Về đức khó nghèo (Cp. Humbert Romans)

28-09-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2365 lượt xem

Nếu vì đức khó nghèo mà anh chị em chịu đói, chịu khát, chịu trần truồng, chịu những cái bất tiện, anh chị em hãy một lấy Chúa làm no đủ. Sự ngọt ngào của Chúa sẽ bù lại cách dồi dào mọi tiện nghi vật chất mà anh chị em đã vứt bỏ.


VỀ ĐỨC KHÓ NGHÈO

Trích “Thư của cha Humberto, Bề trên cả thứ V, Dòng Giảng thuyết”, in trong Humberto Romans, Giải thích Tu luật thánh Augustinô (Học viện Đa Minh, 2015). 

Bây giờ ta đề cập đến một lời khấn khác trong bậc tu trì, đó là bỏ quyền tư hữu để giữ đức khó nghèo. Anh chị em biết rằng, trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai mọi của cải phải để làm của chung (Cv 2). Ngay đến các thụ tạo khác cũng thông cho nhau sự tốt lành và chia sẻ bản thân cho nhau; cả những bộ phận cơ thể trong một thân xác cũng giúp đỡ nhau. Tất cả những sự việc đó bảo ta phải có sự cộng đồng tài sản.

1. Những lý do buộc ta từ bỏ của riêng

Chúa Giêsu đã làm gương cho ta trong sự từ bỏ của cải, và cha thánh Đa Minh lúc chết cũng đã trối cho ta điều này. Kinh Thánh cũng chứng minh như thế dưới nhiều hình thức: Chúa Giêsu khi chịu đóng đinh đã chịu lột hết áo mình ra (Ga 19) có ý dạy ta phải rũ sạch mọi quyền tư hữu. Thánh Mátthêu (Mt 8) và thánh Luca (Lc 9) còn quả quyết Chúa Giêsu chẳng có nơi dựa đầu và cũng chẳng có gì che thân.

Cha thánh Đa Minh khi về chầu Chúa đã trối cho ta đức khiêm nhường, đức bác ái và đức khó nghèo tình nguyện. Chính cha thánh để gương cho ta là ngài khó nghèo về tiền của, nhưng lại rất giàu có về đời sống trong trắng.

Trong sách Khải Huyền (Kh 12) thánh Gioan có nói đến người nữ mặc áo sáng như mặt trời, và mặt trăng ở dưới chân, có ý nhắc nhủ ta phải chà đạp hết thảy những gì hay thay đổi.

2. Những điều phạm đến đức khó nghèo

Khốn thay, nhiều người phạm đến đức khó nghèo khi họ ước muốn trong lòng, hoặc dùng lời nói thốt ra cách bất xứng, có khi bằng hành động làm hư hại đến đức này. Có người thèm khát những cái mà họ đã chê bỏ khi khấn dòng, họ quên rằng, dù chưa dám hành động, nhưng tâm trí xấu xa của họ đã bị Chúa phạt rồi vậy. Một vị tu hành ước muốn lấy trộm quả dưa, liền cắm mắt nhìn mặt trời, và nhờ sự phạt mình như thế đã lấy lại được lương tri và hãm được ý muốn hư hèn trong mình. Những ai hay mơ ước của cải mà trước kia còn ở ngoài đời không có, nếu muốn làm môn đệ trung thành của Chúa, hãy thành thật trút hết mọi trở ngại, gắng sức bước qua cửa chật hẹp để vào nước hằng sống (Mt 7).

Có người quá quyến luyến đến nỗi không sao chiều lòng cho kẻ khác vay mượn. Người khác giấu giếm sách vở hoặc đồ vật mình dùng khỏi mắt anh chị em kẻo khó từ chối khi anh chị em mượn dùng. Làm như vậy là đặt những của hư hèn lên trên tình bác ái huynh đệ. Phải xấu hổ mà nói, có những người vì quá ham mê của cải hèn mọn đến nỗi có ai hơi phạm đến của đó một chút, họ liền tỏ thái độ tức tối và chống đối bằng lời nói sống sượng. Có người dám nói: nếu không cho phép tôi được có, hoặc nhận cái này cái nọ, tôi sẽ không bao giờ cổ động cho nhà dòng trong những công việc này khác. Có người tỏ thái độ khó nết đến nỗi Bề trên không dám tịch thu một thứ gì của họ, hay truyền họ phải buông thứ đó ra trong một thời gian. Và nếu Bề trên có cất cái gì của họ, thì họ liền la lối khích động cả nhà. Khi họ tức tối dành quyền cho mình những vật dụng đó là tỏ mình có quyền làm chủ của đó vậy. Vì nếu họ không tưởng những cái đó thuộc riêng của họ thì không bao giờ họ dám khuấy động như thế.

