[Văn nghị luận] Lòng nhân ái và sự vô cảm

16-05-2017
Bởi: Nguyễn Hoàng Bảo Có: 0 bình luận 6838 lượt xem

Trong những trang ghi chép cuối cùng của cuộc đời mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu có kể lại một sự việc ông đã chứng kiến:

“…Lúc bấy giờ mới khoảng 5 giờ sáng, sân ga Hàng Cỏ còn mờ mờ tỏ tỏ trong sương nhưng người đã chật ních. Có những dãy người xếp hàng ba hàng tư dài dằng dặc như rồng rắn. Người nào cũng khoác đầy hành lý trên mình, đang chuẩn bi vào phía trong ga để lên tàu. Chung quanh các dãy người xếp hàng là bạt ngàn những người đang ngồi giữa hàng đống, hàng núi hàng hóa, có lẽ lần đầu tiên tôi chứng kiến một buổi sáng tinh mơ mà khách đi tàu ở sân ga đông đến như thế. Và giữa cảnh đông đúc, chen chúc như vậy có một người đàn bà hãy còn trẻ, y như một kẻ mất trí, một người điên cứ hét vang cả sân ga: “các ông, các bà có ai thương tôi cứu tôi với”. Người đàn bà kêu đến khản cả giọng mà chung quanh chẳng ai đoái hoài. Người ta chỉ quay mặt lại nhìn một cách thờ ơ, vả lại ai cũng chất xung quanh mình hàng đống hành lí, lại mệt đứt hơi. Ai cũng chỉ đủ sức lo cho mình. Thì ra thế này, người đàn bà xuống tàu trong đêm với hai đứa con, đứa ba tuổi, đứa mới nửa tuổi. Mẹ con ngồi chờ sáng. Lúc vừa tảng sáng, mẹ bảo con ngồi đây trông em, mẹ đi giặt tã cho em một lúc. Mẹ đi đến vòi nước gần nhà xí công cộng, cũng khá xa, chen chúc mới giặt giũ được, giặt giũ xong quay về thì mẹ mìn chỉ chìa cái bánh đa đã dỗ được đứa con lớn đi theo, chỉ còn lại đứa nhỏ nửa tuổi nằm giữa sân ga một mình.

Nghe xong chuỵện, tôi chạy đến trước mặt một đồng chí công an đề nghị: các đồng chí nói loa đi, yêu cầu hành khách thấy khả nghi thì giữ lại, đứa dụ đứa trẻ thế nào cũng có vẻ khả nghi… Biết đâu nó còn quanh quẩn quanh đây. Yêu cầu mọi người giúp người ta. Đồng chí công an chẳng nói chẳng rằng, chẳng trả lời tôi lấy một lời. Còn hàng ngàn con người thì vẫn dửng dưng trong một vẻ ngái ngủ hoặc sợ mất cắp. Người đàn bà vẫn kêu gào giữa sân ga Hàng Cỏ như kêu gào giữa sa mạc”. (Rút từ tập “Trang giấy trước đèn”, NXB Khoa học xã hội, 1994, Tr. 140 – 141).___________

Hoàng Nghĩa Ánh

Nhà văn Mark Twain đã từng phát biểu rằng: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy”. Những tình cảm tốt đẹp đấy, những cử chỉ nhân ái đấy là chất keo gắn kết con người lại với nhau, là món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác và nó góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng đâu đó trong cuộc sống này, những hình ảnh, những hành động đối lập với lòng nhân ái vẫn hiện diện, đó chính là sự vô cảm. Trong thời đại mà giá trị vật chất được coi trọng như hiện nay, việc sự vô cảm tồn tại và đang lây lan một cách không kiểm soát là một điều mà khiến nhiều người trong chúng ta băn khoăn, trăn trở. Tác giả của “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu, cũng không ngoại lệ. Trong những trang ghi chép cuối cùng của cuộc đời mình, nhà văn kể lại một sự việc mà ông từng chứng kiến ở sân ga Hàng Cỏ, một sự việc khiến ông trăn trở về sự vô cảm cũng như về lòng nhân ái của con người trong xã hội. Với một cuộc sống luôn biến chuyển, chúng ta hiện nay liệu có còn những băn khoăn như nhà văn Nguyễn Minh Châu – một nhà văn đã sống cách chúng ta hàng chục thập kỷ?

