Trải Nghiệm Sứ Vụ Tông Đồ Nơi Miền Biên Giới Tây Ninh

10-07-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2634 lượt xem

Công Hàm – Khôi Nguyên

Tháng Sáu trôi qua thật nhanh. Khoảng thời gian đi thực tập sứ vụ tông đồ tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ để chúng tôi có được những trải nghiệm quý giá.

Sau khi kết thúc năm học 2016 – 2017, chúng tôi được quý cha trong ban Giám đốc sắp xếp thực tập tông đồ trong khoảng thời gian một tháng hè. Hai anh em chúng tôi được giới thiệu về giúp tại Giáo xứ Hòa Thạnh thuộc Giáo hạt Tây Ninh, Giáo phận Phú Cường. Đặt chân tới vùng biên giới của tỉnh Tây Ninh, mọi thứ đối với anh em chúng tôi đều lạ lẫm. Mảnh đất nơi đây vẫn còn những nét hoang sơ. Những cánh rừng hoang dại, đàn trâu thong thả nhấm nháp đám cỏ non trên cánh đồng, vài em nhỏ nhà quê gầy gò, đen đuốc nhưng rất đỗi hồn nhiên.

Mấy năm gần đây, chúng tôi phải xa quê lên thành thị thực hiện ước mơ. Thế nhưng kỉ niệm về thời niên thiếu ở vùng quê vẫn đầy ắp trong lòng. Xa quê nhưng lòng không lúc nào không nhớ về quê nhà. Đó không chỉ là tâm trạng của riêng tôi mà là tâm trạng của bất kì ai nặng lòng với quê hương xứ sở. Cho dẫu miền quê ấy có nghèo nàn đến mấy, đơn sơ đến mấy, lam lũ đến mấy, vì nó đã là một phần tâm hồn của mỗi người. Suy cho cùng, một người không nhớ quê hương, không xem quê hương là chốn lưu dấu, ngoảnh mặt quay lưng với tất cả những gì đã qua tại nơi mà mình từng sinh sống thì con người ấy chẳng thể nào “lớn nổi thành người”. Cho nên, nay đến với vùng biên giới xa xôi này, trong lòng chúng tôi thức dậy niềm nhung nhớ, bồi hồi về ngày xưa tháng cũ cùng những người thân yêu mà đã lâu rồi chúng tôi chưa được gặp gỡ… Đến với Tây Ninh như là trở về với quê nhà yêu dấu…

Cảnh thôn quê Hòa Thạnh

Khi còn ở Thỉnh viện, chúng tôi đã được nghe nhiều về đời sống nhân đức và lòng nhiệt thành tông đồ của cha Giuse Nguyễn Văn Nến – linh mục đang coi sóc đàn chiên tại Giáo xứ Hòa Thạnh. Đến đây, khi được chứng kiến những công việc cha làm và những đổi thay của giáo xứ, chúng tôi càng thêm cảm phục người anh lớn, vị mục tử giàu lòng hy sinh của chúng tôi. Cha chính là mẫu gương của vị mục tử Giêsu: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10) .

Cách đây mười lăm năm, xứ đạo này chỉ có vài chục hộ dân di cư từ những xứ đạo lân cận hoặc ở các nơi xa tới, sống xen lẫn giữa những người lương dân và người Miên (“Miên” là tên người dân địa phương vẫn gọi những người Campuchia được phép định cư ở đây). Kinh tế của người dân nơi đây hết sức khó khăn. Châu Thành là một huyện biên giới nghèo của tỉnh Tây Ninh và xã Hòa Thạnh là một trong những xã nghèo nhất của huyện này. Người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, nhưng đất đai cằn cỗi nên cây mì, cây lúa chẳng đủ nuôi sống họ. Một số hộ dân thậm chí chẳng có đất để canh tác nên sống dựa vào việc đánh bắt cá trên sông Vàm Cỏ Đông. Các gia đình thường đông con, chen chúc trên những chiếc ghe hoặc những chòi tranh tạm bợ bên bờ sông. Vào những ngày mưa, các thành viên trong gia đình chỉ biết ngồi co ro vào một góc nhà nhưng cũng chẳng thể tránh khỏi bị ướt.

Mặc dù chính quyền địa phương đã có những chính sách phát triển hạ tầng và hỗ trợ di dời, nhưng chỉ hỗ trợ được một phần. Trong khi đó, đây lại là một xã biên giới, trình độ dân trí còn thấp, khả năng làm kinh tế của người dân cũng còn rất hạn chế. Các tu sĩ Đa Minh khi mới đặt chân tới đây đã không thể nào cầm lòng, không chỉ vì những con chiên bơ vơ không người chăn dắt mà còn vì cái nghèo về vật chất và sự hạn chế về trình độ đang đeo bám lấy họ. Cha cố Phêrô Nguyễn Văn Huấn là vị tu sĩ tiên phong của Dòng Đa Minh đã đến nơi mảnh đất này, rồi đến cha Nến, cha Hiếu, quý cha, quý thầy cùng quý dì thuộc Hội dòng nữ Đa Minh Tam Hiệp đã hiện diện nơi đây. Tất cả đều đã cố gắng hết sức mình để lo lắng cho đời sống thiêng liêng của người dân, đồng thời tìm mọi cách để nâng cao trình độ văn hóa cũng như đời sống vật chất của họ. Hơn mười năm gắn bó với bà con, cha Giuse Nến gần như đã thuộc hết tên các con chiên của mình cũng như các con đường, con ngõ trong giáo xứ. Không những vậy, cha còn biết rõ từng hoàn cảnh gia đình, tính cách từng con chiên để sẵn sàng đồng hành và giúp đỡ họ.