Có người tuy bao giờ cũng xin phép nhận tiền hay tiêu tiền, nhưng họ muốn phép đó không bao giờ bị từ chối. Hạng người này cũng không thể chữa mình trước mặt Chúa, vì tâm hồn họ vẫn lưu luyến đến của cải. Có người khi muốn cho hay nhận của gì, họ khéo léo chờ lúc Bề trên đi vắng để dễ xin phép với cấp dưới, vì họ sợ xin phép với cấp trên dễ bị từ chối. Hạng người này, tuy bề ngoài, trước mặt người ta, có thể đúng đắn, nhưng đối với Chúa là Đấng xem xét thâm tâm, họ là hạng người đã bỏ con đường trọn lành. Có người cố tình giữ lấy cho mình thức ăn thức uống người ngoài biếu tặng, hoặc có chia sẻ thì chỉ cho những người mình ưa thích, còn những anh chị em khác có khi cần thiết hơn thì không được họ cho hưởng phần.

Có người được ủy quyền phân phát đồ dùng cho anh chị em, nhưng chỉ phân phát của trong tu viện cho những người không đáng được, hoặc bất cẩn để hư hỏng, hoặc phung phí cách thừa thãi. Người khác đối với mình thì phóng khoáng; nhưng đối với anh chị em thì chắt bóp hà tiện. Anh chị em hãy tâm niệm rằng, của cải trong tu viện là của bố thí giúp nuôi người nghèo khó, cho nên phải phân phát cho hết thảy anh chị em là những người đã vào Dòng để sống khó nghèo, tùy theo sự cần thiếu, sự khôn ngoan và với sự kính sợ Chúa.

3. Kẻ yêu mến đức khó nghèo phải ăn ở thế nào?

Người tu sĩ có tinh thần khó nghèo thật sự không nên nhận, hoặc cho hay giữ của gì mà không có phép; cũng đừng giấu giếm hay cho vay mượn, hoặc dùng trộm của gì. Mặc dù ta có quyền giữ những của cần thiết để làm của chung, nhưng không một ai có quyền giữ làm của riêng cho mình. Cha thánh Đa Minh đã giữ đức khó nghèo hết mực đến nỗi khi chết không có của gì làm di chúc. Luật tu trì cấm ta có của riêng, nhưng lại thúc bách ta làm công việc để mưu ích chung. Nhiều cái người tu sĩ phải từ bỏ không những trong hành động mà ngay cả trong ước muốn, đó là của tư hữu; có cái phải bỏ trong ước muốn, nhưng trong hành động không buộc bỏ, như đôi khi vì đời sống hoạt động được phép sử dụng và phân phát những của vật chất; và có cái phải bỏ trong hành động, nhưng không được bỏ trong ước muốn, như đôi khi vì đức tuân phục được tạm hoãn việc chiêm niệm những mầu nhiệm cao siêu.

Ở đây, ta thấy có nhiều người ca ngợi sự tốt đẹp của đức khó nghèo, nhưng lại không muốn chịu đựng sự túng thiếu. Chỉ khi nào với lòng nhiệt thành chịu đựng những sự túng thiếu khổ cực, lúc đó đức khó nghèo mới có giá trị trước mặt Chúa. Để giữ đức khó nghèo cách trọn hảo, anh chị em hãy rũ sạch hết mọi thứ tư hữu, coi mình là khách bộ hành không vương mắc điều gì, một hãy thỏa mãn với những gì Dòng ban phát cho ăn cho mặc mà thôi.

Do những điều vừa nói trên, anh chị em hãy cương quyết đừng ước ao có của gì ở đời này cách trái phép, đừng tìm kiếm cách bất xứng, đừng nhận, cũng đừng cho khi không có phép, đừng có của gì ngoài ý Bề trên, đừng xin phép quanh co, đừng giữ của gì trái đức bác ái huynh đệ, và cũng đừng phung phí vô ích.

4. Những nguy hại do sự chiếm tư hữu

Ai cố ý chiếm của kẻ khác làm tư hữu nghịch với lời khấn là tỏ mình trống rỗng ơn nhuần của Chúa. Kẻ cố chất chứa đầy túi thì phải khốn khổ bồi thường, và làm mất Chúa trong linh hồn. Người tu sĩ càng chồng chất nhiều của riêng bao nhiêu càng làm cho lương tâm thiếu trong trắng và nên nặng nề bấy nhiêu. Truyện tu hành kể một tu sĩ nọ vì đã giấu giếm giữ ít tiền, khi chết phải chôn ngoài đất thánh, bên cạnh có để mấy đồng tiền và trên phần mộ có ghi mấy lời chúc dữ: Tiền của mày theo mày mà hư đi. Những người giữ của riêng, nếu chết chưa ăn năn thống hối, phải khốn nạn như Giuđa phản bội, thấy Chúa Giêsu bị xử, liền vất của lại rồi đi thắt cổ.

