quá nặng. Nhưng khốn thay, họ chú ý đến những điều lặt vặt mà khinh thường những cái to lớn (Mt 23), họ phạt mình vì những lỗi nhỏ mọn, còn những điều trọng đại họ không chú ý đến. Hầu như họ không nhận thức được tình trạng như thế là nguy hiểm. Nếu họ muốn có tâm hồn thảnh thơi ngay chính, họ phải kịp thời gắng sức sửa chữa tình trạng xấu xa đó.
Phải tuân phục thế nào?
Để đức tuân phục của anh chị em được đẹp lòng Chúa, anh chị em hãy tuân phục mau lẹ mà không trì hoãn; nhiệt thành mà không càu nhàu; tự nguyện mà không miễn cưỡng, chống đối; đơn sơ mà không lý luận xét đoán; trật tự mà không chút lệch lạc; vui vẻ mà không tức tối buồn rầu; quả quyết mà không rụt rè; tổng quát mà không có luật trừ; kiên trì mà không gián đoạn.
Tuân phục mau lẹ
Người tu sĩ tốt lúc nào cũng phải chuẩn bị để đừng bao giờ nao núng, luôn luôn sẵn sàng tuân phục. Bởi đấy, anh chị em thân mến, anh chị em hãy nên như vàng có thể dát mỏng, như cái lạt mềm dẻo dễ uốn cong hoặc thẳng tùy ý người thợ. Hãy nên như cánh quạt nhẹ nhàng trơn tru quay theo chiều gió vẫn thổi (Ed 1). Hãy nên như con lừa trước mặt Chúa (Tv 72) để tùy ý Người muốn chồng chất bất cứ thứ gì trên lưng; như từ ngữ bình vần người thi sĩ có thể đặt ở bất cứ vần thơ nào. Người tu sĩ sẵn sàng tuân phục rất đẹp lòng Chúa và được mọi người ưa thích, vì không từ chối một lệnh truyền nào. Anh chị em đọc Sách Thánh thấy có câu: “Các tinh tú được xướng danh liền thưa: Tôi đây (Adsum)” (G 38), có ý bảo ta biết, tiếng người truyền lệnh và việc kẻ thi hành phải ăn khớp đến thế nào. Trong truyện tu hành có chép: một tu sĩ nọ vừa bắt đầu viết, có tiếng gọi, liền bỏ dở chữ viết để đi ngay. Ngược lại, có người nặng nề như hòn đá vuông cạnh, người vận chuyển nó phải vất vả đến ngã xỉu trên nó (Hc 10). Nhiều lần Bề trên cố gắng tập cho họ đức tuân phục đã phải vất vả cực nhọc do sự chống đối phản nghịch của họ.
Ta hãy hăng hái tuân phục theo gương người thủy thủ cấp tốc thi hành mệnh lệnh của thuyền trưởng. Nếu Bề trên truyền lệnh mà ta không tuân, ta phải hổ thẹn, vì nhiều khi người đầy tớ trông vào chút lương nhỏ nhen mà họ đã mau mắn vâng làm những việc nặng nhọc hơn là ta vâng lệnh Bề trên cho được sự vinh quang đời đời.
Phải nhiệt thành tuân phục
Đức tuân phục phải nhiệt thành, ta phải thi hành điều khuyên với tất cả tấm lòng nhiệt thành, như Chúa đã truyền. Vì ta không phải chỉ tuân phục loài người, nhưng là tuân phục Chúa trong con người ấy. Khi ta vì Chúa mà tuân ý kẻ khác tức là ta đã dâng của hy sinh đẹp lòng Chúa. Vì thế, bằng đức tuân phục ta hãy đóng đinh mình với Chúa Giêsu, và cũng như Chúa Giêsu ta hãy trói buộc tất cả cơ thể của ta, tin thật rằng ta nhiệt tâm vì Chúa mà buộc mình bao nhiêu, sau này ta sẽ được thong dong nơi Chúa bấy nhiêu.
Nhân đức tuân phục còn quý trọng hơn các vật tế (1V 15), vì nhờ đức tuân phục ta dâng cho Chúa sự tự do ý chí, còn vật tế chỉ là cái xác của loài vật. Người thế gian có thể sánh với ta trong sự ăn chay, thức khuya, cầu kinh, nhưng ta hơn họ do sự bỏ ý riêng: bằng đức tuân phục ta sẽ tiến bước trước họ để cùng với Chúa xét xử trong ngày thẩm phán (Mt 19). Vì vậy, ta đừng thua kém họ trong cả hai phương diện đó.