Thánh Đa Minh – Nhà Giảng Thuyết Tin Mừng

24-05-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2798 lượt xem

Bài Giáo huấn của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong buổi tiếp kiến thứ tư hằng tuần tại Hội trường Phaolô VI, ngày 3 tháng 2 năm 2010

Anh chị em thân mến,

Tuần vừa rồi, tôi đã trình bày về những đức tính rạng ngời của thánh Phanxicô Assisi. Hôm nay, tôi muốn đề cập tới một vị thánh đã có những đóng góp rất lớn trong việc canh tân Giáo hội vào thời bấy giờ, đó là thánh Đa Minh – Đấng Sáng lập Dòng Giảng Thuyết hay còn gọi là Dòng Đa Minh.

Chân phước Giôđanô Saxônia – người kế nhiệm vị Sáng Lập trong vai trò lãnh đạo Dòng, đã phác hoạ một chân dung hoàn hảo về thánh Đa Minh trong lời kinh nguyện được nhiều người biết đến: “Cha đã bừng cháy ngọn lửa nhiệt tâm siêu nhiên. Với trái tim rộng mở và tràn đầy nhiệt thành, Cha dâng hiến trọn đời mình để sống đức thanh bần và noi gương các tông đồ, chăm lo việc giảng thuyết Tin Mừng.” Những lời này như một chứng từ nói cho chúng ta rằng, thánh Đa Minh là người luôn nói với Chúa và nói về Chúa. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa và chăm lo ơn cứu độ các linh hồn, là những điều luôn gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc đời của các vị thánh.

Thánh Đa Minh sinh tại Caleruega, Tây Ban Nha vào khoảng năm 1170. Xuất thân trong một gia đình quý tộc của Vương quốc Castile và nhờ được người cậu linh mục nâng đỡ, Ngài đã theo đuổi việc học tại một trường nổi tiếng ở Palencia. Ngài say mê nghiên cứu Kinh Thánh và có lòng bác ái với người nghèo, đến độ bán cả những cuốn sách quý giá của mình để cứu giúp những nạn nhân của trận đói kém.

Sau khi thụ phong linh mục, Ngài được chỉ định làm kinh sĩ nhà thờ chính tòa giáo phận Osma, quê hương của Ngài. Dẫu việc chỉ định này có thể đem lại sự kính trọng trong Giáo hội và xã hội, nhưng cha Đa Minh không coi đó như là một vinh dự cá nhân hoặc như khởi đầu cho một thăng tiến địa vị trong Giáo hội. Trái lại, coi như một công việc phục vụ, Ngài chu toàn nhiệm vụ kinh sĩ với tất cả sự tận tâm và lòng khiêm tốn. Phải chăng những người nắm giữ vai trò hướng dẫn và quản trị trong Giáo hội thì được miễn khỏi những cám dỗ quyền lực và địa vị? Tôi đã từng nhắc đến về điều này cách đây mấy tháng trong dịp lễ tấn phong một số giám mục: “Chúng ta không tìm kiếm quyền lực, vinh dự hay sự kính trọng cho chính mình… Chúng ta biết rõ những thứ này làm tổn hại thế nào cho xã hội dân sự và thường cho cả Giáo hội, bởi vì nhiều người có trách nhiệm chỉ thực hiện công việc cho chính bản thân họ hơn là cho cộng đồng.”

Giám mục Diego của giáo phận Osma, vốn là vị mục tử chân thành và hăng say, sớm nhận ra phẩm chất thiêng liêng của cha Đa Minh và đã chọn Cha làm người cộng tác với mình. Cùng nhau, họ lên đường tới miền Bắc Âu để thực hiện nhiệm vụ do Vua Castile uỷ thác. Trong chuyến hành trình ấy, cha Đa Minh nhận ra hai thách đố lớn cho Giáo Hội lúc bấy giờ: Nhiều sắc dân gần biên giới Bắc Âu chưa nhận biết Tin Mừng và tình trạng ly giáo lan tràn ở miền Nam nước Pháp – nơi đây, những hoạt động mạnh mẽ của người lạc giáo đang làm xói mòn đời sống Kitô giáo, nhiều tín hữu đã bị lung lạc đức tin và xa rời chân lý. Loan báo Tin Mừng cho người chưa tin và tái truyền giảng Tin Mừng cho các cộng đoàn Kitô hữu là hai mục đích mà cha Đa Minh dấn thân theo đuổi.