Câu chuyện của Nguyễn Minh Châu được trích từ tác phẩm “Trang giấy trước đèn” kể về một sự việc chính mắt tác giả chứng kiến ở sân ga Hàng Cỏ vào lúc sáng sớm. Lúc đấy, sân ga Hàng Cỏ chật chội với những “dây người” dài như rồng rắn, với hàng núi hành lý và hàng hóa. Trong cái không khí chen chúc, xô bồ như vậy, văng vẳng tiếng kêu khóc của một người phụ nữ trông chờ sự giúp đỡ những người xung quanh những mong tìm lại được đứa con đi lạc. Không một ai đáp lại. Giữa cả hàng ngàn con người ở đấy, người đàn bà kêu gào thảm thiết, và cái chị nhận được chỉ là những cái nhìn dửng dưng, sự thờ ơ. Ở sân ga lúc này, chỉ còn lại chị và sự vô cảm đến đáng sợ của lòng người.

Vô cảm là một thái độ sống mà con người không có cảm giác, không xúc động trước một sự vật, sự việc trong đời sống. Hay nói đúng hơn, vô cảm là “căn bệnh” của những người không có tình yêu thương, không có sự đồng cảm với những nỗi đau của con người, của xã hội. Vô cảm là “một căn bệnh” có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng càng nghiêm trọng hơn khi nó càng trở nên phổ biến, và dễ lây lan. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sự vô cảm đã và đang tàn phá xã hội, đáng lo ngại hơn, những người mắc phải căn bệnh này đa phần là những người trẻ – thế hệ tương lai của dân tộc.

Theo đà phát triển của kinh tế xã hội, con người bị cuốn vào vòng xoáy của quyền lực, của những giá trị vật chất tầm thường mà trở nên vô cảm trước những nỗi đau, những bi thương của người khác. Vô cảm dường như tồn tại ở mọi nơi, và mọi tầng lớp. Nó xuất hiện đầy rẫy trong xã hội, đến học đường, len lỏi vào mọi gia đình, và tồi tệ hơn là nó xâm nhập vào bên trong mỗi người và khiến họ vô cảm ngay cả chính với bản thân mình. Nó là một “căn bệnh” mà mọi tầng lớp, mọi độ tuổi đều có thể mắc phải, và nổi trội hơn cả chính là ở “những người chủ tương lai của đất nước” – giới trẻ.

Trong cuộc sống thường nhật, bước chân ra đường, chúng ta có thể thấy vô vàn những hình ảnh của sự vô cảm. Đó là hình ảnh một người ăn mày nằm lăn lóc nơi ngã tư đường chờ đợi lòng tốt từ những con người đang vun vút lao đi, nhưng không một ai dừng lại chỉ để trao gửi chút tình thương cho đồng loại khốn khổ kia. Có chăng vì sợ liên lụy mà trước một tai nạn thảm khốc, thay vì sự tận tình giúp đỡ, con người lại bình thản chụp hình “check in” rồi đăng tải lên mạng xã hội cùng lời kêu gọi cầu nguyện cho nạn nhân xấu số? Chỉ vì lợi ích cá nhân mà người ta sẵn sàng dửng dưng với nỗi đau, nỗi khổ của người khác. Trong lúc bệnh nhân đang đau khổ chờ được chữa trị, thì “những từ mẫu của lời thề Hippocrates” lại thờ ơ và chờ đợi những chiếc phong bì được đút gọn vào trong túi áo mình. Hay vì vô cảm mà ban lãnh đạo của thủy điện Hố Hô sẵn sàng xả lũ khiến hàng ngàn hộ dân Hà Tĩnh, Quảng Bình chìm trong biển nước, hơn hai chục mạng người cùng nhà cửa và mọi tài sản đều theo dòng lũ mà đi mất. Nhan nhản những cảnh tượng đấy liệu có khiến con người trăn trở điều gì hay không?

Nguyên nhân của những cảnh tượng đau lòng đấy một phần là do những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Khi giá trị của đồng tiền lên ngôi, con người dường như bị “ma lực” của nó chi phối và điều khiển. Con người có thể chỉ vì những giá trị vật chất tầm thường đấy mà làm tất cả, bất chấp nỗi đau của người khác, bất chấp những giá trị đạo đức truyền thống. Một phần nguyên nhân phát xuất từ chính chúng ta. Martin Luther King từng nói rằng:

“Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói, hành động của những kẻ xấu mà còn sự im lặng đáng sợ của những người tốt”.

Thật vậy, sự vô cảm phát xuất từ suy nghĩ của mỗi người trong chúng ta. Trước những hoàn cảnh đau thương như vậy, chúng ta chỉ im lặng, chúng ta né tránh khi mà đáng lẽ ra chúng ta phải đồng cảm. Chúng ta bỏ quên những bài học của môn Đạo đức thời tiểu học, chúng ta đánh rơi những hành động cao đẹp của môn Giáo dục Công dân thời trung học giữa dòng chảy bất tận của cuộc đời. Những giá trị đạo đức đấy không những không được gìn giữ cẩn thận mà nay còn mai một và có nguy cơ “tuyệt chủng”. Hệ quả tất yếu chính là hậu quả tai hại của sự vô cảm mà chúng ta không hề muốn đón nhận.

