Tu học trong dòng Đa Minh

20-05-2024
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 545 lượt xem

Trong sách ‘‘Nhà Giả Kim’’ có câu: ‘‘Đừng quên đi cho đến hết con đường mình tự chọn.’’ [1] Câu nói gợi lên một ý chí kiên định, một lời khuyên cho một hành trình nào đó. Thật vậy, hiện hữu trong cuộc đời này, ai cũng có mơ ước và khao khát thực hiện ước mơ đó. Thật hạnh phúc biết bao khi ta bền tâm vững chí theo đến cùng lý tưởng cuộc đời. Chúng tôi, anh em Thỉnh sinh Đa Minh, mỗi người cũng có ước mơ của riêng mình: trở thành tu sĩ Dòng Đa Minh. Trên hành trình này, mỗi người cần trải qua quá trình tu học. Thiết nghĩ, hai yếu tố tu học này song hành và bổ túc cho nhau: không chỉ tu mà còn có học, không chỉ học mà còn chất tu.

Tu đi đôi với học

Người ta thường nói: tu mà không học thì khó có năng lực phục vụ tha nhân hiệu quả. Sự học không chỉ giúp ta thêm hiểu biết, mà còn giúp nhận định các vấn đề trong cuộc sống cách sáng suốt hơn. Đặc biệt trong thời đại hôm nay, với sự phát triển của kĩ thuật số, con người ngày càng biết nhiều hơn và có nhiều cơ hội để tiếp cận văn minh của nhân loại. Và để có thể đồng hành với tha nhân, người tu sĩ cũng cần nỗ lực nghiên cứu để đào sâu kiến thức và khả năng phán đoán, nhằm phục vụ tha nhân cách hữu hiệu.

Người tu sĩ Đa Minh cũng không ngoài vòng quỹ đạo đó. Linh đạo Dòng luôn nhắc đến học là khổ chế. Trong cuốn “Hành Trang Tinh Thần Dòng”, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn cho rằng: “Sứ vụ nào cũng cần tới khổ chế. Sứ vụ chân lý của Dòng cũng vậy, cần phải vác thánh giá, cần phải từ bỏ, hãm mình. Thánh giá mà thánh Ða Minh muốn con cái của mình mang vác chính là việc học hành”.[2]

Học hành là một trong những trụ cột của đời sống Đa Minh

Thật vậy, học hành không dễ như người ta thường nghĩ, nó đòi hỏi sự bền bỉ trong nghiên cứu, kiên trì tìm câu trả lời cho những vấn nạn khó. Người học cần biết phản tỉnh, đặt vấn đề và chuyên chăm truy tìm chân lý, mong đạt tới sự hiểu biết ngày một sâu rộng hơn về chân lý.

Học là khổ chế của người Đa Minh

Chân phước Humberto Romano, Bề trên Tổng quyền thứ IV kế vị thánh Ða Minh, đã nói: “Dòng trước tiên đã chọn việc học như mục tiêu trong việc thành lập Dòng; hay nói đúng hơn, học hành không phải là mục tiêu của Dòng, song nó tuyệt đối cần thiết để thực hiện mục đích của Dòng.” [3]

Qua đây, ta thấy được việc học quan trọng với người Đa Minh như thế nào. Cha Giuse Phan Tấn Thành cũng cho biết: “Việc học là một hình thức khổ chế, qua việc rèn luyện ý chí để chuyên cần học hỏi, cũng như qua việc giúp thi hành ba lời khấn dòng. Thật vậy, việc chuyên cần học hành giúp chúng ta lướt thắng tính ham mê của nhục dục, của tiền tài, ương ngạnh.” [4]

Thêm nữa, việc học dẫn người tu sĩ Đa Minh đến chiêm niệm, vì một đàng nó mở ra cho trí khôn biết chân lý đức tin, đàng khác nó đánh tan những sai lầm; việc học còn giúp cho sứ vụ giảng thuyết của anh em Đa Minh nữa.

Đó là lý do giải thích vì sao trong giai đoạn sơ khởi tại Thỉnh viện Đa Minh, Ban Đào tạo cố gắng giúp cho mỗi anh em mộ mến việc học hỏi thánh khoa và các môn học liên quan đến đời sống tri thức: ngoại ngữ, Việt văn, rèn nhân cách, … để anh em thủ đắc cho mình những tri thức cần thiết, giúp anh em có thể học tập tốt hơn ở những giai đoạn sau này.

Học đi đôi với tu

Bên trên ta đề cập đến việc tu mà không học thì hệ quả khá nghiêm trọng; nhưng nếu chỉ học mà không có chất tu, thì người tu sĩ có nguy cơ đánh mất lý tưởng đời tu của mình, bởi một lúc nào đó sự học sẽ mất định hướng. Cha Humberto Romano, nói rằng: “Một số anh em chuyên tâm học hỏi Kinh Thánh. Nhưng nếu việc học của họ không nhắm đến đạo lý để giảng thuyết thì việc học đó có ích gì cho họ?”[5]

Thật vậy, yếu tố tu trì phải đi đầu, sau mới nói đến yếu tố học hành. Công đồng Vaticanô II dạy rằng: đời tu là theo sát Đức Kitô (Sequela Christi), là để phục vụ tha nhân; như vậy, căn tính đời tu mới là căn bản của người tu sĩ.