Nhân dịp giám mục Diego và cha Đa Minh yết kiến giáo triều, Đức Thánh Cha đề nghị cha Đa Minh giảng thuyết cho nhóm lạc giáo Albi – một giáo phái theo thuyết nhị nguyên, tin có hai vị thần tạo dựng: thần Thiện và thần Ác với quyền năng như nhau. Nhóm này chủ trương coi khinh vật chất, vì cho rằng chúng xuất phát từ nguyên lý sự dữ. Họ từ khước ngay cả hôn nhân và đi đến chối bỏ mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô, không nhìn nhận các bí tích như là phương thế Chúa dùng để gặp gỡ con người qua ‘chất thể’1, và cũng không tin sự sống lại của thân xác. Nhóm Albi xem trọng khổ chế, tỏ ra một đời sống gương mẫu khổ hạnh, và chỉ trích sự xa hoa của hàng giáo sĩ thời đó. Cha Đa Minh đã nhiệt tình nhận lãnh nhiệm vụ rao giảng cho nhóm lạc giáo này. Ngài chọn giảng thuyết Tin Mừng với một đời sống nghèo khó, nhiệm nhặt và đối thoại công khai. Thánh nhân dành trọn phần đời còn lại của mình cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng này. Những con cái thánh Đa Minh đã biến những giấc mơ của Ngài trở thành hiện thực: dấn thân trọn vẹn cho sứ mệnh “ad gentes – đến với muôn dân”, nghĩa là đến với những ai chưa biết Đức Giêsu, và rao giảng cho những cư dân thành thị, đặc biệt tại các thành phố có đại học, nơi mà các khuynh hướng tri thức mới mẻ đang là một thách đố đức tin đối với giới trí thức.

Vị thánh tuyệt vời này nhắc nhở chúng ta rằng, trong trái tim của Giáo hội, ngọn lửa truyền giáo phải luôn bừng cháy. Không ngừng rao giảng Tin Mừng là điều thiết yếu và, bất cứ khi nào cần, phải tái truyền giảng Tin Mừng, bởi vì Đức Kitô là sự thiện hảo lớn lao nhất mà những người nam và người nữ của mọi thời và mọi nơi đều có quyền được biết đến và yêu mến. Chúng ta được khích lệ lớn lao vì trong Giáo hội ngày nay, vẫn có nhiều mục tử và giáo dân nhiệt thành, các phần tử của các Dòng cổ kính và cả những phong trào mới trong Giáo hội, luôn sẵn sàng và hân hoan dấn thân cho lý tưởng cao cả, – đó là rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.

Được khởi hứng bởi một sứ vụ hấp dẫn, nhiều người đã nhập đoàn với thánh Đa Minh. Từ nền tảng đầu tiên tại Toulouse, Dòng Anh em giảng thuyết đã dần dần hình thành. Vâng lời các vị giáo hoàng Inocente III và Honorio III, thánh Đa Minh đã dùng bản luật cổ kính của thánh Âu Tinh và thích ứng bản luật này với các nhu cầu của nếp sống tông đồ – một lối sống cho phép Ngài và các Anh Em có thể thực hiện việc giảng thuyết lưu động, rồi sau đó trở về tu viện và những nơi học hành, để cầu nguyện và sống cộng đoàn. Thánh Đa Minh xem đời sống cộng đoàn với kỷ luật thanh bần và học hành là hai đòi buộc quan trọng và không thể thiếu cho sự thành công của sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Trước hết, Cha Đa Minh cùng các Anh em Giảng thuyết đã cho thấy chính họ là những nhà hành khất, nghĩa là, không có nhiều tài sản để quản lý. Điều này giúp họ dành nhiều thời gian hơn cho việc học hành, giảng thuyết lưu động, và biểu lộ một chứng tá sống động cho mọi người. Việc quản trị các tu viện và các tỉnh dòng dựa trên hệ thống tổ chức công nghị; bề trên của từng cấp được các công nghị tương ứng bầu chọn và được bề trên cấp cao hơn phê chuẩn. Chính cách thức tổ chức này đã giúp thúc đẩy đời sống huynh đệ và trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đoàn, đồng thời đòi hỏi sự tin tưởng cao độ vào từng cá nhân. Sự chọn lựa một hệ thống tổ chức như thế được hình thành chính yếu là vì, với tư cách là những nhà giảng thuyết chân lý của Thiên Chúa, các tu sĩ Đa Minh phải luôn kiên định với những gì mình rao giảng. Chân lý được học hỏi và chia sẻ trong tình bác ái với anh em khác, là nền tảng sâu xa nhất của niềm vui. Khi nói về thánh Đa Minh, Chân Phước Giođanô cho biết rằng: “Tất cả mọi người đều được Ngài đón tiếp bằng sự ấm áp của tình bác ái, và, với tình yêu thương dành cho tất cả, Ngài cũng được mọi người yêu mến…” 2.