Chúng ta đang sống cùng với hơn 7 tỷ con người trên thế giới này, thế nhưng sẽ ra sao khi mối tương quan giữa con người với con người ngày càng lạnh nhạt? Những hậu quả xấu mà “căn bệnh” vô cảm đem đến thật đáng buồn, thật khủng khiếp đối với mỗi chúng ta, đối với cộng đồng xung quanh và đối với toàn xã hội. Vô cảm biến con người thành những kẻ vô tri vô giác, vô lương tâm. Họ chỉ biết đến bản thân mình mà không hề suy nghĩ đến người khác, họ không màng đến nỗi khổ đau của đồng loại. Họ làm xói mòn những giá trị đạo đức tốt đẹp, họ vô tình biến mình thành những tên tội phạm bất chấp đến tính mạng của những người xung quanh. Cái xấu, cái ác giờ đây như cỏ dại trên “mảnh đất màu mỡ”, sinh sôi nảy nở và lan tràn không thể kiểm soát chỉ vì chúng ta làm ngơ, bỏ mặc chúng. Mạng sống của một con người giờ đây bị rẻ rúng, bị bỏ mặc chỉ vì những tư lợi cá nhân. Căn bệnh vô cảm không chỉ ảnh hưởng xấu lên những nạn nhân xấu số mà còn gây nguy hại đối với những người xung quanh. Sự tắc trách của những người lãnh đạo đẩy con người đến cùng cực của khổ sở, sự thờ ơ của bác sỹ sẽ cướp đi tính mạng của các bệnh nhân, vô cảm trước những nỗi khổ của những con người gặp hoàn cảnh sẽ đẩy xã hội, đất nước đến sự nghèo đói, đến bờ vực của sự suy vong. Thái độ dửng dưng đang khiến cho cái xấu, cái ác lây lan và tàn phá cuộc sống, phá hoại những giá trị đẹp đẽ của con người và hủy diệt truyền thống đạo lý tốt đẹp của nhân loại. Sự vô cảm tai hại là vậy nhưng không phải là không thể giải quyết được, điều này cần sự chung tay của toàn xã hội.

Nếu như vô cảm là một “căn bệnh” quái ác thì lòng nhân ái chính là liều thuốc hữu hiệu cho căn bệnh đó. Nhân ái là tình cảm yêu thương giữa con người với con người, là trao cho người khác một tình cảm tốt đẹp, cho đi nhưng không cần được đền đáp lại. Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng nói rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi”. Quả đúng vậy, chúng ta cần lắm những tình yêu thương vô vụ lợi như vậy, cần lắm sự đồng cảm đối với những hoàn cảnh khó khăn, cần lắm những tấm lòng quảng đại hy sinh vì người khác. Sự vô cảm như dòng nước lũ cuốn trôi đi tất cả những đạo lý truyền thống tốt đẹp thì lòng nhân ái như một cây đại thụ giữa dòng nước cuồn cuộn đấy để chúng ta bám víu. Lòng nhân ái chính là nơi chúng ta gửi gắm niềm tin về một cuộc sống chứa chan tình người trong một xã hội đang vùn vụt lao theo những giá trị vật chất tầm thường kia.

Vô cảm có thể xuất hiện và lây lan như một dịch bệnh khủng khiếp, thế nhưng đâu đó trong cuộc sống thường nhật, lòng nhân ái vẫn còn tồn tại. Không ồn ào, không náo động, không nổi trội, nhưng lặng lẽ, âm thầm mà phải để tâm chú ý chúng ta mới có thể tìm thấy. Giá trị tốt đẹp của lòng nhân ái chính là sự bình lặng đấy, một tình yêu không cần người khác biết đến như có người đã từng nói rằng: “Phần tốt đẹp nhất trong đời một người tốt là những hành động tử tế và yêu thương nhỏ bé, vô danh, không được nhớ đến”. Đấy là có thể là những hành động nhỏ bé như nhắc nhở người khác gạt chống xe trên đường đi làm, hoặc có thể là những tấm lòng hảo tâm ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị lũ lụt. Thật vậy, lòng nhân ái không chỉ là những biểu hiện trong lòng mà còn ở trong lời nói, trong hành động. Chúng ta có thể bắt gặp những hiệp sỹ đường phố truy đuổi những tên tội phạm, hay những sinh viên tình nguyện mùa hè xanh nơi hẻo lánh, nghèo đói. Họ quên đi chính bản thân mình, hết lòng vì người khác. Chính những con người đấy đang níu giữ lại tinh thần “thương người như thể thương thân” tốt đẹp mà nhiều người khác đang đánh mất. Chắc chẳng bao giờ chúng ta nghĩ rằng tinh thần nhân ái đến từ những cử chỉ, những hành động nhỏ bé như một cái nắm tay đồng cảm với những nạn nhân xấu số, một nụ cười với những người bán vé số, hay đơn giản chỉ là một ánh mắt đồng cảm đối với những người đang gặp khó khăn. Những con người quả cảm, những trái tim đầy yêu thương đấy mới thật đáng trân trọng.