Căn nhà tình thương được cha xứ hộ trợ xây dựng

Học sinh nghèo Hòa Thạnh được tặng xe đạp

Từ một vùng đất bìa rừng, hoang vu, cằn cỗi, lẻ tẻ vài chục hộ giáo dân, thế mà hiện nay, số giáo dân của Hòa Thạnh đã vượt con số tám trăm. Nhờ các ân nhân tài trợ, người dân Hòa Thạnh sau nhiều năm phải tham dự thánh lễ trong ngôi nhà thờ tre nứa tạm bợ, Giáo xứ giờ đây đã có ngôi Thánh đường khang trang, tọa lạc trên một khu đất khá rộng, trong khuôn viên cũng đã có đầy đủ nhà xứ và các phòng học giáo lý. Mỗi năm đều có hàng trăm em học sinh được hỗ trợ sách vở, học phí, xe đạp… để đi học văn hóa cũng như giáo lý. Quý cha cũng đã kêu gọi được các ân nhân giúp đỡ xây hàng chục ngôi nhà tình thương cho các gia đình trong xã và hỗ trợ một phần lương thực, thực phẩm cho bà con.

Nhà thờ Hòa Thạnh, năm 2006

Nhà thờ Hòa Thạnh hiện nay

Công việc chính của anh em chúng tôi là dạy học văn hóa, chủ yếu là các lớp tiếng Anh. Từ ngày có các lớp học hè mở ra, khuôn viên giáo xứ luôn rộn ràng tiếng cười nói của các em thiếu nhi. Các em tới học ở đây không phân biệt tôn giáo hay giàu nghèo và các lớp học đều miễn phí. Không những vậy, cha xứ còn tặng sách vở cũng như bút viết cho hầu hết các em học sinh. Ngài chỉ mong muốn một điều là các em chăm chỉ học hành, nâng cao trình độ văn hóa và nhận thức, để thế hệ các em sẽ bớt đi những vất vả khổ cực mà các thế hệ ông bà cha mẹ các em đang phải chịu đựng.

Bên cạnh việc dạy học văn hóa, chúng tôi cũng phụ giúp dạy một số lớp giáo lý dự tòng bởi vì đây là vùng truyền giáo nên luôn có những người mới gia nhập đạo Chúa. Những hôm không dạy học hoặc không có các công việc khác ở nhà thờ và nhà xứ, chúng tôi được quý cha và quý dì dẫn đi thăm một số gia đình trong xứ, nhất là những gia đình nghèo hoặc gặp khó khăn để động viên giúp đỡ họ về tinh thần cũng như vật chất.

Dù là một xứ đạo mới nhưng người dân Hòa Thạnh rất năng nổ trong việc tham dự Thánh lễ cũng như các sinh hoạt của giáo xứ. Đời sống thiêng liêng cũng như vật chất của bà con đang thăng tiến một cách nhanh chóng. Trong ngày 25 tháng 6 vừa qua, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Giáo phận Phú Cường đã tới chủ tế Thánh lễ và ban bí tích Thêm sức cho 75 em, một niềm vui lớn cho toàn thể Giáo xứ. Quả thật, Giáo xứ Hòa Thạnh đã trưởng thành một cách vững vàng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Nhiều người sau ít năm đi xa trở về Hòa Thạnh đã phải thốt lên rằng, thật là một phép lạ nhiệm mầu của Thiên Chúa. Giờ đây, cùng với sự cộng tác của cha phụ tá Batôlômêô Hoàng Tuấn vừa mới được bổ nhiệm về, cùng quý thầy giúp xứ, chắc chắn rằng, Giáo xứ Hòa Thạnh sẽ ngày càng thăng tiến hơn nữa.

Thánh Máctinô nổi tiếng là vị thánh hay làm phép lạ. Ngài đặc biệt yêu thương những người nghèo khổ và chuyển cầu rất đắc lực trước mặt Chúa cho những ai cầu xin Ngài. Giáo xứ Hòa Thạnh đã nhận Ngài làm vị Thánh bổn mạng nên chúng ta tin chắc rằng, những thành quả mà giáo xứ có được hôm nay là nhờ công phúc của những lời chuyển cầu đó.

Nguyện xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria và Thánh Máctinô, luôn đoái thương, tiếp tục tuôn đổ muôn ơn lành trên cha xứ, cha phụ tá, quý thầy, quý dì cùng hết thảy con cái của giáo xứ. Cầu mong cho đời sống đức tin cũng như đời sống vật chất của bà con nơi đây không ngừng thăng tiến, để nơi đây trở thành một giáo xứ lớn mạnh, hầu trở nên chứng tá sống động cho Chúa nơi vùng biên giới xa xôi này.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com