Thứ đến, vì muốn các anh em phải được đào tạo vững chắc về thần học, và bằng một hành động can đảm, cha Đa Minh đã không ngần ngại gửi các anh em tới các đại học đương thời, khiến cho một số lớn các giáo sĩ thời đó tỏ ra nghi ngại về cách tổ chức học hành này. Hiến Pháp Dòng Anh Em Giảng Thuyết rất coi trọng việc học, xem đó như một sự chuẩn bị cho sứ vụ tông đồ. Cha Đa Minh muốn các Anh Em, bằng sự chăm chỉ và lòng đạo đức, phải hết mình cho việc học hành: chú trọng đến Sách Thánh vốn được xem như là linh hồn của mọi tri thức thánh khoa, và tôn trọng các vấn nạn được đặt ra bởi lý trí. Sự phát triển văn hóa đòi hỏi những ai thi hành tác vụ Lời, dù ở bất cứ cấp độ nào, cũng đều phải được đào tạo kỹ lưỡng. Vì thế tôi tha thiết kêu mời tất cả anh chị em – mục tử hay giáo dân, hãy vun trồng “chiều kích văn hóa” của đức tin, để vẻ đẹp của chân lý Kitô giáo có thể được hiểu biết sâu xa hơn và đức tin thực sự được nuôi dưỡng, củng cố và bảo vệ. Trong Năm thánh Linh mục này, tôi mong đợi nơi các chủng sinh và các linh mục biết trân trọng giá trị thiêng liêng của việc học hành. Phẩm chất của thừa tác vụ linh mục cũng tùy thuộc vào sự dấn thân mà mỗi người dành cho việc học hỏi các chân lý mạc khải.

Thánh Đa Minh – người đã ước muốn lập ra một Dòng của những nhà giảng thuyết thần học, nhắc nhở chúng ta rằng thần học hàm chứa chiều kích thiêng liêng và mục vụ, có khả năng bồi bổ linh hồn và đời sống chúng ta. Các linh mục, tu sĩ và tất cả các tín hữu đều có thể tìm thấy “niềm vui nội tâm” sâu xa nhờ việc chiêm ngắm vẻ đẹp của chân lý xuất phát từ Thiên Chúa, một chân lý luôn bền vững và sống động qua mọi thời. Hơn thế nữa, khẩu hiệu của Anh Em Dòng Giảng thuyết “contemplata aliis tradere – trao cho người khác những gì mình chiêm niệm” giúp chúng ta khám phá sự khao khát mục vụ trong khi chiêm niệm Chân lý, nhu cầu trao cho người khác hoa trái của việc chiêm niệm.

Thánh Đa Minh qua đời năm 1221 tại Bologna, dân thành nơi đây đã nhận thánh nhân làm Đấng bảo trợ. Công cuộc của thánh Đa Minh vào thời điểm ngài qua đời, đã có những thành công lan rộng. Dòng Anh Em Giảng Thuyết, với sự ủng hộ của Tòa Thánh, mở rộng ra nhiều quốc gia ở Châu Âu vì lợi ích của toàn thể Giáo hội. Cha Đa Minh được tôn phong hiển thánh năm 1234. Qua sự thánh thiện của mình, thánh Đa Minh đã chỉ cho chúng ta hai phương cách không thể thay thế làm cho hoạt động tông đồ sinh nhiều hoa trái. Trước hết là lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria mà Ngài đã hết lòng thúc đẩy với sự ân cần và để lại một di sản quý giá cho con cái thiêng liêng của Ngài. Lịch sử Giáo hội ghi nhận chính những con cái của Ngài đã có công rất lớn trong việc truyền bá Kinh Mân Côi. Lời kinh này vốn rất quen thuộc với các Kitô hữu, hàm chứa nhiều giá trị Tin Mừng, là trường học giáo dục đức tin và lòng đạo đức đích thực. Thêm nữa, khi chăm sóc cho một số đan viện nữ tại Pháp và Roma, thánh Đa Minh đã tin tưởng cách chắc chắn rằng, giá trị của lời chuyển cầu mang đến thành công cho việc tông đồ. Thật vậy, chỉ trong Thiên đàng, chúng ta mới hiểu được lời cầu nguyện của các đan sĩ hữu hiệu thế nào đối với các hoạt động tông đồ! Tôi muốn bày tỏ lòng tri ân và tâm tình quý mến của tôi tới từng đan sĩ chiêm niệm.

Anh chị em thân mến, ước gì đời sống của thánh Đa Minh thành Guzmán thôi thúc chúng ta biết hăng say trong cầu nguyện, can đảm sống niềm tin của mình và dành tình yêu sâu đậm cho Đức Kitô. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa luôn ban cho Giáo hội dồi dào các nhà giảng thuyết Tin Mừng đích thực.

Hoàng Tâm chuyển ngữ từ bản tiếng Anh, với hiệu đính tham khảo bản tiếng Pháp.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com