Ai đó đã từng nói: “Bằng lòng tốt, bạn có thể làm những điều mà quyền lực không thể làm được”. Đối lập với hậu quả nghiêm trọng của sự vô cảm, lòng tốt mang đến hy vọng về một cuộc sống đầy tình thương, đầy tốt đẹp. Quả đúng thế, nhân ái chính là “tiên dược” chữa lành mọi bệnh tật, xoa dịu mọi nỗi đau trong lòng con người. Vết thương thể xác muốn lành lặn cần phải được bác sỹ chữa trị và kê đơn thuốc, và cần nhất đấy là sự chăm sóc của người thân, bè bạn. Nhưng vết thương lòng, những tổn thương về tinh thần – cái mà đến những “từ mẫu của lời thề Hippocrates” cũng phải bó tay –  thì khác, nó cần nhiều hơn thế. Nó cần sự quan tâm, cần sự chăm sóc, thấu hiểu từ những con người xung quanh. Sự quan tâm, chăm sóc đấy không có gì quá lớn lao, nhưng là những điều bé nhỏ như cái siết chặt bàn tay lúc ai đó yếu lòng, là bờ vai khi một người gặp thất vọng, là sự im lặng lắng nghe lúc người khác gặp chuyện buồn. Đừng bao giờ bỏ mặc một ai đó trong sự cô đơn cùng với nỗi đau của họ như trong lời của một bản nhạc: “Nếu một ngày bạn cảm thấy muốn khóc, hãy gọi cho tôi, tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười, nhưng tôi hứa sẽ khóc cùng bạn”.

Nhân ái thật đáng quý. Nó góp phần xây dựng nên một xã hội tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Mỗi ngày, chúng ta tiếp xúc với biết bao nhiêu người, chính vì vậy, chúng ta khó có thể tách mình ra khỏi mối tương quan với những người khác. Lòng nhân ái như một chất keo đặc biệt gắn kết con người lại với nhau, sự thống nhất đấy hình thành nên xã hội. Nếu tất cả mọi người đều yêu thương, đồng cảm với nhau sẽ hình thành nên một cộng đồng đoàn kết với một sức mạnh to lớn để vượt thắng mọi khó khăn, trở ngại của cuộc sống. Chính nguồn sức mạnh đấy là cơ sở cho một xã hội phát triển bền vững. Lòng nhân ái giúp con người nhận thức được vai trò của mình trong việc xây dựng công bằng xã hội và phát huy những nét đẹp của đạo đức truyền thống. Từ đó, con người định hướng suy nghĩ và hành động của mình vào thực thi những công việc bác ái nhằm đóng góp cho cộng đồng cũng như khẳng định được vai trò và xây dựng giá trị của bản thân. Giữa đầy rẫy sự vô cảm trong cuộc sống thường nhật, lòng nhân ái như những bông hoa bồ công anh giữa bạt ngàn cỏ dại, vẫn khoe sắc, vẫn rực rỡ để rồi nương theo cánh gió mang những “hạt giống lòng người” gieo vãi khắp nơi.

Lòng nhân ái kéo con người xích lại gần nhau. Nó giúp mỗi người thấy được nỗi đau, nỗi khổ của người khác để rồi khiến họ mong muốn được san sẻ những nỗi khổ đó, muốn được xoa dịu những nỗi đau đó. Lòng nhân ái xóa nhòa mọi khoảng cách, làm mờ nhạt cái ranh giới giàu nghèo vẫn tồn tại trong suốt lịch sử loài người. Lòng nhân ái thúc đẩy con người đến với những tâm hồn bất hạnh để yêu thương, để sẻ chia, để giúp đỡ. Chính vì vậy mà Charlie Chaplin, ông vua hài kịch người Anh, đã từng nói rằng: “Chúng ta ai cũng muốn giúp người khác. Con người là thế. Chúng ta muốn sống bên hạnh phúc của nhau chứ không phải sự khổ sở của nhau”. Và còn hơn thế nữa, lòng nhân ái không phải chỉ là món quà đầy ý nghĩa dành cho người được nhận, nhưng còn dành cho những người biết cho đi. Đối với họ, cho đi những giá trị cao đẹp đấy không phải là muốn được nhận sự biết ơn hay đền đáp của người khác. Món quà tuyệt vời nhất dành cho họ chính là sự thanh thản trong tâm hồn, niềm hạnh phúc lớn lao khi được tỏ bày yêu thương. Họ càng cho nhiều, họ càng nhận nhiều.