Những kẻ tráo trở lấy của hèn chóng qua hơn phần thưởng quý trọng sẽ làm hư mất linh hồn mình và mất sự vui trên trời. Người tu sĩ đã khấn bỏ mình, bỏ những gì thuộc về mình để theo Chúa, rồi lại hư thân lăn mình vào những thứ đó, thật là ngu dại, vì nó lại quàng vào cổ cái cối đá đã được tháo gỡ, nó lại lăn mình vào bụi gai mà nó đã thoát, và như vùi mình trong bùn lầy mà trước kia đã được vớt ra khỏi. Nó như con chó mửa rồi lại ăn (2 Pr 2), như người cầm cày lại ngoái cổ đàng sau (Lc 9) để rãnh cày trở thành quanh co. Những kẻ đó nếu nhìn vợ ông Lot hóa tượng muối (St 19), chắc chắn không dám mơ ước những gì mình đã bỏ. Họ giống như người chỉ biết chồng chất của cải lên lưng lừa mà chẳng lo gì đến sự túng thiếu riêng mình, thật là kẻ mất khôn vì đã vi phạm lời khấn. Họ cóp nhặt của cải vật chất mà chết đói về của thiêng liêng.

Kẻ yêu chuộng của cải hơn chính mình là vì họ coi khinh hoặc không biết thứ tự hay là cấp bậc những thứ phải yêu chuộng. Họ đã chết cho thế gian mà còn sợ chết đói. Họ đã được gỡ khỏi gông cùm, rồi lại tự khóa mình vào gông cùm. Họ như người trong tàu múc nước vào tàu cho mình chết chìm, như người làm vườn rắc muối vào vườn  làm cho hoa trái ơn sủng không mọc lên được. Họ thật đáng gọi là kẻ thờ tà thần vì đặt tin tưởng vào tiền bạc hơn là tin cậy vào Chúa, Đấng duy nhất có thể giúp được cho mình cách hoàn toàn.

Kẻ coi Chúa Kitô kém hơn mấy đồng bạc, thật bất công chừng nào! Họ phạm tội nặng hơn Giuđa, vì đôi khi họ bán linh hồn mình chỉ vì mấy đồng bạc, còn Giuđa bán Chúa Giêsu ít ra cũng được ba mươi đồng (Mt 26). Kẻ yêu bùn đất hơn mọi sự khác là đảo lộn thứ tự thiên nhiên, vì Tạo Hóa đã xếp đặt bùn đất dưới mọi yếu tố khác.

Hỡi anh chị em là người tu sĩ, nếu anh chị em muốn được thư thái tiến lên thiên đàng, đừng bao giờ vác bao cát nặng trên lưng.

5. Những ích lợi bởi đức khó nghèo

Anh chị em thân mến, hãy vui thỏa với đức khó nghèo, và hãy gớm ghét mọi của chóng qua. Vì nếu anh chị em có Chúa Kitô ở cùng, anh chị em sẽ được giàu có, cho dù anh chị em chẳng có của gì đời này; nhưng nếu không được Chúa ở cùng, anh chị em sẽ ra nghèo khổ bần cùng, cho dù anh chị em có đủ mọi của cải thế gian. Xin Chúa là kho tàng của anh chị em, xin Chúa làm thỏa mãn mọi ước vọng của anh chị em; vì nếu không có Chúa, mọi thụ tạo đều nên rỗng tuếch. Bởi thế, nếu vì đức khó nghèo mà anh chị em chịu đói, chịu khát, chịu trần truồng, chịu những cái bất tiện, anh chị em hãy một lấy Chúa làm no đủ. Sự ngọt ngào của Chúa sẽ bù lại cách dồi dào mọi tiện nghi vật chất mà anh chị em đã vứt bỏ. Anh chị em hãy nhận thấy điều này, như kẻ nghèo khó dễ thoát tay kẻ trộm cắp, tu sĩ khó nghèo khi chết cũng dễ thoát khỏi cạm bẫy của ma quỷ; như vật nhẹ dễ bay lên cao, tu sĩ đã vứt bỏ của cải vật chất sẽ dễ dàng bay lên trời cao. Hãy xem gương Ladarô nghèo khó (Lc 16) được thiên thần Chúa đón rước lên thiên đàng.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com