Trong Giáo hội, căn tính đời tu và sứ vụ có liên hệ mật thiết với nhau, cả hai đều phát xuất từ nội lực của người tu sĩ. Chúa Giêsu đã nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37). Bởi vậy, Giáo hội rất cần những thợ gặt lành nghề để phục vụ trong cánh đồng truyền giáo. Muốn được như vậy, người đi tu cần nỗ lực tu tập, sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, sửa mình mỗi ngày và liên lỉ trong suốt cuộc đời, từ bỏ những gì mà thế gian đang theo đuổi như tiền bạc, địa vị, danh vọng, lạc thú…

Căn tính đời tu và sứ vụ có liên hệ mật thiết với nhau.

Thật ngược đời! Người tu sĩ từ bỏ mọi sự thuộc về thế gian, nhưng lại hòa mình giữa trần gian để cảm thấu nỗi đau của tha nhân, và phục vụ họ. Như vậy, người tu sĩ phải có đôi chân chạm đất nhưng đầu thì hướng thẳng về trời cao. Tu trì có nghĩa là sửa đổi bản thân một cách kiên trì sao cho xứng hợp với lời mời gọi từ Thiên Chúa. Khi đã ý thức bản thân đang sống trong ơn gọi tu trì, người tu sĩ hình thành cho mình “nội lực tu”, để trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng không xao xuyến hay vấp ngã.

Việc học hành là phương tiện để đạt đến mục đích phục vụ tha nhân và phần rỗi các linh hồn, nên người Đa Minh không thể xem việc học hành là cứu cánh để tôn vinh bản thân. Theo thánh Tôma Aquinô: “Việc học giúp cho đường tiến đức đã đành, nhưng mà cần có nhân đức thì mới học đến nơi đến chốn.” [6]

Nếu cho rằng việc học hành là cùng đích, thì khi gặp gian nan thử thách, ta dễ dàng ngã lòng, bởi lẽ ta không tìm thấy nền tảng nào để bám víu, không có nội lực tu để vượt qua những khó khăn. Chính vì vậy, xây dựng cho mình căn tu vững chắc sẽ là nền tảng để việc học hành nghiên cứu có chiều sâu hơn.

Thánh Tôma Aquinô và học hành nghiên cứu

Thánh Tôma Aquinô được biết đến là người có học vấn uyên thâm và đời sống thánh thiện. Ngài từng khuyên cậu tập sinh Gioan về phương pháp học, và thiết nghĩ đây như là kim chỉ nam cho mỗi anh em chúng ta noi theo trên con đường tu học: “Anh hãy đi từ điều dễ cho đến điều khó. Hãy cố gắng hiểu điều mà anh đang đọc hay đang nghe. Hãy khai thông mọi điều ngờ vực, và lưu giữ trong ký ức những gì có thể được. Đừng tìm kiếm những gì vượt quá khả năng của mình.’’ [7]

Thánh Toma Aquino là mẫu gương về học hành trong Dòng.

Đây thật sự là những lời vàng ngọc mà thánh Tôma Aquinô để lại cho anh em trong Dòng, và dù đã nhiều thế kỷ trôi qua, những dòng suy tư này vẫn giữ nguyên giá trị. Theo cách nhìn của một Thỉnh sinh, tôi nhận thấy có lẽ thánh nhân khuyên chúng ta nên ‘‘bước từng bước’’ trên hành trình tu học, và biết sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trong từng ngày sống. Biển học mênh mông, còn sự hiểu biết của chúng ta thì hữu hạn. Vì vậy, chúng ta hãy ý thức về sự hữu hạn của mình để thêm mộ mến việc học và luôn biết khiêm tốn trên hành trình tu học của mình.

Tạm kết

Qua những dòng suy tư trên, ta thấy rằng tu và học là hai yếu tố không thể tách rời nhau; có căn tu vững chắc ta sẽ mộ mến việc học, và việc học thăng tiến sẽ củng cố đời sống tu trì. Với những đòi hỏi ngày càng cao của thời đại, người tu sĩ càng phải trang bị cho mình kiến thức và những kĩ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của con người thời nay. Cách riêng, là những mầm non ơn gọi của Tỉnh Dòng, anh em Thỉnh sinh chúng ta cần biết kết hợp mật thiết với Chúa để luôn vững bước giữa “vạn lối trăm đường”; hãy tập ý thức và ghi nhớ rằng: “Học hành là khổ chế của người Đa Minh.”

Bài viết thuộc series nội san số 76: Trí trong đời tu


[1] Paulo COELHO, Nhà Giả Kim, Nxb. Hội Nhà Văn, 1988, tr 50.

[2] Giuse Nguyễn Trọng Viễn, Hành Trang Tinh Thần Dòng, chương III: tinh thần học hành, <https://hddmvn.net/hanh-trang-19-hoc-hanh-la-kho-che-cua-nguoi-daminh/>, truy cập ngày 07/4/2023.

[3] Đa Minh Chu Quang Đương, O.P., Giới Thiệu Ơn Gọi Đa Minh, tr 235.

[4] Giuse Phan Tấn Thành, Tìm Hiểu Dòng Đa Minh, Học Viện Đa Minh xuất bản năm 2016, tr. 103.

[5] Đa Minh Chu Quang Đương, sđd, tr 235.

[6] Giuse Phan Tấn Thành, Tìm Hiểu Dòng Đa Minh, Học Viện Đa Minh xuất bản 2016, tr. 111.

[7] Sđd, tr. 111.

FX. Nguyễn Băng Sông

Từ khóa: , , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com