Dẫu biết rằng lòng nhân ái thật đáng quý trọng nhưng chính chúng ta cần phải biết cho đi một cách hợp lý tránh để những người nhận trở nên ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính chúng ta. Nếu chúng ta giúp đỡ quá nhiều thì người nhận sẽ trở nên lười biếng, không còn ý chí phấn đấu, vươn lên vượt khó. Chúng ta trao ban lòng nhân ái nhưng cũng cần phải để những con người đó nhận ra rằng có qua khó khăn họ mới có thể trưởng thành hơn, cố gắng nhiều hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thận trọng, không để kẻ xấu lợi dụng lòng nhân ái, cái mà đáng lẽ ra chúng ta dành cho những con người cần đến nó. Thật vậy, nhiều nhà hảo tâm hiện nay bị một số tổ chức đội lốt từ thiện lừa gạt, dụ dỗ để mưu lợi bất chính. Đấy cũng là một phần nguyên nhân khiến con người cảm thấy dè chừng khi thực thi đức bác ái. Chúng ta cần lên án những tổ chức, những hành động như thế, để lòng tốt được trao đúng người cần đến nó.

Lòng nhân ái và vô cảm là hai thái độ sống đối lập với nhau trong cuộc sống. Lòng nhân ái chính là liều thuốc hữu hiệu cho “căn bệnh vô cảm”. Sự vô cảm có thể hủy hoại cuộc sống, làm suy đồi hình ảnh của con người, nhưng bao lâu những tấm lòng nhân ái còn hiện hữu, chúng ta vẫn còn hy vọng xóa bỏ sự vô cảm trong lòng người, vẫn còn có thể mơ ước về một xã hội tốt đẹp hơn. Sự vô cảm của lòng người đáng sợ bao nhiêu thì lòng nhân ái thật đáng quý trọng bấy nhiêu. Bản chất trong mỗi người là luôn mong muốn tìm kiếm những giá trị đẹp đẽ, tìm kiếm những giá trị trường cửu với thời gian và lòng nhân ái có thể đáp ứng và thỏa mãn điều đấy. Thật đáng buồn khi tồn tại những hình ảnh vô cảm trong đời sống, nhưng còn đáng buồn hơn nếu những tấm lòng nhân ái vĩnh viễn biến mất.

Đối với mỗi chúng ta, điều cần thiết phải làm đấy chính là tôn vinh những giá trị cao đẹp của con người. Việc giữ gìn và phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc là điều cấp thiết giữa một xã hội đầy biến chuyển như hiện nay. Đề cao những tấm lòng nhân ái chính là góp phần xây dựng một xã hội tràn ngập yêu thương. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải lên án những hành vi vô cảm, thờ ơ với nỗi đau của người khác, tránh xa lối sống dửng dưng chỉ biết đến bản thân mình. Mỗi chúng ta phải biết yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh, đặc biệt là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Hãy đóng góp sức mình vì một xã hội công bằng và phát triển bằng cách cho đi thật nhiều và những thứ mà chúng ta nhận về thật đáng quý trọng, đáng tự hào biết bao.

Trong câu chuyện ở sân ga Hàng Cỏ, nếu những con người kia biết yêu thương và quan tâm đến người khác, chắc hẳn người đàn bà kia sẽ nhanh chóng tìm thấy đứa con yêu quý của mình. Cuộc đời cần lắm những tấm lòng nhân ái, cần lắm sự hy sinh giúp đỡ người khác để xóa bỏ đi sự vô cảm, xóa bỏ đi những cái nhìn dửng dưng như vậy. Yêu thương không phải để giữ trong lòng nhưng phải được bày tỏ bằng những hành động thiết thực. Nếu được viết tiếp câu chuyện ở trên của nhà văn Nguyễn Minh Châu, chúng ta sẽ viết những gì? Một kết thúc có hậu hay là những lời văn đầy trăn trở về sự vô cảm đến tàn khốc của con người?

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com